LỜI DẪN CHUYỆN:
ĐÁM CƯỚI CHUỘT là tên một bức tranh dân gian nổi tiếng, tả cảnh gia đình nhà chú rể chuột phải cử người đem lễ vật đến hối lộ chú mèo, để đám cưới được diễn ra vui vẻ, an toàn! Rõ ràng đây là câu chuyện hư cấu, chứ chuột nói riêng và động vật nói chung làm gì có tổ chức... cưới xin, càng không có việc chuột và mèo biết trò HỐI LỘ và NHẬN HỐI LỘ? Chẳng qua các Cụ ta xưa muốn ÁM CHỈ giống NGƯỜI chúng ta mà thôi!
Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây thì khác. Không hư cấu mà dựa vào sự quan sát thực tế việc nuôi MÈO trong chính gia đình mình. Chú MÈO này hư, không chịu thực thi cái THIÊN CHỨC DIỆT CHUỘT của mình, chỉ vì được người nuôi quá chiều chuộng, nên dần dần đã biến một SÁT THỦ, DŨNG SĨ DIỆT CHUỘT trở thành một CHÚ MÈO CẢNH!
(TRẦN HUY THUẬN)
Nhà lắm chuột quá! Trước kia chúng còn tránh ban ngày, chỉ hoành hành về đêm. Nay thì “moa-phú”, đêm ngày như nhau, cứ hở ra cái gì là lũ chuột chết tiệt lại ngoáy cái đuôi tởm lợm của nó vào ngay! Người ta bảo: Chó treo, mèo đậy, chứ với giống chuột, các cách ấy chả nghĩa lý gì. Thùng gạo đậy kín hẳn hoi, mà còn bị chúng khoét cả nắp để chui vào ăn thoải mái; nồi thịt treo vào quang sắt, vẫn bị chúng leo lên, nậy vung, khoắng gần hết! Thế thì thử hỏi ai mà chả điên chứ? Không chỉ ăn, lũ khốn kiếp này còn bậy ra khắp nơi; vo gạo thổi cơm mà không chú ý nhặt đãi, có ngày lẫn cả phân chuột là chuyện thường!
Như vậy là đã dùng đủ cách phòng ngừa rồi, nhưng chuột vẫn ngang nhiên hoành hành. Buộc chủ nhà phải tỏ thái độ dứt khoát, nghĩa là quyết định phải vừa phòng, vừa chống; phòng là cần thiết và phải làm thường xuyên, nhưng chống mới là quyết định. Chống tích cực chính là phòng hiệu quả! Nhưng chống bằng cách nào? Bàn luận mãi, cuối cùng gia đình mới đi đến thống nhất: nuôi mèo. Bởi vì các cách khác, đều đã dùng qua, như bẫy lồng, bẫy kẹp, thuốc diệt chuột của ta, thuốc diệt chuột của Tàu; đủ cả mọi biện pháp, biện pháp nào nghe quảng cáo cũng kêu nhưng tựu trung, đều chỉ có tác dụng nhất thời, rồi đâu lại vào đấy. Có cảm giác lũ chuột ngày càng rút được nhiều kinh nghiệm để phòng chống lại các biện pháp phòng chống chuột của con người! Hay cũng có thể nói, càng ngày, chuột ở cái nhà này, càng nhờn với mọi cạm bẫy mà người ta dành cho chúng! Ngay keo dính chuột, thời kỳ đầu, có đêm, một hộp keo dính được tới hai ba chú chuột, kể cả chuột bố, chuột con. Nhưng nay thì chỉ mất mồi toi, chứ chẳng dính được con nào nữa. Thế mới tức chứ! Lồng bắt chuột cũng vô tác dụng. Lần nọ, một con đã bị sập bẫy, chủ nhà thức dậy, nhìn rõ chú chuột kễnh đang lồng lộn ở trong lồng, thế là yên trí trở vào giường ngủ tiếp. Sáng ra, chỉ thấy lồng trống không! Thì ra, nó đã phá lồng sắt, chạy biến mất từ lúc nào rồi (hay là có con chuột khác mò đến phá lồng, cứu đồng đội?). Người ta nói: “Mèo già hóa cáo”, chứ tôi đồ rằng, chuột sổ lồng mới dễ thành cáo, bởi vì từ ngày đó, cái bẫy lồng, chả lần nào bắt được con chuột nào nữa! Ngay cái bẫy sáng kiến của anh nông dân Trần Quang Thiều – “giáo sư” diệt chuột vùng đồng bằng trung du Bắc bộ (theo vietnamnet 20-3-2005), thấy quảng cáo vừa rẻ, không mất mồi, mà lại hiệu quả cao, nhưng thực tế, cũng chỉ mấy ngày đầu có hai ba con mắc; còn sau đó bẫy vẫn bẫy, mà chuột thì vẫn vô tư hoành hành! Thế có nản không chứ!
Chú mèo được bắt về nuôi từ hai tháng tuổi. Đó là giống mèo tam thể, xinh đáo để! Ngày đầu, chú xa mẹ, lạ nhà nên cứ meo, meo suốt. Chú bé, làm gì đã bắt được chuột, nhưng từ ngày có chú, có tiếng kêu meo, meo, nhà bặt hẳn giống chuột. Chắc nó sợ bóng sợ vía nhà mèo! Mọi người mừng lắm. Ít ngày sau, chú mèo con quen dần môi trường sống mới, bắt đầu tập trèo, tập nhảy, tập vờn chuột, trông hay đáo để! Ai cũng bảo: Chú mèo này lớn lên là hay chuột lắm đấy! Cả nhà kỳ vọng vào chú trong công việc trừ khử lũ chuột hôi thối. Mọi thành viên trong gia đình đều chăm chút cho chú mèo con. Luôn luôn cho chú ăn khi con cá, con tôm, khi miếng thịt, miếng mỡ. Có hôm người này cho ăn, người kia lại cho ăn. Bởi vì trông chú ăn, thích lắm mà cũng còn bởi trong lòng, ai cũng muốn chú mau lớn, khỏe mạnh để đủ sức vồ chuột. Chú mèo lớn trông thấy. Bây giờ đã ra dáng một tiểu hổ rồi! Niềm hy vọng bấy lâu mọi người trông chờ, nay hẳn là sắp thành hiện thực!
Nhưng quái lạ! Sau một số ngày yên ổn không còn nạn chuột gặm nhấm, đục khoét, lục lọi thức ăn, bỗng mấy hôm nay lũ chuột lại quay trở lại. Dấu hiệu là phân chuột có ở khắp nơi, rồi nải chuối trên ban thờ cũng bị khoét một hai quả, xoong nồi bị lục tung cả vung! Thôi chết, đúng là chuột đã trở lại nhà! Thế con mèo đâu? Niềm hy vọng tràn trề bấy nay chả đi đâu cả, chú vẫn nằm đấy, béo tròn, vểnh bộ ria mét vừa dài vừa cong một cách rất khuê các nhìn mọi người, trong lúc ai cũng đang như muốn điên lên vì tức! Thôi đúng rồi, đây chính cống là một chú mèo lười! Có ai đó từng nói: mèo trắng, mèo đen, thế nào cũng được, miễn là bắt được chuột. Đây lại là mèo tam thể, chỉ có mẽ đẹp thôi, còn lười biếng quá! Nó chỉ thích biểu diễn trò vờn chuột cho các cô cậu con chủ nhà xem, chứ không biết rình bắt chuột thật. Mà các cô cậu chủ thích cái trò ấy của mèo lắm, mèo rất biết thế mà!
Mèo lười, tội trước tiên là tại chủ chứ không phải tại mèo! Mèo trắng, mèo đen hay mèo tam thể cũng thế thôi. Chăm sóc nó quá, lúc nào cũng cho ăn, nó không kịp đói bữa này, đã được ăn bữa khác, thức ăn tự đến với nó, nên nó không có khái niệm phải kiếm tìm. Thức ăn của chủ thừa thãi, mèo nghĩ vậy, vì có bao giờ mèo bị bỏ đói đâu? Thế thì việc gì phải gây sự với lũ chuột hôi hám ấy cơ chứ? Mi không động đến ta, thì ta cũng không động đến mi!- Mèo lý luận thế. Người có lý luận của người, thì mèo cũng có lý luận của mèo chứ?
Và thế là, dần dần, chú mèo lười đã trở thành chú mèo cảnh lúc nào không hay!