Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÁT VỚI TRẦN ĐĂNG KHOA

Lương Bích Ngọc thực hiện
Thứ tư ngày 4 tháng 8 năm 2010 7:27 AM

LBN: Làm BCH Hội Nhà văn có lợi lộc gì không mà sao có mấy người cứ sùng sục trong các bản tin nặc danh, hết bài binh bố trận, hạ gục người này, rồi cô lập người kia. Rồi bày đặt phương án chọn người, rồi hướng dẫn cách thực hiện, bầu bán...Hỏi thật, ông đã từng là UVBCH, vào BCH có lợi lộc gì không?
 

 TĐK: Không. Chắc chắn là không. Chẳng oai phong gì cái hư danh UVBCH. Những người được anh em lựa chọn vào BCH, ít nhiều có uy tín, được anh em tin cậy. Họ không cần cái son phấn ảo ấy để trang điểm thêm cho nhan sắc của mình, mà có khi còn bị dèm pha, mắng mỏ, thậm chí có người còn bị vu cáo. Còn bà hỏi về lợi lộc, có nghĩa là vật chất thì lại càng không. Ngay trong nhiệm kỳ khóa 7 mà tôi tham gia vừa rồi, nhà nước đầu tư cho sáng tác hơn 14 tỷ đồng. Số tiền ấy đều đã nằm trong tay các HV (Tài liệu đã có trong tay các Đại biểu). Các thành viên BCH không nhận một đồng nào đầu tư sáng tác. Trong khi họ cũng viết như  anh em. Chúng tôi cũng không nhận lương ở HNV. Chỉ có mỗi bác Thỉnh nhận lương Hội, tôi nhận lương Đài, anh Huân nhận lương quân đội, anh Thái nhận lương BNG, chị Vàng Anh nhận lương Nhà xuất bản Trẻ. Ở HNV, làm Hội viên sướng hơn làm UVBCH. Nói có khi bà không tin. Nhưng đúng là như thế
.
 LBN: Có người bảo, ông là cái bóng mờ nhạt của BCH...

 TĐK: Tôi là người giúp việc cho bác Thỉnh, bác Huân và bác Thảo. BCH cũng như một dàn nhạc, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Hữu Thỉnh. Trong dàn nhạc, có kèn đồng vang động, lại có cả cây sáo, cây nhị nỉ non, rồi còn có cả bè trầm âm âm u u không ra tiếng gì cả. Nếu ai cũng nhảy lên lĩnh xướng thì có còn là dàn nhạc nữa không? Tôi chỉ là một cây sáo trúc trong dàn nhạc. Ai lại đem tiếng sáo mảnh mướt so với tiếng kèn đồng? Công việc của tôi, bác Thỉnh hiểu rõ hơn ai hết. Bác ấy giao tôi làm Trưởng ban TCHV và Tuyên truyền. Ở Ban TCHV có một việc rất cần thiết là thăm hỏi hội viên ốm đau và tổ chức tang lễ. Cái này bác Thỉnh chu đáo lắm, bác luôn sát cánh cùng Ban Hội viên và làm rất tận tụy. Bởi có những nhà văn, những tên tuổi, phải chủ tịch đứng ra mới xứng tầm. Viết điếu văn các nhà văn thì không ai hơn được Hữu Thỉnh. Tận tụy với nhà văn cũng không ai hơn được Hữu Thỉnh. Thế mà vẫn có người ngờ bác ấy, cho rằng bác ấy tranh thủ lấy lòng để dành sự ủng hộ. Khổ vậy. Hôm ông Phù Thăng, một nhà văn có số phận rất bất hạnh mất, bác Thỉnh cũng lặn lội về quê Phù Thăng viếng và đưa Phù Thăng ra tận đồng làng. Ông Phù Thăng không phải HVHNV, vậy bác Thỉnh “tranh thủ” gì ở Phù Thăng? Ông Thăng bầu cho Hữu Thỉnh ư? Những người đưa tang Phù Thăng đều là thợ cầy của làng. Họ chỉ biết ông Thăng là thợ cày và tất nhiên, họ cũng không biết bác Thỉnh là Chủ tịch HNV. Vừa rồi, cũng có bác đổ tội cho tôi kết nạp ẩu, đưa những người viết người tốt việc tốt vào Hội. Tôi thấy rất buồn cười. Việc kết nạp Hội là công việc của toàn BCH và Hội đồng chuyên môn cùng các ban chức năng. Hội đồng chuyên môn lựa chọn, giới thiệu, rồi BCH xét. Trước khi xét, còn có phiên họp mở rộng để nghe các chủ tịch Hội đồng chuyên môn bảo vệ  những người mình đưa ra. Ban TCHV chỉ làm những công việc mang tính thủ tục để giúp cho BCH xét duyệt và quyết định. Còn công việc tuyên truyền của tôi thì cụ thể hơn. Bao gồm theo dõi mảng tuyên truyền trên báo chí và trực tiếp tuyên truyền cho các nhà văn. Tôi ở bên Đài đúng là có điều kiện làm việc này. Hiện trong kho băng của Đài có rất nhiều tư liệu quý trong đó có tiếng nói của các nhà văn, bây giờ lại thêm cả hình. Đây sẽ là nguồn tư liệu rất quý có thể làm cho Bảo tàng HNV đặc biệt sinh động, mà nhiều Biên tập viên văn nghệ của Đài  thế hệ trước tôi họ đã làm và làm rất tốt. Đó là tài sản vô giá mà tôi chỉ là người kế thừa tiếp tục công việc của các thế hệ trước. Chúng tôi đang phấn đấu để mảng văn nghệ của Đài, cả hình và tiếng, là bức tranh toàn cảnh của Văn học nghệ thuật VN từ trung ương đến các địa phương..

 LBN: Ông chờ đợi gì ở Đại hội này?

 TĐK: Tôi tâm đắc với ý kiến của một hội viên khi ông cho rằng, về đại hội không nên quá quan tâm đến chuyện bầu bán, mà hãy nghĩ ngợi bàn luận làm sao viết cho hay chứ đừng bôi bẩn nhau để lại những hình ảnh không đẹp về các nhà văn trước mắt các chính khách và bạn đọc vốn hâm mộ văn chương. Đúng vậy. Và tôi còn mong bằng trí tuệ, các nhà văn hãy  bày cho BCH cach tồn tại của HNV nên như thế nào? Các cơ quan cấp 2 tổ chức ra sao cho có hiệu quả. Có nên cứ phải UVBCH nắm hết các đầu mối cơ quan cấp 2 không? Hay mở rộng chọn những người điều hành có năng lực trong toàn Hội. Chúng ta có gần ngàn hội viên chả lẽ không chọn được những người làm báo làm xuất bản hay sao. Cần mạnh dạn đề bạt và mạnh dạn bãi miễn. Nếu làm việc trong thời gian sáu tháng hay một năm mà mà không khởi sắc hay biến chuyển thì thay ngay người khác, Phải xem việc lên và xuống là bình thường. Phải thế chúng ta mới chọn được người tài. Và những người tài ấy có thể bổ sung vào BCH hoặc là nguồn để bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo HNV khóa sau. Tổng thống B.ELSIN từng thay người trong nội các như thay áo, một năm thay mấy thủ tướng, từ người cao tuổi từng trải đến cả những anh trẻ chỉ ở độ tuổi 30, đưa lên rồi hạ xuống ngay nếu không làm được việc. Bằng cách ấy ông đã chọn được V. Putin, người đã cứu nước Nga thoát khỏi hiểm họa. Tại sao chúng ta không làm như thế để cứu Hội Nhà văn nhỉ?

  LBN: Có phải BCH không nỗ lực nên kỳ vừa rồi không có tác phẩm đỉnh cao?

 TĐK: Mụ lại đùa rồi. Tạo dựng tác phẩm đỉnh cao là công việc cực nhọc lầm lụi của từng nhà văn, chứ đâu phải mấy anh BCH? Chỉ tài năng và tâm huyết của các nhà văn mới làm cho văn học VN phát triển và sang trọng, Điều ấy thì tôi rất tin và đó cũng là điều chúng ta đáng chờ đợi nhất. Ai ngồi vào cái ghế BCH cũng được. Miễn đó là người có nghề và tử tế, tận tụy  hết lòng vì anh em.

     Lương Bích Ngọc thực hiện