Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỚI MỘT NGƯỜI BÁN CHÁO

Lê La
Thứ hai ngày 13 tháng 9 năm 2010 5:11 AM

Bùi Thị Lê La: Theo chị, nghề bán cháo có từ bao giờ?
Người bán cháo(NBC): Từ khi xuất hiện tầng lớp dân đen lam lũ, nợ ngập đầu người “Rau cháo cầm hơi”, “Cháo húp vòng quang, công nợ trả dần” và ra đời những kẻ “Nói như cháo chảy”, “Ăn cháo, đái bát” thì đó cũng là thời điểm ra đời của nghề bán cháo.
Bùi Thị Lê La: ấy, “đá bát” chứ?
NBC: Hơ... hơ... ! Chú thuộc đám cầm bút nô bộc và lươn lẹo nhan nhản thời nay. Đám người luôn biến báo ngôn ngữ để làm nhẹ hoặc thay đổi bản chất vấn đề.
Bùi Thị Lê La:  Chị không nên nói kiểu quy chụp như thế?
NBC: Tôi không quy chụp mà nói lên một sự thật. Này nhé, cùng chung một hành vi, với dân đen các chú gọi đich danh là ăn cắp, ăn trộm còn với người có quyền, có chức thì gọi là tham ô, tham nhũng? Những căn bệnh như ăn cắp của công và nhận đút lót... thì được gọi chung là “có biểu hiện tiêu cực”. Những hành vi nhũng nhiễu, đè nén, ức hiếp người dân thì được gọi là quan liêu, xa dân, rời dân... Nhiều cán bộ cậy quyền, cậy thế hoạnh hoẹ hạch sách dân, nhũng nhiễu dân thì các cậu dùng từ “không ít”. Một công trình, một dự án mất cắp tới 30 - 40% thì được dùng chung là “có biểu hiện thất thoát”. Trong khi đó, rất nhiều người nông dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì các cậu nói là “không ít người dân chưa thoát đói nghèo” hay có hàng ngàn trẻ em thất học thì các cậu viết “vẫn còn không ít trẻ em không được đến trường”
Bùi Thị Lê La: Nhưng chứ “đái bát” thô thiển, nó thiếu văn hóa...
NBC: Hơ... hơ. Bản chất cao nhất của văn hóa là sự thật. Dùng những ngôn từ hoa mĩ để che giấu, lấp liếm sự thật là gian trá và vô văn hóa. Chữ “đái bát” tuy thô nhưng nó đã chỉ đúng bản chất sự việc. Cháo là loại thức ăn nhiều nước nên ăn xong thì đi đái nhiều. Hành động ăn xong đái vào chính cái bát mình vừa ăn mới bộc lộ đúng bản chất lưu manh, đểu giả của những kẻ có tính này. Còn “đá bát” vừa không lôzích bởi không ai lại đem bát sành, bát sứ ra đá như đá bóng bao giờ và nói như thế, nó làm nhẹ đi bản chất sự việc.
Bùi Thị Lê La: Trong các “thể loại” cháo, chị thích nhất món gì?
NBC: Tôi không chỉ thích mà còn tôn trọng món cháo hành.
Bùi Thị Lê La: Vì sao vậy?
NBC: Đơn giản vì cháo hành không chỉ là món ăn đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là vị thuốc.
Bùi Thị Lê La: Thuốc chữa gì vậy?
NBC: Bách bệnh. Chữa cả bệnh cho thể xác lẫn bệnh của tâm hồn.
Bùi Thị Lê La: Chị lại đùa...
NBC: Đùa là đùa thế nào? Ngày còn nhỏ, mỗi khi tôi đau yếu, cảm mạo, mẹ tôi thường nấu một bát cháo hành thật nóng rồi bắt tôi vừa thổi vừa ăn. Thật lạ là chỉ sau 7 lần húp vòng quanh, tôi vã mồ hôi và khỏi tiệt. Thế là chữa cho ta về thể xác.
Bùi Thị Lê La:  Còn chữa bệnh tâm hồn?
NBC: Cái này cụ Nam Cao đã viết rất rõ trong Chí Phèo. Cháo hành của ông vừa là bùa ngải ái tình, vừa là liều thuốc tẩy rửa nhơ nhuốc, kéo con người ra khỏi tội lỗi và đặc biệt là thức tỉnh được cả lương tri của những kẻ du thủ du thực. Tôi cứ nghĩ nếu không có cháo hành, Chí Phèo sẽ trở về bản chất lương thiện bằng cách nào nhỉ? Cháo hành chính là vị thần dược cứu rỗi linh hồn anh Chí, khiến anh Chí trở nên bất tử. Chú biết không, mấy hôm đại hội Nhà văn ấy, có tay nhà thơ sáng nào cũng qua chỗ tôi làm bát cháo hành để “tẩy rửa tâm hồn”. Ôi, giá đại hội nào cũng yêu cầu các dại biểu phải ăn cháo hành buổi sáng thì thị trường cháo hành chắc là oanh liệt lắm.
Bùi Thị Lê La: Chị có sợ cơ chế toàn cầu hoá sẽ tác động vào món cháo của chị?
NBC: Không. Cháo là món “quốc hồn, quốc tuý”.
Bùi Thị Lê La: Chị không sợ một ngày nào đó trên thế gian này không còn những kẻ “Ăn cháo...” nữa?
NBC: Ngược lại, tôi đang phát tài vì những kẻ “đái bát” đang ngày một nhiều lên. Tôi sợ điều khác cơ...
Bùi Thị Lê La: Chị sợ điều gì vậy?
NBC: Tôi sợ họ lợi dụng món cháo để thực hiện điều gì đó. Ví dụ như họ ném cho người ta một bát cháo loãng rồi kêu toáng lên rằng tôi tốt đẹp lắm, có tấm lòng nhân hậu, có tinh thần tương thân, tương ái hay những mỹ từ đại loại như vậy.
Bùi Thị Lê La: Tuy không hẳn đồng tình với chị nhưng cũng xin được cám ơn chị về thái độ thẳng thắn trong cuộc trao đổi này!