Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀN CỜ LỤC "Ệ"

Nguyễn Vĩnh
Thứ tư ngày 1 tháng 9 năm 2010 10:16 PM

Dư luận giới truyền thông và cư dân mạng cuối tuần qua truyền đi khá nhanh chuyện một cán bộ lãnh đạo ở một cơ quan có vị trí quan trọng rút lui không ứng cử bầu cấp ủy tại đại hội đảng bộ. Ông nêu lý do vì sẽ đệ đơn lên thủ tướng từ nhiệm chức vụ, xin ra ngoài biên chế để đi làm tiếp bên ngoài hệ thống nhà nước bởi ông mới 53 tuổi. Người ta phần đông chạy tới chạy lui để vào, để được cơ cấu đổi đời thì có ông lại xin chạy ra, đến lạ.  
Tuy nhiên cái chuyện ra đi, chảy máu chất xám ở đội ngũ tinh hoa thế này cũng đã từng xảy ra ở các cơ quan đơn vị khác nhau khắp cả nước. Tập trung dễ thấy nhất là ở các thành phố lớn mấy năm qua khi cơ chế kinh tế thị trường vận hành tăng tốc. Cho nên câu chuyện từ bỏ chức vụ kiểu trên cũng không là một tin quá sốc dư luận. Cái điều đáng nói đáng nghĩ lại nằm đằng sau của những sự dứt áo ra đi như vậy. Bởi nhìn lại trong nhiều trường hợp xảy ra thì đó thường là “hậu quả” không lấy gì làm vui vẻ lắm từ những câu chuyện sử dụng cán bộ, tức sự cắt đặt nhân lực con người ở ta là “có vấn đề” qua mỗi kỳ đại hội đảng các cấp.
Thông tin và giải thích chính thống thì công tác tổ chức cán bộ của chúng ta dù có một số yếu kém nhưng “cơ bản” là tốt, bao giờ chẳng là đạt những thành tựu mà chính vì thế chúng ta mới thu được bao nhiêu là thành công và thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng cơ mà. Điệp khúc này chúng ta đã được nghe được đọc quá nhiều rồi.
Nhưng vẫn tồn tại một sự thực khác. Chúng phổ biến và nhân rộng đến mức trở thành những câu chuyện cửa miệng trong dân gian. Đó là chuyện có rất nhiều những cán bộ lãnh đạo được cơ cấu vào cấp này cấp khác trong dịp đại hội 5 năm một lần (cũng như các dịp đề bạt cất nhắc thường xuyên khác diễn ra) thì hầu hết đều không “đi chệch” những suy đoán có tính chất sang tai, tin đồn, nghĩa là từ những tin “vỉa hè” mà quần chúng rì rầm đồn thổi. Nên có câu nói đùa: “toàn dân làm công tác cán bộ” là vậy.
Tin vỉa hè mà lại thường “trúng phóc” là sao? Đáp án rất đơn giản. Bởi bằng quan sát hằng ngày, con người ta thừa biết các mối quan hệ giữa các vị quan ở các cấp trên với những người nào đó ở các cấp dưới sắp được cất nhắc. Chữ “quan hệ” ở đây có nội hàm và ý tứ rất rộng. Đó là các mối thân quen hoặc họ hàng dòng tộc, là đồng hương đồng khói với nhau. Cũng có khi là thứ quan hệ trên-dưới, là đệ tử là đàn em của nhau… Những điều trên đôi khi được che khuất, hoặc cố tình giấu kín, nhưng với cảnh “trăm ngàn con mắt” đổ dồn của quần chúng nhân dân vào chuyện đó, thì khó mà có phi vụ nào không bị lộ diện, cách này hay cách khác. Tai mắt quần chúng đừng có coi thường nha.
Nhân nói về câu chuyện tổ chức cán bộ, một anh bạn thân của tôi từ thời học phổ thông đã “khái quát hóa” nó thành ra vần vè xung quanh 6 chữ vần “ệ” (nghe âm thanh này không được thanh cảnh, sang trọng cho lắm!). Anh nói 6 chữ “ệ” này được xem như một thứ tiêu chuẩn cán bộ để dựa vào mà thăng quan tiến chức cơ đấy. Anh bạn bảo cụ thể 6 chữ “ệ” đó là: Tiền tệ, Quan hệ, Tộc hệ, Đồ đệ, Công nghệ và Trí tuệ.
Rồi anh nhẩn nha giải thích, thì tiêu chuẩn đầu tiên (tiền đâu) chẳng chính nó là “Tiền tệ” đấy thôi. Câu nói “khó nghe” lại hay thấy thì thào với nhau tại cái điểm được coi là nhạy cảm nhất này: Có những việc không mua được bằng tiền nhưng sẽ mua được bằng “rất nhiều tiền”... Nhưng có tiền bôi trơn mà không có quan hệ tốt (tin được mới nhận tiền chứ) thì việc vận động cũng coi bằng âm (Quan hệ). Rồi đến trong các sự cất nhắc cho nhau, người ta bao giờ chẳng ưu tiên cho người thân gần, người là anh em họ hàng tộc hệ với nhau thì mới mong đúng cạ, mới yên tâm trong ấm ngoài êm được (Tộc hệ). Và nếu không được thế thì phải là đàn em đệ tử của nhau, không là gì với nhau thì cũng tìm cách tôn nhau lên là thầy, là sư phụ, còn ta nhận là học trò là đồ đệ... thì sẽ càng thân thiện và gắn bó với nhau hơn (Đồ đệ). Tuy nhiên thời nay người ta cũng chuộng những nước đi minh bạch công khai khi có thể công khai minh bạch được (trong công tác cán bộ), cụ thể là bằng mọi cách đưa ra các quy trình quy định kiểu công nghệ lăng-xê, kiểu các thủ thuật đánh bóng mạ kền cho các đóng góp thành tích của nhau (Công nghệ)... Năm tiêu chuẩn kia nếu thu xếp được là OK, cái ghế coi như đã được kê, người khôn khéo là cứ thế ghé ngồi vào và tọa hưởng.
Cuối cùng anh bạn tôi mới thốt ra, đáng buồn thay, cái tiêu chuẩn cuối cùng là “Trí tuệ”, tuy vẫn có mặt để xếp hạng xếp hàng để xem xét đó, nhưng là cái tiêu chuẩn sau chót, là điểm xét vớt mà thôi. Dù thế nào việc đưa “anh chàng tiêu chuẩn” này vào cũng cần, bởi nghĩ cho cùng, một bộ máy muốn chạy được, cũng cần phải có những người biết việc – như dân gian đùa vui là những ông lực điền, những con trâu cày, chứ không thì việc ùn ra, ai làm. 
Chuyện bạn tôi kể nếu chịu khó quan sát thì chúng ta thấy cả. Trong số những bạn cũ tuổi thiếu thời nay còn chơi được với nhau, anh là người đàng hoàng đứng mực, từng là một quan cỡ đầu tỉnh, nên cái “tổng kết” về công tác cán bộ về nhân sự này là có “sức nặng” của kinh nghiệm từng trải. Đúng là vậy thì thực đáng nghĩ ngợi và lo lắng thật sự.   
Nguyễn Vĩnh
------------------
Nguồn:
http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?new=1&mid=1402