Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOÀNG QUỐC HẢI hành trình qua TÁM TRIỀU VUA LÝ

Huy Thắng
Thứ tư ngày 1 tháng 9 năm 2010 9:23 AM
 
Ở nước ta không hiếm cả hai vợ chồng cùng là Hội viên Hội Nhà Văn. Có điều trong văn chương họ thường chung sở thích, như cùng viết văn xuôi hay cùng làm thơ. Trường hợp vợ chồng nhà văn Hoàng Quốc Hải và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng thì hiếm. Một người chỉ viết văn xuôi, còn người kia, chỉ làm thơ. Đúng ra, Nguyễn Thị Hồng từng có một truyện ngắn và một vài tạp văn. Cái truyện ngắn ấy đã quá lâu rồi, chắc ít người còn nhớ. Có lẽ ngay cả chị cũng đã quên. Các tạp văn thường viết về một miền quê yên ả, vùng đồng bằng sông Hồng quê chị, đó là những bài thơ văn xuôi.
Không biết đã thật chính xác? Hơn 40 năm thân quen những chưa một lần tôi thấy Hoàng Quốc Hải làm thơ. Đôi lần anh có bài viết về một vài nhà thơ như Ngân Giang, Thuý Bắc, Tô Hà, Hứa Văn Định… nhưng có lẽ vì yêu quí và trọng ở nhân cách mà anh viết chứ không chủ tâm bàn về thơ phú nơi họ. Những bạn bè thân thiết cùng trang lứa với Hoàng Quốc Hải cũng phần lớn là người viết văn xuôi như Vũ Bão, Mạc Lân, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Bầu…
Tính cách giữa Hoàng Quốc Hải và Nguyễn Thị Hồng cũng khác. Anh mạnh mẽ quyết liệt. Chị mềm mại đằm thắm. Tôi nhớ, hình như nhà văn Nga Xô viết Bôrit  Pôlêvôi từng viết ở đâu đó : Những cái trái ngược nhau thường thu hút lẫn nhau. Trường hợp tôi đang nói đây, đúng vậy thay. Nhưng có một điểm chung nơi cặp vợ chồng văn chương này. Đó là nhân cách. Dù mỗi người nói khác nhưng cả anh và chị là những người sống với chung quanh hết sức chân thành, nhân hậu và tử tế.
Hoàng Quốc Hải đến nay đã có khoảng hai chục tập tiểu thuyết, truyện ngắn. Cũng từng đó sách biên khảo, tạp văn. Khác hẳn giai đoạn đầu, sau này anh tập trung vào đề tài lịch sử. Cả tiểu thuyết và khảo cứu. Anh nổi tiếng không chỉ ở trong nước, qua bộ tiểu thuyết lịch sử 4 tập, trên 3000 trang “Bão táp triều Trần”, được liên tục tái bản suốt nhiều năm. Hoàng Quốc Hải viết về con người và sự kiện quá khứ nhưng đọc, cảm giác vấn đề nhà văn nêu ra vẫn nóng hổi tính thời sự. Thẳng thắn một cách quyết liệt, không vòng vo, rào đón hay né tránh trước những vấn đề anh quan tâm. Những gì anh viết ra là từ ý thức công dân và ý thức nhà văn. Trước Hoàng Quốc Hải, ở ta chưa ai phê phán những lời bình của sử gia Ngô Sĩ Liên mà anh cho là thiếu thiện tâm về trường hợp Nguyễn Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên. Cũng chưa một ai nói lên sự tắc trách của một vài nhà sử học được coi là hàng đầu ở nước ra hiện nay về một địa danh di tích đời Trần ở Yên Tử. Cũng chưa một ai trước anh đã phát biểu công khai trên diễn đàn văn hoá lớn, rằng nói đến văn hoá không thể không nói đến tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng. Hoàng Quốc Hải phát biểu, sau đó in sách vấn đề này không phải hôm nay, khi mọi việc đã rõ ràng, đã được thừa nhận, mà cách nay đã  30 năm. Khi ấy vấn đề vẫn được coi là còn hết sức nhạy cảm. Ngay năm rồi, khi nhiều đại gia xô nhau, đầu tư làm sân golf, mặc nhiên coi đây là cách làm kinh tế hiệu quả,thì riêng Hoàng Quốc Hải đã có ngay bài viết trên báo Văn Nghệ, lưu ý xã hội về rất nhiều tác hại có thể rình rập. Sau cảnh báo mang tính xã hội và khoa học đầy thuyết phục của nhà văn, người ta đã phải nhắc nhau kịp thời rà soát lại, kiểm soát chặt chẽ hơn.
Cũng nhiều năm qua, các nhà văn hoá, nhà sử học ở ta chỉ nói đến Văn miếu. Nhưng đến Hoàng Quốc Hải, anh đã chỉ ra: “Ở kinh thành Thăng Long xưa không chỉ có Văn miếu mà còn có Võ miếu, và cả Y miếu : Y miếu hiện nay ở số nhà 9A phố 224, trong chợ Trần Quý Cáp và phố Ngô Sĩ Liên. Phố 224 nằm gọn trong chợ, lại là dãy chợ gà vịt, quanh năm ướt át, hôi hám. Phố vừa không có tên lại vừa không có lối vào nên ít người biết đến. Y miếu thờ Tuệ Tĩnh (thế kỷ 14) và Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ 18), là hai bậc đại danh y, mà cả mấy ngàn năm lịch sử nước ta mới có được”. Qua anh, càng thêm tự hào về nền văn hoá Đại Việt đã phát triển đến mức hoàn thiện. Nhưng lại lo ngại, con cháu hôm nay, nếu không biết trân trọng, gìn giữ, rất dễ biến những di tích thiêng liêng trở thành phế tích.
Đọc Hoàng Quốc Hải người ta thấy sự cẩn trọng trong từng câu chữ. Mỗi bài viết là thêm một sự khám phá, tìm tòi độc đáo và thú vị. Anh cũng góp ý, phê phán những sai trái một cách thẳng thắn, nhưng chân thành, có lý lẽ nên nhiều sức thuyết phục. Khi anh viết : “Mong sao nước ta có một đội ngũ các nhà khoa học lịch sử nghiêm túc và trung thực để nhân dân ta có thể tin những gì họ nói và viết” thì hẳn anh phải rất tự tin ở những gì mình viết? Hoàng Quốc Hải có phong cách đĩnh đạc và mực thước. Có khách tâm đắc anh không tiếp ở salon phòng dưới mà dẫn lên gác, ngay trong phòng viết. Anh trải chiếu hay nệm, chủ khách ngồi xếp chân vòng tròn bên bộ ấm chén. Cung cách pha trà ở Hoàng Quốc Hải cẩn thận, tỉ mỉ. Động tác điệu đàng như một nghi thức. Ấm chén được tráng kĩ nước sôi, sau đó anh mới vớt ra lau bằng khăn sạch. Mở nắp hộp trà, anh nghiêng nghiêng đưa sát vào miệng ấm, nhè nhẹ lắc cho những cánh trà móc câu từ từ rơi, như nghe rõ cả tiếng lạo xạo của cánh trà. Nước sôi chỉ cần vừa sủi tăm cua. Trà ngấm, được anh rót cả vào chén tống sau đó mới san đều ra các chén nhỏ, không chén trà nào đậm, nhạt khác nhau. Thưởng thức trà với anh, người sốt ruột không ngồi được. Vừa nhâm nhi, vừa đàm đạo.
Hoàng Quốc Hải khá am tường về nhiều lĩnh vực văn hóa. Tôi từng chứng kiến, tại toà soạn báo Người Hà Nội cuối tuần, nhà văn Đào Quang Thép, dù rất bận rộn người ra vào, nhưng cứ chăm chắm nhìn và nghe Hoàng Quốc Hải nói về trà cả tiếng đồng hồ. Nhân viên có việc lên xin chữ ký, ông chỉ buông thõng : “Cứ để trên bàn cho tôi”. Tôi nghĩ thầm : Giá nhà văn Nguyễn Tuân còn sống, ngồi trò chuyện cùng Hoàng Quốc Hải, hai nhà văn vong niên đều kỹ tính trong ẩm thực, khi đã bên ấm trà, lại thêm chút hương trầm, không biết đến khi nào họ mới có thể chia tay?
Ngược lại, có khách mà không có mặt đức lang quân, Nguyễn Thị Hồng thường chỉ lấy ra gói trà Atisô cho vào cốc rồi đổ đầy nước sôi. Chị bảo: “Trà này mát và bổ, rất tốt cho gan và mật!”. Trong bài thơ Bình dị của mình, Nguyễn Thị Hồng viết :
Em nguyên sơ như đất
Em nguyên sơ như cây
Em nguyên sơ như nắng
Như gió cao nguyên này
Có lẽ bản chất mộc mạc, hồn nhiên như cỏ, cây, sông, suối nơi Nguyễn Thị Hồng đã ở trong từng câu thơ trên.
Gương mặt em bảng lảng Tây Hồ
Chất dịu dàng thẳm sâu đáy nước
Nét hồn em không dễ gì nắm bắt
Như sương chiều, như nắng sớm mặt hồ Tây
Chị mượn cảnh để bộc bạch tâm hồn mình. Nguyễn Thị Hồng có bài Thu cảm. Đã không dưới 10 tuyển thơ dày, mỏng từ các nhà xuất bản in đi in lại bài thơ này. Giản dị, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Đọc mà bâng khuâng.
Mùa thu ơi, đẹp vừa thôi
Giăng chi khoảng cách giữa đời  và mơ
Đời càng nhiều nỗi ưu tư
Người càng đơn lẻ trước thu tuyệt vời
Nguyễn Thị Hồng là một trong những người hiếm hoi mà khi gần, ta có thể tâm sự cả những riêng tư buồn vui, hành phúc khổ đau … mà không chút e dè, nghi ngại. Tâm hồn chị mỏng manh. Có khi chỉ từ một chiếc lá rụng, một giọt sương rơi hay ánh hoàng hôn đang dần chìm tắt cũng đủ làm chị xao động.
Quen biết nhiều năm những chưa một lần tôi thấy chị có nhận xét xấu về một người nào đó. Cả trong văn chương và trong đời sống. Cũng chưa một lần tôi thấy chị đỏ mắt, tức giận.  Vậy nên thơ chị đầy sẻ chia, đằm thắm. Hồi còn ở Giảng Võ, một chiều từ cơ quan về, bất chợt thấy một người đàn ông rách rưới lao từ trên hè xuống. Thót người, tưởng kẻ cướp, chị dấn đạp xe thật nhanh như trốn chạy. Về khu tập thể, chị kể lại còn chưa hết bàng hoàng. Khi mọi người bảo đó là người ăn mày, thì chị ân hận. Chiều hôm sau và mấy chiều sau đó, qua đúng quãng đường cũ, chị đạp xe thật chậm, hy vọng gặp lại người ăn xin để biếu ông ta ít tiền. Nhưng đã không thấy. Có lẽ ông đi xin nơi khác. Chỉ vậy đủ khiến chị áy náy mãi, như mình là người có lỗi. Có cảm giác khi làm thơ, Nguyễn Thị Hồng không vất vả gì nhiều. Cứ trải lòng mình ra con chữ là thành thơ. Tất cả mấy trăm bài thơ chị làm in ra trong các tập Em ra đi, Biển đêm,Những bông hoa thiên sứ, Hồn khèn, Cuộc bàn giao thế kỷ… cho ta cái cảm nhận vậy. Nhưng đọc và ngẫm, hoá ra nhầm.
Lêvitan là hoạ sỹ thiên tài, và tranh ông chỉ là phong cảnh, thiên nhiên làng quê Nga. Ông không vẽ người. Nhiều nhà thơ đã viết về Lêvitan, nhưng Nguyễn Thị Hồng lại có cảm nhận riêng :
Ngoằn ngoèo lầy lội đường thôn
Có ai ở cuối nẻo đường chờ không?
Đốt em khát vọng cháy lòng
Người ơi cảnh đẹp sao không thấy người
“Người” là nhân vật chị muốn có trong tranh, hay “người” là hoạ sĩ, tác giả bức tranh?
 
Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha nói về thơ Nguyễn Thị Hồng: “Giữa nhiều giọng thơ hướng ra xã hội, lớn tiếng tranh cãi, thơ Nguyễn thị Hồng với hướng ngược trở lại, đã là một tiếng nói nói nhắn nhủ rằng con người đừng bao giờ quên một thế giới cũng mông lung ở ngay trong mình!”. Thơ Nguyễn Thị Hồng xuất hiện chừng hơn 30 năm trước, đem lại một gương mặt thơ, một hồn thơ độc đáo, thật ấn tượng. Thơ chị được nhiều người yêu, nhiều người nhớ. Chị cũng đã dành được nhiều giải thưởng văn học uy tín. Chị đã tạo dựng cho mình một vị trí riêng trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Vậy mà giờ đây Nguyễn Thị Hồng như thôi làm thơ. Đã bỏ lại sau lưng mọi vinh quang thơ phú để trở lại với công việc một người đàn bà của gia đình. Chị chăm lo cho mái ấm, cho các con và cho cô cháu nội Chích Bông. Và chị còn có một công việc cũng vô cùng quan thiết, là chăm lo, giúp đỡ cho chồng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải giờ vẫn đang vô cùng bận rộn. Những năm trước, anh vật lộn với gần hai trăm năm triều Trần, nay anh lại như mất ăn mất ngủ với trên hai trăm năm triều Lý. Tập “Bão táp triều Trần” xong, tưởng anh có thể xoa tay, nghỉ ngơi, nhưng “Tám triều vua Lý” đã đem lại cho anh quá nhiều hấp dẫn, nên anh không thể dừng. Gần hai mươi năm nay anh dành cho cuốn tiểu thuyết. Bộ sách có độ dày trên dưới 3000 trang. Anh chỉ viết bằng bút máy. Không máy chữ, không vi tính. Tính lại cẩn thận, kỹ càng nên cứ sửa đi sửa lại. Có khi chỉ một chi tiết, cảm thấy chưa yên tâm, anh buộc phải dừng lại tìm sách tra cứu. Thậm chí lặn lội tận nơi đã xảy ra sự kiện. Không viết dựa, viết bừa, viết ẩu. Nên vất vả. Để chồng yên tâm, mọi việc khác Nguyễn Thị Hồng gánh hết.  Từng là trưởng ban biên tập sách văn học Nhà xuất bản Phụ Nữ nhiều năm, giờ chị lại là người biên tập ngay từ những trang bản thảo của chồng. Chị tự hảo về anh, về những tâm huyết anh đã viết, và chị rất tin vào thành công của cuốn sách. Khách khứa nhiều, sợ anh mất thời gian, chị cũng thay anh. Kể cả, là các nhà báo, phóng viên truyền hình và những khách đến giao dịch, đặt bài…
Khi anh đi Đại Lải, Tam Đảo để viết, chị thu xếp việc nhà để ở bên anh. Anh lên Đà Lạt, chị cũng bay vào và ở bên anh hàng tháng trời. Anh không khoẻ, kỹ tính, lại kén ăn, kén cả uống. Với anh, chị là người vợ, người bạn, người biên tập văn học… Có chị, đó là một động lực giúp anh  thêm sức mạnh vượt qua tuổi tác, sức khoẻ để ngày ngày vẫn dành ra dăm bảy tiếng đồng hồ để đọc và viết, và sửa chữa.
Những gì Nguyễn Thị Hồng lo toan cho chồng con, Hoàng Quốc Hải biết rõ. Nhưng anh thường ít những lời có cánh ồn ào trước chị. Đến thăm ngôi nhà văn chương này, đem lại cho khách một cảm nhận, đó là một ngôi nhà bình yên, ấm cúng, tràn ngập tình yêu. Sắp tới đây, Bộ tiểu thuyết trường thiên “Tám triều vua Lý” của Hoàng Quốc Hải sẽ ra mắt bạn đọc. Sách chưa có nhưng không hiểu sao, tôi cứ tin chắc, ngay trang đầu, tác giả sẽ có một hàng chữ đậm : “Chân thành biết ơn sự chăm lo, chia sẻ của vợ tôi, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng. Người đã giúp tôi có thêm sức mạnh và niềm vui để có thể hoàn thành bộ tiểu thuyết này!”
Nguồn: lethieunhon.com