Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÁ THƯ GỬI...NGƯỜI LỚN

Nguyễn Mai Hà
Thứ hai ngày 21 tháng 6 năm 2010 3:09 PM
TNc: Trưa nay tôi nhận được lá thư của cháu Nguyễn Mai Hà với nhan đề Đúng sai trong tác phẩm. Tưởng cháu nói về tác phẩm nào đó nhưng không phải chỉ có thế, lá thư làm người lớn phải suy nghĩ về sự dạy dỗ của mình. Cám ơn Mai Hà đã nói lên những điều cần phải nói.

ĐÚNG SAI TRONG MỘT TÁC  PHẨM
 
Kính thưa bác Trần Nhương
Cháu là một học sinh của trường Trung học phổ thông huyện Bến Cát, vừa tốt nghiệp, chuẩn bị dự thi Đại Học. Đọc trang web của bác, cháu cảm nhận được lắm điều bổ ích thú vị, không thể tìm thấy ở các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nhiều người trách thế hệ chúng cháu rất dốt văn, chẳng nhớ lịch sử, dị ứng với các môn xã hội khác. Nghĩ mà buồn quá bác ạ.
Cháu muốn mọi người có trách nhiệm hãy nghiêm túc nhìn lại những việc đã làm cho nền giáo dục nước nhà. Thưa bác! Chúng cháu cũng muốn giỏi lắm chứ, nhưng giỏi làm sao được khi nền giáo dục đã cải cách liên tục, sách giáo khoa thay đổi quá nhiều, tài liệu tham khảo, bài tập mẫu, đáp án được bày bán tràn lan ở mọi cấp học và khi dạy giáo viên nói giống hệt như sách . Một quyển sách giáo khoa phải gánh bình quân gần mười quyển sách tham khảo khác. Bọn cháu chỉ việc học thuộc lòng, đến kỳ thi copy thật nhỏ, khéo giấu một tý, cộng với người lớn thương là có điểm cao rồi.
Với bản thân, khi học văn cháu thích các đề lúc làm bài kiểm tra có cho mở vở cũng chẳng tìm được gì. Khi ra về cháu muốn mọi người hỏi có viết được không, chứ không phải có chép đúng đáp án hay chưa.
Còn môn lịch sử, cháu thấy chiến dịch nào cũng nêu số liệu tổn thất của địch, chẳng tìm thấy sự thương vong của ta. Sách không nêu nhận xét, quan điểm, cái được, cái mất Cải cách ruộng đất sai lầm đến cỡ nào mới khiến cho người lãnh đạo cao nhất đất nước phải khóc...Các thế hệ sau lấy đâu ra những bài học lịch sử được đúc kết bằng xương máu của ông cha đây? Có lần thày giáo môn lịch sử dạy đến sự kiện Trịnh Nguyễn phân tranh đã cao hứng đọc cho chúng cháu nghe một bài thơ ngoài luồng về con sông Gianh. Cháu còn nhớ được mấy đoạn: ...Đây sông Gianh nơi biên cương thống khổ. Đây sa trường nơi nấm mộ trời Nam. Đây dòng sông dòng máu Việt còn loang. Đây cổ mộ xương tàn xưa chất đống. Sông còn đây hận phân ly nòi giống ... Rồi sau đó Thày bị kỷ luât vì dám dạy những điều ngoài sách giáo khoa.
Trong quá trình học, chúng cháu không được đặt câu hỏi và nêu nhận xét theo hiểu biết của cá nhân! Bản thân cháu có lần đi thi học sinh giỏi, đã dám viết ý kiến của riêng mình khi làm bài, thế là bị điểm kém do làm lạc đề. Về trường bị các thày cô phê bình: Làm mất uy tín của trường. Ba má rầy la: Mày cứ như vậy không khéo thi tốt nghiệp bị điểm liệt thì khổ.  Lũ bạn bĩu môi chê bai: Thế mà cũng đi thi học sinh giỏi... Bác bảo như thế không ngán sao được.
Vẫn biết học sinh không có quyền đòi hỏi, bàn về độ chính xác của các tác phẩm được in trong sách giáo khoa. Và các tác giả có quyền hư cấu, nhất là các tác phẩm văn học. Nhưng theo cháu sách in cẩu thả quá, lỗi triền miên,  nhiều chỗ nhầm lẫn, giải thích lung tung, trên dưới mâu thuẫn, không chấp nhận được. Nhất là ở số sách đáp án, bài mẫu. Nhân tiện cháu xin nêu độ chuẩn của một chi tiết khi đọc trang web của bác. Trong thư mục truyện ngắn khi đọc tác phẩm  - Tôi và người Mỹ ấy - của tác giả Trần Ngọc Dương - Theo cháu, đây là một tác phẩm hay, giàu tính nhân văn, có nhiều đoạn văn giống như một bài thơ. Nhưng cháu khó chịu khi đọc đoạn tác giả viết: ... Khi vẽ sơ đồ ngôi mộ, tôi lấy độ lõm của bờ sông làm điểm chuẩn. Còn Giêm ghi nhớ: Nếu nối ba điểm đỉnh núi Bà Đen, đỉnh núi Cậu với nơi an táng Thanh sẽ tạo thành tam giác vuông. Góc vuông là nơi Thanh nằm... Đọc đến đây, mặc dù không giỏi các môn tự nhiên cháu cũng thấy ngay cái không đúng của người viết. Vì từ cạnh huyền của tam giác vuông ta sẽ vẽ được một hình tròn, mà đường kính của nó chính là cạnh huyền của tam giác ấy. Thưa bác! Theo định lý ta có thể dựng được vô vàn tam giác vuông. Như vậy tác giả đã sai khi viết. Khi đến tận địa hình giống như tác giả đã miêu tả (nhà cháu ở gần đó mà) cháu đã nêu nhận xét trên với ba. Ba cháu giải thích: Nhận xét của con đúng! Nhưng tác giả cũng chẳng sai. Vì trong quá trình tìm hài cốt người ta thường tin nhiều vào yếu tố tâm linh nữa. Cháu hỏi lại: Thế tại sao vong linh của liệt sĩ không chỉ dẫn cho đồng đội của mình, lại mách bảo rất rõ ràng cho người lính Mỹ - kẻ thù ở phía bên kia chiến tuyến. Ba cháu cười nói: Có những yếu tố tâm linh con người ta không tài nào giải thích nổi.
Cháu lại đọc trên web của bác một câu chuyện ở nước ngoài người ta dạy học. Câu chuyện về cô bé Lọ Lem. Cháu thật sự thích thú cách dạy trên và ước gì được học như vậy. Thày chỉ là người hướng dẫn, nêu câu hỏi chứ không khẳng định như ở  nước ta. Cháu vô cùng thích thú khi đọc đến chi tiết học sinh nhận xét: Tất cả trở về như cũ, trừ mỗi đôi giày thuỷ tinh... Cháu bày tỏ cảm nhận trên với ba và em trai cháu. Ba hỏi lại: Thế các con sẽ giải quyết câu chuyện này ra sao? Đứa em mới học lớp 7 hồn nhiên nói: Con sẽ cho khi Lọ Lem lúc làm tuột giày bị sước chân, có giọt máu còn rớt trong giày. Hoàng tử chỉ việc mang thử AND.
Thưa bác.
Cái đúng sai trong một tác phẩm phải tranh cãi rất nhiều. Điều cháu muốn người lớn đừng khẳng định hộ học sinh trăm phần trăm nữa. Hãy để cho học sinh được nói những cảm nhận đúng sai của mình trong các giờ học. Sách giáo khoa phải  biên tập lại cho chuẩn, phù hợp với từng lứa tuổi. Theo cháu  thà rằng để học sinh ngây ngô trong lúc học còn hơn ngớ ngẩn khi viết bài kiểm tra.
Cuối thư xin kính chúc bác mạnh khoẻ, trang web của bác ngày càng phong phú, nhiều người truy cập.
Cháu
 Nguyễn Mai Hà