Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN "NIÊM CẤT" ?!

Đỗ Quốc Bảo
Thứ hai ngày 21 tháng 6 năm 2010 7:38 PM

Chẳng cần phải giải thích dài dòng, người trong nghề và ngay cả bạn đọc bình thường cũng hiểu rằng: nhà văn khác người và hơn người ở chỗ họ là “nhà chữ”. Nhà văn dùng câu chữ để xây dựng hình tượng văn học, phản ánh cuộc sống qua một sản phẩm trí tuệ - tinh thần - tình cảm là tác phẩm văn học. Nhà văn “sống” ở thì hiện tại bằng chính việc sáng tác.
Con đường đi đến với nghề văn có nhiều cách. Có người nhờ tài năng thiên bẩm, ngay từ tác phẩm đầu tay đã nổi tiếng. Có người thì dần dần khẳng định qua từng trang viết. Nhưng, để trụ được với nghề, ngoài vô vàn yếu tố cần thiết thì không thể thiếu sự học. Học trong sách vở, học trong cuộc sống, học ở bạn bè, đồng nghiệp… học để có thêm vốn nghề, để giữ vốn và tăng trưởng vốn. Ngừng quan sát, học hỏi, ngừng viết thì nhà văn chững lại và bắt đầu quá trình tụt hậu. Đáng tiếc là ngay cả trong tình trạng đó, ít ai dám công khai nói mình tự nguyện bỏ nghề vì không theo nổi. Vì cái tiếng, vì sĩ diện, hay vì những nguyên nhân nào đó, người ta vẫn muốn thiên hạ mãi coi mình là “nhà văn”, nhà văn suốt đời, nhà văn ngay cả khi không còn viết nổi một tác phẩm nào nữa. Chẳng ai trong số đó ghi trong danh thiếp “đã từng là nhà văn”, mà chỉ thấy ghi “nhà văn”. Thật phi lí vì trong tình trạng đó, nhà văn thậm chí không còn giống những chiếc xe ôtô đặc chủng được đưa vào kho “niêm cất”, khi cần lại đưa ra sử dụng vì dù sao, nó còn nguyên dạng chiếc xe ở tình trạng tốt. Còn nhà văn, khi không hoạt động văn học (giả sử các mức sau 5 năm hoặc 10 năm kể từ khi ra một tác phẩm mà không viết tiếp nữa), thì nên gọi thế nào? Chả lẽ lại gọi là nhà văn “niêm cất”(!?), nhà văn “tiềm năng”(!?) hay chỉ gọi là anh A, chị B, người từng có hoạt động sáng tác văn học?
 Có ý kiến cho rằng, nên đưa ra khỏi các hội văn học - nghệ thuật những ai không còn sáng tác hoặc không còn khả năng sáng tác. Nhưng kiểm định thế nào, không dễ. Thiết nghĩ, đó có thể là một ý kiến tốt, nhưng nếu chưa thực hiện thì cũng không sao. Chính nhà văn không viết được nữa mới là người đã tự loại mình ra. Chỉ sợ họ mang danh “nhà văn” đi làm những chuyện “mang tiếng” cho văn học và giới sáng tác . 
Sự học đối với nhà văn luôn là điều cần thiết. Họ có cách học riêng. Kết quả học tập không ngừng của họ sẽ thể hiện qua việc sáng tác không đứt đoạn và luôn chuyên tâm, cho dù văn chương xưa nay không giúp được chuyện mưu sinh. Nghề đấy mà nghiệp đấy. Họ là những người dũng cảm trên lĩnh vực sáng tạo văn chương - nghệ thuật; dám dấn thân vào cuộc “độc hành” nhưng không cô độc vì luôn được đồng nghiệp và bạn đọc cổ vũ./.