Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRỐNG ĐỒNG VANG VỌNG GIỮA TRƯỜNG SA

Trần Vân Hạc
Thứ tư ngày 23 tháng 6 năm 2010 6:02 AM

Trong chuyến công tác số 10 ra thăm và làm việc ở quần đảo Trường Sa từ ngày 1.6.2010 đến ngày 8.6.2010 lần này, một trong những dấu ấn để lại trong lòng cán bộ chiến sỹ, nhân dân và đoàn công tác, là nhà sử học Dương Trung Quốc thay mặt hội Sử học Việt Nam trao tặng quần đảo Trường Sa chiếc trống đồng – biểu tượng của linh hồn Việt.
Trống đồng của Việt Nam là tinh hoa của một nền văn minh lúa nước đã phát triển tới một trình độ cao làm thế giới kinh ngạc. Mỗi khi trống đồng rộn rã trầm hùng vang vọng là mỗi người dân mang dòng máu Lạc Hồng thêm nức lòng, đoàn kết gắn bó và chiến thắng trong công cuộc đấu tranh trống giặc ngoại xâm, trị thủy… Mỗi khi tiếng trống đồng vang vọng, quân thù bạc tóc sợ hãi.
Sử sách còn ghi, xưa khi Trần Lương Trung, sứ nhà Nguyên sang nước ta, đời vua Trần Nhân Tôn (1291), có bài thơ “Cảm sự” trong Sứ Giao Châu tập, về Trống Đồng Việt: “Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng/ Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa”. (Kim khoa ảnh lý đan tâm khổ/ Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh). Nghĩa là nhớ đến  trận chiến quân Nam đuổi đánh, quân Mông Cổ sợ kinh khiếp đến nỗi chỉ nghe tiếng trống đồng rộn rã mà sứ giả đã bạc trắng tóc rồi!
Trống đồng được coi là vật thiêng của người Việt cổ. Ở thôn Ðan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Ðịnh, cách thành phố Thanh Hóa 40 km về phía tây bắc có ngôi đền thờ Thần Trống Đồng. Tương truyền, có một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu ở khúc sông Mã gần đền (có sách nói là vua Lý Thái Tông, cũng có nguồn nói là vua Hùng Vương đời thứ nhất đi dẹp ngoại xâm). Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là Ðồng Cổ báo mộng bày cách dẹp giặc loạn. Khi vua tỉnh giấc còn nghe vang vọng tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Theo báo mộng của thần, khi ra trận vua cho dùng dùi đồng gõ vào trống đồng, giặc loạn sợ hãi bỏ chạy. Nhà vua sau đó đã quay lại để tạ ơn thần và cho tu bổ đền khang trang hơn. Tên đền Ðồng Cổ được dân làng gọi theo từ đó. Vua Lý Thái Tông còn cho rước thần Ðồng Cổ từ Ðan Nê về lập đàn thề trên đất Thăng Long (nay ở Thụy Khuê), lại phong cho thần chức quan “chủ trì việc thề trong cả nước” và ngày 4.4 âm lịch hàng năm, vua cùng các quan văn võ đều ra đền  làm lễ “Minh thệ” – ăn thề,  giết con sinh (vật tế) uống máu ăn thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung trời tru đất diệt”, các vương triều Trần - Lê vẫn duy trì nghi lễ quốc gia này. Thời Trần, hội thề Đồng Cổ là một hội lớn, dân bốn phương về sự hội rất đông!
 Khi nhà sử học Dương Trung Quốc trao tặng đảo Song Tử Tây, đại diện cho quần đảo Trường Sa chiếc trống đồng ngay tại bia chủ quyền. Khi tiếng trống đồng vang vọng trên quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đều vô cùng xúc động. Tiếng trống như lời nhắc nhở của cha ông, hãy giữ vững từng tấc đất của ta, mảnh đất thân yêu đã thấm máu của bao người. Tiếng trống như nối liền quá khứ hào hùng của ông cha với hiện tại và tương lai tươi sáng của dân tộc; khơi dậy trong lòng người hào khí của tổ tiên, nhắc nhở cháu con. Tiếng trống như lời khẳng định tinh thần oai dũng của người Lạc Việt và chủ quyền không thể xâm phạm của đất nước Việt Nam có một truyền thống yêu nước và chống giặc ngoại xâm, yêu hòa bình và lẽ phải.
 Ngay lúc đó đại tá Nguyễn Kiều Kinh, trưởng phòng chính sách, cục chính trị quân chủng Hải quân nối máy điện thoại báo cáo sự kiện to lớn ấy với tư lệnh Hải quân. Vị tư lệnh từng trải đã không kìm được nỗi xúc động, thay mặt cho toàn quân chủng cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc và hứa sẽ trực tiếp gặp nhà sử học để cảm ơn, bởi sự kiện ấy to lớn quá, mang một ý nghĩa đặc biệt với toàn quân chủng Hải quân và quần đảo Trường Sa. Còn đại tá Đỗ Văn Thành, cục trưởng cục hậu cần của quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác cứ nắm chặt tay nhà sử học Dương Trung Quốc:
 - Việc hội sử học trao tặng Trường Sa chiếc trống đồng có ý nghĩa vô cùng to lớn, tiếp thêm sức mạnh, nhắc nhở chúng tôi tiếp bước ông cha, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc…
Quần đảo Trường Sa nơi biển Đông, nơi xưa những người con theo Cha Lạc Long Quân đã mở mang bờ cõi, biển xanh hòa máu thịt của bao người trong suốt chiều dài lịch sử vẫn hiên ngang như những con tàu hướng ra biển. Những chiến sỹ hôm nay, tạm biệt làng quê, nhà trường, công trường, nhà máy… vững tay súng giữ mảnh đất biên cương nơi hải đảo của Tổ Quốc. Sau anh là Đất Mẹ, nơi có làng quê yêu dấu với tiếng chim gù thân thương, có dáng mẹ áo nâu tần tảo, có ánh mắt người thương chờ đợi thủy chung, có tiếng trẻ bi bô đọc bài… Trong ánh mắt sáng trong, kiên nghị của người lính đảo chợt sáng lên cùng tiếng trống đồng. Những nhịp tim son trẻ rộn ràng hòa cùng nhịp trống. Tổ quốc thân yêu ở trong anh, quê hương yêu dấu ở trong anh. Quá khứ oai hùng và tương lai tươi sáng của dân tộc ở trong anh!
         Song Tử Tây Ngày 5.6.2010