Hà Nội ngày 05 tháng 9 năm 2010
Kính gửi: - Ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam
Thật mừng, khi đại hội VIII Hội nhà văn Việt Nam đã kết thúc với một ban chấp hành 15 nhà văn đủ số lượng như đại hội mong muốn mà sau mấy kỳ bầu cử rất khó khăn vẫn không đủ số lượng. Mừng hơn nữa, lần này có đến 7 nhà văn công tác ở các cơ quan Hội. (Trong đó chắc chắn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ lại được trở về Hội). Vì thực ra cơ cấu ngoài là cần thiết, nhưng thực làm thì phải là những ủy viên chấp hành công tác tại các cơ quan Hội nhà văn.
Nhiều ý kiến nói cơ cấu không đầy đủ về vùng miền và dân tộc nhưng tôi lại nghĩ vấn đề là sự sáng suốt của ban chấp hành trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo. Nhân đây tôi cũng đề nghị 2 nhà văn mà số phiếu quá bán đứng ở vị thứ 16, 17 không được tham gia ban chấp hành thì ban chấp hành nên xem là những ủy viên dự khuyết để có thể bổ sung BCH khi khuyết.
Cũng rất hoan nghênh nhà thơ Hữu Thỉnh, lần nào cũng trúng với số phiếu cao nhất (kể cả phiếu thăm dò và phiếu đề cử). Nhưng khuyết điểm của BCH khóa VII mà trước hết của Chủ tịch hội là không chuẩn bị được người thay thế, buộc nhà thơ Hữu Thỉnh phải làm đến khóa thứ 3, nếu lần này mà cứ thế thì không khéo nhà thơ Hữu Thỉnh phải làm đến khóa thứ 4. Nói thế để rất mừng là ta đã có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà văn Võ Thị Xuân Hà là những khả năng kế cận. Nhưng không được chuẩn bị chu đáo trong 5 năm tới thì lại khó. Chuẩn bị là gì, là cái gì chưa được học thì phải học, phải được làm một số việc để có kinh nghiệm và thói quen quản lý công việc Hội nhà văn, rồi tạo điều kiện quan hệ ngang dọc, tạo điều kiện chủ trì một số hội thảo, hội họp và công việc quan trọng khác. Từ đó xây dựng thói quen quản lý và tín nhiệm. Nhất định lần đại hội thứ IX chúng ta sẽ có một Chủ tịch hội mới.
Thực ra Đại hội không hẳn là nơi bàn về văn chương, vì quá trình 5 năm chúng ta đã bàn rất nhiều thế mà cũng chưa đủ. Đại hội, công việc chính là bàn về xây dựng và phát triển Hội. Trên cơ sở đó để bầu một BCH đủ tâm đủ tài lãnh đạo chỉ đạo suốt nhiệm kỳ 5 năm. Cũng là dịp để các nhà văn trở về gặp gỡ nhau.
Tham luận của Đại hội, thực ra hội viên đã gia công viết nhiều và đọc nhiều nhưng tôi chỉ thấy những tham luận thực tế rất thời sự và cũng rất bổ ích cho đại hội nếu không nói là những tham luận hay đó là của nhà văn Lương Sỹ Cầm, nhà văn giáo sư Phong Lê, nhà văn Thùy Dương và nhà văn Ngô Minh (tham luận của nhà văn Ngô Minh tôi đọc trên mạng).
Dư luận chỉ thích những tham luận đề cập đến vai trò và trách nhiệm nhà văn và ban chấp hành trước thời cuộc hiện nay.
Thưa các anh chị, công việc 5 năm tới là cả một khối lượng khổng lồ, vì như qua Đại hội nhiều nhà văn đã nói lên những tồn tại mà sắp tới cần phải được giải quyết. Tôi chỉ xin có mấy ý kiến về cách làm.
Trước hết ủy viên BCH nên đảm nhận phụ trách các đơn vị cấp 2, các tạp chí, báo, các hội đồng, các ban. Trong các hội đồng và ban, nên có các nhà văn trẻ ở các vùng miền, họ tham gia để không những đóng góp mà chính họ là nguồn để có thể đào tạo cán bộ quản lý Hội lâu dài.
Về kết nạp hội viên mới, tôi đề nghị Ban hội viên và các Hội đồng có sự tham khảo ý kiến các Chi hội nên soát xét thật kỹ số đơn còn lại để cuối năm 2010 kết nạp một đợt. Chấm dứt tình trạng những người đáng được vào hội mà bỏ sót như nhà văn Định Hải và nhiều nhà văn khác đã có ý kiến trong Đại hội.
Về giải thưởng hàng năm, tôi đề nghị làm thế nào để tất cả những tập thơ, tập văn, tập phê bình, tập dịch thơ văn in trong thời kỳ xét thưởng được tập hợp về Hội có thể từ các nhà xuất bản hoặc từ tác giả bằng cách Hội bỏ tiền ra mua cho hội viên hoặc các nhà xuất bản, các tác giả gửi đến tặng nhưng cũng phải 20-30 cuốn. Các hội đồng trước khi xét nên lập Ban sơ khảo gồm các nhà văn ở các chi hội, vùng miền để giúp Hội đồng đọc kỹ và có văn bản trình lên Hội đồng.
Còn thời gian in năm nào xét năm đó là không thực tế vì có những cuốn sách in vào cuối năm cho nên có thể để như cơ chế cũ hoặc từ tháng 5 năm trước đến tháng 5 năm xét thưởng.
Những nhà văn là ủy viên BCH ở ngoài cơ quan Hội nên có chỗ làm việc tại văn phòng Hội và quy định những ngày có thể ở cơ quan Hội để hội viên biết mà gặp, mà trò chuyện.
Một hộp thư lớn có 15 ô cho 15 ủy viên chấp hành để tiện việc gửi và nhận thư từ các nơi đến. Thông báo đến tất cả hội viên địa chỉ, email, điện thoại của 15 ủy viên chấp hành.
Chỉ sau 1 năm hoạt động là tất cả hội viên dù già hay trẻ, xa hay gần đều nhận biết được các nhà văn là ủy viên ban chấp hành.
Quyền lợi hội viên, rất hoan nghênh ban chấp hành khóa VII đã tiếp tục dành cho hội viên báo Văn Nghệ, các tạp chí và sự tài trợ sáng tác. Khóa VIII nên tiếp tục, nên thêm tờ Văn Nghệ Trẻ và các tác phẩm được giải. Nên có quyền lợi hội viên ở các đơn vị của Hội như nhà xuất bản, đăng tải ở các báo và tạp chí, sự tham gia hội thảo, hội họp ở các vùng miền, mở rộng chi hội tạo cho các chi hội có chế độ hoạt động như tài khoản và con dấu riêng. Tổ chức cho các nhà văn đi nước ngoài, đi các vùng miền trong nước. Rất hoan nghênh là Hội đã có bản Tin hội viên nhưng cần đầy đủ hơn nữa, nhất là hoàn cảnh và hoạt động của hội viên.
Chế độ hoạt động của BCH là chế độ ủy viên hội. Là chế độ được kết luận các hội nghị bằng nghị quyết rồi giao cho các thành viên kể cả Chủ tịch trách nhiệm thi hành. Cho nên cần tăng cường thăm dò, thảo luận và lắng nghe để đảm bảo được dân chủ và bình đẳng.
Kính chúc Ban chấp hành lãnh đạo và chỉ đạo thu nhiều thắng lợi.
Chúc các anh các chị sức khỏe.
Chào thân ái
Lê Duy Phương
ĐT: 0903234639