Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỂ “GHI CÔNG” QUAN NGHỊ TRẦN TIẾN CẢNH

Nguyễn Hà Nam
Thứ ba ngày 22 tháng 6 năm 2010 5:26 AM

     Sau thế chiến thứ hai, đế quốc Pháp thực hiện một cuộc “đại vơ vét” ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, bằng cách khai thác tài nguyên đem bán, bóc lột sức lao động, tăng thuế, tăng giá các mặt hàng…Tuy nhiên chính quyền bảo hộ vẫn còn biết tôn trọng, xin ý kiến“nghị viện” (cho dù đó chỉ  là “nghị viện bù nhìn”). Khi bàn đến việc tăng giá cả con tem thư của bưu điện thì hầu hết không đồng ý, cho rằng nguồn thu ấy chẳng đáng bao nhiêu, làm cạn tầu ráo máng như thế là thất nhân tâm, mất lòng dân. Duy có quan nghị Nguyễn Bảo Vinh lại vẫn lớn tiếng ủng hộ việc làm đó của chính quyền bảo hộ .
    Nhân trò này, nhà báo Ngô Tất Tố viết một bài, rằng: để “ghi công” của ngài dân biểu Nguyễn Bảo Vinh đối với “quốc mẫu” Pháp, ông đề nghị, trong giữa con dấu hình “TAM GIÁC” có hai chữ “ TL” (trả lại) mà bưu điện vẫn dùng chụp ngoài phong bì đối với những bức thư ghi sai địa chỉ, từ nay thay hai chữ “TL” ấy bằng ba chữ Nguyễn Bảo Vinh để luôn nhắc nhở cho khắp bàn dân thiên hạ được biết và không quên việc làm ấy của nghị Vinh.
    Nay nhân “quan nghị” Trần Tiến Cảnh (đại biểu QH của tỉnh Hà Nam) lớn tiếng ủng hộ “siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam” đầy phiêu lưu bằng những lời bất hủ: “ Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm…Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây”. Để “ghi công” ngài nghị Cảnh tôi xin đề xuất: ngành đường sắt có nhiều loại biển báo mang hình “TAM GIÁC” nên thay những chữ hoặc ký hiệu trên đó bằng tên ông Trần Tiến Cảnh để lịch sử và nhân dân luôn nhớ đến ông (!).
    Đồng thời với những “ông nghị” khác cũng có những tuyên bố bất hủ không kém nghị Cảnh, thậm chí thái độ còn vênh váo, ngạo mạn thách thức Quốc Hội, coi thường cử tri cả nước cần nên chọn những hình thức tương tự để “ghi công” của họ.

                            NGUYỄN  HÀ NAM