Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỨC TRANH SƠN MÀI XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH Ở BT LỊCH SỬ MATXCƠVA

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh
Thứ bẩy ngày 11 tháng 9 năm 2010 5:53 AM
Nhân ngày tưởng niệm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 12 / 9
 
Chặng đường những năm 1930-1931 là một thử thách lớn đầu tiên của Đảng ta ngay sau khithành lập. Đảng tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh chống thực dân Pháp, cường hào phong kiến theo hình thức Xô-viết, với lực lượng nòng cốt là nông dân và công nhân. Xô-viết Nghệ-Tĩnh đã trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên của lực lượng quần chúng cách mạng, gây được tiếng vang khắp trong và ngoài nước.
Mặc dù phong trào ngay sau đó bị thực dân Pháp đàn áp, nhưng ý nghĩa và ảnh hưởng của Xô-viết Nghệ-Tĩnh trở thành cột mốc vẻ vang trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với ý nghĩa to lớn đó, ngay sau khi Hội Mỹ thuật Việt Nam được thành lập (3-1957), Bác Hồ đã trực tiếp gợi ý và đặt một bức tranh lớn cho một tập thể các tác giả hoạ sĩ của Hội thể hiện. Bức tranh do hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng phác thảo cùng 5 hoạ sĩ Phạm Văn Đôn, Sĩ Ngọc, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận và Nguyễn Văn Tỵ thể hiện. Với tinh thần làm việc nghiêm túc và bám sát thực tế, các hoạ sĩ về tận nhà dân ở Nghệ An tìm hiểu tư liệu, con người, hiện vật để vẽ nghiên cứu. Bác Hồ đã trực tiếp duyệt phác thảo trước khi bức tranh được thể hiện bằng chất liệu sơn mài.
Tác phẩm có tính hoành tráng, mô tả phong trào nổi dậy của quần chúng với khí thế hết sức sôi động. Nhìn vào bức tranh, ta nhận ngay ra hướng tiến về phía trước của lực lượng quần chúng. Đó là hướng từ trái sang phải, cũng là quy luật thông thường theo quy tắc chiều thuận cổ điển từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Tập thể quần chúng người cầm gươm, người cầm giáo, gậy gộc... thể hiện quần chúng vũ trang khởi nghĩa, một trong những phương châm chỉ đạo chiến lược của Đảng ta trong đấu tranh cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên vũ trang khởi nghĩa. Đó cũng là hình thức cao trong quá trình vận động tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 và tiếp tục được nhân lên thành phương pháp cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp và giải phóng miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này. Phía cận cảnh bức tranh là bức tường với nhiều người đang vượt qua, một người đang bước qua tường, tay trái cầm vật dụng, tay phải chỉ về phía trước, một người đứng hẳn lên bức tường, tay phải cầm vật dụng cùng chỉ về phía trước như cổ vũ mọi người tiến lên.
Phía bên trái là một cụ già đang gióng trống. Phía bên phải, trong tốp người đi đầu có hai người khiêng và cũng đang đánh trống cổ vũ. Hồi trống trong bức tranh này không biết có phải là một ấn tượng hay không mà sau này khi nhạc sĩ Thái Cơ sáng tác một bài hát về Thái Bình có câu Nghe tiếng trống năm ba mươi, còn lay động đến bây giờ... Bức tường trong bức tranh có ý nghĩa tượng trưng rất biểu cảm. Bức tường là vật cản, là khó khăn thử thách mà quần chúng cách mạng vượt qua. Phía trước đoàn khởi nghĩa là người đang phất cao cờ đỏ búa liềm cùng những tấm biểu ngữ màu đỏ và các biểu ngữ lẫn trong đoàn người. Hình ảnh biểu ngữ trong tranh cho thấy cuộc khởi nghĩa có khẩu hiệu, cũng tức là có mục tiêu, đó là đấu tranh tự giác, có tổ chức, có Đảng lãnh đạo chứ không phải là đấu tranh tự phát. Phía bên phải sát mép tranh là một đoàn lính địch tay cầm súng chĩa về đoàn người. Hướng của bức tranh và những đường nét song hành của rừng cánh tay, gậy gộc, gươm giáo cho thấy đây là cuộc đấu tranh trực diện, quyết liệt với kẻ thù. Bối cảnh dựng theo một số cảnh quan gắn với cách mạng nổi tiếng thời đó ở Nghệ An.
Xô Viết Nghệ-Tĩnh là một tác phẩm rất điển hình về một sự kiện điển hình của lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Toàn bộ phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh như được gói gọn trong một bức tranh. Đây là bức tranh đơn nhưng tràn đầy yếu tố của tranh hoành tráng.
Được hoàn thành với kích thước lớn 4,5 mét vuông, năm 1957, Bác Hồ đã đem bức tranh này đi dự kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Hiện nay, bức tranh này vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Mat-xcơ-va trước Quảng trường Đỏ!
Ngày tưởng niệm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là ngày 12 tháng 9 hàng năm, đánh dấu bằng cuộc biểu tình của nông dân Hưng Nguyên và sự hình thành Xô viết đầu tiên. Hàng năm cứ đến ngày này lại có những hoạt động tưởng niệm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như dâng hương tưởng niệm, các chương trình biểu diễn, truyền hình...
Tên Xô Viết Nghệ Tĩnh được đặt cho một số con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Vinh, thành phố Hà Tĩnh... và một cây cầu ở Cần Thơ.
Nhiều chiến sĩ, những người lãnh đạo phong trào đã được phong tặng liệt sĩ, anh hùng, nhiều người tên được đặt cho nhiều con đường, trường học như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Kiệm, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Đổng Chi...
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh biên soạn (theo nguồn Huy Chương & BKTTM)
(*)Bức tranh sơn mài Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. Nhóm tác gải: Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sỹ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Văn Tỵ (Bản chính tại Bảo tàng Lịch sử Mat-xcơ-va)