Thực ra , tên đầy đủ phải gọi là “ Trường bồi dưỡng những cây bút trẻ” của Hội Nhà văn Việt Nam mở từ thập niên 60 của thế kỷ trước . Chúng tôi vinh dự được chọn theo học khóa V tại làng Quảng Bá cạnh Hồ Tây (Hà Nội) nên thường gọi tắt là trường Quảng Bá . Khóa học dài 1 năm ( 1972) nhưng phải kéo dài thêm nửa năm vì cuối năm ấy Hà Nội diễn ra “ những ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” vô cùng oanh liệt , chúng tôi phải tạm ngừng học ,tỏa về làm “phóng viên tăng cường” cho các báo của Thủ đô
Trường Quảng Bá hồi ấy do nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh làm hiệu trưởng . Cộng sự với thầy Sanh có : nữ thi sĩ Mộng Sơn ; các nhà văn Đỗ đức Thuật , Huỳnh Huy Phượng và một số cán bộ khác .
Không rõ bốn khóa trước thế nào chứ học viên khóa V chúng tôi chưa đầy năm chục người mà gồm đủ thành phần : Quân đội có Duy Khán ,Xuân Đức ,Nguyễn Đức Mậu , Vương Trọng , Thao Trường (sau đổi là Nguyễn Khắc Trường) … Các cây bút nữ có Lâm thị Mỹ Dạ , Phan thị Thanh Nhàn , Đỗ thị Từ , Nguyễn thị Hỏi…Miền núi có Lò Ngân Sủn , Sầm Nga Di ; Miền Nam tập kết có Tô Nhuận Vỹ , Nguyễn Quang Lập , Hà Giao , Hoàng Hương Việt, Đoàn Xoa …Từ các tỉnh miền Bắc về có Trần Bình Minh (về sau đổi là Trần Nhuận Minh) ,Đào Ngọc Vĩnh ,Yên Đức (Quảng Ninh) ,Nguyễn văn Dinh (Quảng Bình); Cảnh Nguyên , Nguyễn Xuân Phầu (Nghệ An) ; Anh Chi (Thanh Hóa) ; Vũ Quốc Ái ,Bế Kiến Quốc (Nam Định) ,Đức Hậu( Thái Bình) , Thanh Tùng ( Hải Phòng) , Phan Quế ( Lạng Sơn) , Nguyễn Phúc Lai (Hưng Yên) ;Phù Ninh ( Tuyên Quang)…; từ các cơ quan và các ngành chọn gửi đến học có Trường Giang , Phạm Đình Ân,Trần Hoài Dương , Phan văn Thẩm( Văn Phan),Hoàng Cát…và một số học viên xin dự thính
Ngôi trường chúng tôi học hồi ấy, nay đã bị phá đi để xây Bảo Tàng của Hội Nhà Văn. Nhưng trong ký ức chúng tôi vẫn lưu giữ ba vòm cửa xây cuốn tròn trĩnh là mặt tiền của giảng đường và giàn nho , mảnh vườn xinh xắn trồng rất nhiều hoa và cây ăn quả . Phía trước không xa là con đê sông Hồng lộng gió .
Hồi ấy Hà Nội cực kỳ khó khăn về mọi thứ ,nhất là lương thực , thực phẩm .Các học viên là dân Hà Nội thì “ ngoại trú” ,về ăn cơm nhà . Số còn lại nộp tem phiếu ,ăn cơm tập thể do bác cấp dưỡng của trường nấu .
Cơm tập thể phải độn ngô xay nên có học viên nhại giọng thơ Phạm Tiến Duật ,ứng tác mấy câu đùa tếu rằng :
Trường Bồi dưỡng chẳng có gì …bồi dưỡng
Nước trắng , cơm ngô cố nuốt cho trôi .Anh em thi sĩ ta ngồi
nhìn đất , nhìn trời , nhìn đáy đĩa …
Mấy câu tếu táo đọc buột miệng cho vui vậy mà vô tình làm thầy Sanh giận bởi nhầm tưởng học trò dám cạnh khóe về thơ Xuân Thu nhã tập
Tôi – và chắc rằng tất cả các bạn cùng học hồi ấy – sẽ không bao giờ quên “ Trường Quảng Bá” bởi vì không bao giờ có lại một khóa học đặc biệt như vậy . Cho nên , trong lòng chúng tôi hồi ấy , Hội Nhà văn Việt Nam là “ thánh đường” của văn chương Việt Nam mà chúng tôi ước ao được bước tới để được làm đồ đệ của các bậc thi hào , văn hào lừng danh nổi tiếng .
Điều đặc biệt nhất là hầu như các nhà văn , nhà thơ lớn đều đến trực tiếp giảng dạy, truyền kinh nghiệm , hướng dẫn sáng tác và chữa bài tập cho từng học viên . Không có giáo trình ,giáo án in sẵn , chỉ có thầy giảng và trò nghe mà thôi . Nhưng thầy giảng hết lòng và trò nghe mê say kỳ lạ .
Nhớ bác Nguyên Hồng trước khi giảng phương pháp bố cục tiểu thuyết đã bảo chúng tôi đóng đinh ,căng dây thép để treo một dãy dài những bản sơ đồ các chương của tập “ Sóng Gầm” . Không cần nói nhiều ,bác chỉ cho chúng tôi thấy tên nhân vật xuất hiện ở chương nào , sau đó xuất hiện trở lại ở chương nào. Bác giải thích rằng :trong mỗi bộ tiểu thuyết có hàng trăm nhân vật ,tác giả không được bỏ quên họ khi họ chưa chết ! Trong cuộc đời cũng vậy , đã sinh thì phải nuôi , không được mang con bỏ chợ !
Nhớ bác Nguyễn Tuân giọng nhẹ nhàng như tâm sự với chúng tôi rằng : bí quyết thành công của nhà văn không ngoài bốn thứ rèn luyện thừơng xuyên cần thiết ngang nhau là : Đi , Học , Đọc ,Viết .
Nhớ anh Xuân Diệu khuyên chúng tôi :Người làm thơ đừng nên tỉnh quá ,khôn quá . Nên sông khờ khờ , mơ mơ một chút mới có thơ hay !
Nhớ nhất là bác Nguyễn Công Hoan với câu chuyện xoay quanh chữ Giáo và chữ Dục . Xin tóm tắt câu chuyện như sau : Một học viên hỏi bác Nguyễn Công Hoan về quá trình học để trở thành nhà văn . Bác vui vẻ kể : “ Tôi vốn là một anh giáo làng ở tỉnh lẻ . Tôi làm nghề giáo nhưng về nghề văn thì đâu có được học như các anh ,các chị bây giờ ! Vậy nghĩa là tôi không được Giáo . Tôi thích viết văn thì tự học ,tự tìm chỗ mà in . Tôi đưa bản tháo đến tòa soạn báo , họ đăng cho . Được báo đăng nhiều thì bạn đọc biết đến tôi , nhiều người lâu lâu không thấy báo đăng truyện của tôi liền tìm đến tận tòa soạn hỏi . Tòa soạn lại giục tôi viết tiếp .
Như vậy là tôi không được Giáo nhưng tôi được Giục .Còn các anh các chị bây giờ thì được Giáo kỹ đấy nhưng viết rất nhiều mà đăng chẳng được bao nhiêu ,cho nên đâu có ai Giục ! Chữ Dục( nghĩa là nuôi) đặt trong hoàn cảnh của tôi vẫn đúng vì tòa soạn đăng nhiều bài thì tôi luôn luôn có tiền tiêu. Thế là tòa soạn báo nuôi tôi đồng thời giục tôi viết…”
Khóa V chúng tôi còn được nghe những bài giảng hấp dẫn như : anh Nguyễn Đình Thi nói về chất nhạc ,họa trong thơ và ngược lại ; anh Thép Mới nói kinh nghiệm sử dụng văn học trong lĩnh vực báo chí và ranh giới giữa hai lĩnh vực đó …
Rất tiếc hồi ấy Hội Nhà văn Việt Nam và mỗi học viên chúng tôi chưa có các thiết bị ghi tiếng, ghi hình , lưu giữ lâu dài những bài giảng quý báu đó , góp vào Bảo tàng văn học nghệ thuật Việt Nam để hôm nay và mai sau ai ai đều biết
Ba mươi tám năm đã qua , nhiều thầy , nhiều bạn của chúng tôi đã về cõi vĩnh hằng nhưng những bài giảng , những lời khuyên chí tình của các nhà văn , nhà thơ bậc thầy dành cho học viên trường Quảng Bá hồi ấy , đến nay vẫn còn thấm sâu trong tâm tưởng chúng tôi, chắc chắn sẽ còn lưu giữ mãi mãi trong trí nhớ những ai quý mái trường ,trọng các thầy và những kỷ niệm dẹp về khóa học tuyệt vời ấy vẫn in sâu trong ký ức chúng tôi
*
* *
Mấy năm trước đây chúng tôi đã định tập hợp những tác phẩm tiêu biểu của anh chị em cựu học viên khóa V , nhờ nhà xuất bản đem đến bạn đọc gần xa , goi là có món quà thiết thực kỷ niệm một thời học thầy ,học
bạn , cùng nhau cầm vững cây bút ,sáng tác phục vụ bạn đọc . Nhưng bởi “lực bất tòng tâm” nên điều mong muốn ấy đến nay vẫn chưa thực hiện được . Nhân bài viết này , xin gửi lời chúc sức khỏe tới các thầy ,các bạn khóa V và các khóa khác ở trường Quảng Bá năm xưa .Hy vọng sức khỏe , sức bút và tình bạn văn chương của chúng ta bền vững mãi với thời gian .
Nếu còn nhớ tới nhau , xin các bạn liên lạc theo địa chỉ :
E-mail :truonggiang1936@gmail .com .
Hẹn gặp lại !