Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN CÁI ĐỒNG HỒ GIA BẢO

Mai Vũ
Thứ năm ngày 29 tháng 7 năm 2010 4:17 PM
Tặng: C.Ng.M.L.N
Nhà tôi có một cái đồng hồ, cổ lỗ, gỉ hoen. Bao nhiêu năm rồi nó vẫn đứng yên một chỗ trên tường. Chẳng ai dám động tay thay đổi, dù chỉ là rời vị trí từ tường xuống tủ, hay lau lại mặt kính cho đẹp, chỉ vì e sợ đến lúc ấy nó không còn là chiếc đồng hồ nữa.
Ông nội tôi đã mang cái đồng hồ này từ bên Tàu về, chả là hồi ấy ông tôi làm nghề bẻ ghi đoạn hỏa xa Hà Nội - Vân Nam.
Ông tôi qua đời, trao lại vật báu duy nhất này cho bố tôi. Bố tôi quý cái đồng hồ này lắm. Đối với ông, đó là vật gia bảo. Duy nhất một lần ông dám xâm phạm bằng cách cầm cái chổi phất trần đứng từ xa lướt nhẹ lên mặt kính. Cái đồng hồ khẽ nghiêng một tí, kêu cót két như người già bị rụng răng. Bố tôi bủn rủn chân tay, vã mồ hôi hột, ông quay sang tôi mắng:
- Thấy chưa? Ông truyền đời báo danh cho mà biết đừng có động tay vào.
Tôi đứng im ngó cái kim rỉ hoen nhọc nhằn đẩy thời gian tiến về phía trước. Với chiếc đồng hồ này, anh tôi đi học đúng giờ, cũng đúng giờ anh tôi tốt nghiệp đại học rồi đi làm, cũng đúng giờ anh tôi được đề bạt và bây giờ là cán bộ cấp choai choai.
Tôi cũng theo chiếc đồng hồ ấy mà đi học. Nhưng một hôm đến trường, tôi thấy sân trường vắng tanh, thì ra cả lớp đã vào học hết cả. Lần đầu tiên tôi đi học trễ. Cô giáo cầm thước kẻ chỉ vào mặt tôi:
- Đồng hồ nhà em sai rồi.
Tan học, về chưa đến nhà, tôi đã bô bô:
- Bố ơi, đồng hồ nhà ta sai rồi.
Bố tôi đang ngồi uống nước trên chõng, chén trà trên tay buông chửng ngay xuống vỡ tan. Mặt ông đang tươi tắn bỗng thất sắc:
- Mày nghe thiên hạ nó đồn thổi hả? Đồng hồ nhà này là không có sai bao giờ. Ông cấm mày không được mó máy vào.
Thấy ông đang giận dữ, tôi im lặng, nhưng không thể đi học với cái đồng hồ sai ấy được.
Hôm sau, chờ lúc bố tôi đang ngái ngủ, tôi tháo chiếc đồng hồ xuống định chọc ngoáy. Tôi chưa kịp tháo mấy cái ốc vít thì: Vụt - một tiếng rít gió bên tai và mông đít tôi cứ nảy lên.
- Ông biết mà, mày thế nào cũng mó máy vào cái đồng hồ. Ông mà còn sống thì cấm có được động đến. Muốn sống thì treo trả nó về chỗ cũ. Đồng hồ của ông là đồng hồ gia bảo. Nó mãi mãi không bao giờ sai, hiểu chưa?
Cùng với câu nói là liên tiếp những cái roi mây quất xuống mông tôi. Tôi lồm cồm bò dậy, cố treo cái đồng hồ về chỗ cũ.
Nhưng từ đấy đi học tôi không theo cái đồng hồ ấy nữa mà theo cái đồng hồ nhà hàng xóm. Tôi cũng chẳng ngờ việc tôi xâm phạm vào cái đồng hồ gia bảo lại làm ông ngã bệnh. Người ông héo hon không thuốc nào chữa được. Mặc dù vậy, mỗi ngày khi thấy tôi đi học về, ông lại ngóc đầu lên hỏi tôi:
- Con đi học có trễ giờ không?
- Dạ, con đi học đúng giờ rồi.
- ừ, có thế chứ. Đồng hồ của bố là không có sai đâu.
*         *
*
Một ngày kia, khi tôi đang ngái ngủ thì nghe tiếng ai gọi giật cục ngoài ngõ. Tôi tỉnh giấc nhận ra lão Thộn - một kẻ cô độc. Chỉ cần bằng cái tên ấy cũng đủ biết đầu óc lão như thế nào rồi. Lão Thộn dóng tai nghe tiếng tích tắc đồng hồ rồi gật gù:
- Của độc. Nhà này có của độc.
Lão nói xong quay lưng đi thẳng. Lão trở về chỗ gốc đa làng, ở đấy lão có một cái phản gỗ mít và một mái rạ.
Tôi ngẫm nghĩ, của độc trong nhà này là cái gì đây? Không lẽ là mấy cái nồi nhôm méo mó đã nuôi sống gia đình tôi bao nhiêu năm? Hay là cái vại nước mưa ngọt lừ mà tôi vẫn uống ừng ực mỗi khi đi học về? Vô lý! Suy đi tính lại chỉ còn có cái đồng hồ. Thế là tôi tháo nó xuống, len lén mang ra khỏi nhà. Tôi sang làng bên tìm một gã nhà giàu chuyên sưu tầm những đồ gia bảo. Lão cầm cái đồng hồ của tôi lên ngắm nghía, giọng dè bỉu:
- Đồng hồ này không rõ thương hiệu. Dáng thì Tây nhưng mặt số lại Tàu.
- Có thế mới là Đông Tây kết hợp ông ạ! Tôi phản lại, giọng ra vẻ một tay sành điệu.
- Thôi cũng được, tôi mua để làm phúc cho cậu.
Tôi bán được chiếc đồng hồ, bụng mừng khấp khởi. Ai ngờ bố tôi mặc dù củ rủ vẫn lắng nghe tiếng tích tắc đồng hồ, người sống theo nó. Bây giờ bỗng dưng không nghe thấy nữa. Người lần giường ra xem, thấy nó đã biến mất tiêu, thế là người ngã bổ chửng xuống nền nhà và về với tiên tổ.
Chôn cất bố xong, một ngày kia khi tôi đang ngái ngủ - khỉ gió thế đấy, tôi cứ ngái ngủ triền miên, tôi nghe thấy tiếng bố:
- Tao hẹn bà ấy ở chòi du kích, chỗ xóm Chùa mà sao không thấy đến. Người quay đi, tôi nhìn thấy 2 quả lựu đạn na đen ngòm đeo trễ bên hông. Vừa lúc ấy thì mẹ tôi hớt hải chạy về, người cũng mặc bộ đồ nâu của du kích hồi chống Pháp: - Ông ấy đâu? Sao hẹn tao ở đấy mà không thấy đến hả?
Tôi tỉnh giấc. Tôi biết do đâu mà bố mẹ tôi không gặp được nhau. Chỉ tại cái đồng hồ. Nó mà còn sai thế này thì nguy to, lộn xộn hết. Trẻ con sẽ không đến trường học, những người đang yêu sẽ lỗi hẹn, các cuộc thương thuyết bàn thảo sẽ phá bỏ. Tàu hỏa, ô tô sẽ đâm vào nhau và còn nhiều thứ tai hại nữa cho mà xem.
Không, tôi phải đi đòi lại chiếc đồng hồ. Tôi sẽ tháo tung nó ra, lắp ráp lại, chữa bỏ những thứ hoen rỉ, nếu không chữa được, tôi sẽ ném nó ra khỏi con tàu lịch sử.
Tôi hăm hở sang làng bên. Đến chỗ gốc đa, lão Thộn nhìn thấy tôi, cười hô hố:
- Yên tâm đi. Nó còn ngái ngủ lâu chưa tỉnh lại được cháu ạ. Cái đồng hồ bây giờ là vật gia bảo của nhà nó rồi. Vào đây ngồi với lão một tí cho nó có hơi người, cho lão đỡ cô độc.
Tôi khoát tay ra vẻ mình vội lắm. Tới làng bên, tôi gặp ngay tay săn đồ gia bảo. Vừa trông thấy tôi, ông ta đã reo lên:
- Cái đồng hồ của cậu chạy đúng giờ lắm. Tuyệt!
Tôi bổ chửng ra đường, ngửa cổ lên trời kêu thất thanh:
- Trời ơi!
Rồi cắm đầu chạy trở lại. Bước những bước như ở trên thiên đường. Còn gì khoái tỉ bằng cái thứ mình vứt đi lại trở thành vật gia bảo của kẻ khác.
M.V.