Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠY GIỜI, VIỆC BẦU BÁN ĐỪNG LÀM XẤU MẶT VĂN NHÂN"

Thu Hà - Khánh Linh
Thứ năm ngày 29 tháng 7 năm 2010 8:57 PM

LTS: Gặp gỡ & Đối thoại thứ Năm tuần này là chia sẻ của Nhà thơ Nguyễn Duy trước thềm Đại hội Nhà Văn sẽ khai mạc đầu tháng Tám sắp tới.

"Đừng làm xấu mặt Văn nhân"

Đầu tháng Tám Đại hội Nhà văn sẽ khai mạc tại Hà Nội. Theo ông, Đại hội lần này nên tập trung "mổ xẻ" những vấn đề gì?

Nhà thơ Nguyễn Duy: Theo thông lệ những đại hội trước, các nhà văn VN thường được biểu dương và được định hướng nhiệm vụ qua diễn văn nửa chào mừng nửa huấn thị. Tiếp đến là báo cáo của lãnh đạo Hội, tổng kết nhiệm kì qua, đề ra phương hướng nhiệm kì tới, rồi các tham luận góp ý bổ sung cho báo cáo đó, xoay quanh việc viết lách thế nào để hòan thành nhiệm vụ nhà văn, sôi nổi và gay cấn nhất vẫn là chuyện bầu cử Ban chấp hành mới. Kết thúc, đại hội nào cũng thành công tốt đẹp...

Giá mà đại hội lần này đổi mới - đổi mới thôi chứ chưa phải thay đổi - được nội dung nghị trường, dành phần thì giờ thích đáng cùng nhau trao đổi chuyện nghề nghiệp. Thí dụ: Nhà văn - anh là ai? Là nghệ sĩ? Chiến sĩ? Cán bộ? Làm công ăn lương? Một mà nhiều? Nhiều trong một? Hay, nhà văn là nhà văn? Từ đó, xác định cho phù hợp với thời cuộc: Hội Nhà văn là gì? Một tổ chức "xã hội - nghề nghiệp" hay "chính trị - xã hội - nghề nghiệp"?

Thiết nghĩ, nhà văn thứ thật bao giờ cũng có thái độ chính trị, nhưng không phải là "cái đuôi" của nhà chính trị. Hội Nhà văn không nên tự trương thêm cái mác "chính trị" nữa, trong trách nhiệm xã hội đã kín đáo bao hàm trách nhiệm chính trị rồi.

Có một câu chuyện "nhỏ" thôi, Tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn vẫn đang trương khẩu hiệu "Vì Tổ quốc. Vì Chủ nghĩa xã hội" ngay cạnh cái tên "Văn nghệ". Câu khẩu hiệu này xuất hiện trên tờ Văn học số đầu tiên của Hội nhà văn vào ngày 25/5/1958 sau đợt kiểm điểm Nhân văn giai phẩm (tờ báo Văn sau đó đổi tên thành tờ Văn học). Đây là câu khẩu hiệu của một thời, nhưng kéo dài mãi đến bây giờ. Thử hỏi có tờ báo nào chăng khẩu hiệu như thế không? Kể cả trong các diễn văn ở các sự kiện cũng không "hô" như thế nữa. Quan trọng là những gì trong lòng, chứ đâu cần "thích chữ lên trán" như vậy?

"Lạy giời, việc bầu bán đừng bị biến thành cuộc tranh đấu làm xấu mặt văn nhân..." Ảnh: Tuổi Trẻ.
Lẽ ra Nhà văn sống bằng sức lao động của chính mình. Hội Nhà văn hoạt động nhờ vào nguồn hội phí, nguồn kinh phí tự tạo, nguồn tài trợ xã hội, và nguồn hỗ trợ của nhà nước thuộc ngân sách văn hóa mà bất cứ quốc gia nào cũng có. Sau đó hãy bàn đến chuyện tổ chức guồng máy của Hội sao cho gọn nhẹ, tiết kiệm mà hiệu quả, tránh kềnh càng, hình thức, lãng phí tiền bạc của dân mà phức tạp hóa sự vụ. Sau cùng mới là chuyện bầu cử ban chấp hành Hội. Lạy giời, việc bầu bán đừng bị biến thành cuộc tranh đấu làm xấu mặt văn nhân... Ấy chỉ là mong ước của tôi thôi, xin thành thật nói thẳng.

Nhưng hình như cả trên báo chí lẫn các diễn đàn, câu chuyện nóng nhất lại chỉ là chuyện bầu BCH, chuyện ai sẽ là chủ tịch Hội khóa mới?

Bản thân tôi thấy buồn khi nhiều cuộc điện thoại, nhiều email cứ hỏi "ý ông thế nào về nhân sự sắp tới", trong khi bản thân tôi không để ý nhiều đến chuyện đó? Đúng ra thì tôi cũng quan tâm, nhưng thật lòng nghĩ không nên mất quá nhiều thời giờ để bàn câu chuyện đó. Cũng lâu rồi tôi không tham gia Đại hội (3 lần không tham gia ĐH của thành phố, 2 lần không tham gia Đại hội ở trung ương).

Lần này ông sẽ tham dự chứ?

Tôi sẽ ra Hà Nội, nhưng có dự ĐH không thì còn "xem thế nào", bởi "Có cô thì chợ cũng đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui". Mình ngồi đó mấy ngày, có khi lại bị lội kéo vào những cuộc trò chuyện này, cuộc cãi vã kia, có khi còn bị... chửi lây.

Văn giới không ngủ quên, chỉ là lực bất tòng tâm

Theo ông, Hội Nhà văn nên giữ vai trò gì?

Phải bàn được vấn đề cốt lõi, nhà văn là ai? văn học làm được gì cho cuộc đời? thì mới có thể bàn đến Hội nhà văn nên giữ vai trò gì? Thời bây giờ chỉ cần viết chút ít, tự bỏ tiền hoặc xin được tài trợ in vài cuốn sách, thậm chí đi viết thuê cũng được gắn mác nhà văn. Nhà văn như thế thì tổ chức hội sẽ lộn xộn, người tài năng đứng đắn cũng có, mà người vào hội cho có tiếng cũng không ít. Chẳng thế mà nhiều anh em trẻ có năng lực văn chương không thích vào hội, mà tự đứng ra lập nhóm để "chơi" với nhau. Xã hội phân hóa thì nhà văn cũng phân hóa, nhưng giá như phân hóa đến cùng đi, để nhà văn cho ra nhà văn, thậm chí những người thật sự là nhà văn đều... ra khỏi Hội!

Lâu nay độc giả vẫn có ý trách các Nhà văn hình như đang ngủ quên nên mấy chục năm qua nền Văn học của chúng ta vẫn chưa có tác phẩm để đời. Là người trong cuộc, ông chia sẻ thế nào với các độc giả vốn luôn yêu mến nền Văn học Việt Nam?

Thực ra, các nhà văn không ngủ quên đâu, mà không viết được, hoặc chỉ viết được đến... thế thôi. Nhìn chung, lớp nhà văn lớn tuổi thì "lực bất tòng tâm", cạn kiệt cả sức sống lẫn sức viết. Lớp trẻ thông minh, sung sức, nhưng có mấy ai thiết tha với "tác phẩm để đời", khoái gì viết nấy, tiện thì "chơi", chán thì thôi, dại gì bì bõm cả đời với sóng nước văn chương bập bềnh vô định.

Không ít người đeo cái danh hiệu nhà văn như món đồ trang sức, có thể làm sang, có thể hóa kệch cỡm. Cũng phải công tâm ghi nhận, chỉ tính từ sau 1975, tuy chưa nhiều nhưng đã có những tác phẩm để đời đó chứ, đều nhờ vào thực tài của tác giả, có già có trẻ...Phải kể đến tài năng - một yếu tố quyết định trong sáng tác văn học mà thiếu nó thì đừng mơ đến tác phẩm lớn.

Phải chăng còn một lý do mà ông chưa nhắc tới, là các nhà văn Việt Nam đang dành quá nhiều thời gian cho những công việc "ngoài văn chương"? Nào làm báo, là phim,... chưa kể một thời gian "không nhỏ" dành cho những tranh cãi, đấu đá? Giá những thời gian ấy được các nhà văn dành cho văn chương thì sẽ có nhiều tác phẩm khá hơn chăng?

Đã có một thế hệ xả thân với văn chương, dành hết "ruột gan máu thịt" cho việc viết văn, làm thơ, đôi khi như "tâm thần", lơ ngơ. Còn bây giờ lớp trẻ tỉnh queo, không có nhiều cảm xúc mạnh mẽ cho sáng tác, sự gắn bó thì càng thiếu. Nhà văn hiện nay làm rất nhiều việc để sống, không chỉ làm báo, làm phim mà còn làm công ty, làm công chức, làm doanh nhân. Văn chương đối với họ như trò chơi, tiện thì chơi, chán thì thôi như tôi đã nói.

Một công việc cũng ngốn rất nhiều thời gian của nhà văn bây giờ là ngồi đọc mạng. Già như bọn mình mỗi ngày cũng mất vài giờ đồng hồ, anh em trẻ còn hơn rất nhiều, nào đọc tin, viết blog, rồi trao đổi, cãi cọ, kể cả tranh đấu. Những cái đó làm cho tâm tình của con người bị vụn ra, mỏng manh đi. Có một chút tài năng, có dồn hết sức lực tâm huyết vào viết còn chưa chắc ra gì, huống hồ chia nát ra như thế?

Nhiều người đổ lỗi cho lý do này lý do khác nên chúng ta chưa có được tác phẩm lớn xứng tầm? Có thật như thế không? nhà văn có thể tự tạo ra khoảng tự do cho mình không?"

Với nhà văn, không gian tự do nội tâm quan trọng hơn không gian tự do ngoại cảnh. Tùy theo tài năng, bản lĩnh, nhân cách và bút lực khác nhau của từng nhà văn, hàm lượng tự do trong không gian nội tâm của mỗi nhà cũng khác nhau, để đành chịu bị dồn ép hay khắc chế được áp lực của  không gian ngọai cảnh vốn chưa bao giờ có hàm lượng tự do cao.  Tự do nhà văn là cái tự do tự có, như tự điều chế lấy oxy mà thở, không thể trông nhờ vào bất cứ sự ban phát nào.

Nhà thơ Nguyễn Duy trong buổi ra mắt cuốn Về Côn Sơn. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tự vượt lên "hoàn cảnh" mà viết, nếu nhà văn đã bị mất tự do trong lòng thì xin đừng mơ tới tác phẩm văn học lớn, cũng xin đừng đổ hết tội cho "hoàn cảnh".  Nói vậy, không phải là phủ nhận tác động của môi trường xã hội, của không gian ngoại cảnh tới nhà văn và tới cả một nền văn học.

Không gian ngọai cảnh với hàm lượng tự do cao hay thấp có thể tạo hưng phấn, hoặc ức chế và kìm hãm năng lực sáng tạo của nhà văn, mở rộng hoặc thu hẹp cánh cửa xuất bản, hướng dẫn đúng hoặc sai dư luận xã hội tiếp thụ giá trị văn học, kích thích nảy nở hoặc làm thui chột tài năng sáng tác...

Phải luyện cho được Thi pháp mới

Theo ông, Viết văn và Nhà văn có gì giống và khác nhau? Và trách nhiệm của Nhà văn với xã hội cần được đặt ra như thế nào?

Viết văn với Nhà văn thì đều phải viết cả, nhưng khác nhau cái mục đích của việc viết ấy. Viết văn, chỉ viết để chơi, hoặc nhằm để bán, hoặc đổi lấy quyền lợi - cũng là một cách bán, đôi khi biến người viết thành Thợ viết.

Nhà văn viết nhằm phổ biến tác phẩm, truyền tải  được tư tưởng, cảm xúc của mình tới độc giả bằng nghệ thuật ngôn ngữ, góp phần xây dựng nhân cách, nhân tình  và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Có thể lấy lập luận nổi tiếng của danh họa Picasso: "Thợ vẽ là vẽ cái để bán, còn Họa sĩ thì bán cái mình vẽ" để suy luận sang lĩnh vực văn học.

Ở phương Đông, trách nhiệm xã hội của nhà văn đã được xác lập từ lâu, "văn dĩ tải đạo". Có bạn trẻ chia sẻ í nghĩ không khác tôi. Lại có bạn trẻ "bẻ" tôi: bác vẽ chuyện mãi thôi, đời nay khác rồi, chúng em cứ vẽ là họa sĩ, cứ viết thì là nhà văn tuốt!...

Không thể phủ nhận, trong các giai đoạn chuyển mình của dân tộc, Văn học luôn xác lập được vị trí cao trong xã hội và trong lòng người đọc. Giai đoạn hiện nay cũng đang được xem là một bước chuyển tiếp theo của đất nước, theo ông, các Nhà văn Việt Nam cần làm những gì để có được những tác phẩm đi trước mở đường như các Nhà văn Việt Nam đã làm được cách đây mấy chục năm? làm thế nào đó để nhà văn hòa nhập làm một với dòng chảy của đời sống hôm nay?

Văn học có phân kì của nó, nhà văn có thời của mình, không thể cưỡng lại qui luật. Các nhà văn qua nhiều thời đã nối tiếp nhau làm nên một nền văn học Việt Nam, chưa lớn so với thế giới, nhưng đã có những đỉnh cao đáng tự hào cả  trong giai đọan cổ điển lẫn hiện đại. Văn học đương đại, có thể nói không ngoa, đang nằm trong tay lực lượng viết trẻ, nhất là từ lứa 7x..., 8x... về sau.

Thế hệ tôi, lứa trưởng thành trước 1975, đến nay đã cổ rồi gió thổi mùa thu (thơ Bằng Việt), những gì làm được thì đã làm, dù rất muốn cũng không đủ sức vượt hơn được nữa, trừ những tài năng ngọai lệ, biết đâu. Lắm vị thuộc lứa trước chúng tôi đã thành người thiên cổ rồi.

Nhà văn trẻ bây giờ có nhiều ưu thế hơn lớp cha anh về nhiều thứ, về tự do và dân chủ, điều kiện học hành, cập nhật thông tin và tri thức, giao du tòan cầu và hội nhập nhân loại, cả không gian ngòai đời lẫn không gian trong lòng đều thông thoáng hơn... Nhưng, để trở thành lớn được, mở ra con đường văn học mới được, thì ngoài tài năng là tài sản cố định phải có, nhà văn vẫn phải có tấm lòng với số phận con người, cảm nhận và chia sẻ được tâm tình cộng đồng dân tộc, thở được hơi thở thời đại, và cuối cùng, còn phải luyện thành công được cái gọi là Thi Pháp Mới nữa.