Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII đã bế mạc vào hồi 17 giờ ngày 25-4-2005. Đây được xem là một trong những đại hội gây nhiều bất ngờ nhất. Không khí tại hội trường đã có lúc như sôi lên và cũng có lúc hạ xuống rất vui vẻ, nhẹ nhõm, thực sự là dịp để các nhà văn “xông hơi” sau những tháng ngày đánh vật với từng con chữ. Là người được vinh hạnh chứng kiến cả quá trình diễn ra đại hội, chúng tôi xin ghi lại đây một số điều mắt thấy tai nghe kèm theo những phân tích, kiến nghị, ngõ hầu có thể giúp lãnh đạo Hội tham khảo, sao cho công tác tổ chức Đại hội nhiệm kì sau được hoàn thiện hơn...
· Phát biểu lạc đề ?- Stop!
Khi phát biểu, ai mà chẳng thích được vỗ tay động viên. Tuy nhiên, tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần này, đã có những nhà văn vì quá sa vào chuyện con cà con kê mà thành ra có những phát biểu dài dòng, thậm chí lạc đề, ảnh hưởng tới lịch trình của đại hội. Và thế là, thay vì những tiếng vỗ tay hoan nghênh, các nhà văn này đã phải nhận về những tràng vỗ tay phát lên nửa chừng, với nội dung: “Xin mời kết thúc”.
Nữ tác giả Kim Quyên (đoàn TP HCM) là một trong những người đầu tiên “chịu trận” khi chị thay mặt các nhà văn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đọc bài diễn ca về công đức của một vị lãnh đạo Hội khóa VI “Anh như cánh chim không mỏi, vào Nam ra Bắc như con thoi, luôn có mặt để động viên anh em...”. Mới chỉ mấy câu mào đầu, chị đã nhận được tràng vỗ tay yêu cầu... Stop rồi. Và khi kết thúc bài nói bằng một lời “chúc Ban chấp hành (BCH) khóa cũ thêm dẻo, thêm dai” thì nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ngồi cạnh tôi đã phải quay sang giải thích rằng, đây chỉ là phát biểu cá nhân chứ không đại diện cho đoàn của chị.
Nhà văn Lê Thành Chơn, Trưởng ban kiểm phiếu khi lên công bố kết quả bầu cử vòng 1 cũng đã gặp những tràng vỗ tay “lạ” khi ông vào đề một cách vòng vo và...văn vẻ: “Những nhà văn của chúng ta có cá tính mạnh mẽ. Cái tâm rất tốt, cái thiện cũng rất tốt”. Mặc dù ở dưới hội trường đã có nhiều tiếng ồn ào song ông vẫn hồn nhiên bộc bạch: “ Tôi lần đầu tiên tham gia bầu cử thấy anh em thật dễ thương. Kết quả bầu cử đã phản ánh rất rõ tính cách nhà văn...”. Đến nước này thì đại hội buộc phải... vỗ tay, đề nghị đi thẳng vào vấn đề. Ông Chơn cười hồn hậu: “Không cho nói hả? Không cho nói thì xin thông báo kết quả luôn vậy...”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (đoàn Hà Nội) khi phát biểu khẳng định như đinh đóng cột rằng thơ trẻ Việt Nam sau 1975 vượt hơn thơ của các tác giả có mặt trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh- Hoài Chân đã khiến nhiều “cụ” ngồi dưới ngứa ngáy. Đến khi anh “lia một băng” tới hàng trăm cái tên tác giả mà anh cho là rất xứng danh thì lập tức bị ngắt chừng bởi... một tràng vỗ tay. Đến nước này Nguyễn Việt Chiến đành phải rút gọn bài nói của mình bằng câu “và còn nhiều nhà thơ khác nữa” khiến các đại biểu cười ồ.
Với tình yêu quê hương thắm thiết, trong bài phát biểu của mình, nhà văn Hà Lâm Kỳ (đoàn Yên Bái) đã dành khá nhiều thời gian để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất mình đang sinh sống, về đặc điểm vị trí địa lý của nó (thay vì nói sâu về những vấn đề đang đặt ra với nền văn học hiện nay) khiến cho đại hội phải sốt ruột vỗ tay mời xuống mặc dù bài tham luận chưa kết thúc.
Đúng như nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương, ngoại trừ một đôi bài phát biểu trong ngày khai mạc, còn thì đa phần các bài phát biểu sau này đều xuất phát từ góc nhìn hạn hẹp, nặng yếu tố cá nhân, bởi thế mà tính học thuật không cao và không thuyết phục người nghe. Kết cục, đã có lúc (trưa ngày 25-4), khi Chủ tịch đoàn mời các đại biểu tiếp tục đăng ký đọc tham luận thì cả hội trường đã vỗ tay và nói: “Thôi, thôi, không nghe nữa. Chán lắm!”.
·Nóng bỏng... “phút 90”
Đúng 15 giờ 30 phút ngày 25-4, các đại biểu có mặt ở hội trường để nghe nhà văn Lê Thành Chơn, đại diện Ban kiểm phiếu công bố kết quả cuộc họp đầu tiên của BCH khóa mới và các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội. Khi nhà văn Lê Thành Chơn vừa bước tới bục diễn giả thì phía dưới hội trường có một đại biểu đứng phắt lên, đề nghị cho được phát biểu. Đây là thời điểm khá “nhạy cảm” và có lẽ cả đoàn chủ tịch không ai lường tới tình huống này nên tất cả đều ngồi đớ ra, khiến cho đại biểu nọ loay hoay mãi vẫn chưa thể cất lời vì không có... micrô. Cả hội trường hồi hộp, xôn xao. Tức thì, từ cuối hội trường dội lên một tiếng thét: “Đưa micrô cho người ta nói. Đây là đại hội công khai chứ không phải đại hội...thì thào”. Mọi người trông lại xem ai thì hóa ra là nhà văn rậm râu Chu Lai.
Mặc dù ý kiến của vị đại biểu nọ thiên về tiểu tiết (ông cho rằng còn thiếu thủ tục để nhà văn Lê Thành Chơn có thể là người được quyền đọc biên bản này) song chính phản ứng dữ dội từ phía nhà văn Chu Lai đã thực sự châm ngòi cho các phát biểu mạnh mẽ bùng phát ngay sau đó.
Từ góc bên trái hội trường, nhà thơ Nguyễn Thành Phong đón lấy micrô, bức xúc: “Theo qui chế thì việc đại hội có bầu tiếp lần thứ 3 để bổ sung thành viên BCH nữa hay không phải được thực hiện bằng phương thức giơ tay biểu quyết chứ không thể bằng cách lấy “ý kiến mồm” của các đại biểu như cách làm của đoàn chủ tịch lúc ban trưa được. Hiện tại, BCH Hội khóa mới quá mỏng, chỉ có 6 người trong khi dự kiến ban đầu là phải 15 người. Như vậy thì làm sao hoạt động có hiệu quả được. Tôi đề nghị đại hội biểu quyết bổ sung ngay một số thành viên BCH trên cơ sở những người có số phiếu bầu sát nút”.
Dường như cùng mang trong mình nỗi chất chứa về một tình huống cầu thủ “đội nhà” đang một mình đối mặt với thủ môn thì bị trọng tài thổi dừng trận đấu với lý do hết giờ, nhà văn Phạm Ngọc Tiến yêu cầu chủ tịch đoàn cho tiến hành biểu quyết bổ sung ngay một ủy viên BCH nữa, lấy từ người thiếu phiếu ít nhất (trong trường hợp này là nhà văn Trung Trung Đỉnh. Anh được 230 phiếu, thiếu 8 phiếu nữa thì trúng cử). Và dẫn chứng mà nhà văn Phạm Ngọc Tiến đưa ra không phải không thuyết phục: “Là một đảng viên, tôi chưa bao giờ thấy có cấp ủy nào lại có số chẵn cả. Với 6 thành viên BCH nhiệm kì này, giả dụ trước một vụ việc, các anh có tỉ lệ biểu quyết là 3/6 thì rốt cục vấn đề sẽ được giải quyết ra sao?”.
Đứng ở mé bên phải của hội trường, chỉ cách chủ tịch đoàn chừng mươi hàng ghế, nhà thơ Hoàng Trần Cương nói như... quát: “Tôi là Hoàng Trần Cương, ủy viên Ban kiểm tra của Hội khóa VI, tôi xin chất vấn Ban Tổ chức đại hội: Tại sao không cơ cấu vùng miền trong BCH? Tôi không đồng ý với cụm từ mà đồng chí Chánh văn phòng Hội vừa dùng. Không thể nói “đại hội thành công tốt đẹp” được. Định mức đặt ra là phải bầu lấy 15 người, vậy mà chỉ bầu được có 6 người, đạt tỉ lệ 40%, như vậy sao lại dám nói là thành công?”.
Có thể nói, phát hiện của ông nhà thơ đang giữ cương vị Tổng biên tập Thời báo Tài chính này quả là chính xác và... bất ngờ, khiến nhiều đại biểu phải ồ lên tán thưởng. Tiếc rằng, ở những phát biểu sau đó, từ gương mặt phừng phừng bia rượu, Hoàng Trần Cương đã để tuôn ra những lời lẽ báng bổ đoàn chủ tịch, làm cho một số đại biểu hiểu lệch những ý kiến mang tính xây dựng của anh.
Quyết không để đại hội chuyển sang diễn biến “một chiều”, nhà thơ Đặng Huy Giang (đoàn Hà Nội) lập tức đứng dậy “phản pháo”. Theo ý của Đặng Huy Giang, anh Cương không nên dùng những từ như “cái bản mặt” khi nói với các đồng nghiệp. “Góp ý thì góp ý đàng hoàng, việc gì phải to tiếng”- Đặng Huy Giang đã làm nhiều người phải bật cười khi chính anh cũng quát tướng lên khi phát ra những lời... khuyên ấy.
Sự thể hẳn sẽ còn kéo dài nếu như nhà thơ Hữu Thỉnh, với tư cách một thành viên của đoàn chủ tịch, không giành lại micrô. Ông phát biểu, ngữ điệu mềm mỏng song tinh thần thì vẫn cương quyết : “Về việc xin đại hội biểu quyết lấy thêm một ủy viên BCH, tôi xin giải thích thế này: Làm thế là trái với điều lệ Hội, bởi việc bầu ủy viên Ban chấp hành phải được thực hiện bằng phương thức bỏ phiếu kín”.
Trả lời câu hỏi tại sao BCH Hội Nhà văn khóa mới không bầu bổ sung ngay một ủy viên (theo điều lệ Hội thì tỉ lệ tối đa là 10%) trong đại hội mà phải gác lại sau, nhà thơ Hữu Thỉnh giải thích: “Không lẽ cả đại hội với hơn 500 con người, phải qua hai lần bầu chọn mới lọc ra được 6 người. Vậy BCH vẻn vẹn có 6 người mà lại ngay lập tức bầu ra được một người hay sao? Xin đại hội cứ để chúng tôi đi vào làm việc đã, rồi sẽ tìm hiểu, quyết định sau. Nhưng thế nào thì cũng phải chọn trong số các nhà văn ở nhóm có số phiếu cao”.
· Lời kết
Trong 7 kì Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, 2 đại hội có số ủy viên BCH được bầu ít nhất là đại hội V (5 người) và đại hội VII ( 6 người). Tuy nhiên, ở đại hội V, số hội viên của Hội mới trên 600 người, nhưng đến đại hội VII, số hội viên đã là 830 người. Điều này cho thấy đại hội VII đã để lại một khoảng trống đáng báo động về vấn đề nhân sự. Đặc biệt, không những không khắc phục được một số hạn chế mà báo cáo kiểm điểm của BCH Hội khoá VI đã chỉ ra (như về tình trạng kiêm nhiệm của đa số các ủy viên BCH khiến hiệu quả hoạt động chưa cao), đại hội này còn đẩy tình hình tới một mức trầm trọng hơn khi giảm số ủy viên chuyên trách từ 4 người (khóa VI) xuống còn... 1 người. Nói một cách hình ảnh thì Hội Nhà văn Việt Nam với trên 800 hội viên hiện chỉ có duy nhất một ủy viên chuyên trách là nhà thơ Hữu Thỉnh ngồi trực và giải quyết công việc ở trụ sở Hội, số 9 Nguyễn Đình Chiểu.
Vì đâu mà một tổ chức Hội với bao bậc kì tài phải rơi vào tình cảnh này ?
Có người nói với tôi rằng, các đại biểu họ “cứng” lắm, một khi họ đã “quyết” thì có bầu nữa (vòng 3) cũng chẳng chắc đã lấy thêm được ai. Tôi không nghĩ như vậy. Bằng chứng là từ cuộc bầu chọn vòng 1 tới vòng 2, thời gian cách nhau có nửa ngày, song có những ứng cử viên đã được anh em hào phóng tặng thêm tới gần trăm phiếu và trúng cử. Vả lại, dẫu anh em chẳng mặn mà lắm với việc bầu cử, không ít người có tâm lý “ham chơi”, thì chủ tịch đoàn cũng cần phải thể hiện vai trò điều tiết của mình chứ ? Còn việc lãnh đạo Hội khóa mới viện dẫn tình tiết “đại hội đã thông qua qui chế chỉ bầu cử 2 vòng” để cố định BCH là điều chưa thực sự thuyết phục. Vậy phải giải thích sao đây khi cũng chính đại hội đã biểu quyết thông qua cơ cấu BCH khóa mới cần đủ 15 người?
Lại cũng có ý kiến cho rằng, nếu thực hiện bầu tiếp vòng 3 thì không còn thời gian. Tôi cũng không tán thành cách đặt vấn đề như thế này. Thực tế, đại hội đã phải mất đứt nửa ngày 23- 4 cho việc bỏ phiếu thăm dò nhân sự BCH trước khi vào bầu cử chính thức, trong khi trước đấy, ở các đại hội cơ sở, anh chị em đều đã thực hiện thao tác này và đó chắc chắn là danh sách đề cử đầy đủ nhất vì nó được thực hiện bởi tất cả các hội viên (chứ không phải chỉ một số ít đại biểu được tham gia đại hội). Không hiểu sao Ban Tổ chức lại buộc các đại biểu phải thực hiện lại thao tác này? Giá như thời gian đó được dùng để thực hiện cuộc bầu chọn vòng 3 có phải chúng ta tăng cường thêm được lực lượng cho BCH mới rồi không?
Sau khi đại hội bế mạc, một nhà văn trung niên đã bùi ngùi nói với tôi: “Các đại biểu phải biết thương các ông ấy chứ. Ai lại tuổi ấy, một núi công việc như thế...”. Riêng tôi thì tôi càng thấy thương cho Hội. Nhưng biết làm sao được. Các đại biểu 5 năm mới có cơ hội gặp nhau một lần, giờ thì họ đã lên xe, lên tàu tản đi cả rồi...