Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HẮT BÓNG MỘT XƯA ĐẦY(1)

Lê Vũ
Thứ năm ngày 15 tháng 7 năm 2010 6:36 AM
Lê  Vũ 

(Đọc tập thơ “Lang thang trên giấy” của nhà thơ Bình Nguyên, NXB Văn học 2009)
 
Tôi  đi về phía bờ sông
Gặp từ  bờ bước lên một người mang nụ cười của sóng
Nụ  cười tươi và trong
Hình như  đêm qua con nước về không đục
                                                    (Buổi sáng )
      Buổi sáng và nụ cười của sóng …Nụ cười tươi và trong là của Bình Nguyên, tác giả tập thơ “ Lang  thang trên giấy”. 50 bài thơ, năm mươi mùa xuân trôi, dòng sông cứ chảy về vô tận và con nước không đục…
      Bể  dâu còn đó nhoen nhoét nỗi buồn, những quền quệt trở trăn, chén rượu cũng sóng nói chi giông bão  ở lòng sông:
Đặt xuống chén rượu nào cũng nghiêng
Nâng lên chén rượu nào cũng sóng
Một chiếc thuyền nan lòng còn  động
Nói gì  giông bão ở lòng sông 
                          (Uống rượu trên sông Đáy )
      Và  giông bão của một đời người như những vết nhăn bội số, những vàng lá khô cây: một chút cay cay mắt khi chân bước qua Thành Cổ đạn bom hôm nào, một thoáng mênh mang lời gió:
Ngàn năm cây
Gặp những bước người lội mòn rừng lên gốc
Tìm gì  trong gió nói lời cây   
      (Cây chò ở Cúc Phương )
      Còn  đó là chằng chịt những xót xa vì chia biệt, cả  tự thán tự cảm với trầm ngâm: 
Ngẫm những trăm năm những vạn năm
Đời mình không bằng đời viên sỏi  
      (Chú Phương )
      Hơn ai hết, nhà thơ bao giờ cũng tự tra hỏi về cái hố thẳm của dòng sông đời mình nhưng mỗi người khác nhau ở cung cách họ khảo sát. Người chú tâm vực dậy tâm linh, kẻ kia kêu gào những libido, nhà nọ đánh thức hỉ nộ, phản kháng với hoài nghi… Saint John Perse nhận xét đúng: "Thơ giúp con người là chính mình vì trước hết, thơ là phương thức sống và sống trọn vẹn”. Bình Nguyên đã sống trọn vẹn với một tấm lòng yêu đời yêu người yêu cánh đồng quê nhà của mình nên “Lang thang trên giấy” không có những phi lý buồn nôn(2) của Sartre, niềm phẫn nộ hoài nghi của Allen Ginsberg, không móng vuốt chó sói, không chiếc vòi bạch tuộc âm độc(3) không cả những cột đèn đường phố thị thổ tả & yếm thế … Tập thơ là nỗi lặng im róc rách ngày tháng quê nhà, những nghều ngào bóng mẹ bóng chị bóng bà, nỗi bàng hoàng trước lung linh sắc màu của đất, những ngôi nhà tỏa hương, với vườn xưa bóng lá... Thơ Bình Nguyên mang vẻ đẹp mà Dostoievsky gọi mời “cái đẹp sẽ cứu chuộc thế gian này”.
* * *
      Này là cánh đồng trăng như ảo mà thực với sắc vàng trắng huyền hoặc, với em liềm hái nồng nàn hơi thở, với hương đất hương đồng hương ánh sáng:
Thế  là mùa thu đã áo vàng lã  tã bạc vào đêm
Em lại liềm hái ra đồng lẫn vào hơi thở  đất
Lại phưng phức những hạt thóc no tròn
Nằm phẳng lặng
Trên cánh đồng ngậm một màu trăng  
(Cánh đồng trăng)
      Còn nhà em:  khu vườn bằng bàn tay, hàng cây ghế  đá, con đường, ô cửa …
Anh mơ  thấy khu vườn bằng bàn tay
Góc vườn có hàng cây và chiếc ghế  đá
Bên kia có ngôi nhà
Và  con đường từ ô cửa  đi ra 
(Đợi em )
      Paul Valéry cho rằng: Thơ sinh ra từ cuộc đấu giữa cảm giác và ngôn ngữ, lại nói: Thơ, sự do dự kéo dài giữa âm và ý….Khổ thơ ở đây không có gì lạ về tiết tấu, không mới về hình ảnh nhưng đẹp và quyến rũ vì trong âm có ý, (những âm “a” he hé mở), còn cảm giác của đợi chờ đã nhen nhúm mà ngập ngừng bước chân… nên ngôn ngữ sẽ là màu mè nếu thừa thãi… Nhà, tôi cũng lang thang hoài dặm dài nhưng chưa thấy ngôi nhà nào đẹp hơn nhà của Bình Nguyên, thật lặng: Em ơi/ nhà anh ở bên sông/ ba gian đầy gió đầy nắng/nửa đời anh tuềnh toàng trôi thật lặng.  Còn cây gạo thì tuổi tháng ba mà cong một bầu trời : 
Cây gạo nhà anh giấu tuổi tháng ba
Trong lớp vỏ khô sần
Cời sương mà nở tận lòng
Từng bong gạo xuống rêu phong
Mái chùa hoa gạo uốn cong bầu trời   
      (Nhà anh )
      “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”(Pauxtopxki) và nhà Bình Nguyên đẹp trong màu từng cánh hoa, từng lớp vỏ khô sần nên cứ vần vò khua khoắng một mùa hương rớt hột trầm tư. Thơ ở đây không lấy cảnh ngụ tình mà tình đã làm nên cảnh, cảnh cứ nở đến tận lòng…
      Do vậy, cái đẹp của thơ không chỉ nằm trong hình ảnh hay nhịp điệu. Kết thúc “Những ngôi nhà tỏa hương” là một áy náy tưởng chừng ngân ngấn lệ:
Không kịp nhân ra hương của mùa màng
bọc kén lấy tôi
Bỗng gặp bàn tay gầy guộc của mẹ  già
đang nhặt rơm bên chổi
      Cái bàn tay của mẹ già làm nên hương đất hương trời, làm cho cuộc sống bỗng mở những ngóc ngách thổn thức và “Lang thang trên giấy” đẹp, chủ yếu ở tấm lòng nhà thơ. 
      Không có một tựa đề bài thơ nào mang tên Mẹ nhưng “Thật ơi, Vườn nhà, Tiễn em lên máy bay, Ta với ta, Ký ức, Những ngôi nhà tỏa hương, Sân cỏ và mặt ruộng, Mùa xưa, Ba năm”, 9/50 bài thơ ăm ắp hình ảnh Mẹ. Và hình tượng Mẹ ở đây không hề là vật trang trí nhưng chứa đựng cái nhìn, những tích tắc nghĩ suy, những lâm li yêu dấu. Khi nào, ở đâu, làm gì, Mẹ như một ám ảnh ám thị những nẻo đi về. Ngồi xem bóng đá, nhìn chân cầu thủ, nghe tung hô và ngưỡng mộ, Bình Nguyên nhớ mẹ trong âm thầm mưa nắng mùa màng:
Bàn tay xòe ra rồi chụm lại /Chỉ  một mình mẹ biết /Chỉ  một mình mẹ hay
                                                                (Sân cỏ và mặt ruộng )
      J.P Sartre cho rằng tác phẩm nghệ thuật là giá  trị bởi nó là tiếng gọi. Bàn tay xòe ra chụm lại của mẹ với nhiều người, đôi khi, đã bị bỏ quên đâu đó trong cuồng nhiệt của cuộc chơi, trong hối hả của ngày sống và câu thơ của Bình Nguyên âm âm một nhắc nhớ.
      Rồi cánh đồng tháng ba khi mẹ nằm xuống, cánh đồng say, nắng quái… dựng lên bước lảo đảo cuộc ngày:
Cánh đồng năm ấy đỏ như  say
Mẹ  ngã xuống buổi chiều tháng hạ
Cây lúa bỗng cao hơn mẹ
Mà  sao nắng quái vẫn tìm mẹ  ta   
      (Ký ức )
      Và  ta tưởng khu vườn nhà tiếng chim từng giọt, những giọt mưa hay nước mắt thấm đẫm:
 Vườn nhà mẹ truyền lại cho ta
Mẹ  không còn ta gặm từng góc một
Sáng nay tiếng chim như mưa vào ta
từng giọt 
(Vườn nhà)
      Mẹ, rồi bà, rồi chị, những người thân yêu nhất đã  đi xa và Bình Nguyên quẩn quanh với nỗi buồn rêu mọc lên những dấu chân, những nút lạt: 
Ngày sắp đi xa
Bà  gọi tên từng nút lạt buộc trên mái rạ
Tóc bạc ngã vào đêm
Bà  để lại cánh đồng và  dấu chân 
(Bà)
Và  nữa :
Chị  ơi
Em gọi mà không thấy
Căn nhà  dột mưa rơi như nước mắt
Vầng trăng non hắt bóng một xưa  đầy 
(Ngày về  vắng chị )
      Raxun Gamzatốp đã rất đúng khi chia sẻ: Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay từ những giọt nước mắt cay đắng. Mất mát để buồn rầu nhưng thơ Bình Nguyên không quá bi lụy đến phải gầm gào những tang thương. Còn đó những dấu chân cánh đồng, vầng trăng non một xưa đầy để thơ bay lên dịu dàng với nồng nàn vì những éo le của kiếp ngưòi là một mặc nhiên không thể không đối mặt. Với Bình Nguyên, không có hận thù sắt máu nên đi qua Đồng Lộc, nhà thơ đã gửi lại những vầng trăng và nhịp lục bát đong đưa tiếng chim tóc xanh mềm, nắng đầy sân rêu, kim chỉ bốn mùa thêu, cả con mắt dao cau:
Cô  tháng bảy thích thêu thùa
Tấm khăn gửi kín bốn mùa đấy thôi
Mưa ngâu trời đất sụt sùi
Lại thương hai phía hai người xa nhau
                                                      ( Những vầng trăng Đồng Lộc)
      Chị  Tầm về hưu sau 40 mươi nắm quét phố, nhà thơ gửi lại chị sự thông cảm đến tận gốc từng chiếc lá hạt bụi chòm rêu :
Chị  biết chiếc lá nào rụng không bề  gốc
Bụi bặm nào hằn lên mái rêu xưa
Dấu vết nào chồng lên dấu vết
Ngọn  đèn nào đứng sáng trong mưa
      ( Lại nhớ phố đêm )
      Trong góc độ nào đó, Bình Nguyên đã đồng hành với Nguyễn Quang Thiều  “Với tôi, nghệ thuật là sự khám phá đời sống và chia sẻ với con người. Sự tuyệt vọng của một con người và đôi khi là sự sám hối sẽ được chia sẻ, còn sự thù hận chắc chắn sẽ không được chấp nhận”. Hai tập thơ Trăng đợi (2004)  & Đi về nơi không chữ (2006) đã được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải phải chăng vì thơ “ đẹp, có ý nghĩa ”? Còn “Lang thang trên giấy”, nhiều hình ảnh đã thực sự chạm vào từng tế bào, từng vi mạch khiến tâm hồn ta ngân lên như một chiếc chiêng đồng và những xung động trong khoảnh khắc bất chợt trở thành bản hòa tấu của những nhận thức… Hoa xoan tím, hoa gạo đỏ, hoa lan trắng… rồi rau muống hàng dương xỉ xanh… cứ nhu nhú mọc lan man bao nhiêu sắc màu trong tôi giữa phố thị ầm ào như móc mưa ân huệ… Với Bình Nguyên, thơ không phải là cái thú cao cả(4) mà là tiếng nói nhẹ nhàng của tâm tình (A.de Musset). Ai cũng có phút chạnh lòng. Bình Nguyên không ngoại lệ.
 Khi áo mũ đã trở về  nhà
 Ngọn  đèn sáng như không vừa sáng nữa
Chẳng bắt tay ai
Nói lỡ  câu cũng không còn sợ
      (Một ngày )
      “Một ngày” là bài thơ duy nhất ghi nhận cái bên trong chán chường và hãi sợ nhưng chỉ là một nốt bass trầm đục của một ngày nào đó trong đời… Tưởng như Bình Nguyên là một Herman Hesse vì dù đớn đau ta vẫn yêu điên dại trần gian này để không trầm cảm, không u tối…   
* * *
      Một  điểm nổi trội của “Lang thang trên giấy” không thể bỏ qua là những bức tranh về đất nước, những bức tranh có chiều dài lịch sử, có  chiều sâu của tư duy mà mênh mang tuệ cảm:
 Nhớ  hàng gạch loang rêu, nhớ  đời cây đứng gió
 Nhớ  sông Vân còn vỗ sóng hoàng bào
 Nhớ  thanh kiếm vua Đinh trên đỉnh trời Yên Ngựa
 Nhớ  kinh thành ở lại với Hoa Lau  
      (Về Hà Nội nhớ  Hoa Lư )
      Nghe trong lặng im của hàng gạch là những cung bậc ngàn xưa có gió, sóng, gươm treo lên đỉnh trời, có hồn núi sông mặc lên hoàng bào và sông vỡ vào khói Cam Tuyền lay thức mây, vào cáo Bình Ngô, vào câu thơ Trương Hán Siêu: Những câu thơ rêu phủ / Đã thức ngàn năm qua (Lên núi Non nước nhớ Trương Hán Siêu )
      Và  đất là “ đất tâm hồn” vì đơn giản là ở đó có em, có lẩm bẩm hẹn thề, có bông hoa mùa hạ mọc trên tay thương nhớ:
Bây giờ  không còn sen / Nhưng mặt nước vẫn thơm từ ngày hạ
Những bông hoa Nghi Tàm /Bung một màu thương nhớ
      (Nhớ Nghi Tàm)
      Từ  Nghi Tàm, Bình Nguyên vượt trùng trùng non cao về Bản Lác, tìm một Lá em đã rơi rụng, tìm một màu Chàm đã mất:
Khuất em sau con dốc
Lòng ta vời vợi buồn lên ngược
Màu chàm trong mắt
Từng bước ta về  em đầy lên 
      (Lá em )
      Em làm đầy ta như thể còn con thác rúc hồi còi nước bay lay phay một cọn tóc, lúng liếng một mắt nhìn:  
Nơi con thác có điệu xòe rúc nước
Mắt ai nghiêng qua cọn tóc về  rừng 
      (Bản Lác )
      Người & đất đã trộn chung trong suy tưởng “người là hoa của đất” và Bình Nguyên chưng cất em trong những chùm ba mật ngọt, hóa thân làm ngọn gió ru chiều Trường Sơn vỗ về giọt nước mắt em. 
Hoa xoan tím ngõ làng em lại  đến Trường Sơn
Gió  anh vỗ về em trên từng sợi tóc
Gió  anh đậu xuống vai em đã nhiều nặng nhọc
Gió  anh thổi đời em lại khóc 
      (Ngọn gió)
      Tác giả và chủ thể thơ, nhân vật và môi trường thiên nhiên đã không còn sự cách ly phân biệt. Đất nước gắn với chiều dài thăng trầm của lịch sử, vang một nụ cười, hoen một giọt lệ…
Nhiều khi một mình tôi thấy hiện lên những người đang nói
Trong nhà kính ngoài bãi sông ở ngã ba và chợ
Ấm áp lạnh khô vô cảm và truyền cảm
Tất cả bay ra như mũi tên
Nhưng không va chạm gì vì  quá ngắn âm thanh
      “Về những giọng nói” là bài thơ duy nhất có màu sắc hậu hiện đại khi bỏ vào một chút nghi hoặc trộn với niềm sợ hãi nhưng kết thúc vẫn lặng thầm khi chạm vào hàng gạch cũ lại vang lên niềm tôn vinh đất nước và lịch sử:
Rời suy tưởng chạm vào hàng gạch cũ
Bất chợt trong tôi thức dậy nỗi niềm
Nhìn bốn mặt một bảo tàng đang mở
tung cánh cửa
Tôi nhận thấy những gì đã về  trong bảo tàng
thì  im lặng tôn nghiêm  
* * *
      Không mới nhưng ít nhiều Bình Nguyên đã cố gắng tạo nên cuộc hôn phối giữa thơ truyền thống và hiện  đại, mở ra tương quan đường bay giữa chân trời & con người mặc dù viết về đề tài quen thuộc. Thành công của Bình Nguyên chính là nhờ lối tư duy tương đồng, phát sáng trí tưởng tượng và liên tưởng nên đã diễn tả được những chuyển động của hiện tồn thông qua một siêu thực tại , kích thích hiệu ứng thị giác, xúc giác, thính giác… ở người đọc. “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử.” (Shelly). Trong chừng mực, Bình Nguyên đã neo giữ hình bóng Mẹ và những người thân yêu, những Nghi Tàm, Hà Nội… trong lòng người đọc. Tôi chỉ có một băn khoăn nhỏ về cái tựa đề tập thơ. Thật ra , Bình Nguyên đã lang thang trên những cánh đồng lúa nước Ninh Bình của mình hơn là “Lang thang trên giấy” để nói về mối đa đoan chữ nghĩa hay duyên nghiệp nhà thơ…
Bước chân ngắn lại đã nhiều
Thèm nghe khói bếp nói điều rạ  rơm
      (Nhớ quê )
      Không ồn ào phố thị, không stress, không vực ngờ với giễu nhại, “Lang thang trên giấy” là tập thơ trữ tình chảy ròng ròng xúc cảm về quê nhà, về đất nước và những người thân yêu đã chia biệt đậm phong cách Bình Nguyên, sáng trong những rơm rạ mùa vàng hoa cau hoa bưởi hoa xoan… “Lang thang trên giấy” đẹp như một chậu hoa hồng(5).
TP Hồ Chí Minh 6/ 7/2010.
L.V
---------------------------------
1- Thơ  Bình Nguyên
2- La Nausée ( Buồn nôn ) của J.P. Sartre
3- Chữ  của Cao Hành Kiện
3- Chữ  của Eliot
4- Chữ  của Ferlinghetti ( 52 định nghĩa thơ  )
* Chữ  in nghiêng trích tập thơ