Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG CHỈ ĐỂ CHO VUI

Phạm Khải
Thứ ba ngày 3 tháng 8 năm 2010 9:49 PM
 
Vậy là chỉ còn vài ngày nữa thôi là khai mạc Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Nói gì thì nói, so với đại hội các hội văn học nghệ thuật khác, đây là đại hội được công luận quan tâm, chờ đợi nhất, và chắc chắn cũng sẽ là đại hội làm “tốn nhiều giấy mực” của báo giới nhất, kể cả khi nó chưa khai mạc và lúc nó đã bế mạc. Ngẫm cho cùng thì điều này cũng chẳng có gì lạ: Các nhà văn vốn là những người có lối nói, cách hành xử độc đáo, ấn tượng, nên nếu đại hội có diễn biến theo chiều hướng nào thì dư ba mà nó để lại cũng vẫn có những câu chuyện... vui. Vấn đề là làm sao để đại hội không chỉ “vui”, “có nhiều chuyện lạ” mà là phải đạt được những mục tiêu cụ thể đề ra.
Về việc này, trước thềm đại hội, tôi xin có mấy ý kiến nhỏ như sau:
Có hai hoạt động chắc chắn sẽ thu hút nhiều thời gian nhất của các đại biểu, đó là  tham luận và bầu nhân sự vào Ban Chấp hành (BCH) Hội. Thực tế cho thấy, mặc dù nhiều nhà văn tỏ ra chi chút cho những bài viết sẽ được họ dõng dạc đọc trước đại hội, nhưng thực tế luôn cho thấy, số đại biểu chú tâm để lắng nghe những ý kiến (có thể là rất tâm huyết, rất gan ruột) này không nhiều. Có thể ai đó sẽ không hài lòng với cách hành xử ấy, nhưng suy cho cùng, ta cũng chẳng thể ngăn được nhau. Bởi trong các đại biểu, có người hàng chục năm trời nay mới gặp nhau; có người đọc nhiều của nhau nay mới có dịp biết mặt, họ sẽ “tranh thủ” tối đa thời gian để hàn huyên, thăm hỏi đời sống, công việc của nhau. Đây đã và sẽ là một thực tế khách quan. Cho nên, thiết nghĩ, các bản tham luận muốn gây được chú ý đối với các đại biểu cần được trình bày ngắn gọn, thiết thực, liên quan tới mối quan tâm chung của nhiều người. Kinh nghiệm cho thấy, những nhà văn có cách phát biểu dí dỏm, độc đáo thì dễ “cấu” được thời gian của đại hội. Ngược lại, những nhà văn có lối nói tẻ nhạt, con cà con kê, dông dài những chuyện cá nhân tầm phào sẽ là những đối tượng dễ bị ...vỗ tay mời xuống. Tại Đại hội Nhà văn lần trước, nhà văn Ông Văn Tùng đã phải rào trước: “Năm nay tôi bảy mươi tuổi, Đại hội VIII chắc gì đã dự được. Ngay như hôm nay, khi chúng ta ngồi đây thì có một đồng nghiệp của chúng ta đang hấp hối trên giường bệnh. Bởi vậy tôi nghĩ, tốt nhất tôi cứ nói trước đi, kẻo sau này không kịp”. Chính cách nói thật thà và ấn tượng ấy đã khiến ông “thoát” được cái nạn bị vỗ tay... mời xuống mà nhiều đại biểu khác đã “dính” phải.
Với vấn đề nhân sự BCH, theo thông tin được công bố trong buổi họp báo chuẩn bị cho Đại hội sáng 27-7 vừa qua, hiện đã có hơn ba trăm nhà văn được đề cử để bầu BCH Hội nhiệm kỳ tới (chiếm trên 30% số hội viên). Đây là chuyện từng xảy ra tại những kỳ đại hội trước. Còn nhớ, tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khiến các đồng chí lãnh đạo Đảng dự đại hội phải bật cười khi anh hóm hỉnh nhận xét rằng, Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức “dồi dào nguồn nhân lực lãnh đạo nhất cả nước” (bình quân cứ ba người thì có một người được giới thiệu vào BCH). Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, các nhà văn khi giới thiệu thì xem ra “rộng tay” vậy, song khi vào cuộc bầu bán thì lại quá ư khe khắt (đến độ có người bên ngoài phải kêu lên là các nhà văn ta “ít ai chịu ai”). Tôi cho rằng đây là một tiền lệ không tốt cần phải thay đổi. Có đâu một tổ chức đông tới gần nghìn hội viên, với bao nhiêu cơ quan trực thuộc, bao nhiêu vấn đề cần giải quyết, vậy mà số ủy viên BCH được bầu cứ ngày một ít dần, đến độ có thể đếm được trên đầu ngón tay? Tại Đại hội VII, nhà thơ Hoàng Trần Cương từng bức xúc phát biểu ngay tại hội trường rằng, không thể nói “Đại hội thành công tốt đẹp” khi yêu cầu đặt ra là phải bầu được 15 ủy viên BCH, song kết quả chỉ bầu được có 6, chiếm tỉ lệ 40%. Theo tôi đây là một ý kiến hoàn toàn có lý và rất đáng lưu tâm. Hẳn nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng kết quả đến đâu, nên vui đến đấy, bởi thiên chức của nhà văn là sáng tác chứ không phải làm lãnh đạo. Tôi cho nói vậy là thiếu trách nhiệm. Chúng ta đến với đại hội để làm gì, nếu không phải - ngoài chuyện gặp nhau, tâm sự chuyện nghề - còn để thực hiện nghĩa vụ của mình: Bầu nên một BCH đủ mạnh để chăm lo công việc Hội. Chúng ta là “khách”, bầu xong có thể phủi tay ra về, bởi suy cho cùng, Hội Nhà văn không phải là nơi chăm lo cho miếng cơm manh áo của mình, song thiết nghĩ cũng cần phải nghĩ tới phong trào chung, đặc biệt là tới hàng trăm con người đang công tác tại các cơ quan cấp I và cấp II của Hội, những người mà mỗi diễn biến về nhân sự sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và công việc của họ. 
Đại hội Nhà văn 5 năm mới có một lần. Vài ý kiến nhỏ vậy, xin gửi tới các đại biểu...  
 
Nguồn: Văn nghệ Công an