Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÒ CHUYỆN VĂN CHƯƠNG CỦA HOÀI HƯƠNG

Hoài Hương
Thứ hai ngày 6 tháng 9 năm 2010 9:51 PM

TNc: Đây là tâp hợp một số bài phỏng vấn các nhà văn của  Hoài Hương trong 3 năm 2008-2010 đã đăng trên nhiều báo như Văn nghệ trẻ, Văn nghệ, VTCNews, VietNamNet... Có nhà văn nổi tiếng, có người chưa nổi tiếng, có già có trẻ, trong Nam ngòai Bắc... Nhưng đây thật sự là những tâm sự về nghề viết rất đáng trân trọng. Họ tâm sự về bản thân khi tới với nghề viết, họ trăn trở với trang viết của mình và có trách nhiệm với trang viết... Và cuối cùng, điều quan trọng đối với họ chính là tác phẩm được đến với công chúng bằng cả tâm hồn, trái tim người viết. TNc xin giới thiệu dưới đây một bài viết về nhà thơ Trương Nam Hương của Hoài Hương
 
 Nhà thơ Trương Nam Hương và những hoài niệm đẹp.
 
Kỷ niệm về người thơ tài hoa
    Tôi biết đến cái tên Trương Nam Hương, khi anh đang là sinh viên Khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng hợp Tp.HCM. Tài thơ của anh được giới sinh viên Khoa Văn Tổng hợp và Sư phạm biết tiếng. Anh là thần tượng của sinh viên khoa văn thời ấy. Và cũng chỉ là ở xa xa ngắm anh, không biết trong số chúng tôi ngày đó có ai đêm về mơ thấy anh không, nhưng có lẽ tôi là người may mắn nhất được quen biết anh.
    Đó cũng là một ngày đáng nhớ, tôi được mời đến dự buổi lễ trao giải thưởng thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1990, người thơ Trương Nam Hương thời sinh viên mơ mộng của chúng tôi đã dành được giải thưởng uy tín( giải B không có giải A) này. Tôi còn nhớ đó là lần đầu tiên tôi được tiếp cận anh gần nhất, được bắt tay anh, nhưng anh thì không nhớ tôi vì hôm ấy có nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng chúc mừng anh. Sau đó ít lâu, tôi lại được gặp anh trong buổi giao lưu thơ khi tập “Khúc hát người xa xứ” của anh được giải thưởng thơ Hội
Nhà văn VN năm 1991 và anh trở thành Hội viên Hội Nhà văn VN trẻ nhất lúc bấy giờ, Mãi cho tới năm 1996, khi anh về phụ trách cơ quan đại diện báo An ninh thế giới ở phía Nam, rồi đến khi anh là Thường trực Ban thư ký Hội Nhà văn Tp.HCM(2001), do điều kiện công tác, tôi được gặp anh thường xuyên, và anh đã như một người anh tận tình dẫn dắt tôi vào con đường văn chương một cách nghiêm túc. Chính anh đã tiếp lửa cho tôi niềm đam mê với thơ, văn, cho tôi sự tự tin vào khả năng của mình. Tôi còn nhớ một bài thơ anh đề tặng tôi, chỉ 4 câu thôi nhưng chứa đựng những tình cảm anh dành cho tôi thật đáng quý:
   Năm ngón sông gầy - năm nhánh xanh
Mơ hồ xung hợp phía tình anh
Tay em gom hết càn khôn lại
Một ngón buông lơi lẻ… ngũ hành.
 
    Bài thơ đã được anh cho in trong tập Viết tặng những mùa xưa (NXB Thanh Niên-1999).
    Bây giờ thì tôi và anh như 2 anh em thân thiết, mỗi lần anh ra tập thơ mới, tôi gần như là một trong những người đầu tiên được anh tặng với lời đề tặng rất chân tình. Và tôi trở thành tri âm thơ của anh, đó cũng là một niềm vui ít có gì sánh được mỗi khi nghĩ đến văn chương.
Trương Nam Hương-Người thơ của tình yêu và hoài niệm
    Tình yêu như là“định mệnh”, là dấu ấn sâu đậm nhất trong thơ Trương Nam Hương. Nhắc đến tên anh, đầu tiên là nghĩ tới những bài thơ tình rất tài hoa, đa cảm, có thể nói là “vượt thời gian” để “vào bộ nhớ” trong cộng đồng người yêu thơ. Chỉ cần vào Google - tìm kiếm trên Internet, đánh tên Trương Nam Hương, 19.200 đề mục mang tên anh với cả trăm bài thơ tình được cư dân mạng chép và truyền nhau, chưa kể trong một số bloggers cũng hay “mượn” thơ tình của anh để nói hộ lòng mình.
    Trương Nam Hương là một tình nhân thơ đắm say, chân tình. Tình yêu trong anh có những lúc thật rõ ràng, nồng nàn với một người con gái có thật, nhưng có lúc phảng phất mơ hồ, chỉ là bóng hình hư ảo, như “nàng thơ” bí ẩn cho anh những xao động, thảng thốt. Với những mối tình của mình, dù có thể bị tình phụ nhưng anh vẫn luôn nghĩ về họ như một kỷ niệm đẹp, vẫn luôn dành cho họ những lời đằm thắm, thiết tha. Nỗi đau của thơ tình Trương Nam Hương là nỗi đau thầm lặng nhưng không bi lụy, như  giai điệu “thứ” trong bè trầm của bản nhạc tình yêu.
Gửi thương về chiếc lá mềm
Hết lòng xanh trước khi đem tặng mùa
Tình buồn như gió thoảng đưa
Câu thơ già lúc anh chưa bạc đầu
(Gửi một người ngày xưa)
    Thơ tình Trương Nam Hương, mỗi bài là một cung bậc của tình yêu, mang những vẻ đẹp khác nhau, những tầng cảm xúc khác nhau. Riêng có bài thơ “Quán thời gian” , hình như nó mang một vẻ liêu trai sương khói lãng đãng về một tình yêu đã xa, không giống với các bài thơ tình khác của Trương Nam Hương. Những “quán không mùa…không ngày… không tháng...không năm” như một ám ảnh ảo mờ hư thực: “Chạm môi ký ức uống làn hương xưa…”, người tình như mây như khói tồn tại và không tồn tại trong trạng thái “phi vật thể”, vừa mới đó đã xa xăm tận cõi nào, khiến cho thi nhân mãi vương vấn câu hỏi thầm không có lời đáp rành mạch, đành tự lý giải:
Đắng lòng môi chạm yêu thương
Thời gian quên bỏ chút đường đó em
    Đọc thơ tình Trương Nam Hương, thấy anh không chỉ có nhiều mà là rất nhiều “nguyên mẫu” tạo thi hứng. Không chỉ là những “nàng” có chân dung thật mà còn nhiều “nàng” được anh mã hóa bằng tên hoa, tên sông, tên núi, tên hồ… Có lẽ anh là người thơ đa tình, đa mang và những “nguyên mẫu” của anh hiểu điều đó, nên bằng lòng sánh bên nhau trong những trang thơ của anh, tạo cho “dòng” thơ tình của anh vẻ đẹp rất riêng, đầy sang trọng, đọc lên là biết ngay thơ tình Trương Nam Hương, không lẫn được.
    Không chỉ có thơ về những mối tình đã có và đã rời xa, Trương Nam Hương còn có nhiều bài thơ về một tình yêu lớn hơn, chung hơn, nặng trĩu những tâm tư của một trái tim đa cảm, nhân hậu, biết chia sẻ luôn đau đáu nỗi niềm về thân phận con người, về cuộc sống.
 Ta muốn tìm lời an ủi mới hơn
 Bằng câu thơ mỏng manh như số phận
Mà thôi!Hãy để nàng buồn
Vầng trăng ấy lẻ một niềm hy vọng.
 (Gương mặt đêm)
    Anh có hai vùng quê để nhớ, nhiều vùng đất để yêu: quê cha là miền đất Cố đô Huế trầm tư với sông Hương thơ mộng, quê mẹ là vùng quan họ Bắc Ninh với những sông Thương, sông Cầu chòng chành làn điệu giao duyên. Anh lớn lên ở Hà Nội nghìn năm văn hiến với bao huyền tích lịch sử in dấu trên từng viên gạch, mái ngói rêu phong, hàng cây, bóng nước. Rồi anh lớn lên và thành danh ở đất phương Nam- Tp.Hồ Chí Minh, trẻ trung, sôi động, căng tràn sức sống đang hòa mình cùng dòng chảy thời đại. Tất cả những ưu việt của bốn miền đất này: văn hiến, lễ hội, kinh kỳ, phóng khoáng… hòa trộn, tạo nên sự giàu có, đa dạng, phong phú, mới mẻ trong tâm hồn anh, cho thơ anh.
Trong tôi có chút sâu đằm
Của Kinh Bắc với thâm trầm Cố Đô
Sông Hồng hắt đỏ lên thơ
Tôi gieo lục bát xanh bờ Hương Giang
    ( Tự bạch)
    Tình yêu của anh với những người thân là một tình yêu thấm đẫm sự biết ơn công sinh thành dưỡng dục, luôn chảy trong dòng máu của anh, mang đến cho anh nghị lực sống, an ủi anh những lúc bất trắc trong cuộc đời. Những bài thơ nói về cha, mẹ, bà ngoại, về chị và em gái là những bài thơ ấn tượng nhất, nhiều tâm trạng nhất của Trương Nam Hương. Anh gửi gắm vào thơ niềm ước vọng của cha; nỗi đau buồn của mẹ; sự vất vả thương khó của bà; thơ dại của em… Nó như ràng buộc số phận anh và bàng bạc những nỗi niềm. Đúng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét: Thơ Trương Nam Hương hoài thai từ nỗi buồn và nỗi buồn đã mượn thơ anh để hát rong về nó(Văn nghệ trẻ 5/1/1994)
Ruổi rong khắp bốn phương trời
Câu thơ hành khất theo người hành hương
Ta gom nhặt giữa đời thường
Nỗi đau của mẹ nỗi buồn của cha.
( Câu thơ ngày về)
   
    Tình yêu quê hương đất nước trong thơ Trương Nam Hương không có gì to tát nhưng lắng đọng và sâu đậm. Không chỉ với nơi quê cha đất mẹ anh luôn dành cho những tình cảm đặc biệt, mà ở bất kỳ đâu anh đã từng đi, đến hay chỉ ngang qua trong cuộc đời. Ngay cả khi xa Tổ quốc nửa vòng trái đất, những vần thơ của anh vẫn đau đáu hướng về quê hương với một tình yêu thiêng liêng.
 Kìa tuyết trắng khỏa nỗi buồn thanh sạch
Anh với Iowa cũng trắng đêm này
Thương một góc quê nhà trắng cát
Tuyết anh cầm như nước mắt trên tay
    (Tuyết)
Và một tình yêu Hà Nội…
    Riêng Hà Nội, anh có một tình yêu của hoài niệm, của ký ức từ thiếu thời đến khi vào tuổi yêu và cho tới lúc tóc trên đầu anh chớm bạc, vẫn yêu như thuở ban đầu, một tình yêu chỉ biết gọi tên: Hà Nội! vì thế mà những tập thơ của anh đều như “gói” rất nhiều những kỷ niệm tình yêu Hà Nội của anh trong đó.
 Hà Nội trong anh là quả sấu hườm
 Lăn chua ngọt dọc thời bé dại
Que kem cầm mát lạnh gió Hồ Gươm
Hà Nội trong anh đuôi mắt lá răm
Tiếng con gái Ngọc Hà đáo để
Ngực lên trăng hồi hộp mơ rằm.
   ( Ký ức Hà Nội)
Có lần tôi hỏi anh:
  
    Hà Nội trong anh có một ý nghĩa gì mà trong thơ anh luôn nặng trĩu, khắc khoải, xa xăm, như là tiếc nuối ...? Anh như mắc nợ với nơi này. Thưa anh,“nợ” đó là gì, anh có thể sẻ chia?
- Tôi xa Hà Nội từ năm 12 tuổi - một khoảng thời gian không dài với một đời người, nhưng Hà Nội vẫn  đọng lại trong tâm hồn tôi những ký ức không thể phai mờ. Tôi viết về Hà Nội bằng nỗi nhớ thương, viết như sợ mọi điều sẽ phôi phai, biến mất. Mỗi lần viết về Hà Nội là một lần tôi được “truy lĩnh” những năm tháng hồn nhiên trong trẻo của đời mình. Hà Nội cho tuổi thơ tôi tất cả: những quả sấu non, những “tán bàng xanh mùa hạ, đỏ mùa đông”, những cái hầm cá nhân, chiếc mũ rơm, lọ mực, những viên bi đất , kẹo bột, ô mai...cùng với nét buồn trong mắt mẹ, dáng kham khổ của bà suốt những tháng năm phong phanh vất vả. Chừng ấy chẳng lẽ lại nhẹ sao?
    Không hiểu sao những lúc buồn, cô đơn nhất tôi lại nhớ về Hà Nội như một gã thất tình. Tôi thất tình heo may, thất tình hoa sữa, thất tình mưa phùn phố cổ, thất tình cả bóng nước Hồ Gươm…Ký ức và hoài niệm là “nàng thơ” của tôi.
     Anh cũng có nhiều thơ về Hà Nội được phổ nhạc? Anh có thấy nhạc chuyển tải được những tình cảm anh gửi trong thơ?
- Tôi có khoảng vài chục bài thơ viết về Hà Nội được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Đó là “Quán thời gian”, “Có một vài điều anh muốn nói với em” nhạc Phú Quang, “Hà Nội nhớ” nhạc Thế Hiển, “Hà Nội chiều đông” nhạc Ngọc Khuê, “Mơ thu” nhạc Võ Công Diên,  “Hà Nội một thời ” nhạc  Phan Lai Triều, “Hai mươi mùa” nhạc Lê Hải, “Em với Hồ Gươm” nhạc Lê Trung Tín,…Giữa âm nhạc và thơ là một giao cảm đồng điệu. Tôi cám ơn các nhạc sĩ về sự đồng cảm, đồng sáng tạo này.
    Quả thế, kể từ tập thơ đầu tiên “Khúc hát người xa xứ”- 1990 thì những tập thơ sau của Trương Nam Hương đều mang những cái tên gợi nhớ đến những hoài niệm, ký ức: Cỏ, tuổi 20, Ban mai xanh, Ngoảnh lại tháng năm, Viết tặng những mùa xưa, Thơ tình Trương Nam Hương, Trương Nam Hương - thơ với tuổi thơ, Ra ngoài ngàn năm, 99 Minithơ…Ngay đến tập thơ dịch, anh cũng chọn Đường thi, thơ của những thi nhân - thánh thi xưa cả mấy trăm năm để làm “người muôn năm cũ” trong tập: Đường thi ngẫu dịch. Và “… Anh đã nỗ lực mang đến những vang hưởng khác lạ, mới mẻ cho những câu thơ người ta tưởng chừng đã quen thuộc” (Hoài Anh - Lời đầu sách).
    Không có kỷ niệm nào là nhỏ, không có ký ức nào anh bỏ quên, tất cả được anh ghi nhớ như một ngăn riêng trong tâm tưởng, để anh suy tư, chiêm nghiệm và rồi khắc khoải, day dứt:
 Tự dưng nhớ nhớ những điều tưởng quên
 Lặng im nghe gió khuyết ngang muộn phiền
 Mùa xuân bồi đắp triệu mầm cỏ lên.
    ( Tạp nghĩ)
    Đôi khi ta gặp trong thơ anh thoáng chút xao xác, bồi hồi, như nhớ lại một thời và trái tim thơ lại thắt se, lỗi nhịp:
Chỉ lo mùa hẹn còn sơ sót
Phố ú tim mưa, nắng ú òa
 Em chắc không ngờ em lạ nữa
Có chồng… xào xạc vẫn thương ta!
( Lời ru thiếu phụ)
      Thơ anh đầy ám ảnh về thời gian, về những gì đã qua, đã mất…Phải chăng những gì hiện tại ít gây cảm xúc?
- Không hẳn thế. Cảm xúc luôn đồng hiện có cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Với nhà thơ, cảm xúc có thể bật ra ngay thành câu, thành bài, có khi cảm xúc cần phải dồn nén chờ lắng đọng, phải thời gian sau mới viết được. Nhưng ở tôi không phải cảm xúc nào cũng có thể thành thơ được.
     Khi nói tới thơ Trương Nam Hương, là nghĩ tới thơ tình, vì anh thành công nhiều ở thơ tình. Nhưng gần đây, trong tập thơ mới của anh, có nhiều thơ thế sự, đọc lên thấy đắng đót lắm?
- Thời trẻ, tôi sáng tác nhiều thơ tình. Cũng hợp lẽ thôi, đó là cái tuổi nhiều đắm mê, lãng mạn. Bây giờ tóc chớm bạc rồi, cũng vẫn viết thơ tình nhưng là tình đời, tình người mà tôi nếm trải.
    Bằng một ngôn ngữ tài hoa, đầy sáng tạo, những câu thơ dù viết về hoài niệm vẫn đầy hơi thở của hiện tại, mới mẻ, nhiều khơi gợi. “Thơ Trương Nam Hương nhuần nhụy về tình cảm, tinh tế khi xử dụng câu chữ, anh thỏa mãn người đọc ở cả hai phía: vẫn hợp lý mà vẫn ảo” (Vân Long-Tạp chí Tác phẩm mới-9/1991). Hoài niệm trong thơ Trương Nam Hương còn là cảm xúc về nguồn cội, về những gì là truyền thống tốt đẹp đang dần tan loãng trong cuộc sống, thơ anh như nhắc nhớ, như lo ngại những giá trị nhân văn tốt đẹp sẽ phôi phai.
 Áo người ngắn đến mê li
Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài
 Áo sương cúc gió lơi cài
 Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm
    ( Viết ở Nghi Tàm)
  
    Và anh, trước những hiện thực nghiệt ngã, nhiều khi anh tiếc nuối:
 Sen bắt đầu tàn trên vuông đầm cuối hạ
 Em chống cằm xanh xót đầu thu.
     ( Ô cửa)
    Người đọc còn tìm thấy ở thơ Trương Nam Hương những nghĩ suy, chiêm nghiệm về nỗi cô đơn, có - không, còn - mất của kiếp người. Từ những câu thơ thời trai trẻ người ta đã nhận ra nỗi ám ảnh về thời gian trong thơ anh thể hiện qua màu tóc: “Người ơi chờ đến bao giờ/ Chớ tin mái tóc giả vờ muối  tiêu” (Thơ tặng bạn thơ) hay: “Khi  nước  mắt đời con chớm bạc/ Gọi tên người như gọi nỗi thương quê”. (Mẹ)
    Anh nhiều lúc hay băn khoăn trước những nghịch lý ở đời.   Câu thơ sao mà buốt lòng:
Ghé tai anh nói thầm thôi
Đời sao lắm lúc khóc cười, ngửa nghiêng
Lạ chưa cái thiện cái hiền
Lại lo cái ác, cái hèn mắng cho
( Băn khoăn).
    Sau những lúc chùng lòng xuống ấy người ta lại thấy trong thơ anh sự tin cậy, niềm hy vọng:
   Thôi mình thung thẳng bước bằng tin yêu.
( Ghi vội trên đường)
Trương Nam Hương-công việc và sức sáng tạo
   12 tuổi anh đã chập chững bước vào thơ, bằng những bài thơ đầu tiên hồn nhiên, trong trẻo trên báo lớp. Và có lẽ bắt đầu chuyến “xê dịch” từ Hà Nội, vào Huế, Biên Hòa rồi cuối cùng là Tp.HCM đã để lại trong trái tim mang tâm hồn thi nhân từ thiếu thời đã rung lên những vần thơ, tuy chưa phải là dấu ấn nhưng đã manh nha báo hiệu một nhà thơ tài năng tương lai. Và đúng thế, khi Trương Nam Hương chạm vào tuổi 20, anh đã có tên tuổi trong làng thơ sinh viên và thơ anh đã xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn. Năm 1990 ”Khúc hát người xa xứ” ra mắt bạn đọc, ta gặp trong tập thơ của anh một giai điệu đẹp buồn ngân vang đến bất ngờ (thời nỗi buồn trong thơ chưa mấy được chấp nhận). Tập thơ sau đó đã được sự đồng thuận cao của Hội đồng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Anh trở thành nhà thơ trẻ nhất từ trước đến nay được giải thưởng danh giá này.
    Anh có duyên với nhiều giải thưởng văn học, ngoài giải thưởng Hội Nhà văn như đã nói ở trên, anh còn được giải thưởng thơ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tặng thưởng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng thơ dịch, Giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, Gương mặt 20 năm, 30 năm văn học Tp.HCM, Nhà thơ được yêu thích nhất - tiền thân của giải Mai Vàng báo Người Lao động, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam…. Trên Báo Văn nghệ 26/10/1991 nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Hồn thơ trong thơ Trương Nam Hương trẻ trung lại cả nghĩ chuỵên đời. Tưởng tượng phóng túng lại có cốt cách cổ điển, truyền thống. Tôi nghĩ, anh sẽ là một trong những nhà thơ có nhiều độc giả”. Đến bây giờ những nhận xét ấy quả là rất đúng với anh, thơ Trương Nam Hương đã đóng góp không nhỏ trong dòng chảy thơ ca Việt Nam đương đại.
     Khi gặp anh để trao đổi một số tư liệu cho bài viết này, anh “khoe” với tôi vừa hoàn thành bản thảo tập thơ mới gồm những bài thơ chưa từng công bố. Sức sáng tạo của anh thật đáng nể phục. Thời gian anh dành cho thơ không tập trung vào thời điểm nhất định, anh làm thơ ở bất cứ đâu, đôi khi ngồi cà phê với bạn bè, anh viết ra giấy hoặc vào điện thoại di động. Sáng tác thơ, với anh vừa ngẫu hứng vừa nghiêm cẩn, âm thầm và lặng lẽ như cõi riêng với “nàng thơ”- người tình.
    Không chỉ mê đắm với thơ, anh còn là một người của hành động, của công việc và rất tâm huyết với sự phát triển của phong trào thơ, của văn học trẻ thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2001, anh dẫn đầu đoàn Nhà văn trẻ của Tp.HCM tham dự Hội nghị Những người viết trẻ toàn quốc lần 6, những bản tham luận của đoàn đã tạo tiếng vang trong hội nghị, được các cơ quan truyền thông chú ý và đăng tải. Năm 2002, anh là Trưởng đoàn Nhà văn VN sang tham quan, giao lưu văn hóa- văn học tại Hoa Kỳ. Anh cũng là một trong những người tổ chức
thành công 7 lần Ngày Thơ VN ở Tp.HCM và nhiều cuộc hội thảo thơ, văn học trẻ tại Tp. HCM.
    Trương Nam Hương hình như không nghĩ đến cái tuổi của mình, anh luôn trẻ mãi trong thơ. Gặp anh, chỉ thích nghe anh nói về thơ, nghe anh đọc thơ, bình thơ, nói đến tác phẩm của bạn bè vừa xuất bản. Anh rất ít nói về mình, có lẽ thế mà anh càng được nhiều người yêu mến, trân trọng.
    Dẫu sao thì tôi cũng đã có được một thoáng chân dung anh, người thơ Trương Nam Hương, dù chưa thật đầy đủ. Nhà thơ Trương Nam Hương trong mắt tôi mãi là một người thơ của những hoài niệm đẹp, buồn và trong trẻo như những câu thơ của anh, sự chân tình của anh dành cho cuộc đời./.