Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CƠM "TÙ" XANH PETECBUA

Y Ban
Thứ hai ngày 21 tháng 6 năm 2010 8:02 PM

Nhận lời mời của Hội nhà văn Nga đoàn nhà văn Việt Nam gồm 4 nhà văn: Lê Văn Thảo, Hoàng Minh Tường, Y Ban, Vũ Nho do nhà văn Lê Văn Thảo, phó Chủ tịch Hội nhà văn VN, Chủ tịch Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh là trưởng đoàn đã sang thăm nước Nga từ ngày 28.5 đến ngày 10.6.2010. Đoàn đã được đi thăm các địa danh nổi tiếng của nước Nga như Matxcova, Xanh Petecbua, Valđai, Vladimir, Xuzdan, Nogorot. Đoàn đã được gặp gỡ với nhiều người Việt đang làm ăn sinh sống tại nước Nga. Các cuộc tiếp xúc với người Việt mình nơi đất khách quê người đã để lại ấn tượng mạnh cho các nhà văn, những điều tốt đẹp và cả những điều đau lòng..
Chương trình thăm nước Nga của đoàn nhà văn Việt Nam đã được ông Oleg Bavykin, trưởng ban đối ngoại Hội nhà văn Nga lên lịch sẵn cùng với dịch giả Kim Hiền. Chiều 28.5 đón đoàn đưa về khách sạn nhận phòng, rồi đến của hàng Nem của Hạnh- Hoàng, cũng là những người hâm mộ các tác phẩm văn học. Một cuộc hội ngộ ngắn ngủi của bạn đọc với nhà văn cũng đủ để các nhà văn tự tin hơn với ngòi bút của mình. Ngày 29 đi thăm đồi Lê Nin,  Điện Cremli và đi dọc bờ sông Matxcova. Sáu giờ chiều ra ga để đi Valđai, nơi có rừng Quốc gia Valđai, nhà nghỉ của Putin. Từ Valđai đoàn nhà văn Việt Nam đến Xanh Petecbua trên con chiếc xe hơi cũ kỹ của Oleg Bavykin. Nhưng đó là một chiếc xe “thân chủ”, nó đã đưa khách đến nơi đến chốn trong tình trạng không giấy tờ, cần gạt nước không hoạt động( đến gần Xanh Petecbua trời mưa rất to), công tơ mét không hoạt động..Việc cần gạt nước và công tơ mét không hoạt động được vì chiếc xe đã già quá rồi. Nhưng nó chưa đủ già đến mức mà mất hết cả giấy tờ. Chúng tôi đã chứng kiến việc mất giấy tờ của chiếc xe hơi. Thật ra chiếc xe hơi của Oleg Bavykin già không đều, nó vẫn chạy rất nhanh để đủ vượt sai qui cách. Hậu quả là bị công an tóm. Oleg Bavykin đã trình bày với công an rằng ông đang chở đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm nước Nga. Hai người công an dường như có cảm tình với Việt Nam nên đã không phạt. Oleg Bavykin mừng quá để quên ngay giấy tờ tại xe ô tô của cảnh sát.
Xanh Petecbua là một công trình văn hóa vĩ đại không của chỉ nước Nga mà còn của cả nhân loại. Đoàn nhà văn VN đã ở Xanh Petecbua hai ngày rưỡi. Tất cả đều hoàn hảo cho đến buổi chiều ngày cuối cùng. Tại sao tôi lại dùng hai từ hoàn hảo. Vì trước đó ông Oleg Bavykin đã lên một lịch tham quan “cưỡi ngựa xem hoa”có “ô dù võng lọng”. Hội nhà văn Nga đã có công văn gửi các bảo tàng nhờ giúp đỡ đoàn. Các bảo tàng nói chung và bảo tàng Hemitag, bảo tàng nước Nga thì lại càng đông khách du lịch. Thường phải xếp hàng chờ hàng giờ đồng hồ mới đến lượt. Ở bảo tàng Hemitag chúng tôi được vào bằng của sau và đích thân giám đốc bảo tàng đã dãn chúng tôi đi thăm bảo tàng. Và cũng vì có công văn đó mà chúng tôi được mua vé theo tiêu chuẩn của người Nga, chỉ bằng một nửa tiền của khách nước ngoài. Chúng tôi còn được xem vở ba lê Hồ thiên nga.
Buổi chiều cuối cùng ở Xang Petecbua chúng tôi đến thăm trường ĐH Tổng hợp Xanh Petecbua, nơi vừa đặt bức tượng Bác Hồ tại khuôn viên của nhà trường. Đây là một khuôn viên khá đặc biệt. Khuôn viên không lớn lắm nhưng có rất nhiều những bức tượng nghệ thuật và những bức tượng danh nhân. Tượng Bác Hồ được đặt ở vườn hoa trung tâm của khuôn viên. Khi chúng tôi đang quây quần bên tượng Bác để chụp ảnh thì người đàn bà đó xuất hiện cùng với con gái. Rất tự nhiên như đã quen biết chúng tôi từ lâu người đàn bà tự giới thiệu tên là V, có quán ăn Sài Gòn ở số 24 đại lộ Kazanxki. Chúng tôi cũng không xa lạ người đàn bà này vì trước đó ở Matxcova cũng đã có người giới thiệu và cho số điện thoại của V. Người đàn bà cùng con gái đứng chụp ảnh cùng chúng tôi. Xong V mời đoàn về quán ăn Sài Gòn:
-Em mời cả đoàn về ăn chiều tại quán ăn nhà em. Sau khi ăn xong em có phòng cho đoàn mình nghỉ ngơi. Chắc là đoàn ta đã trả phòng khách sạn rồi mà cứ lang thang thì mệt lắm. Nhất là bác cao tuổi đây ạ( V chỉ nhà văn lê Văn Thảo). Sau đó em sẽ đưa ô tô đoàn mình ra ga tàu.
Nghe V nói mọi người đều cảm động và tin ngay. Bởi vì thứ nhất V là người Việt. Cùng là người Việt trên đất khách quê người ai nỡ lừa nhau. Thứ hai từ lúc đoàn nhà văn VN sang Nga thì toàn gặp những người nói sao làm vậy, vô tư, nhiệt tình với đoàn. Thứ ba nữa là đoàn đã xác định dù ăn ở chỗ nào cũng trả tiền, chứ không như cái cách ở trong nước đã mời nhau là không phải trả tiền. Vì ba lý do đó nên đoàn đã nhận lời với V. Để chắc chắn tôi còn hỏi lại V:
-Xe nhà em có rộng không? Đoàn chị có 5 người nếu mà xe 4 chỗ thì không đủ chỗ đâu.
V trả lời:
-Chị yên tâm, nhà em có xe 7 chỗ.
Sau đó V kể V có 7 đứa con, 5 con ruột và 2 con nuôi. Hai con nuôi của V đang du học ở nước ngoài. Chúng tôi tấm tắc khen V là Super “Wonman”.
Khi dời trường ĐH Tổng hợp Xanh Petecbua chúng tôi đi xe bus về quán ăn của V. Tôi là người cầm quĩ của đoàn nên tôi đã “hơi”ngạc nhiên khi V ngồi bình thản để cho tôi trả cả tiền vé xe cho V. Xuống xe V dẫn chúng tôi vào quán ăn Sài Gòn của V. V bảo:
-Các bác cứ vào quán ăn uống tự nhiên, em về với các cháu nhỏ. Tí nữa em với chồng em sẽ qua chào mọi người.
Chúng tôi vào quán ăn Sài Gòn. Quán được trang trí nửa ta nửa tàu và vắng như “chùa bà đanh”. Chỉ có 2 cô phục vụ, một người Việt, một người Nga. Bàn ăn của chúng tôi đã được dọn sẵn, đò ăn cũng đã được dọn sẵn. Tôi ngạc nhiên vì cả đoàn chưa ai xem thực đơn và chưa ai gọi món gì. Rồi mọi người ngồi vào bàn ăn. Qua Nga đã ngày thứ 6 nên những món ăn Việt hớp dẫn lạ lùng. Những món ăn trên bàn gồm: một đĩa đậu phụ rán( hoi nhiều cho 5 người ăn, quả nhiên là còn thừa nhiều), một đĩa nem rán khoảng 10 chiếc, một đũa thịt chân giò luộc, một đĩa cá bống biển khoảng 10 con, một đĩa bầu luộc, một đĩa rau sống, một bát canh cá nấu chua, một tô cơm, 4 vại bia, 1 chai pan ta, 100ml rượu vốt ca. Mọi người ăn uống vui vẻ. Sự vui vẻ đó đã khiến một người đánh vỡ một cái li rượu.
Hơn một tiếng sau mọi người ăn xong, nhìn đồng hồ đã 9 giờ tối. Còn hơn 3 giờ nữa mới đến giờ ra tầu. Nhà văn Hoàng Minh Tường nói với cô phụ vụ người Việt ên là H:
-Em gọi hộ chị V ra đây để cho mọi người chào hỏi và nói chuyện một chút.
 H trả lời luôn:
-Chị V đang bận chek mail không ra được.
Tôi hỏi H:
-ở đây có phòng nghỉ không em?
-Không có đâu chị a.
Tôi đã hiểu vấn đề. Tôi ra quầy thanh toán. Cô phục vụ người Nga đưa cho tôi hóa đơn: 3730 rup, tính theo tỉ giá hổi đoái là 124 USD. Tôi trả tiền và bảo mọi người rời quán. Mọi người không hiểu tại sao lại phải rời quán ngay như vậy khi chưa V chưa đưa chồng sang chào hỏi và còn chưa được nghỉ ngơi chút nào như V bảo. Tôi muốn giải thích cặn kẽ cho mọi người nhưng lại ngại ông Oleg biết chuyện. Tôi chỉ nói nhỏ với nhà văn Hoàng Minh Tường: Cơm tù, anh hiểu không? Nhà văn Hoàng Minh Tường hiểu ngày sự việc, nói lại với nhà văn Lê Văn Thảo và nhà phê bình Vũ Nho. Chúng tôi lặng lẽ rời quán ăn Sài Gòn.
 Chúng tôi không cười được dù là mọi người cổ pha trò để cười và cũng cố không để lộ sự nghĩ ngợi ra mặt khẻo người bạn Nga biết. Nhà văn Lê Văn Thảo bảo tôi:
-Sao kỳ vậy nhỉ?
Nhà văn Hoàng Mình Tường hỏi tôi:
-Sao lại vậy nhỉ.
Tôi không trả lời được hai câu hỏi của nhà văn lê Văn Thảo và nhà văn Hoàng Minh Tường. Tôi chỉ tự nói với chính mình:
-Có cần phải đến tận trường ĐH để lừa các nhà văn như vậy không? Các nhà văn đều rất dễ lừa mà.
Là phụ nữ duy nhất của đoàn, ngoài chức năng nhà văn tôi còn là bà nội trợ chính cống. Tôi đã biết vì sao V phải lặn lội đến tận trường ĐH để “lùa”đoàn nhà văn về quán cơm của mình. Đó là buổi sáng V vừa tiễn một đoàn hơn 10 người của tỉnh HP về Việt Nam. Phần thức ăn còn lại của đoàn HP kia đã được V sẽ không bán được cho ai ở Xanh Petecbua nữa. Vì vậy V biết được thông tin còn đoàn nhà văn VN nên V đã lần theo địa chỉ. Trách nào đậu phụ khô và chua, nem rán cũng khô vì rán đi rán lại..Thì ra mùi vị cơm tù thì ở đâu cũng thế.
Những ngày ở Xanh Petecbua chúng tôi đã vào các quán ăn Trung Quốc, quán ăn Nga. Giá cả trung bình có đắt đỏ hơn ở Hà Nội nhưng cũng chỉ khoảng 10 USD cho một xuất ăn, bao gồm cả bia. Tất nhiên nếu chẻ đến cùng thì càng so càng lệch. Vấn đề mấu chốt ở chỗ nếu không có cuộc tiếp thị kia và nếu chúng tôi tự nguyện vào nhà hàng thì dù có giá cả đắt đến mấy chúng tôi cũng không đau lòng đến vậy.
Sau đó đoàn nhà văn VN còn được gặp gỡ và tiếp xúc nhiều với người Việt ở Matxcova, ở Vladimia. Những người Việt làm ăn thành đạt, có người chưa thành đạt nhưng đều nồng hậu đón tiếp các nhà văn. Chính điều đó đã làm nguôi ngoai phần nào về nỗi buồn cơm tù ở Xanh Petecbua.
Y Ban