Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHỮ KÍ NGƯỜI THÀY

Hoàng Quảng Uyên
Thứ tư ngày 14 tháng 7 năm 2010 10:27 PM
 
Chữ ký của thầy Hoàng Ngọc Hiến có phần đơn giản nhưng không dễ bắt chước (cũng đơn giản như chữ viết của thầy) thế mà tôi rất nhớ. Trong cuộc đời, tôi đã nhận được nhiều chữ ký: Chữ ký bạn bè tặng sách, chữ ký trong các văn bản, quyết định, chữ ký trong các giao dịch giấy tờ… nhưng tôi nhớ nhất, quí nhất và có giá trị nhất là chữ ký của thầy Hoàng Ngọc Hiến trên các lá thư tay (được đánh máy trên giấy pơ luya) gửi các giáo sư là bạn của thầy, “gửi gắm” tôi tiếp tục học lên ngay sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du (1986 – 1989).
Sự việc là thế này: Trong quá trình học tại trường Nguyễn Du tôi dần ngộ ra rằng, khả năng sáng tác của mình (nếu có) thì cũng ở mức “vừa vừa” thôi, còn khả năng nghiên  cứu có vẻ trội hơn!. Nhận bằng tốt nghiệp xong, tôi đến nhà thầy Hoàng Ngọc Hiến xin thầy nhận xét mấy bài viết “có tính chất nghiên cứu” về văn hoá - văn nghệ Tày – Nùng tôi viết trong thời gian tôi học ở trường. Đơn giản thế thôi, nhưng thật không ngờ, hôm sau, thầy đến phòng ở của tôi, đưa tôi mấy lá thư tay, giới thiệu tôi đến gặp các thầy Hà Minh Đức (trường Tổng hợp), thầy Nguyễn Đăng Mạnh (trường Sư phạm), thầy Nguễyn Hữu Bổng (Viện Văn học), thầy Vũ ngọc Khánh (Viện Văn hoá dân gian). Nội dung thư rất ngắn, gọn: “Anh Hoàng Quảng Uyên là người Tày, Cao Bằng, vừa tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, có nguyện vọng nghiên cứu thêm về văn hoá - văn nghệ dân tộc mình, tôi thấy một trong những cách nghiên cứu tốt nhất là tiếp tục đi học…”.
Tôi đem những lá thư của thầy Hoàng Ngọc Hiến đến gặp các thầy. Các thầy đều rất ủng hộ và rất tin tưởng vì có sự đảm bảo bằng vàng của thầy Hiến. Thầy Nguyễn Hữu Bổng ở Viện Văn học rất vui. Thầy bảo: “Viện đang chiêu sinh lớp nghiên cứu sinh người dân tộc, Uyên theo khoá này rất hợp, rất vừa”. Tôi cũng nghĩ như thế và lại thấy hăm hở, háo hức… Nhưng đó là sự hăm hở, háo hức của những kẻ đi trên mây, trên gió, bởi vì khi đó kinh tế cực kỳ khó khăn và… khó khăn cực kỳ về thủ tục, giấy tờ đi học. Nếu đi học, ai sẽ cho đi, lương lậu, chế độ ra sao? ăn đâu, ngủ đâu?. Trước mắt tôi là sự lựa chọn: một là trở về, hai là bỏ tất cả, vạ vật ở Hà Nội thêm 3 năm để kiếm tấm bằng Tiến sĩ. Thích thì thích thật nhưng tôi không có đủ dũng khí chọn phương án hai, một phương án mà nhiều người sẽ cho là điên!
Tôi trở về Cao Bằng “gửi” cái bằng Tiến sĩ ở Hà Nội, khi nào có điều kiện sẽ về lấy!... với lòng biết ơn thầy Hoàng Ngọc Hiến và các thầy Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Hữu Bổng đã… sẵn sàng nhận tôi làm học trò.
Đã hơn hai mươi năm trôi qua, tôi đã quên nhiều thứ nhưng những bức thư tay có chữ ký đơn giản của thầy Hoàng Ngọc Hiến thì tôi không bao giờ quên. Đến ngôi trường cũ, mừng thầy tuổi tám mươi, tôi “nhớ lại” ký ức nhỏ này biết ơn về sự quan tâm, dìu dắt, dạy dỗ, định hướng mà thầy dành cho tôi trên con đường nghiên cứu, sáng tác văn học – nghệ thuật. Giờ đây, nếu tôi có một chút thành công nho nhỏ trong lĩnh vực nghiên cứu văn học – nghệ thuật là nhờ sự khởi đầu, bắt đầu từ “cái gốc” mà thầy Hoàng Ngọc Hiến tạo dựng và luôn yểm trợ. Tôi cũng xin thay mặt các bạn Nguyễn Đình Chiến, Vũ Xuân Hương, Thuỳ Linh, Châu Hồng Thuỷ… cảm ơn thầy đã ưu ái, tạo điều kiện cho các bạn đi học thêm ở nước Nga xa xôi sau khi tốt nghiệp Trường đại học viết văn Nguyễn Du thân yêu.
Em xin kính chúc thầy mạnh khoẻ, sáng tạo.
Cao Bằng, ngày 14 tháng 7 năm 2010
     Học trò: Hoàng Quảng Uyên