Hữu ThỉnhXA VẮNG
Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát
Đường đông người, đâu chỉ dấu chân em
Xa vắng quá một mình đi hỏi bến
Người sang đò có hỏi sóng gì thêm
Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ
Người mua gương dạo ấy có hay về?
Người mua gương đã một lần trở lại
Soi tưng bừng, rồi lặng lẽ quay đi
Lời bình
Bài thơ bốn câu, tám dòng, thấy hiện lên bóng dáng hai nhân vật trữ tình, lặng lẽ trong xa vắng. Một người đi tìm một người, trong lặng lẽ cô đơn, bâng khuâng hoài niệm. Ba câu đầu là người trở về, tìm “dấu chân em”, tìm người “mua gương”, tìm người đã “sang đò”. Câu cuối thì cái người “mua gương” ấy có một lần trở lại, một lần thôi, “soi tưng bừng” rồi lặng lẽ hun hút biến vào xa vắng, như một ảo ảnh…
Nhân vật trữ tình thứ nhất, chủ thể. Không thấy có đại từ nhân xưng, nhưng người đọc đủ biết đó chính là một người trai nào đó, vì một lý do nào đó, đã xa vắng lâu ngày (đi chiến chiến đấu ở chiến trường xa chẳng hạn) tới nay mới có dịp trở về, mong mỏi khát khao tìm lại người xưa, có thể là đã từng hẹn non thề biển. Khát khao mong mỏi quá, nên mới phải “bồn chồn đi hỏi cát”, để hy vọng tìm lại “dấu chân em”, tìm lại người xưa. Nhưng vô vọng. Dấu chân xưa đã theo gió mà bay đi, lắc thắc ở phía chân trời, biền biệt bóng chim tăm cá… “Bồn chồn” trong trường hợp này, là một từ thật chính xác, tuyệt diệu. Nó diễn tả một cách hợp lý tâm trạng một người đi xa, mong nhớ đã tràn đầy, khát khao đã cháy bỏng: “Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát / đường đông người, đâu nhỉ dấu chân em”… Mới chỉ là một câu hỏi. Vẫn còn mơ hồ nghi hoặc, nên mới phải đi hỏi “cát”, hỏi cả chính mình…trong mong manh xa vắng .
Nhưng khi biết rằng người xưa, có lẽ vì một lý do nào đó, không thể mãi đợi chờ, nên đã phải một mình lầm lũi “sang đò”, thì người trai đành “một mình đi hỏi bến”. Để làm gì, khi đã biết rõ mười mươi người xưa đã sang đò thật rồi? Thế mà vẫn cứ hỏi, cho thật rõ ngọn ngành, rằng “người sang đò có dặn sóng gì thêm”...Chữ “thêm” rất nhẹ, nhưng thật “đắt”. Như thế là vẫn còn một cái gì như tiếc nuối, như một chút vấn vương, một chút hy vọng níu kéo cái dư vị ngọt ngào của quá khứ, còn lãng đãng đâu đây. Câu thơ cũng gợi mở cho ta thấy tâm trạng của người sang đò, của người tri kỷ, và đồng thời cho thấy cả sự cảm thông sâu sắc của người lỡ bến. Một câu thơ tài tình, hiếm gặp. Lời thơ giản dị mà ý thơ hàm ẩn sâu lắng, mênh mang dư vị.
Thôi đành phải ra về, rồi “tần ngần đi hỏi chợ”. Để hỏi thăm, hỏi thêm, rằng “người mua gương dạo ấy có quay về” hay không?. Vậy là vẫn còn đau đáu vật vờ, chưa nguôi hình ảnh người xưa đã sang đò. Và đây:
“Người mua gương đã một lần trở lại
Soi tưng bừng rồi lặng lẽ quay đi”…
Câu thơ gợi một hình ảnh phác thảo, mà ấn tượng. Người mua gương dạo ấy đã sang đò, nhưng cũng đã có một lần, một lần thôi, trở lại. Và “soi”, “soi tưng bừng rồi lặng lẽ quay đi”. Nghĩa là người ấy cũng không hề nguôi quên quá khứ. Không thể quên, nhưng đành âm thầm lặng lẽ chấp nhận số phận đã an bài, cố dấu đi những nỗi niềm nặng trĩu, chẳng nói được thành lời. Thế đã là vừa đủ, để làm ấm lòng người chậm bước. “Tưng bừng” là một từ rất quen, đặt vào đây là hơi lạ, bởi nó kết hợp với từ “soi”, thành ra “soi tưng bừng”, ngẫm kỹ thì lại hoá ra độc đáo, và đầy tâm trạng, gợi tình cảm sâu kín của người đã “lỡ bước sang ngang”.
Bài thơ khép lại ở hình ảnh “người mua gương” đã “lặng lẽ quay đi”, mà mở ra dạt dào những ngân nga xao xuyến. Hữu Thỉnh từng là người lính xông pha trận mạc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vô vàn ác liệt, hy sinh. Có những hy sinh thầm lặng mà cao thượng vô cùng của người phụ nữ, mấy ai hiểu, mấy ai hay! Có thể là chính anh, nhưng cũng có thể không phải là chính anh, như một nhân vật trữ tình chủ thể. Nó là một hoàn cảnh cụ thể được điển hình hoá, như một sáng tạo của nghệ thuật thơ ca đã trở nên vĩnh cửu, là một trong những điểm nhấn có tính đặc trưng thời đại và hơn thế, của cả muôn đời. “Xa vắng” được viết dưới hình thức cấu trúc mở. Mở cấu trúc, mở cả ngữ nghĩa, linh hoạt trong chuyển nghĩa từ, chuyển nghĩa hình ảnh, hình tượng thơ. Không có từ thừa. Không có từ ngồi nhầm vị trí. Ví như từ “bồn chồn” ở câu đầu, từ “một mình” ở câu thứ hai, từ “tần ngần” ở câu thứ ba…Mỗi từ mang một cung bậc nỗi niềm khác nhau, rồi hợp lưu, tự phát sáng.
Có thể nói không ngoa rằng, “Xa vắng” là một bài thơ đã đạt đến mức hoàn mỹ. Tác giả đã rất thành công trong vận dụng, chuyển hoá một cách nhuần nhuyễn tinh hoa ca dao dân ca truyền thống, biến nó thành cái duyên dáng hiện đại, biến cái xa xôi thành gần gũi, biến cái cao siêu to tát thành một bâng khuâng ngọt ngào nhân bản. Có bóng dáng của con người hiện đại, của hồn Việt, văn hoá Việt truyền thống; lại cũng hình như thấy bóng dáng một chàng Thôi Hộ “Nhân diện bất tri hà xứ khứ / Đào hoa y cựu tiếu đông phong”; cũng lại thấy hơi hướng một chàng Kim đang ngơ ngác bên vườn Thuý, nhưng lại không hẳn là như thế. Đó chính là chỗ tinh tế của một nhà thơ lão luyện, làm thơ mà như không có ý làm thơ.
Thơ hay là vậy! Không đại ngôn. Cũng chẳng vung tay chỉ chỏ. Cũng chẳng phải cách tân bí hiểm lạ tai gai mắt, mà chính nó lại là một sự cách tân dung dị, sau khi đã vật vã đắm say. “Xa vắng” chỉ như một làn khói huyền ảo, bay vào mênh mang thăm thẳm, nhưng người đọc thì dường như còn nghe đâu đây tiếng sóng đang thầm thĩ với người sang đò, với người ở lại, với gió với mây, và với tất cả chúng ta.