Bình bài thơ Vào thu của Vân Long
VÀO THU
Vân Long
Nắng như sánh hơn
Lá cây trong sáng hơn
Tưởng nghe được mùa thu nhẹ bước
Lao xao trên thảm cỏ mềm
Một gánh ổi thơm vào phố
Chùm nhãn đung đưa trên tay trẻ nhỏ
Trái thị vàng một sắc nhân gian
Gặp mùa thu lòng mình
Nửa thế kỉ - Gánh trên vai cái tuổi
Mùa thu vầng trán trầm tư
Lượng trời rộng sao lòng mình hẹp
Thiên nhiên không biết cũ già
Lá biếc, nghìn năm vẫn biếc
Tàn nở nghìn năm – vẫn hoa
Trận mưa thu ào qua
Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt…
(Bài thơ trong tập Vào thu – Thơ Vân Long, NXB Tác phẩm mới 1990)
GẶP MÙA THU LÒNG MÌNH
Trần Trung
Trong cảm nhận và tâm trí của mọi người, nhất là sức rung động tràn đầy thăng hoa của thi nhân, mùa thu dường như bao giờ cũng bừng thức những cảm giác dịu nhẹ, trong trẻo từ lặng lẽ của khí thu đến sắc xanh ngăn ngắt, thăm thẳm của bầu trời thu. Sức quyến rũ, mơ màng thật kì ảo tỏa lan trong cảm giác huyền hồ từ những mặt nước hồ thu…
Trong cái quy luật muôn đời của sự đón nhận nàng Thu, với một nét tinh tế riêng, nhà thơ Vân Long đã từ vẻ đẹp vốn có của mùa thu đất Bắc mà từ đó trưng cất và thanh lọc qua điệu tâm hồn đầy xao động của thi nhân:
“Nắng như sánh hơn
Lá cây trong sáng hơn
Tưởng nghe được mùa thu nhẹ bước
Lao xao trên thảm cỏ mềm”
Có cảm giác sánh quyện bởi sắc nắng vàng mật ong, giao hòa cùng cái trong trẻo của sắc cây lá khi thu về… trong cảm giác được lay thức từ cái nhìn thấy, độ nhậy trong tâm hồn thi sĩ giúp nhà thơ như lắng nghe được cả bước đi thật êm, thật nhẹ trong thoáng chút lao xao của Nàng Thu trên thảm cỏ mềm mại. Thi sĩ Xuân Diệu cũng từng sống trong những rung động tinh tế ấy khi nhà thơ đón nghe bước đi êm đềm của mùa thu:
“Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
(Xuân Diệu – Đây mùa thu tới)
Người đọc nhận ra từ những dòng thơ ấy nét tinh tế trong tâm hồn nhà thơ, người đọc như càng thấm thía hơn tấm tình yêu thương, trân trọng vẻ đẹp của mùa thu, vẻ đẹp của thiên nhiên và sự sống mà các nghệ sỹ hướng tới và trân trọng.
Từ cảm giác mở lòng ra để đón nhận đất trời vào thu, Vân Long thu vào một tầm quan sát, cô lại trong một không gian hiện thực – mùa thu vào với phố phường. Như thế cũng có nghĩa là nhà thơ đã tạo nên ấn tượng về sự hòa hợp giữa cái hồn nhiên, dân dã mang hương vị chân quê với vẻ thanh lịch của nhịp sống thị thành:
“Một gánh ổi thơm vào phố
Chùm nhãn đung đưa trên tay trẻ nhỏ
Trái thị vàng một sắc nhân gian”
Thế là mùa thu – quê hương lặng lẽ ùa vào, lặng lẽ dâng đầy ngỡ như mùa thu đang tự khoe sắc, khoe hương. Không gian pố phường như đang ướp thơm trong hương vị và sắc màu của mùa thu quê hương, xứ sở. Xưa nay, điều thường thấy trong thế giới tâm tình các thi nhân đó là sự nhạy cảm thường đi liền với niềm đa cảm, sự rộng mở tấm lòng khi hướng tới thiên nhiên, hướng tới cuộc đời lại liền kề với nỗi niềm chạnh buồn bởi những vấn vương nhân thế, thân phận. Vân Long cũng nằm trong quỹ đạo tâm tình ấy khi đón nhận cảnh sắc đất trời vào thu mà cũng chạnh lòng bắt gặp mùa thu lòng mình – chạnh lòng với tuổi vào thu.Nét tươi tắn thơ mộng của lời thơ chợt lặng vào trầm tư, ngẫm ngợi:
“Gặp mùa thu lòng mình
Nửa thế kỉ - Gánh trên vai cái tuổi
Mùa thu vầng trán trầm tư
Lượng trời rộng sao lòng mình hẹo
Thiên nhiên không biết cũ già
Lá biếc, nghìn năm vẫn biếc
Tàn nở nghìn năm – vẫn hoa”
Lời tâm tình về mùa thu của lòng mình đem đến cho bài thơ của Vân Long tiếng nõi trầm tĩnh, cũng là tiếng nói thật chân thành. Lời tâm tình ấy đặt trong mối tương quan trái chiều giữa cái rộng của “lượng trời” độ hạn hẹp của “lòng mình”. Nhà thơ đem đối chiếu sự khép lại trong ưu tư của lòng người với những gì tự mở ra, vượt lên thời gian “ không biết cũ già” của thiên nhiên và “lá biếc nghìn năm vẫn biếc”, và hoa vẫn là hoa trong “tàn nở nghìn năm”. Cứ ngỡ như những lời thơ tâm tình, tự bạch vừa trao gửi, giãi bày thiết tha lại vừa quay vào tự nhắn nhủ với chính lòng mình – nhắn nhủ để nhận ra mình khi đối mặt với những điều hiển nhiên, tươi tắn như không gì cưỡng được của tự nhiên tràn sinh lực.
“Trận mưa thu ào qua
Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt…”
Trong cái mạnh mẽ, dào dạt của trận mưa thu mướt mát đất trời, sắc nắng thu lại như bừng lên mà thắp lửa cho muôn cây lá. Nhà thơ như đang bị cuốn hút vào trạng thái biến hóa chuyển mình tinh vi và kì diệu từ thiên nhiên mà thức dậy trong lòng mình mùa thu của niềm tin yêu cuộc sống.