Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CUỘC ĐIỆN THOẠI GIỮA NGUYỄN THỊ THU HUỆ VÀ TRẦN ĐĂNG KHOA

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
Chủ nhật ngày 1 tháng 8 năm 2010 9:45 AM
 
Gửi Người đưa tin chăm chỉ, có trách nhiệm.

… Có quá nhiều chuyện muốn trao đổi với Người đưa tin, vì biết, với trách nhiệm và ý thức xây dựng của mình cho một Đại hội thành công tốt đẹp, tôi đã làm một vài việc nhỏ, liên quan đến người mà tôi quý mến, giống như rất nhiều người đã quý mến. Đấy là chuyện tôi đã trao đổi với “thần đồng” Trần Đăng Khoa.
Những chuyện tôi nghe về anh, quá nhiều. Thực hư thế nào không rõ, chỉ biết, anh hiện đang giữ một chức vụ quan trọng, là nắm nguyên một Kênh phát thanh, kiêm truyền hình của Đài tiếng nói  Việt nam phát sóng trên hệ thống TH Cáp Đài THVN. Có vẻ như công việc quản lý hàng ngày, của một loại hình nghệ thuật đa dạng, cập nhật nhanh gọn, chính xác, mang tính định hướng cao này, không tỉ lệ thuận với tác phong, tố chất thi sĩ của Trần Đăng Khoa. Ai cũng nghĩ thế, vậy mà anh làm đâu vào đấy. Tôi cũng là dân làm truyền hình gần 20 năm, giờ kiêm thêm quản lý nội dung một Kênh truyền hình, nên càng khâm phục anh giỏi. Thế nên khi nghe những chuyện “lình xình” về anh, tôi đã nhắn tin với sự lo lắng: “Em nghe giới báo chí, nhà văn bàn về anh nhiều, toàn chuyện không hay. Em thấy ý anh là sẽ rút khỏi BCH là rất đúng. Không nên vì ở BCH mà đánh mất tên Trần Đăng Khoa bao năm được yêu quý.Em là anh, em sẽ rút. Anh khỏe nhé”

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Đêm thật muộn Trần Đăng Khoa mới gọi lại cho tôi, giọng trầm, buồn. Không hiểu, tôi có ngộ nhận không, khi nghĩ, anh buồn. Anh nói: “Anh sẽ rút, nhưng phải ra Đại hội, người ta đề cử mình, mình mới rút. Giờ đã ai bầu mình đâu mà mình rút.” Ờ mà đúng. Hóa ra thần đồng rất chắc chắn, không lơ tơ phơ như nhiều nhà thơ tài năng khác. Tôi ngậm ngùi “Anh bận thế. Đã nhận trách nhiệm nắm một Kênh phát thanh, truyền hình, cả núi việc, sao ôm thêm việc bên Hội được. Nếu vào Ban chấp hành, rồi làm Phó chủ tịch, anh phải bỏ hết bên Đài mà về quản lý Hội. Không thể kiêm nhiệm, vì phàm cái gì chỉ kiêm nhiệm thì một là mình sẽ như đười ươi giữ ống, không nắm cụ thể chuyện gì đến cùng, nên không quyết chuyện gì đến nơi đến chốn. Còn từ bỏ Đài phát thanh, về ngồi âm u ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, anh có về không. Chắc chắn là không rồi. Nếu để sang, thì cái tên Trần Đăng Khoa là sang nhất. Không có một chức danh nào thay thế nổi.”
Mới gần đây thôi, tôi dự Lễ trao giải những bài hát viết về đề tài Nông thôn, rất tự hào thấy mấy nhà thơ nhà văn của chúng ta được vinh danh từ Bộ NN&PTNT, có Phó thủ tướng, có Bộ trưởng Cao Đức Phát trao bằng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Nguyễn Phan Hách, nhà thơ Lê Huy Mậu… Thần đồng TĐK lên sân khấu, nhận hoa treo quanh cổ, ôm bằng khen cho Hạt gạo làng ta. Khi nhóm các bé nhảy tưng tưng trên sân khấu Nhà hát Lớn, hát “Hạt gạo làng ta có bão tháng bảy có mưa tháng ba…” tôi đã ngắm thần đồng rất lâu, cũng là lần đầu tiên tôi thấy hết cảm xúc của anh, mà anh không hề biết, vì mắt anh đang mải dõi lên sân khấu xem lũ trẻ đáng yêu nhảy múa tưng bừng… Ngồi ngay hàng ghế thứ 3, tôi tự nhủ, sao thần đồng lại rẽ ngang sang làm quan ở Hội nhà văn làm gì nhỉ, để rồi người ta nâng lên đặt xuống những câu hứa, những việc anh làm phật lòng người khác. Có vẻ như năm 2005 thần đồng vui vẻ nhậm chức Ủy viên BCH có vẻ là con tính sai chẳng thần đồng tí nào rồi!
Tôi viết những dòng này, gửi người đưa thư, như góp một tiếng “bênh” thần đồng của chúng ta, là chắc chắn anh không tham gia BCH khóa tới nữa đâu. Anh có những kế hoạch riêng, có sự nghiệp trước mặt, “chẳng may” khóa trước tại Hội viên tin cậy, bầu thần đồng vào, thêm cái tính cả nể nên hào hứng nhận thôi. Với một BCH 6 người, ngả bên nào thần đồng cũng mệt, cuối cùng chọn cách ậm ừ cho qua, cho yên cái thân mà làm việc khác, thành ra mang tiếng người hay hứa mà không làm. Thế nên, chúng ta hãy tha cho thần đồng lần này, để anh còn làm việc anh muốn, anh sẽ viết, (biết đâu là hồi ký về 5 năm Hội NV).  Cũng xin các nhà văn hãy để cho thần đồng được yên, là nếu thần đồng có rút, thì Hội viên đừng có cố giữ. Tan đại hội, ai về nhà đấy. Năm năm sau, người còn, người mất, gặp lại nhau, thấy chuyện ngày xưa vớ vẩn thế, sao bỗng ầm ầm như bão giật cấp 14 thế này. Thần đồng mà chẳng may trúng lại BCH khóa 8, là khốn khổ lắm. Đau đớn lắm. Vì con người, có phải cái máy tính đâu mà nạp đủ thứ vào, ổ cứng hết, thêm ổ cứng ngoài nối tiếp để lưu dữ liệu.
Tôi có nói với Trần Đăng Khoa, người đời nhớ anh là nhớ “Hạt gạo làng ta, có hạt phù sa của sông Kinh Thày” chứ chẳng ai nhớ hay quan trọng, anh đã từng là ủy viên BCH khóa này, khóa nọ. Còn nếu, vào BCH để có thật nhiều tiền, hay đi nước ngoài miễn phí, hay có điều kiện mang con cháu họ hàng lên cho ở Hà nội, ban phát những việc lăng nhăng ăn tí lương bao cấp, thì cũng cố mà  vào. Đằng này, nhà anh phố trung tâm, vợ đẹp con khôn, công việc bên Truyền thanh- truyền hình đổi mới từng ngày trong một thế giới phẳng. Anh mà cứ để tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn càng xa, ảnh hưởng ngược đến cơ quan chính anh đang làm, lợi bất cập hại.
Anh nhất trí với tôi. Lại càng nhất trí khi tôi nói “Mẹ em, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, đã từng ở BCH cùng thời chú Hữu Thỉnh, các bác Nguyễn Quang Sáng, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, (tức là chú Thỉnh đã 5 lần là ủy viên Ban chấp hành, và 2 lần làm chủ tịch. Nếu lần 8 này chú làm tiếp sẽ là 6 lần ủy viên BCH, 3 lần Chủ tịch) cũng chẳng ai nhớ. Thiên hạ chỉ nhớ, bà Ngọc Tú viết Đất làng, Buổi sáng, Hạt Mùa sau. Hay Hữu Thỉnh là “ Đường tới thành phố”.  Hữu Mai với “Vùng trời”, “Ông cố vấn” Nguyên Ngọc với “Đất Quảng”, “Rừng xà-nu”…
Anh Khoa giọng trầm buồn “Thím đúng”.
Chúc Người đưa tin sức khỏe, vui vẻ và giữ được phong độ cập nhật thông tin
Trước Đại hội NVVN khóa 8 dăm ngày