Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XIN ĐƯỢC… NGHÈO !

Vũ Quốc Tuý
Thứ sáu ngày 10 tháng 9 năm 2010 12:38 PM

Tiểu phẩm
 
 
 XIN ĐƯỢC… NGHÈO ! 

   HỒI 1

- Em sang nói khó với bác, bác làm ơn cho em vay ít tiền để em chạy lấy cái sổ  chứng nhận hộ nghèo
- Chú  khó khăn đến mức vài ngàn đồng mua đơn và nộp lệ phí đóng dấu xã cũng không có kia à?
- Đâu chỉ có vậy! Nếu công việc xong xuôi êm đẹp thì cũng phải làm vài mâm gọi là liên hoan mấy anh  em trong nhà chứ.
- Rõ cái chú này! Chưa nặn bụt đã…Nhà chú khang trang mái bằng bề thế, lại có cả tivi…mà lại xin được nghèo để người ta cười cho thối mũi ra à?.
- Đó là nhờ khoản tiền xã bồi thường mấy sào ruộng thu hồi của em để làm công trình nhà nước đấy chứ. Em mà không mau mau làm nhà và sắm sửa vội mấy thứ đó thì vợ con em  nó đem nướng vào số đề hết. Mà… hôm qua nó về con gì ấy nhỉ?
- Chú  định vay tiền tôi để đánh đề chứ gì!
- Đâu có, em nói thật mà. Bây giờ nhà em chỉ có cái xác nhà không. Ruộng vườn chẳng còn, nghề ngỗng chẳng có. Đứa con đi làm thuê cho công ty kia, nay cũng không có việc, phải bỏ, đang về  ở nhà ăn bám. Nhà có mấy con gà nuôi nhốt trong lồng cũng cúm tiệt. Em vác cái bơm xe ra đầu đường, có ngày chẳng kiếm được đồng nào.
- Ừ, hoàn cảnh chú kể cũng khó khăn thật. Nhưng trông vào cơ ngơi chú, ai dám cho chú là hộ nghèo?
- Thế mới phải chạy chứ. Xin được là hộ nghèo có lợi nhiều cái. Nào là tết nhất được hỗ trợ tiền ăn tết. Rồi được hỗ trợ cả tiền điện tăng giá..vân vân . Nói chung là rất nhiều cái lợi.
- Nói như chú thì ai chả thích nghèo. Thế theo chú, thế nào được gọi là người nghèo?
- Em hiểu thế này. Người nghèo là người có thu nhập không đủ bù đắp cho những chi phí tối thiểu của  nhu cầu đời sống theo mặt bằng ở từng khu vực dân cư. Bác nghèo ở phố thì bác ăn sáng bằng phở bò… Còn em nghèo ở nhà quê thì sáng ra điểm tâm bằng xôi lúa. Con của bác ở bên Mỹ nghèo rớt thì đi xe hơi…Biết  rõ điều này  nên em mới dám đi xin được làm người nghèo
- Xã mình đầy người như chú, chắc gì…Nhưng tôi hỏi chú, người ta cho chú một con cá hoặc dạy chú cách câu cá, việc nào chú thấy lợi hơn?
- Trước mắt, cứ qua cơn bĩ cực cái đã, sau này sẽ tính.
- Chú đã nói thế thì tôi cho chú vay. Cần bao nhiêu? Nhưng phải nhớ là phải trả lãi 10 phân, tức là mười phần trăm một tháng đấy nhá!
- Ôi, cám ơn bác, bác tốt với em quá! Hôm nào xong việc mời bác sang nhà em uống rượu gọi là liên hoan “rửa”…nghèo nhá. !

  HỒI 2 
                                                                      
- Xin bác cấp cho gia đình tôi cái sổ hộ nghèo
- Đơn đâu?
- Cũng phải đơn kia ạ?
- Việc xin-cho nào mà chả phải đơn từ giấy má! Thế nghèo từ bao giờ, nghèo đột xuất hay truyền thống?
- Dạ…dạ…bốn đời rồi!
- Xưa nay có ai nghèo khó đến ba đời đâu! . Nghèo cục bộ hay toàn diện? Nhà cửa, ruộng đất, con cháu,  tiền bạc, của chìm, của nổi  hay tình cảm, sức khoẻ...vân vân?
- Dạ, toàn diện.
- Đến đây bằng gì?
- Bằng chân…à quên, bằng xe máy.
- Có xe máy mà kêu nghèo!
- Dạ, đi nhờ.
- Xin giấy xác nhận không có xe máy của cơ quan cấp đăng ký xe. Nếu nghèo cả ba họ, ba đời thì phải có giấy chứng nhận giám định gien tức AND, nghe chưa Chớ có nhận nghèo bừa bãi làm mất thành tích xoá đói giảm nghèo mấy năm nay của xã, nghe chưa! .Thôi, hãy mua đơn in sẵn mang về nhà kê khai, xin xác nhận của các cơ quan đoàn thể… xong mang đến đây nộp rồi chờ xét duyệt, nghe chưa. Chỉ tiêu có 5 hộ thôi, xét duyệt cho 4 hộ rồi, chỉ còn một suất mà có tới một chồng đơn hơn trăm cái đấy.

KINH NGHIỆM QUÝ HIẾM

Con tàu Ti-tan-nat vượt trùng khơi chở theo rất nhiều vốn vay. Do coi thường dự báo thời tiết, tàu đã gặp nạn khi cơn bão Chán-Chú ào đến. Con tầu đã bị sóng gió đánh tơi bời, vỡ tung ra nhiều mảnh. Khi nhận được tín hiệu cấp cứu SOS, trung tâm cứu hộ đã kịp thời tung lực lượng vượt bão tố biển khơi đến chỗ tàu bị nạn. Rất may con tàu đã được vớt lên . Đến lúc này mọi người mới tá hỏa hoảng hồn ngã ngửa bởi biết rằng con tàu mới mua từ nước ngoài về đã bị mục ruỗng từ bên trong  và được “mông má” như mới mà thuyền trưởng cùng các bộ sậu toàn là tiến sỹ , kĩ sư đều không hề biết.( có thể là  cơ chế quản lý, do thiếu trách nhiệm,  có thể do năng lực kém  hoặc sử dụng toàn bằng cấp giả nên đã gây hậu quả nghiêm trọng). Song thật khó gõ đầu quy trách nhiệm, đổ tội cho ai, bởi đây là do cơ chế quản lý, kinh doanh kiểu ai muốn phá bao nhiêu thì cứ phá. Tuy nhiên cha chung thì mọi người cùng phải khóc. Mỗi đơn vị cứu hộ phải nhận một mảnh vỡ của con tầu mà tân trang sửa chữa rồi ghép lại mà chạy. Phải nói đây là một sáng kiến tuyệt vời, kinh nghiệm vô cùng quý hiếm. Con tầu được “mông má” lần hai này chạy được hay không, khoản nợ kếch xù để lâu có hóa bùn không thì chưa ai dám nói trước  . Hãy chờ xem!
 



         
       Vũ Quốc Tuý, khu 1A, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình