Bấy lâu nay khi nhắc tới những hậu quả hủy hoại môi trường do Công ty bột ngọt Vedan thải nguồn nước sản xuất mang nhiều chất độc hại giết chết tôm cá, làm ảnh hưởng nặng nề tới việc mưu sinh của bà con cô bác ngư dân quanh vùng, chúng ta hay thấy nhắc tới hai địa danh: sông Thị Vải và xã Phước Thái đều thuộc tỉnh Đồng Nai.Đối với đông đảo chúng ta, hai địa danh ấy vang lên chắc cũng chỉ gợi dậy mối đồng cảm và sự đồng tình yêu cầu Vedan phải bồi thường những thiệt hai không chỉ cho quá khứ, hiện tại mà còn cho cả tương lai của hệ sinh thái và môi trường nơi đây. Nhưng với những cựu binh Rừng Sác năm xưa, tôi tin chắc rằng, tên hai địa danh kia trong vụ án Vedan còn vang lên với nỗi thống thiết, bi tráng hơn rất nhiều.
Năm bẩy năm trước, khi làm mấy bộ phim tài liệu truyền hình về Chiến khu Rừng Sác và cuộc sống hôm nay của các cựu binh Trung đoàn 10 Bộ đội đặc công nước nổi tiếng này, tôi đã được Đại tá Lê Bá Ước. nguyên Chính Ủy kiêm Chỉ huy trưởng đơn vị anh hùng này nhiều lần đưa tới thăm bà con cô bác xã Phước thái, cưỡi tàu bobo phóng vùn vụt trên sông thị Vải và kể cho nghe rất nhiều chuyện cảm động về dòng sông Thị Vải và xã Phước thái…
Theo ông Bẩy Ước cho biết, Thị Vải chính là khúc sông nối liền biển Vũng tầu với cảng Sài gòn, quân cảng Nhà bè. Tàu lớn, tàu nhỏ chở vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật của Mỹ muốn cập cảng Sài gòn hoặc quân cảng Nhà bè dứt khoát phải đi qua khúc sông Thị Vải. Vì thế chính đoạn sông này là một trọng điểm để bộ đội đặc công nước Rừng Sác bắn phá tàu Mỹ, ngăn chặn mạch tiếp tế bằng đường biển cho các căn cứ quân sự của chúng tại Sài gòn, Biên hòa và các vùng phụ cận. Thuở ấy, để lập phương án tác chiến cho các trận đánh, ông Bẩy Ước đã từng cải trang làm ngư dân, cưỡi thuyền gắn máy cắm cờ ba sọc ở đầu mũi, giữa ban ngày ban mặt phóng vèo vèo trên sông Thị Vải để quan sát sự ra, vào của tàu thuyền địch. Bộ đội đặc công nước Rừng Sác ém quân rải rác trong những cánh rừng đước thuộc huyện Cần Giờ hiện nay. Để nuôi sống, để bảo đảm mạng sống cho thương bệnh binh và để trang bị vũ khí đạn dược thực hiện những yêu cầu tác chiến ngày càng phức tạp hơn của cả một Trung đoàn- anh em cựu binh Rừng Sác cho hay, không thể bằng con đường nối liền Cần giờ với Sài gòn như hiện nay. Bởi con đường này Mỹ Ngụy phòng tỏa rất gắt gao, lại phải qua hai, ba bến phà chi chít bót canh, trạm kiểm soát của địch.
Trong hoàn cảnh đó chính cơ sở cách mạng ở xã Phước Thái và khúc sông Thị Vải đã trở thành cuống nhau, thứ động mạch chủ gánh lên vai mình trách nhiệm nuôi dưỡng sức sống, sức chiến đấu của Trung đoàn 10 Rừng Sác.
Từ TP Hồ Chí Minh, vào một buổi chiều thứ sáu hoặc thứ bảy nắng dịu, bạn muốn tận hưởng một, hai ngày nghỉ thảnh thơi với nắng, với gió, với biển biếc Vũng tàu, ngồi lên xe, phóng tới ngã ba Biên Hòa, quẹo phải, chạy xe chừng nửa tiếng nữa, bạn sẽ chứng kiến bảng hiệu của cơ ngơi công ty bột ngọt Vedan.Ngay đấy là địa phận của xã Phước thái. Cũng không xa nơi ấy bao nhiêu, người già ở địa phương sẽ chỉ cho bạn dấu vết bến đò năm xưa của Bộ đội Đặc công nước Rừng Sác. Cùng với các cựu binh Rừng Sác, người già và con cháu họ sẵn sàng kể cho bạn nghe biết bao câu chuyện cảm động về mối tình quân dân cá nước, cũng như sự cưu mang đùm bọc của cô bác bà con Phước thái đối với Bộ đội đặc công nước Rừng Sác. Những chuyến thuyền của thương lái từ Long An, Vĩnh Long, Cần thơ chở gạo, muối, thuốc men, vải vóc ngầm bán cho Trung đoàn 10 đã có bà con cô bác Phước thái đỡ tay để đêm đêm dùng thuyền con chở tới những điểm ém quân của Bộ đội đặc công nước. Chuyện kể, đã từng có một nhà buôn giàu có ở Sài gòn dấu tên cách một vài tháng lại chở một thuyền lớn các nhu yếu phẩm từ sữa đường, thuốc hút, đến giấy viết thư, máy chữ, pin đèn, bông băng, thuốc men…qua bà con xã Phước thái gửi tặng Trung đoàn 10. Ông Bảy Ước cho biết, đến tận ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng và mãi những năm sau này, ông và các cựu binh Rừng Sác đã bỏ sức, gắng công mà không thể nào tìm ra tên tuổi và tung tích của nhà buôn ở Sài gòn thuở đó là ai? Con đường để cán bộ Trung đoàn 10 Rừng Sác lên Bộ chỉ huy Miền họp hành, kể cả con đường vận chuyển thương bệnh binh Rừng Sác lên R để theo đường Trướng Sơn ra Bắc chữa trị tiếp cũng qua khúc sông Thị Vải và bến đò ở xã Phước thái. Cán bộ đi họp hoặc thương bệnh binh được đưa ra sát mép đường láng nhựa từ Sài gòn xuống Vũng tàu, chở thời cơ thuận lợi, vượt qua mấy chục mét đường, sang đến bên kia đã thuộc địa phận của Chiến khu D nổi tiếng. Anh em cựu binh Rừng Sác đã từng một lần vượt đường kể lại, nằm ép sau hàng chân tre, vào những buổi chiếu thứ sáu, thứ bẩy họ nhìn rõ mồn một những chiếc xe đắt tiền của bọn tướng tá Mỹ hoặc Sài gòn đưa vợ con, bồ bịch đi nghỉ ở Vũng Tàu, có xe lính đi kèm. Anh em nghe rõ cả tiếng cười rỡn từ xe vọng ra. Ngửi được cả mùi nước hoa, mùi thuốc lá Mỹ đắt tiền phả tới. Bọn chúng đi muộn chừng nào, cơ hội vượt đường cũng muộn chừng ấy.
Sau năm 1970, ở Trung đoàn 10 những cặp đôi yêu nhau, tiến tới hôn nhân ngày một nhiều. Dựng sạp, lập bàn thờ Tổ quốc ngay trên đám rễ cây đước. Cá mú, tôm cua hầu như chỉ cần vọc tay xuống nước là bắt được. Nhưng nếu thiếu chất cay thử hỏi còn đâu cái vui, cái tưng bừng huyên náo, nổ trời theo kiểu Nam Bộ. Bà con cô bác xã Phước thái xung phong nhận cung cấp những can rượu ngon cho tất cả các đám cưới. Cưới xin tất có sinh con. Những đứa trẻ 2, 3 tháng tuổi không thể sống cuộc đời lưu động nay đây mai đó trong những cánh rừng đước nhi nhúc muỗi, độ ẩm cao, lại luôn bị đám trực thăng cán gáo, lồng cu dòm dỏ. Cha mẹ đành tạm biệt con, đưa con xuống thuyền chở qua sông Thị Vải, nhờ cô bác bà con xã Phước Thái nuôi dùm, hoặc tìm người nuôi tin cậy ở các địa phương khác, hoặc móc nối đưa cháu về với nội, ngoại dưới miền Tây, trên miền Đông. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cha mẹ các cháu lại phải cậy nhờ cô bác bà con Phước thái tìm lại các cháu để đoàn tụ gia đình.
Trên đường từ TP Hồ Chí Minh xuống Vũng tàu, cũng qua cổng Công Ty bột ngọt Vedan không bao xa, bạn hãy hỏi để rẽ vào thăm Khu đền Nhơn trạch. Cách đây gần chục năm, ông Bảy Ước và các cựu binh Trung đoàn 10 đã đứng ra quyên góp đâu đó được trên 5 tỷ xây nên ngôi đền thật khang trang, thật to đẹp này, để nhang khói tường nhớ các Liệt sỹ Đặc công nuớc Rừng Sác, cũng như ghi nhớ tấm lòng và công lao của bà con cô bác xã Phước thái.
Thế đấy! Đòi Công ty Vedan phải bồi thường thích đáng vì tội hủy hoại môi trường, hoặc kiện Vedan ra tòa nên tính thêm vào đây việc làm nhơ nhuốc cả một khúc sông lịch sử; làm đói nghèo, bần hàn thêm cuộc sống vốn đã vất vả, thiếu thốn của bà con cô bác xã Phước thái-lớp con lớp cháu những ân nhân của Bộ đội đặc công nước Rừng Sác năm nào.
TP Hồ Chí Minh ngày cuối tháng Bảy năm 2010