Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN NHỎ…KHÔNG NHƯ CON THỎ ĐÂU ! (3)

Tô Hoàng
Thứ ba ngày 7 tháng 9 năm 2010 9:09 PM

 

 

Những chùm bóng bay đủ màu sắc. Cờ Tổ quốc. Cờ đuôi nheo. Những gương mặt ngây thơ, đáng yêu với đôi mắt mở to, nụ cười bẽn lẽn của các cô các cậu học sinh lớp 1, lớp 2. Những tà áo trắng thướt tha , tóc tém hay tóc buông thả ngang vai thì cũng là mớ tóc của tuổi xuân thì. Những cặp mắt trong veo,hiền hậu đấy mà cũng tinh nghịch đấy; những đôi mắt kín đáo, giàu nghĩ suy ẩn phía  sau những cặp kính trắng-dù thế nào đi nữa cũng vẫn nhận ra vẻ háo hức, khát khao muốn tìm hiểu cuộc đời-tất cả là của riêng, là vẻ đẹp trời ban chỉ xẩy ra một lần trong đời các cô nữ sinh lớp 11, 12. Những chiếc trống trường. Một lát nữa thôi sẽ tấu lên khúc hoan ca báo hiệu năm học mới đã bắt đầu….Những hình ảnh như trên mấy hôm nay tràn ngập trên các trang báo viết, báo hình nhân ngày khai giảng niên học 2010-2011 của  các trường PTCS, PTTH suốt từ miền xuôi lên miền ngược, từ ngòai Bắc vào Nam.

Lẽ đương nhiên, trước vẻ hồn nhiên, trong sáng của các cháu học sinh, trước không khí linh thiêng của buổi khai trường, không một ai muốn nhắc tới, nhớ tới những chuyện “lình xình” kéo dài hết từ năm này qua năm khác, hầu như đã “ miễn nhiễm” trước các khả năng tháo gỡ của ngành giáo dục...

Ồ, mà sao trong các buổi lễ khai giảng năm nay, ở mọi các sân trường trong Nam ngòai Bắc không thấy nơi nào, cháu nào giương lên tấm ảnh của Giáo sư Ngô Bảo Châu nhỉ? Nhà nước và học sinh, sinh viên chẳng vừa tưng bừng, trọng thị đón anh tại Hội trường hội nghị quốc tế ở Mỹ Đình( Hà nội) đó sao? Đối với các em, Giáo sư Ngô Bảo Châu không chỉ là tấm gương của tinh thần hiếu học, của óc thông minh, trí sáng tạo mà qua những gì anh phát biểu ngay tại buổi lễ ở Mỹ đình, Giáo sư còn nêu tấm gương sáng về  ơn nghĩa thày trò, về công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành, của bầu bạn; cả về niềm tự hào với quê hương tuy còn nghèo khổ nhưng vẫn chắt chiu từng hạt gạo, hạt muối nuôi nấng những mần đọt trí tuệ trước biết bao thử thách, khó khăn…Nghĩa là về tất cả những gì mà các giờ công dân giáo dục trong nhà trường còn nói ít, hoặc nói chưa đủ. Ồ, thế thì tại sao các thày các cô, các cháu học sinh không nghĩ ra việc giơ cao ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu (dù khổ to hay khổ nhỏ cũng được!)trong buổi lễ khai trường?  Không nghĩ ra, hay từ xưa đến nay thày cô và các cháu đã quá quen với những quy định bất thành văn rằng, chỉ được trưng ảnh các đồng chí lãnh đạo trong sân trường vào dịp khai giảng?

Một chuyện nữa không thể bỏ qua…Hầu như rất kịp thời, rất đồng thời với những bức ảnh, những bài viết ghi lại lễ khai trường ở các nơi , trên báo viết, báo hình cũng nhan nhản những bài và ảnh về các “hung tin”. Chỉ xin trích ra đây một ít “ hung tin “liên quan tới tuổi trẻ: “ Xác định thủ phạm vụ xác chết lõa thể ở nhà nghỉ”.” Nhập viện sau 5 ngày “ yêu” cuồng nhiệt trong kỳ nghỉ”. “ Những kiểu yêu mới của nữ sinh mang họ “ Sở””. Án mạng trước cổng trường từ “cuộc chiến” của các nữ sinh”. “ Lối về cho các cậu học trò giết bạn”. “ Tội lỗi từ cuộc tình vụng trộm”. “ Những bóng hồng trong vụ bắn người vi phạm giao thông”. “Đôi nam nữ chết trong phòng trọ”. “Gửi quà sinh nhật cho bạn gái bằng lựu đạn”.”” Bẫy tình “trong nhà nghỉ của cô thợ cắt tóc”. “Nghi phạm sát hại đôi nam nữ trong phóng trọ bị bắt”. “ Ngất xỉu khi thấy bạn gái bị sát hại”.  “ Hàng lọat nữ sinh bán dâm trong phòng gội đầu”… Tít tựa giật gân, mùi mẫn xứng đáng trở thành tít tựa cho những cuốn tiểu thuyết hình sự, những bộ phim hành động căng thẳng, hồi hộp nhất. Nội dung bài miêu tả tỷ mỉ, không cần né tranh, càng nhiều chi tiết ghê sợ, hãi hùng đến nổi gai gà càng hay! Đọc những lọai tin, lọat bài này các bậc làm cha làm mẹ, các bậc cao niên đã là ông nội bà ngọai chắc chắn sẽ đau đầu, mất ngủ bởi biết bao câu hỏi: Đám thanh niên vô luân, phạm tội kia vừa mời hôm nào từng là học sinh cấp 2, cấp 3; nhà trường, xã hội đã bảo ban, dạy dỗ ra sao mà bọn thanh thiếu niên này trở nên đổ đốn, mất hết tính người như vậy? Liệu con liệu cháu mình có ghé mắt đọc, có nghe thấy những chuyện “ghê người” này không? Nếu để mắt tới liệu chúng có lắc đầu ghê sợ mà lánh xa những hành động vô luân ấy không? Hay chúng lạnh giá, thản nhiên hoặc thậm chí những hành động phi nhân tính ấy sẽ trở thành một thứ “ giáo cụ trực quan” để chúng bắt chước trong những phút giây máu nóng bốc lên đầu ? Làm sao để khu biệt nổi con cháu ra khỏi những tệ nạn, những hành động tội ác đang nẩy sinh như chuyện cơm bữa ở khắp mọi nơi?..v..v..

Phàn nàn, than thở với các đồng nghiệp làm báo vì sao lại cho đăng những chuyện vụ án như vậy vào đúng ngày khai trường của con cháu chúng ta, câu trả lời nhận được hòan tòan bất ngờ: Báo đang ế không ai chịu bỏ tiền mua. Số ấn bản ngày càng giảm. NHuận bút và lương tháng giảm theo. Bởi  hơn 450 tờ nhật báo, tuần báo trong cả nước đều đưa những tin tức, bài vở y trang nhau. Hệt như một dàn đồng ca lên cùng lên xuống cùng xuống, theo một cây đũa chỉ huy. Thành thử muốn lạ , muốn hấp dẫn , muốn “ câu khách” để bán được báo và …an tòan thì chỉ còn mỗi cách là đua nhau săn tìm và miêu tả cho thật tỉ mỉ, thật kỹ càng, thật cụ tượng  các chuyện tội ác ! 

 

Ghi chú ảnh:

1-Nữ sinh Trường chuyên Hà nội- Amsterdam trong ngày khai giảng niên học 2010-2011