Tôi gặp Nguyễn Trọng Bính năm 1972 tại Báo Quân Giải Phóng Trị - Thiên - Huế - giữa rừng, khi anh đã có bài thơ “Dốc răng cưa” đăng Báo Nhân Dân. Từ đó, hình tượng người chiến sỹ: “In bóng trời cao Giải phóng quân” khắc sâu vào tâm tưởng tôi suốt dặm dài Trường Sơn cho đến ngày “Lá cờ bay rộng mở đến vô cùng” trên nóc Dinh Độc Lập (30.04.1975) người lính cùng đất nước “Lớn cao lên dưới ánh mặt trời” (Đất nước). Từ in bóng trời cao đêm mưa hành quân trên đỉnh Dốc răng cưa đến cờ bay rộng mở dưới ánh mặt trời giữa Sài Gòn giải phóng là quá trình chuyển động về không gian, thời gian, thế trận và lòng kiêu hãnh. Nguyễn Trọng Bính vừa cầm súng, vừa cầm bút nên thơ anh luôn khát vọng chiến thắng.
Tập thơ “Tôi ơi!” của anh là tập thơ thứ 9 (trong đó có tập trường ca “Nhật ký dòng sông”) mới xuất bản tháng 2 - 2010 đâu chỉ dành riêng cho người viết mà còn cho cả cái tôi của mỗi chúng ta. Tôi ơi, thế này được không? Tôi ơi, thế kia được không? Tôi ơi, yêu ai, ghét ai? Tôi ơi, dũng cảm hay hèn nhát? Tôi ơi, khôn hay dại?... Tất cả đều được trả lời minh bạch đến sòng phẳng trong tập “thơ chọn” này. Tuy nhiên, người đọc vẫn thẩm thấu “cái tôi” của tác giả không lẫn với ai được. Đó là một thành công không nhỏ: “Anh như cây ngô đứng giữa vạt khoai/ Em có bật cười - Anh chả lẫn ai đâu/ Sao em tìm chẳng thấy” (Miền Trung thơ). Ra ngô, ra khoai như thế mà tác giả còn sợ “em tìm chẳng thấy”, đành phải cao giọng hơn: “Đã từng bay lên trời/ Nhưng không thành chim được/ Đã từng bơi dưới nước/ Nhưng không là cá bơi/ Đã có thơ đăng báo/ Khác xa thơ mọi người” (Tự bạch). Tưởng đến đây Bính dừng lại. Ai ngờ, nhân đà ấy, hoặc có thể vịn cái cớ để bộc bạch bản chất mình, anh viết tiếp: “Vẫn muốn tham ô lắm/ Sợ hỏng mình/ Nên thôi!” Đúng là tính cách của lính: Bắn thẳng, điểm xạ ngắn, trúng đích ngay.
Toàn bộ tập thơ này toát lên 3 tiêu chí: Phải không lẫn với ai, chữ Tâm luôn toả sáng và góp phần làm cho bạn đọc có cùng một chí hướng, ít ra là có sự đồng thuận trong cộng đồng. Chữ Tâm, chữ Tình có nhiều góc độ, nhiều gam, nhiều cung bậc lắm: Tổ quốc, người thân, đồng đội,... Với đối tượng nào tiếng lòng anh vẫn xao động với tần suất lớn, đằm thắm, trọn vẹn nghĩa tình. Một điểm nhấn: “Em như cơn lũ tràn vào trong anh” (Sau mưa), “Nếu thiếu em giữa đời/ Tất cả thành hoang mạc” (Nếu). Đọc đến đó chợt nghĩ: “Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt” của ông Hoàng thơ tình Xuân Diệu. Riêng về tiêu chí “cùng một chí hướng” trong bài “Đọc thơ bạn” anh tỏ thái độ thẳng thắn, chân thành, đầy khích lệ và có sự đồng thuận qua lại: “Có người viết điều to tát/ Tao đọc sao thấy nhẹ tênh/ Thơ mày viết về hạt thóc/ Mà đau cả chốn thị thành”. Tuy vậy, do tế nhị, anh chưa góp ý cho các bạn anh: Thơ cần “cảm” hơn “nghĩ” có thế mới hiển hiện cái vi diệu của tâm hồn.
Trước khi ngập ngũ, Nguyễn Trọng Bính đã từng là giảng viên khoa ngữ văn Trường đại học sư phạm Vinh. Trước ngày xuất ngũ anh leo đến quân hàm đại tá. Thế nhưng, về với đời thường thôn dã nơi ngoại ô thành Huế anh sống rất giản dị, sống hoà nhập với mọi người: “Ba mươi năm bộ đội/ Nay nghỉ hưu về Làng/ Giữa hương đồng cỏ nội/ Chăn trâu cùng trẻ con” (Đốt rơm). Lại nữa: “Lại một ngày sáng tỏ/ Nhà người dưng thắp đèn/ Ta lại đến nhóm lửa/ Hương khói tìm thân quen” (Có một ngày).
Có phải vì những lẽ đó mà tập thơ “Tôi ơi!” bán chạy đến kỷ lục: Xuất bản tháng 2 thì trung tuần tháng 3 hết veo. Anh và cả thơ anh cùng đồng hành đi tìm bạn đọc. Và bạn đọc thật lòng yêu anh và thơ anh.
Xưa nay trời chẳng cho ai tất cả. Anh đã vội vã về cõi người xưa vì căn bệnh hiểm nghèo sau khi tận tay trao tặng tôi tập thơ “Tôi ơi!” áp chót. “Tôi ơi!”, vâng “Tôi ơi!” không chỉ là tiếng gọi dài mà còn là lời khấn cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Trọng Bính với chính linh hồn anh còn dư âm lại nơi dương thế và... trên tay bạn đọc.
Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2010.
Vũ Am
Địa chỉ: Khu tập thể quân đội - La Khê Hà Đông - Hà Nội
Điện thoại: 094.694.5758