(Đọc hai tập thơ gần đây của Vũ Quần Phương “Vết thời gian” Nhà xuất bản Văn học Hà Nội - 1996 “Quên chữ … quên câu” Nhà xuất bản Văn học Hà Nội - 2000)
“Những kỷ niệm xa vời ướt đẫm”
Đó là câu thơ Vũ Quần Phương viết trong một đêm nghe mưa rơi trên cao nguyên Đà Lạt. Hình như kỷ niệm luôn luôn là nỗi khắc khỏai trong anh - con người thâm trầm, cả nghĩ, thích hướng nội, suy tư.
Nếu thế giới thực tại tồn tại trong không gian và thời gian thì con người cũng hay quay về thời gian để truy lĩnh không gian. Thời gian sinh mệnh của cá thể người thật quý báu bởi nó chỉ có một lần và không quay lại. Cái hữu hạn của đời người thật ngắn ngủi biết bao so với cái vô bờ bến của không gian mà nó tái hiện.
Trong các chiều của thời gian đời người, hình như chiều thời gian quá khứ ngày càng đi về nhiều trong thơ Vũ Quần Phương, con người mà đã qua mùa xuân, mùa hạ của cuộc đời, nay bước sang mùa thu, quá khứ càng trở nên da diết, ám ảnh anh hơn.
Ai đọc thơ Vũ Quần Phương cũng thấy đầy ắp dấu vết cuộc đời để lại trên trái tim anh đó là “vết thời gian”. Thơ anh có nhiều nỗi nhớ. Về thăm trường cũ thơ anh tắm trong hoài niệm:
“Cây ở vườn trường lá vẫn xanh non
Mái tóc tơ xanh bây giờ đã bạc
Sân trường nắng, trống trường xa lăng lắc
Tôi quay nhìn chớp mắt tuổi thơ tôi”
(Trường xưa)
Chân anh đứng đây dưới mái trường của bây giờ mà hồn anh bay về với tiếng “trống trường xa lăng lắc”. Đời người trôi qua như một giấc mơ. Chỉ có “chớp mắt” thôi mà “tất cả đó mà không còn đó nữa”. Cái còn lại nhắc cái đã qua. Phấn vẫn trắng, bảng vẫn đen nhưng giờ đây đã vĩnh viễn trôi qua một thời êm ái - thời cắp sách với bao hoài bão, ước mơ, bao hăm hở, khát khao. Tất cả “đã lắng dần theo năm tháng dồn xô”. Ở đây có cái gì thảng thốt trước bước đi vùn vụt của thời gian. Quá khứ trở nên “thăm thẳm” khi anh nhớ về người mẹ đã xa, nhớ về vườn cũ:
“Mẹ xa thăm thẳm bao mùa hạ
Vườn cũ ngời xanh tia lá cau”
(Nhật ký)
Tia lá cau vẫn ngời xanh trong tâm trí anh và có thể còn đó ở ngoài đời, ở không gian hiện thực. Bây giờ vườn cũ vẫn “ngời xanh tia lá cau” nhưng mẹ không còn và tia lá chói lên một ánh xót xa. Cái có và cái không tồn tại xen kẽ nhau tạo nên sự ám ảnh, day dứt của câu thơ.
Vũ Quần Phương đã ở cái tuổi mà người ta thường nghĩ lại hơn là nghĩ tới và khi nghĩ lại đôi lúc anh không khỏi nuối tiếc. Trong thơ mình anh hay nói đến cái “lỡ”. “Lỡ” đánh mất một tình yêu:
“Anh còn gì cho em
Lỡ rồi không dám đợi”
Để rồi giờ đây nỗi buồn gặm nhấm tim anh:
“Buồn rồi không dám vui
Thuyền đã về bến ngủ
Biển mênh mông với trời”
(Không đề)
Một lần “lỡ” với con cũng làm cho anh bâng khuâng:
“Bố hứa bắt cho con con ve
Ve chưa kịp bắt đã qua hè
Mùa sau con lớn chơi trò khác
Bố một mình bên cây lắng nghe”
(Lỡ)
Anh lắng nghe tiếng ve, lắng nghe tuổi thơ của con, lắng nghe tuổi thơ từ xa xưa của mình. Nhưng ý tưởng của bài thơ đâu chỉ dừng ở đó. Nhan đề bài thơ là “Lỡ”, bài thơ như là một ví dụ có tính cách phát hiện những khoảnh khắc ngỡ như không đâu mà lại có ảnh hưởng tới cả đời người. Chú bé con bị bố lỡ hẹn bắt cho con ve, có lẽ chú đã quên chuyện ấy rồi. Nhưng người bố còn nghĩ mãi về chuyện đó. Bởi vì số phận của từng con người nhiều khi được quyết định từ những giây phút “không đâu” ấy.
Cái “nhớ” cũng đi về nhiều trong thơ anh. Trong một đêm mưa rơi trên cao nguyên Đà Lạt, trận “mưa thi sĩ” (chữ của Vũ Nho trong bài “Cảm nhận về thơ Vũ Quần Phương”) đó đã gợi trong anh nỗi nhớ về kỷ niệm:
“Cao nguyên đêm mưa rơi”
Những kỷ niệm xa vời ướt đẫm”
Bài thơ chập chờn đứt nối những ký ức điệp với cơn mưa ngoài trời. Và mặc dù “mưa tạnh đã lâu rồi” nhưng mưa lại rơi trong lòng người:
“Sao tiếng mưa vẫn rơi
Âm thầm không dứt”
(Mưa đêm cao nguyên)
Làm nhiệm vụ khép lại bài thơ nhưng câu thơ lại mở ra cả một trời thương nhớ.
Thơ Vũ Quần Phương là vậy: nhẹ nhàng, tinh tế, đầy dư vị, dư vang. Thơ Vũ Quần Phương là thơ trữ tình tâm tư. Như một khúc nhạc dịu êm, âm hưởng của những câu thơ anh gieo vào lòng ta một nỗi buồn da diết, một nỗi buồn làm trong lại hồn người. Sự cộng hưởng giữa tâm hồn nhà thơ và tâm hồn người đọc làm cho thơ anh thật đằm và sâu.
Trở lại những trận “mưa thi sĩ” trong thơ anh, Vũ Quần Phương có bài “Mưa ngâu Hà Bắc”. Thao thức vì mưa ngâu gợi nhớ, thời gian trong đêm mưa ngâu trở nên dài đằng đẵng:
“Ta về Hà Bắc mưa ngâu
Nhớ thương từ đẩu từ đâu. Đêm dài”
Bài thơ “Mưa trên thành cổ” cũng nói về một nỗi nhớ nhưng ở đây cái thực và cái hư đã hòa quyện:
“Bỗng nhớ một chân trời không rõ
Một miền xa chưa đến bao giờ
Một năm tháng chưa từng được sống
Một nỗi niềm lẫn trong hư vô”
Anh nhớ hay anh khao khát? Có lẽ có cả hai. Trong khao khát có nhớ và trong nỗi nhớ có khao khát: một chân trời, một miền xa, một năm tháng, một nỗi niềm. Có phải anh đã làm cho cuộc sống của mình “giàu” thêm với những khao khát đó?
Nhớ đời, nhớ người và da diết hơn cả là nhớ chính mình. Đó là những lúc “giật mình tôi trở về tôi”, anh tự thương mình:
“Ngó xuống bàn chân mờ cát bụi
Thương một loài chim di trú xa
Đi mãi con đường xa thẳm mãi
Nhớ nhà hay nhớ chính thân ta”
(Nhớ thân ta)
Câu thơ có chút ngậm ngùi. Anh nhớ tuổi trẻ, nhớ thời sung sức của mình.
Vũ Quần Ph¬ương hay hoài niệm phải chăng vì anh “quay lại thời gian đã mất” để làm sống lại những “không gian”? Phải chăng vì kỷ niệm xưa dù vui hay buồn khi nó chìm dần trong sương khói của thời gian bao giờ cũng Đẹp. Những kỷ niệm đó đọng lại trong anh “những niềm vui không mất” và “long lanh bay suốt một đời người”.
Trên con đường đời xa thẳm, nhìn lại nhà thơ không khỏi giật mình:
“Anh còn gì cho em
Cánh đồng sau vụ gặt
Phiên chợ khi vãn người
Ngọn đèn vừa cạn bấc
Bãi biển ngày nước lui”
(Không đề)
Bài thơ buồn tê tái. Nó chính là bức chân dung tinh thần tự họa của nhà thơ. Thơ Vũ Quần Phương buồn nhiều hơn vui. Trịnh Thanh Sơn đã có lý khi cho rằng: “Có lẽ buồn là trạng thái tình cảm áp đảo và thường trực trong tâm hồn thi sĩ”. Trở lại bài thơ “Không đề” nỗi buồn ở đây pha lẫn sự nuối tiếc: một cánh đồng đã từng có thu hoạch, một phiên chợ từng đông vui, một ngọn đèn từng tỏa sáng, một bãi biển từng triều dâng, tất cả không còn nữa.
Đời người mấy ai được vui. Có chăng niềm vui chỉ thoáng qua còn nỗi buồn thì đọng lại. Ngày xưa thi sĩ Xuân Diệu đã từng khái quát cả cuộc đời:
“Thế giới ba phần tư nước mắt
Đi như hạt lệ giữa không trung”
Con người sinh ra là khổ. Chẳng phải Phật đã dạy là: “Hữu thân, hữu khổ” hay sao?
Hơn ai hết người thi sĩ đa cảm và nhạy cảm lại càng buồn và cô đơn. Bởi lẽ: về phía chủ quan người nghệ sĩ thường hay đòi hỏi sự hoàn mỹ, về phía khách quan thực tế không bao giờ đáp ứng được ước mơ của người nghệ sĩ.
Vũ Quần Ph¬ương cũng không nằm ngoài cái chung đó. Hơn nữa bản chất con người Vũ Quần Ph¬ương ưa thích chiêm nghiệm, hướng nội. Nói như nhà thơ Tô Hà: “giữa cái động anh nghiêng về cái tĩnh” vì thế thơ anh thường buồn, đặc biệt là những vần thơ hoài niệm.
Tuy nhiên, nhớ về quá khứ nhưng Vũ Quần Ph¬ương không đắm chìm với nó. Anh không gậm nhấm quá khứ để tự huyền hoặc mình, để lãng quên hiện tại. Quay về quá khứ để anh làm giàu thêm cho cuộc sống hiện tại, để tìm hướng đi cho hiện tại. Sống với quá khứ để những khoảnh khắc của cuộc đời anh trôi qua không lãng phí, để nó bất tử với thời gian. Bởi vì thời gian với anh là:
“… cái hư không
Mà chất chồng ký ức”
(Thời gian)
Vin vào thời gian để anh truy lĩnh không gian
Tha thiết với cuộc sống, người nghệ sĩ đã mở hồn mình vào không gian cao rộng:
“Tóc xanh, tóc bạc không xanh lại
thì hồn cứ căng với gió mây
cứ đỏ màu sông, xanh sắc núi
cứ thâm u như cánh rừng dày”
(Hành trình)
Bởi anh yêu tha thiết cõi đời này:
“Lăng nhăng trăm sự rối bời
Mà sao yêu cái cõi người thẳm sâu”
(Giã từ Yên Tử)