Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÁM CỰU BINH CHÚNG TA HÃY GỬI LỜI CÁM ƠN NHÀ VĂN NỮ THÙY DUƠNG

Tô Hoàng
Chủ nhật ngày 12 tháng 9 năm 2010 5:45 AM
 
 Như đã hứa, gặp chị ở Đại hội Nhà văn Việt nam lần thứ 8, Thùy Dương tặng tôi hai tập tiểu thuyết “ Thức giấc” và “ Nhân gian” chị mới cho ra mắt bạn đọc trong vài ba năm trở lại đây. Không gì xấu hổ bằng khi nhận sách được chính tác giả ký tặng để sau đó cất lên giá cho thời gian phủ bụi và khi gặp lại bạn văn hỏi, đành trả lời u ơ. Mà ở vào tuổi tôi đọc một vài chục trang, bỏ đấy bắt tay làm việc khác, y như rằng cuốn sách sẽ chịu phận hẩm thôi. Thành thử đọc “ Nhân gian” liền một hơi...
 “ Nhân gian” của Thùy Dương bao gồm cả thế giới người dương lẫn thế giới người âm. Người dương thời đương đại tất nhiên nhiều mưu chước, nhiều ham muốn, nhiều lầm lỗi vô tình hay cố ý. Và tất tả ngược xuôi, ăn không ngon ngủ không yên, tưởng sung sướng, no đủ, hạnh phúc  đấy nhưng hình như cũng đang quay cuồng, rượt đuổi khát vọng ảo của mình, trong một thế giới ảo. Thế giới người âm trong ” Nhân gian” đương nhiên là anh em, đồng đội lứa tuổi tôi đã ngã xuống trên các chiến trường thời chống Mỹ. Tuyệt nhiên, Thùy Dương không để người âm hằn học, óan trách hay suy bì tỵ nạnh gì với những gì người dương đang được hưởng, như trong đôi ba tác phẩm văn học khác. Anh em có thế giới riêng, có vui buồn, trăn trở riêng của mình. Và tất cả bọn họ đều giống nhau ở cái tình, cái nghĩa đối với cha mẹ, vợ con, người yêu họ gửi lại trên trần thế. Không biết các nhà phê bình văn chương chuyên nghiệp nhận xét ra sao, với tiểu thuyết “ Nhân gian” tình yêu, mối thiện cảm, nỗi xót xa đau đớn của cây bút nữ này dường như dồn hết cho những chàng trai trẻ ra đi một lần mà mãi mãi không trở về. Tài năng, bút lực, sức truyền cảm, kể cả điểm mạnh riêng được gọi tên là “ nữ tính” của tác giả “ Nhân gian” cũng như dành hết cho những người âm mặc áo lính. Đọc đến trang cuối, không muốn xa rời “ Nhân gian” có lẽ cùng vì lưu luyến, bâng khuâng không nỡ chia tay với nhữngvong hồn kia. Đành rằng, nói và viết về thế giới tâm linh, về sự sống vẫn còn hiện hữu sau ngày thể xác biến thành cát bụi đã có đĩa ghi âm của nhà ngọai cảm Phan Thị Bích Hằng, đã được đề cập trong nhiều cuốn tiểu thuyết khác viết về chiến tranh xuất hiện khỏang chục năm trở lại đây. Dẫu vậy, đọc tiểu thuyết  “ Nhân gian”của Thùy Dương, vẫn nhận ra  một thế mạnh rất riêng, một dòng cảm xúc không phải người viết nào cũng khơi nguồn được, một điều gì như một mảng hiện thực đầy ám ảnh–dù ngổn ngang, bề bộn trăm điều phải quan tâm trong cuộc sống hôm nay- nữ nhà văn cũng không thể gạt bỏ sang một bên. 
 Nếu đọc rồi, hẳn bạn đọc chắc còn nhớ những truyện ngắn độc đáo, đặc sắc Thùy Dương viết về những chuyến ra đi để chấp nhận không bao giờ còn trở lại của người lính thời chống Mỹ, về hậu phương của anh em với  sự chịu đựng, đức hy sinh không gì đong đo được của những bà mẹ, những người vợ trẻ, của những cô gái mãi mãi mang trong lòng nỗi ân hận vì nhiều lẽ không dám dâng hiến cho người tình những giây phút đam mê... Đó là các truyện “ Cô tôi”, “ Trinh nữ”, “ Làng bên sông”, “ Biển không chỉ có sóng”… Vào những năm chiến tranh, đã từng có rất nhiều truyện ngắn hay viết về người lính, về những vấn đề hậu phương của các anh như các tác phẩm của các cây bút Đỗ Chu, Lê Lựu, Triệu Bôn, Lê Minh Khuê..Truyện ngắn của Thùy Dương xuất hiện muộn hơn rất nhiều, sau đó đến hơn 20 năm. Xuất hiện vào cái thời buổi  dường như viết về đề tài này mà viết theo cảm hứng ngợi ca, mà ấm áp tình người,  người viết hình như nơm nớp lo sợ bị quy chụp là không thóat khỏi vòng văn chương minh họa; là né tránh sự thật; là không đổi mới... Không rõ, Thùy Dương có biết điều ấy không và chị vẫn dành cho những người lính, cho cha mẹ, vợ con họ những gì yêu thương, tự hào, trân trọng nhất. Chính ở điểm này, sao chưa thấy ai nói tới cái bản lĩnh, chỗ vững vàng,  không té nước theo mưa của cây bút Thùy Dương? Bởi lẽ không bao giờ được bôi nhọ gương mặt những ai đã ngã xuống. Bởi lẽ sẽ là thất đức nếu cố tình quên đi sự chịu đựng, đức hy sinh của những người mẹ, người vợ của anh em. Bởi lẽ lịch sử vẫn là lịch sử. Chất bi tráng  và lòng quả cảm của một thời sẽ mãi mãi vẫn là thứ vàng mười, thứ quý báu nhất, đáng trân trọng nhất trong tài sản tinh thần của chúng ta hôm nay và con cháu mai sau.
 Nhà văn nữ Thùy Dương sinh năm 1960. Khi  anh em chúng tôi xếp bút nghiên lên đường ra trận chị còn là một cô bé 4, 5 tuổi . Tết Mậu thân năm ấy, Thùy Dương lên tám. Hẳn nếu tình cờ gặp chúng tôi hành quân qua cái thị xã vắng vẻ vì mọi người đã đi sơ tánquê hương chị, cô bé Thùy Dương sẽ níu áo “các chú bộ đội” đòi chép bài hát mới Còn vào đợt Tổng tấn công và nổi dậy năm 1975, Thùy Dương tròn 15 tuổi. Nghĩa là Thùy Dương chưa từng qua trận mạc. Nếu có lây lan nỗi đau chia ly của chiến tranh, chắc cũng chỉ là nỗi bịn rịn đầu mày cuối mắt với một chàng trai cùng lớp sớm ngày mai sẽ lên đường nhập ngũ..Nhưng tình yêu non sông xứ sở, tấm lòng nhân hậu, óc liên tưởng và trí tưởng mãnh liệt đã giúp cho ngòi bút Thùy Dương  viết nên những trang sách chân thực, đầy sức truyền cảm mà đọc chúng, rất nhiều anh em cựu binh khi biết tôi quen với nữ nhà văn, đã nhờ tôi chuyển tới chị lòng biết ơn sâu sắc.
 Một lần nữa, cả dân tộc lại đang trừng mắt nhìn ra nơi phên dậu của đất nước. Và những người vợ, những em gái dám hy sinh mọi lợi lộc riêng tư để tiễn người chồng, người yêu lên các chốt tiển tiêu chắc chắn lại khơi nguồn cảm hứng cho những trang viết mới...
T.P Hồ Chí Minh đầu tháng Chín, năm 2010
Ghi chú ảnh:

Nhà văn Thùy Dương ( thứ hai tính từ trái qua) tại Đại hội Nhà văn Việt nam lần 8.