Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÃI QUÁ, KHI ĐỌC MỘT BÀI GIỚI THIỆU THƠ

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 29 tháng 7 năm 2010 11:21 AM
 
Tôi vừa đọc hai bài giới thiệu hai tập thơ đăng trên Website của nhà thơ Trần Nhương. Phải nói rằng bài của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn giới thiệu tập thơ của Nguyễn Duy, nhan đề: “ NGUYỄN DUY LẤP LÁNH TRANG ĐỜI MỖI DÀY MỖI KỊCH”  là một bài giới thiệu thơ hay, rất thú vị. Tôi mong được tiếp tục đọc nhiều bài giới thiệu thơ hay như thế, không chỉ của Lê Thiếu Nhơn mà còn cả của nhiều nhà thơ, nhà phê bình thơ khác.
Nhưng, cũng trên trang nhà của nhà thơ Trần Nhương, tôi lại “bị” đọc một bài giới thiệu thơ khác mà đọc xong tôi thấy hãi quá! Đó là bài “HẮT BÓNG MỘT XƯA ĐẦY(1)” của Lê Vũ. Bài giới thiệu thơ không đến nỗi dài và quả thật không gây ấn tượng cho tôi, một người đọc có làm thơ và có học và hiểu biết chút ít về thơ, nhưng lại khiến tôi bị hãi vì tác giả “trưng bày” ra quá nhiều kiến thức đông tây kim cổ của mình khi giới thiệu tập thơ này. Để không làm mất thời giờ của bạn đọc, tôi xin trích nguyên văn một số đoạn trong bài của Lê Vũ giới thiệu tập thơ “Lang thang trên giấy” của nhà thơ Bình Nguyên, NXB Văn học 2009”  :
“Hơn ai hết, nhà thơ bao giờ cũng tự tra hỏi về cái hố thẳm của dòng sông đời mình nhưng mỗi người khác nhau ở cung cách họ khảo sát. Người chú tâm vực dậy tâm linh, kẻ kia kêu gào những libido, nhà nọ đánh thức hỉ nộ, phản kháng với hoài nghi… Saint John Perse nhận xét đúng: "Thơ giúp con người là chính mình vì trước hết, thơ là phương thức sống và sống trọn vẹn”. Bình Nguyên đã sống trọn vẹn với một tấm lòng yêu đời yêu người yêu cánh đồng quê nhà của mình nên “Lang thang trên giấy” không có những phi lý buồn nôn(2) của Sartre, niềm phẫn nộ hoài nghi của Allen Ginsberg, không móng vuốt chó sói, không chiếc vòi bạch tuộc âm độc(3) không cả những cột đèn đường phố thị thổ tả & yếm thế … Tập thơ là nỗi lặng im róc rách ngày tháng quê nhà, những nghều ngào bóng mẹ bóng chị bóng bà, nỗi bàng hoàng trước lung linh sắc màu của đất, những ngôi nhà tỏa hương, với vườn xưa bóng lá... Thơ Bình Nguyên mang vẻ đẹp mà Dostoievsky gọi mời “cái đẹp sẽ cứu chuộc thế gian này”…
“Paul Valéry cho rằng: Thơ sinh ra từ cuộc đấu giữa cảm giác và ngôn ngữ, lại nói: Thơ, sự do dự kéo dài giữa âm và ý….Khổ thơ ở đây không có gì lạ về tiết tấu, không mới về hình ảnh nhưng đẹp và quyến rũ vì trong âm có ý, (những âm “a” he hé mở), còn cảm giác của đợi chờ đã nhen nhúm mà ngập ngừng bước chân… nên ngôn ngữ sẽ là màu mè nếu thừa thãi… Nhà, tôi cũng lang thang hoài dặm dài nhưng chưa thấy ngôi nhà nào đẹp hơn nhà của Bình Nguyên, thật lặng: Em ơi/ nhà anh ở bên sông/ ba gian đầy gió đầy nắng/nửa đời anh tuềnh toàng trôi thật lặng.  Còn cây gạo thì tuổi tháng ba mà cong một bầu trời …”
“J.P Sartre cho rằng tác phẩm nghệ thuật là giá  trị bởi nó là tiếng gọi. Bàn tay xòe ra chụm lại của mẹ với nhiều người, đôi khi, đã bị bỏ quên đâu đó trong cuồng nhiệt của cuộc chơi, trong hối hả của ngày sống và câu thơ của Bình Nguyên âm âm một nhắc nhớ…”
 
“Raxun Gamzatốp đã rất đúng khi chia sẻ: Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay từ những giọt nước mắt cay đắng. Mất mát để buồn rầu nhưng thơ Bình Nguyên không quá bi lụy đến phải gầm gào những tang thương. Còn đó những dấu chân cánh đồng, vầng trăng non một xưa đầy để thơ bay lên dịu dàng với nồng nàn vì những éo le của kiếp ngưòi là một mặc nhiên không thể không đối mặt…”
 
“Còn “Lang thang trên giấy”, nhiều hình ảnh đã thực sự chạm vào từng tế bào, từng vi mạch khiến tâm hồn ta ngân lên như một chiếc chiêng đồng và những xung động trong khoảnh khắc bất chợt trở thành bản hòa tấu của những nhận thức… Với Bình Nguyên, thơ không phải là cái thú cao cả(4) mà là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình (A.de Musset)”.
“Một ngày” là bài thơ duy nhất ghi nhận cái bên trong chán chường và hãi sợ nhưng chỉ là một nốt bass trầm đục của một ngày nào đó trong đời… Tưởng như Bình Nguyên là một Herman Hesse vì dù đớn đau ta vẫn yêu điên dại trần gian này để không trầm cảm, không u tối… “.  

* * *
“Nghe trong lặng im của hàng gạch là những cung bậc ngàn xưa có gió, sóng, gươm treo lên đỉnh trời, có hồn núi sông mặc lên hoàng bào và sông vỡ vào khói Cam Tuyền lay thức mây, vào cáo Bình Ngô, vào câu thơ Trương Hán Siêu: Những câu thơ rêu phủ / Đã thức ngàn năm qua (Lên núi Non nước nhớ Trương Hán Siêu)”.
“Không mới nhưng ít nhiều Bình Nguyên đã cố gắng tạo nên cuộc hôn phối giữa thơ truyền thống và hiện  đại, mở ra tương quan đường bay giữa chân trời & con người mặc dù viết về đề tài quen thuộc. Thành công của Bình Nguyên chính là nhờ lối tư duy tương đồng, phát sáng trí tưởng tượng và liên tưởng nên đã diễn tả được những chuyển động của hiện tồn thông qua một siêu thực tại , kích thích hiệu ứng thị giác, xúc giác, thính giác… ở người đọc. “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử.” (Shelly)”.
 
Đọc xong những đoạn tôi trích trong bài giới thiệu thơ nói trên không biết bạn đọc có hãi như tôi không?