Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG LỖI "ĐÁNG YÊU" Ở TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (bộ mới)

Đõ Quốc Bảo
Thứ tư ngày 23 tháng 6 năm 2010 2:37 PM
 
 Không thể phủ nhận Từ điển Văn học (bộ mới, NXB Thế giới, H, 2004) có nhiều ưu điểm như đã kế thừa và nâng cao những ưu điểm đã có ở bộ sách trước; việc tăng mục từ, số lượng từ và cập nhật được nhiều từ mới; hay cách nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng văn học và tác giả văn học đã có nhiều tiến bộ, thực sự bổ ích cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và cho độc giả khi cần tra cứu tư liệu. Tuy nhiên, thật tiếc là công trình đồ sộ, công phu này vẫn còn khá nhiều thiếu sót mà một số bài viết trên các báo, tạp chí đã chỉ ra. ở đây chỉ xin nói thêm về một số thiếu sót “điển hình” để có thể rút kinh nghiệm cho những lần tái bản hoặc làm mới từ điển lần sau.
*Hai cha con khác quê nhau?
Về Nguyễn Văn Vĩnh, TĐVH ghi: (15.VI.1882 – 1.V.1936), quê làng Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Trong khi đó, ở mục Nguyễn Nhược Pháp (12.XII.1914 – 19.XI.1938), TĐVH cho biết ông là con nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh nhưng lại ghi quê quán ở làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Để cụ thể và chính xác, phải ghi cả hai mục là: làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (Do sách in từ năm 2004 nên tôi để nguyên địa danh Hà Tây, tất cả các mục có địa danh này hiện nay đều thuộc Hà Nội - ĐQB).
* thiếu thống nhất
Về Phạm Duy Tốn, Từ điển Văn học (TĐVH) ghi: (1883 - 25.II.1924), quê làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông; trong khi lẽ ra phải ghi rõ là: làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.
Trong mục Phạm Duy Khiêm, TĐVH ghi: (21.V.1908 - 2.XII.1974), “là con trưởng nhà văn Phạm Duy  Tốn”, không ghi quê. Điều này có thể chấp nhận nhưng có thể chú thích thêm: “xem Phạm Duy Tốn”.
Về 4 nhà văn đã nói ở trên, do cùng quê nên cách ghi của TĐVH lẽ ra nên thống nhất là: quê ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.
* thiếu tư liệu, sơ lược và nhầm lẫn
Về Nguyễn Tử Siêu, TĐVH ghi: (1887-1965), tự Trọng Khoát, bút danh…trong khi lẽ ra phải cập nhật thêm: tên thật là Nguyễn Trọng Thoát, còn ngày sinh có thể cụ thể và chính xác hơn là: 5.8.1898, ngày mất là: 27.2.1965. Tư liệu gia đình nhà văn đã công bố trong cuốn “Nguyễn Tử Siêu tác phẩm chọn lọc” (NXB Hội nhà văn, H, 1998) cho biết: Nguyễn Tử Siêu vì tóc bạc nhiều, lông mi bạc, già hơn tuổi nên khai tăng lên hẳn 11 tuổi.
Về Văn Tân, TĐVH ghi: (1.IX.1913 -30.IX.1988), quê ở làng Vân Canh, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội. Lẽ ra phải ghi rõ và cập nhật hơn là: làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông; nay là làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.
Về Đinh Hùng, TĐVH ghi: (3.VII.1920 – 24.VIII.1967), chính quán tỉnh Hà Đông, nay là Hà Tây. Lẽ ra phải ghi đủ là: làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.
Về Dương Nghiễm Mậu, TĐVH ghi: (sinh 19.XI.1936), sinh tại làng Mậu Hoà, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là tỉnh Hà Tây. Lẽ ra phải cập nhật: nay là làng Mậu Hoà, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.
Về Nguyễn Bá Lân, TĐVH ghi: (1701 – 1785), quê làng Cổ Độ, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội. Cần phải ghi đúng là: làng Cổ Đô, huyện Tiên Phong, trước năm 1742 thuộc phủ Tam Đái, sau thuộc phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây; nay là xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.
Về Nguyễn Đôn Phục, TĐVH ghi: (1878-1954), nguyên quán Thanh Hoá, sau dời ra Uy Nỗ Thượng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tư liệu về nhà văn này không quá ít, có thể chọn lọc các ý sau để ghi rõ hơn: sinh ngày 22-8-1878, nguyên quán Thanh Hoá, sau dời ra Oai (Uy) Nỗ Thượng, tổng Xuân Canh, huyện Đông Anh, trước thuộc Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội. Đời bố đẻ rời đến làng ỷ La, tổng La Nội, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông; nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Về Lê Anh Tuấn, TĐVH ghi: (1671-1736), người làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong, nay thuộc Ba Vì, Hà Tây. Lẽ ra có thể ghi rõ hơn: làng Thanh Mai , huyện Tiên Phong, trước năm 1742 thuộc phủ Tam Đái, sau thuộc phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây; nay là làng Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.
Về Kiều Oánh Mậu, TĐVH ghi: (1853-1912), người tỉnh Sơn Tây, nay là Hà Tây. Tư liệu và tác giả này không ít, nên ghi rõ hơn: người làng Đông Sàng, tổng Cam Thịnh, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây; nay là thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Tây.
Về Nguyễn Đỗ Mục, TĐVH ghi: (1882-1951): quê làng Thư Trai, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Lẽ ra phải ghi đúng là: xã Thư Trai, tổng Lạc Trị, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây; nay là thôn Thư Trai, xã Phúc Hoà, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.
Về Tản Đà, TĐVH ghi: (19.V.1889 – 7. V.1939), lại chú thích thêm: sinh ngày 20 tháng Tư năm Mậu Tý, thực ra phải là ngày 20 tháng Tư năm Kỷ Mão. Việc ghi họ mẹ Tản Đà là Nhã không đúng, phải là Nhữ (Nhữ Thị Nghiêm).
Từ điển cãi… từ điển, các sách… cãI nhau
                                    Trường hợp “khó nói” nhất với các sách, trong đó có TĐVH là năm sinh, năm mất của Cao Bá Quát. Cả TĐVH (cũ) lẫn TĐVH (bộ mới) đề ghi là: (1808 - 1855), trong khi Từ điển Văn hoá VN (NXB VHTT, H, 1993) thì ghi: (1809-1854). Kỳ lạ hơn, Tạp chí văn học số 2, 2005 còn có 3 bài mà 2 bài cùng số liệu, còn 1 bài thì… cãi lại. Cụ thể: 2 bài “CBQ với những suy tưởng trong thơ” và “CBQ với thiên nhiên- thiên nhiên với CBQ” thì ghi: (1809 - 1854); còn bài “Thi tiên trong thơ CBQ” thì ghi: (1808-1854). Trước đây, tác giả Dương Quảng Hàm từng để trống năm sinh và ghi: CBQ(?-1854) vì chưa đủ tư liệu.
           Về năm sinh của Cao Bá Quát, có thể lấy ngay câu thơ tự thán của ông: “Tự Đức tứ niên thư kí lạp/ Nguyên tiêu tứ ngũ biệt kinh đô” (Thư gửi đi từ tháng chạp năm Tự Đức thứ tư/ Ngày nguyên tiêu, 45 tuổi từ biệt kinh đô) mà suy: năm Tự Đức tứ niên là 1851, trừ đi 45, vậy Cao sinh năm 1806. Đây là thơ Cao viết sau khi về làm giáo thụ phủ Quốc Oai năm 1850. Còn về năm mất của ông, sách “Quốc triều chính biên toát yếu” (NXB Thuận Hoá, Huế, 1998), chính sử của triều Nguyễn, đã ghi là 1854, thiết tưởng khỏi cần phải bàn thêm.
            Làm Từ điển không dễ, nếu không nói là cực khó. Việc Từ điển văn học, Từ điển Văn hoá hay Từ điển bách khoa bị bạn đọc “kêu” nhiều (vì còn quá nhiều lỗi) do nhiều nguyên nhân nhưng phải thẳng thắn mà nói chủ yếu là lỗi của những người biên soạn. Không ai biết được hết nhưng phải tham khảo, đối chiếu, tỉ mỉ và thận trọng… Sách công cụ như Từ điển mà còn sai thì chuyện tranh luận về từ vựng - ngữ nghĩa sẽ còn là chuyện… tranh cãi dài dài./.