Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRONG CON CÒN MỘT NGƯỜI THẦY

Nguyễn Lâm Cẩn
Thứ tư ngày 8 tháng 9 năm 2010 5:33 AM
Mấy lời thưa :
Thầy Nguyễn Thúc Chuyên, con cụ thượng Nguyễn Thúc Dinh, em GS Nguyễn Thúc Hào-Thầy dạy tôi năm học lớp 4, thời xẩy ra CCRĐ ở Nghệ An.Tình cờ đọc trên mạng, tôi có trong tay bài viết của thầy.Nhân dịp khai giảng năm học mới và để nhớ về người thầy suốt đời tôi kính trọng, xin gửi bài viết này của thầy tôi tới  bạn đọc yêu quý

 Đã là thầy giáo, cô giáo ai cũng có nhiều thế hệ học trò. Trong nhiều thế hệ học trò đó, có em đã để lại cho thầy cô giáo nhiều cảm tình. Ngược lại học trò khi đã chuyển lớp hoặc đã ra đời, thành đạt cũng rất có ý thức tôn sư trọng đạo đối với những thầy cô giáo đã tận tâm dạy mình khi xưa. Đó là nỗi niềm vui sướng của nghề nhà giáo. Cái gì đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người học trò cũ của mình vậy? Theo tôi ngoài tư cách đạo đức của người thầy còn có một yếu tố quan trọng nữa mà người học trò cũ của mình khó quên, đó là phương pháp dạy học và kiến thức sâu rộng của người thầy.
Sinh thời, giáo sư Nguyễn Đình Tứ (nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) đến mừng thọ 70 tuổi thầy học cũ dạy Toán của mình đã nói rằng: Em không nhớ gì hơn là nhớ cách dạy của thầy. Còn giáo sư Văn Như Cương cũng có lần đã nói lời ân nghĩa đối với thầy giáo cũ dạy ở bậc đại học như sau: Kính thưa thầy! Em nghĩ rằng thầy đã có niềm hạnh phúc lớn nhất của một nhà giáo có nhiều học trò nối nghiệp, song em cũng bái phục lạy thầy mà nói rằng: Thầy có cách dạy Toán mà em đã phấn đấu gần cả cuộc đời vẫn chưa theo được!
Đơn cử hai ví dụ trên để thấy rằng phương pháp dạy học của người thầy đã để lại những ấn tượng sâu sắc khó phai mờ của các thế hệ học trò. Hiện nay ngành Giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Đó là phương pháp hướng dẫn cho học sinh biết suy nghĩ, làm việc một cách độc lập và nắm được cơ sở lĩnh vực mình đang hoạt động ở trên lớp cũng như tự học ở nhà, thì chắc chắn các em sẽ tìm ra con đường đi cho mình. Do đó phát triển năng lực tư duy độc lập và óc phê phán, phân tích, luôn phải đặt ở vị trí hàng đầu trong giảng dạy, học tập; chứ không phải đơn thuần chỉ là việc truyền đạt thu nhận kiến thức giữa thầy và trò, cái mà A. Einstein cho đó là một mớ chết cứng. Làm được như vậy, khi rời ghế nhà trường, các thế hệ học sinh vào đời sẽ là những người năng động, sáng tạo, có năng lực tự học. Khi tìm hiểu về sách giáo khoa và phương pháp dạy học hồi đầu thế kỷ XX của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) giáo sư sử học Chương Thâu đã viết đại ý như sau: Số người theo học ngày càng đông có đến vài ngàn, vì trường có một phương pháp dạy mới đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của học sinh: học bằng cách nêu vấn đề, đặt câu hỏi... rồi cho phép học sinh tha hồ phản biện, bàn bạc, thảo luận, đối đáp tự do... vì học để cứu nước, để chấn hưng văn hoá - xã hội... Giáo sư Hoàng Tuỵ từng nói về hậu quả phương pháp thuyết giảng đối với học sinh được đào tạo hiện nay chỉ là những mẫu người ngoan ngoãn nghe lời, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hoạt động, hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm...
Lời tự sự của anh K.L, nguyên là một học sinh chuyên toán, viết về những người thầy xưa mà anh mang ơn (Tạp chí Tia Sáng số 18 ngày 20-9-2006). Sau khi thuật lại những cảm nghĩ của mình đối với các thầy cô giáo cũ, anh thổ lộ: Tôi có cảm giác rằng để sống và làm người cho tử tế, tối đã học được rất nhiều từ hai người thầy dạy Văn và Hoá kể trên, dù rằng các thầy đó không hề dạy tôi những chuyên môn cụ thể mà tôi đang làm hàng ngày. Người thầy dạy Văn đó không ồn ào và chắc ông cũng không kỳ vọng vào sự yêu văn học của lớp học sinh chuyên toán. Nhưng ông đã đem hết sức mình để chúng tôi biết về tình yêu quê hương đất nước, yêu cái đẹp, yêu sự học mãi và vun đắp những hoài bão.... ...Còn người thầy dạy Hoá thì đã chỉ cho chúng tôi thấy cuộc đời có thể nhiều ngang trái, nhưng cần học nữa để vươn lên, không chỉ học kiến thức, mà học cả cách sống. Ông động viên tôi và làm cho tôi sáng tỏ rằng cái danh ở đời nhiều khi là hư ảo, rằng tài năng thực sự đòi hỏi rèn luyện nhiều phẩm chất để cống hiến... Khi nghĩ về các thầy cô giáo cũ, anh K.L đã xếp loại những người thầy như sau:
- Người thầy trung bình chỉ biết nói.
- Người thầy giỏi biết giải thích.
- Người thầy xuất chúng biết minh họa.
- Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.
Từ đó, anh K.L đi đến kết luận rằng trong phương pháp giảng dạy thì người thầy phải biết truyền cảm hứng và lòng tận tâm. ... Truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn mình dạy là điều khó nhất trong nghề nhà giáo. Một nhà thơ ở Hải Phòng, sau 40 năm gặp lại người thầy giáo cũ, đã bộc lộ bằng một bài thơ, trong đó có đoạn cuối:
Gió Lào đêm lật ngược mái tranh
Chim lợn choéc, mở sách ra chẳng ngủ
Vượt thác ghềnh qua bao mùa lũ
Bốn mươi năm con được gặp thầy
Trời còn đây
Đất còn đây
Trong con còn một người thầy
Thầy ơi!...
(Nguyễn Lâm Cẩn - trích tập thơ Đêm Trắng. NXBĐT - 2001)
Nhân ngày 20-11, ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta xin chúc các thầy cô giáo hãy cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền cảm hứng cho các lứa học sinh thân yêu, đặng khi họ trưởng thành vẫn còn nhớ mãi trong con còn một người thầy.
Huế, 20-11-2007
N.T.C

THẦY ƠI !
Kính thầy Nguyễn Thúc Chuyên
 
Cứ ôm con mà nấc
Tuổi già còn bao nước mắt
Thầy ơi !
Con lặng im không nói nên lời
Để tay thầy lần từng sợi bạc
Để má thầy ấm dòng nước mắt
Để mình về lại ngày xưa
Để phút giây sống thực trong mơ
Càng đi càng thấy bơ vơ
Gió cũng nhọn
Cây xanh còn trái độc
Sông khát khao dòng ngọt
Đò sang bờ
Bến ở lưng trâu
Thả neo mình giữa hiểm sâu
Ngây thơ bắc hụt nhịp cầu
Thầy ơi !
Hạt cơm nhặt chốn vãi rơi
Đường cày sâu tận miệng
Xin thầy đừng nhắc chuyện
Tre làng xưa kèn kẹt gió vần xoay
Bốc lên còn nắm đất trong tay
Hồn cũng sợ ăn mày cửa Phật
Thiện ác tráo tay khuôn mặt
Quạ đen kêu rờn rợn tiếng người
Con quên sao cái thuở chín mười
Lời thầy trong từng chữ:
               Đời là cây cỏ
               Tự mà xanh...!
Gió Lào đêm lật ngược mái tranh
Chim lợn choéc, mở sách ra chẳng ngủ
Vượt thác ghềnh qua bao mùa lũ
Bốn mươi năm con được gặp thầy
Trời con đây
Đất còn đây
Trong con còn một NGƯỜI THẦY
Thầy ơi !
 
Hà Nội 2001
NGUYỄN LÂM CẨN
* Bài thơ rút trong tập Đêm trắng-NXB VHDT-2001