Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HIỆN TƯỢNG CUỒNG MỘ TRONG CÔNG CHÚNG VĂN HỌC VIỆT

Trần Đình Thu
Thứ ba ngày 3 tháng 8 năm 2010 9:56 PM
 
Cuồng mộ là hiện tượng rất phát triển trong âm nhạc. Nhưng tôi không ngờ là trong văn học, nó cũng lại phát triển mạnh đến thế. Nhờ đăng tải những bài viết liên quan đến bài phê bình thơ Nguyễn Duy, tôi mới nhận ra hiện tượng này rõ nét hơn. Từ đây tôi mới hiểu vì sao Nguyễn Duy có thể làm được những cuộc “chơi thơ” như người ta tổ chức hội chợ triễn lãm với hàng hàng cử tọa sẵn sàng vỗ tay bên dưới. Từ thơ viết trên lụa, trên rổ rá rồi đến thơ in lịch, in gốm...
Sau bài viết “Web Hội nhà văn chỉ khen chứ không chê ai” trên binhchonthohay.com, bạn Tạ Tốn, như để chứng minh cho thơ Nguyễn Duy là hay, đã post ngay bài thơ “Tưởng niệm” của Nguyễn Duy viết về việc đưa hài cốt vua Duy Tân về lại Huế với lời bình “Vàng, thau đang thời buổi nhiễu nhương lẫn lộn. Lịch sử rồi sẽ sàng lọc. Những vần thơ chân chính chẳng hề lo sợ không có chỗ đứng trong hành trình thi ca dân tộc”. Tưởng rằng với một lời bình như thế, bài thơ của Nguyễn Duy hẳn sẽ là một tuyệt tác, không ngờ nó lại có những câu thế này:
Mặt trời vẫn mọc đằng đông
Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người
Đọc hai câu này, tôi bật cười nhớ câu chuyện Puskin chữa cháy cho cậu bạn cùng lớp khi anh này lỡ xướng câu đầu tiên trong bài thơ làm tập thể là “Mặt trời mọc ở đằng tây”.
Dùng hình tượng “mặt trời mọc ở đằng đông” thì đúng là khó bình luận quá.
Bạn ANAMITE còm tiếp: “Bài thơ đọc cảm động quá. Chỉ với ba khổ lục bát chân thành giản dị này thôi, Nguyễn Duy đã chạm được vào tâm can Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử buồn tủi’.
“Chạm được vào tâm can”. Chính cái điều  này mà sự cuồng mộ hình thành.
Thơ phong trào, thơ tuyên truyền cổ động là thứ thơ luôn “chạm được vào tâm can” người đọc. Nguyễn Duy hay ở chỗ đó, anh biết quần chúng đang hứng thú điều gì để viết ngay về đề tài ấy. Từ đó anh trở thành một người “thay lời muốn nói” cho rất nhiều độc giả khác nhau, Từ đó anh đứng lại trong lòng họ. 
Nguyễn Duy viết nhiều đề tài khác nhau. Mỗi loại công chúng được anh làm quà cho vài bài thuộc loại “trúng tâm can”. Bạn Bằng Lăng, có lẽ đã hoặc đang tuổi học trò, post lên bài “Kính gửi tuổi học trò” với những câu: “Học trò con trai ma quỷ/Học trò con gái thần tiên/Thầy bắt thần tiên... ngồi kèm ma quỷ/ Bén hơi ma quỷ... ghẹo thần tiên”. Một bài thơ đèm đẹp mà chính tôi cũng phải mỉm cười khi đọc nó, huống gì các bạn trẻ tuổi ô mai.
Bạn Nguyễn Hiếu, post lên bài “Nghe tắc kè kêu trong thành phố” với những câu thơ gợi lại kỷ niệm thời chiến tranh.
Nguyễn Hiếu viết: “Tôi là bộ đội phục viên, thấy bài này của nhà thơ Nguyễn Duy rất hay, xin phép được giới thiệu” Bài thơ này, người lính nào (phía miền Bắc) mà không yêu nó thì mới lạ!
Các còm ủng hộ Nguyễn Duy tới tấp như bươm bướm. Đồng thời, do thần tượng bị xâm phạm, một số còm quay qua tác giả bài viết phê bình thần tượng thơ của họ là nhà thơ Lê Thiếu Nhơn để trút cơn giận dữ. Thơ Nhơn bị lôi ra để mổ xẻ xem có “đánh trúng tâm can” bằng thơ Nguyễn Duy không mà dám chê thơ Nguyễn Duy. Nhiều còm thóa mạ nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.
Tôi khá bối rối nhưng quyết định để lại tất cả các còm. Tôi chỉ nêu ý kiến: đây không phải là cuộc “tỷ thí” giữa hai võ sĩ Lê Thiếu Nhơn và Nguyễn Duy. Đây là cuộc mổ xẻ một hiện tượng cảm thụ văn học “lạ” trong công chúng Việt, mà Nguyễn Duy chỉ là ví dụ.
Có lẽ Nguyễn Duy được biết và được yêu mến nhiều hơn cả Nguyễn Du, dù rằng bút danh anh dài hơn bút danh ông cụ một âm tiết. Có những bài tôi thấy rõ là nó dở, phải nói là quá dở, những vẫn được bạn yêu thơ nâng niu như ngọc. Đó là các bài “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”... Tôi thậm chí không biết làm sao phân tích cho mọi người “nghe ra”, phải lấy bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao đặt bên cạnh bài “Hơi ấm ổ rơm” của Nguyễn Duy với lý do là cùng một loại đề tài rồi yêu cầu so sánh. Hai bài thơ đặt cạnh nhau như con công đặt cạnh con gà, thế mà có người vẫn còm “hai bài thơ đều hay như nhau”.
Nguồn gốc của cuồng mộ là tác phẩm “đánh trúng tâm can”. Trong lịch sử có trường hợp bài thơ “Sang ngang” của Nguyễn Bính. Do ra đời vào thời kỳ mà sự tự do hôn nhân bị bóp nghẹt, bài thơ nói thay lời cho hàng vạn hàng triệu người phụ nữ đớn đau vì bị ép gả cho người mình không yêu, Nguyễn Bính lập tức trở thành thần tượng trong mắt công chúng thơ thời đó. Nguyễn Bính lúc đó luôn được giới thiệu là “Tác giả của Sang ngang”.  Ngày nay chúng ta thấy rõ, không phải “Sang ngang” mà chính những bài thơ lặng lẽ khác như “Mưa xuân”, “Chân quê” mới là tác phẩm bất hủ của ông.
Cuồng mộ tạo ra sự nguy hại cho nền văn học. Nó biến văn học thành một ngành giải trí kiểu như điện ảnh hoặc âm nhạc. Tác giả nhầm lẫn hướng đi, công chúng nhầm lẫn món ăn. Chẳng hạn như Nguyễn Duy, anh là một người quá có tài, nếu không bị che lấp bởi những giả quang, tôi tin anh sẽ làm được những viên ngọc quý cho văn học nước nhà.