Bác đã đi xa, nhưng những điều Bác dạy và tấm gương đạo đức của Bác, vẫn còn đấy, sáng ngời chân lý.
Trước hết, phải thấy rằng, toàn bộ những lời Bác dạy, những việc Bác sống làm gương, từ lớn đến bé, đều rất đơn giản, dễ hiểu, rất gần gũi với cuộc sống bình dị của mỗi chúng ta, không có gì quá cao siêu, trừu tượng. Ví dụ, sau Cách Mạng Tháng Tám, khi đặt tên Nước Bác đã ưu tiên trước tiên đến quyền DÂN CHỦ (VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ...), Bác giải thích: ...Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. (HCM Toàn tập, ST, 1986, tập 6, trang 286). Tiếp đến, khi giảng nghĩa cho số cán bộ tuyên truyền, thế nào là DÂN CHỦ, Bác nói: Dân chủ là làm sao cho dân mở miệng.... Đơn giản và nôm na đến mức ấy, thì không một người nào còn có thể nói chưa hiểu!
Chính vì những lẽ đó, mà đối tượng HỌC BÁC không bó hẹp trong một phạm vi nhỏ nào, mà là TOÀN DÂN.
Vâng, đương nhiên là thế. Nhưng lại hỏi: Vậy thì có cần nhấn mạnh đối tượng nào HỌC TRƯỚC, đối tượng nào HỌC SAU không? Đúng ra, câu hỏi ấy không cần đặt ra. Nhưng vẫn nên đặt ra, bởi trong tình hình chung hiện nay, muốn HIỆU QUẢ nhanh chóng, thì nên dành sự ưu tiên HỌC TRƯỚC, HỌC NGAY theo từng CHUYÊN ĐỀ đối với từng đối tượng . Ví dụ CHUYÊN ĐỀ DÂN CHỦ, nên mời các vị làm công tác HÀNH CHÍNH học trước. Các vị này mà thông hiểu, làm theo đúng được lời Bác dạy về Dân Chủ, thì tự nhiên Dân chúng sẽ nhận biết và thấm nhuần ngay cái QUYỀN DÂN CHỦ của mình, không cần học ai nữa. Thế là gọn nhẹ, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, lại không tổn kinh phí tổ chức học tập tràn lan.
Không chỉ một chuyên đề đó, mà cả chuyên đề THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, rồi chuyên đề CHÍ CÔNG VÔ TƯ,... cũng nên dành ưu tiên cho đối tượng đó HỌC TRƯỚC. Dân chúng cần lao HỌC SAU vì ngưòi dân chúng ta đâu có lắm của nả mà vội lo không TIẾT KIỆM? Có đâu được trực tiếp nắm giữ của công để phải lo thực hiện CHÍ CÔNG VÔ TƯ?
Để chứng minh lý giải trên là đúng, xin trích lại đây, bài trả lời của ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa với phóng viên Báo Nhân Dân ngày 18 tháng 5 năqm 2010 phần nói về NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM: ... Một là phải quan tâm quán triệt kỹ, trước hết là trong các cấp uỷ đảng, cán bộ chủ chốt các cấp... (THT nhấn mạnh)[1].
Bây giờ xin bàn sang câu hỏi thứ hai: HỌC CÁI GÌ - LÝ THUYẾT HAY THỰC HÀNH?.
Đương nhiên là có thông lý thuyết mới giỏi thực hành. Lý thuyết dẫn đường chỉ lối cho thực hành. HỌC phải gắn với HÀNH, xưa các Cụ đã dạy rồi. Nay ông Tô Huy Rứa cũng lại tổng kết: ... Ba là cần gắn học tập với làm theo... (Báo đã dẫn)
Nhưng trong trường hợp cụ thể, cần xuất phát từ thực tế khách quan, chứ không kinh nghiệm máy móc. Trường hợp cụ thể ở đây là những điều Bác dạy, như trên đã trình bầy, rất đơn giản, mộc mạc, không sa vào lý thuyết xuông. Có thể khẳng định rằng, không một điều dạy nào của Người, mà người dân chúng ta không hiểu. Cán bộ so với dân, được dạy bảo nhiều nhất, rèn luyện kĩ nhất,... không lý gì lại nói không am hiểu bằng dân! Xin dẫn ra đây một số điều Bac dạy: Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do. (Toàn tập, ST, 1987, T7, trang 682) - Chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân (Toàn tập, ST, 1989, T8, trang 566) - Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ .. Phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công (Toàn tập, ST, 1986, T6, trang 271) - Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải chí công vô tư và có tinh thần lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. (Tuyển tập, ST, 1980, T2, trang 210) - Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ (những kẻ quan liêu - THT) theo lối quan chủ. Miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng (Toàn tập, ST, 1986, T6, trang 112) v.v...
Vì vậy vấn đề HỌC để BIẾT, để HIỂU, để NẮM VỮNG, NẮM CHẮC (lời Bác dạy), rõ ràng không phải là vấn đề khó khăn.
Hãy dành nhiều công sức ... cho việc LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM. Mà người cần làm theo trước nhất, vẫn là những người có chức có quyền - mặc dù, việc đó luôn luôn là của TOÀN DÂN.
Suy cho thấu tình đạt lý, cuộc vận động HỌC VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH cần được nhân rộng, càng rộng khắp càng tốt, nhưng nên ưu tiên cho những đối tượng trực tiếp cần học và làm theo sớm nhất, trước nhất, đúng như Bác đã từng dạy Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Nói đến Đảng viên là nói đến vai trò NGƯỜI LÃNH ĐẠO, nói làng nước là nói về Nhân dân. Giữa HỌC và LÀM thì cần ưu tiên cho việc tổ chức LÀM THEO
Đừng quá chú trọng đến việc phô trương, hình thức mà làm sai lệch chính lời dạy của Hồ Chí Minh. Đạo đức không phải là chuyện thi xem ai kể chuyện giỏi hơn ai, mà đúng như ông Trưởng Ban Tuyên giáo đã nói: Đạo đức, tư tưởng thuộc ý thức xã hội, mà tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, nên... cần có những biện pháp động viên khuyến khích việc làm tốt[2] - người viết bài này nhấn mạnh) - Vâng! Không gì chuẩn mực hơn!
[2] Bác Hồ chưa bao giờ nói những câu triết lý trừu tượng thế này