Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHẬN DẠNG THƠ ĐẾN ĐỊNH DẠNG MỘT TỔ CHỨC

Ngọc Bái
Thứ bẩy ngày 31 tháng 7 năm 2010 6:42 AM
 
 
 Nhìn diện mạo thơ có thể thấy ngay diện mạo chung của văn học, của thời sự văn chương. Cái tính đa dạng đa thanh đa điệu đa hình thức trong thơ hiện đại cho ta một cái nhìn phóng khoáng về một nền văn học và tổ chức của nó. Ít áp đặt những chuẩn mực, những khuôn thước gò bó, làm cho thơ ca nói riêng và văn học nói chung không còn sa vào những lối mòn xơ cứng đơn điệu để vươn tới sự tự do cần thiết. Chính điều đó đã làm cho nền thi ca có nhiều thành tựu. Chúng ta đã có những nhà thơ nhà văn chân tài, đã đóng góp nên những tác phẩm giá trị để đời. Thật đáng tôn vinh.
 Thơ ca chuyển động không ngừng. Nhưng thơ ca cũng tồn lưu những hình hài thô sơ cũ kỹ, dễ lặp lại, dễ bắt chước, nhan nhản trên các tờ báo chuyên và không chuyên văn học, nhan nhản trên các tập sách tác giả. Ngày nay, thơ là món hàng dễ ôi thiu nhất và cũng là thứ khó gặm nhất. Người đọc lướt qua bài thơ tập thơ rồi tặc lưỡi, chẳng có gì mới, giết thời gian. Lại có thứ thơ người ta bảo lạ hoắc như đánh đố thiên hạ, như hũ nút, mỏi mắt mệt óc. Thế là cả cũ quá và mới quá đều bị công chúng chê là không sài được!
 Thế thì thơ làm sao sống nổi? Chỉ có các nhà thơ mới có thể trả lời được câu hỏi này. Cái đáng sợ mang tên đương đại là sự nhạt nhẽo vô bổ, có cũng được, mà không có càng tốt, thường thấy ở những trang thơ nhàm chán, không tư tưởng và cũng không rung cảm gì. Còn một sự đáng sợ khác cũng không kém phần vô bổ là nhân danh cách tân, hậu "hậu hiện đại",  mà bất chấp thiên hạ, coi khinh thẩm mỹ, càng nẩy nở càng nguy hại bế tắc cho thi ca. Bởi nghe đâu đó, thiên hạ trên hành tinh đã thải loại ra từ lâu thì ta lại bập vào, cổ suý như sự trác tuyệt!  Quyền tự do bất khả, không thể không chấp nhận.
 Những sản phẩm như vậy tuỳ thuộc vào nơi sản sinh ra nó và quan niệm về nó. Trước tiên là ở phía tác giả, sau nữa là do các cơ quan xuất bản vì nhiều lý do đã mặc nhiên đưa ra đời những tác phẩm công chúng ngoảnh mặt. Giống như thị trường, hàng giả hàng thật khó lòng phân biệt. Thơ nói riêng và văn chương nói chung, giả thật, hay dở, càng khó phân định. Rất cần cơ quan được giao chức năng thẩm định, có những chuyên gia giỏi, đỡ đầu những tác phẩm đích thực đến được công chúng. Đấy chính là tính chuyên nghiệp mà lâu nay chúng ta đã tốn nhiều giấy mực thảo luận. Tính chuyên nghiệp ấy phải được thể hiện rõ về nhân sự, về tổ chức ở các cơ quan mang tính nghề nghiệp, các toà soạn báo chí và biên tập xuất bản của Hội. Vị thế các cơ quan chức năng của Hội càng cao thì vị thế của Hội càng cao. Tránh được những lời phàn nàn rằng sao nhà xuất bản này tờ báo nọ danh tiếng thế mà cho ra đời những tác phẩm non kém vậy. Sự sơ xuất còn có thể thông cảm, chứ sự non kém thì rất khó thanh minh.
 Có một thực tế là, nhiều công chức lúc còn công tác, không màng gì tới thơ ca. Khi về hưu rỗi dãi thời gian, mới hì hụi làm thơ, con cháu chiều cha mẹ cho dăm bảy triệu để in thơ, ít nhất có tác dụng dưỡng lão, mà được tiếng con cháu thảo hiền. Những tập thơ như thế không thể hi vọng ở chất lượng. Lại có những vị đại gia muốn lưu danh "nhà thơ" cũng làm thơ và in thơ vô tội vạ. Cũng không hi vọng gì cho nền thi ca. Điều đó chả có gì đáng trách với người đời, nhưng đấy chỉ nên dành cho các câu lạc bộ, lưu hành trong phạm vi hẹp. Còn các nhà xuất bản có tính chuyên nghiệp, có con mắt xanh, không cần phải mất công làm giảm uy tín của mình khi đồng tình cho in những tập thơ mang tính phong trào.
 Thơ in ra chỉ để tặng kể cũng đáng thương cho tác giả, vừa lãng phí, vừa tội nghiệp cho người làm sách. Có mấy ai nghĩ các cơ quan xuất bản cũng tích cực tiếp tay cho cái chuyện dở khóc dở cười ấy?
 Điều đó liên quan tới tổ chức mang tính chuyên nghiệp của Hội. Đọc những tác phẩm dở, công chúng không chê ông xuất bản, mà khổ lắm, lại chê Hội Nhà văn! Làm sao Hội Nhà văn lại cho ra đời những cuốn sách tồi thế? Oan này, Hội Nhà văn cũng không thể thanh minh được!
 Vậy tình trạng đó được phân biệt như thế nào? Tất nhiên những nhà thơ có đẳng cấp với thơ đích thực không mấy ai có đủ dũng cảm phát hành thơ bất chấp mọi điều kiện, nhất là khả năng tài chính. Trừ những người được nơi này nơi kia tài trợ mới dám xuất bản thơ mình. Còn hầu hết kiên nhẫn chờ đợi. Mà như thế thì thiệt thòi cho bản thân nhà thơ, lại thiệt thòi cho cả thi ca, bởi không chiếm lĩnh được thị trường, bởi những tập thơ tầm tầm, những bài thơ vô vị sẽ được lưu hành, góp phần tầm thường hoá thi ca, góp thêm cho sự chán thơ. Tất nhiên, điều này cũng chỉ là cách nhìn có tính hiện tượng, chứ thơ ca đích thực vẫn có thể tìm được chỗ đứng, nhưng khó nhọc. Quả thật, lắm lúc thấy thiên hạ chê thơ cũng thấy mủi lòng. Hình như ai cũng biết vậy mà vô phương biện bạch.
 Vì thế, những vần thơ đùa cợt, những vần thơ tếu táo lại đang "có sức sống". Những câu ghép vần trào lộng nôm na... lại được công chúng hò hét tán thưởng. Điều ấy làm cho dòng thơ chính thống phải xem lại mình.
 Tôi nghĩ, mình đã chán cả mình thì còn ai thương nổi mình nữa!
 Nói đến lĩnh vực thơ, cũng là để nói tới các lĩnh vực khác của văn chương. Văn xuôi và lý luận phê bình cũng không ngoài những điều đề cập trên đây. Sự dễ dãi trong in ấn, xuất bản và quảng bá làm cho văn chương mất thiêng. Đã có ý kiến khá nghiêm chỉnh rằng có thể trao giải hàng năm cho những tập sách dở nhất, để “phanh” bớt những tập sách tốn giấy và siêu dở. 
 Nói đến thơ cũng là nói tới Tổ chức Hội, các cơ quan thuộc Hội. Nhận dạng một nền thơ cũng góp phần định dạng một Tổ chức. Cơ quan Hội phải tương xứng với sự phát triển của văn chương. Sự nhạy cảm trong các thao tác cảm nhận, đánh giá và dự báo rất cần đối với lãnh đạo và cơ quan chức năng của Hội. Ban chấp hành cũng vậy. Phải làm sao chọn được những người ngoài khả năng văn chương còn phải có tầm nhìn cao rộng, nhạy bén, trung thực và nhiệt thành với công tác Hội.  Ở đây không có đất cho sự vụ lợi. Ai ngay ngắn tử tế thì hãy đứng ra lo việc cho Hội, bất kể trẻ già, cũ mới. Còn thấy ngượng khi bị eo sèo thì thôi trước là hơn. Đã hay là hay từ các cơ quan chức năng của Hội. Không nên để tâm lý chán Hội.
 Cho nên, rất cần phân biệt rạch ròi giữa tính phong trào và tính chuyên nghiệp. Bộ máy của Hội phải có tầm chuyên nghiệp mới quán xuyến được những điều mà Đại hội VIII của Hội đòi hỏi, mới đáp ứng được nguyện vọng của Hội viên. Nói gì thì Hội vẫn được định danh là Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Chúng ta chả nên bất cần làm gì mà bỏ đi bất cứ thành tố nào. Chỉ có điều cần nhấn mạnh tính nghề nghiệp, để Hội viên quy tụ, có điều kiện cống hiến được nhiều tác phẩm văn chương có ích cho xã hội.
 Muốn đảm bảo cho hoạt động chuyên nghiệp, phải có Tổ chức đạt tới tính chuyên nghiệp. Đã có rất nhiều lời bàn về vấn đề này. Làm sao đối ngoại thì mát mặt mà đối nội thì êm đẹp. Tinh gọn phải là tiêu chí được đặt ra. Riêng tôi cho rằng, ngoài  Ban chấp hành, cơ quan thường trực Hội, các cơ quan cấp 2 của Hội,  thì việc nhấn mạnh chuyên môn sâu mang tính sống còn của Hội. Đó là việc tập trung cho các Hội đồng Thơ, Hội đồng Văn xuôi, Hội đồng Lý luận phê bình, Hội đồng Dịch thuật, với những tên tuổi sáng giá, tin cậy và trách nhiệm. Chỉ nên có 4 Hội đồng. Kết nạp Hội viên mới và Xét các loại Giải thưởng nên dựa trên ý kiến tư vấn của các Hội đồng này. Có như vậy mới tránh được việc kết nạp hội viên không đúng địa chỉ và các Giải thưởng non lép. Còn các Ban mang tính phong trào hoặc gọi là Ban hoặc chỉ nên là câu lạc bộ, ý kiến chỉ là để tham khảo. Bởi văn học thiếu nhi, văn học quốc phòng, văn học dân tộc thiểu số hay văn học an ninh cũng đều là văn học. Thật khó phân biệt bài thơ hay thuộc ngành văn học nào! Nó chỉ có tính đề tài khi xét riêng cho những cuộc thi văn học ngành nghề địa phương cụ thể mà thôi. Các Ban cũng phải cơ cấu sao cho hợp lý, nếu khu biệt ra thì còn văn học nông dân, văn học giáo dục... bởi các nhà văn xuất thân là nông dân và xuất thân là thày cô giáo đông lắm.
 Điều đáng quan tâm nữa là thực thi các chế độ chính sách, không nên tập trung quá nhiều quyền lợi cho các Hội viên  ở các cơ quan của Hội. Như chuyện cắt cử đi nước ngoài, chuyện tài trợ. Không ai thắc mắc với việc tài trợ cho những tác phẩm có tầm cỡ làm vẻ vang cho văn học. Cũng cần tính tới thâm niên Hội viên, đồng thời với việc có thời gian dự bị với hội viên mới. Quyền Hội viên là bình đẳng, nhưng người vào Hội lâu hơn, chắc hẳn có đóng góp nhiều hơn. Cho nên việc thực hiện công bằng trong Hội cũng nên được đặt ra, để những nhà lãnh đạo khoá tới dễ bề ứng xử.
 Và như vậy, rất cần một nền thơ sáng giá, một nền văn chương sáng giá, một Tổ chức sáng giá, xứng đáng với truyền thống văn hiến nước nhà.
 Nói thế cho ra điều văn vẻ, chứ so với những người làm chính trị, người làm kinh tế, thì người làm văn chương nhiều khi ngây thơ lắm. Xin dừng lời bởi nói dài rất dễ nói dại.
 
 Yên Bái, 19/7/2010