Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀNH PHƯƠNG NAM KÍ

Vinh Anh
Thứ sáu ngày 28 tháng 5 năm 2010 10:43 PM
 
 
Lâu lắm rồi, dễ đã phải gần ba chục năm, từ cái thời tầu Thống nhất rù rì rù rì đi ba ngày mới tới Sài gòn, tôi mới lại có cảm giác đung đưa , lúc lắc, giần giật rồi lại đung đưa, lắc lắc, giần giật trên một toa tầu hạng sang, bốn người một cupe, có máy điều hoà. Tôi thảnh thơi, thoả mãn, nằm trên chiếc giường tầng một có trải ga, có đệm. Dù vẫn hơi kinh kinh bởi cái giường chung chạ, cái chăn chung chạ và chắc còn có nhiều cái chung chạ khác, mà chỉ có giời mới biết trong cái thế giới vốn chứa rất nhiều cái sự giả này. Cảm giác đó cũng qua mau khi tầu chạy. Cái mệt và những tiếng xình xịch, ken két rồi lắc lư, rồi đung đưa, rồi giần giật làm cái đầu vốn chứa trong đó một mảnh đạn từ hồi chiến tranh, bắt đầu cũng đung đưa, cũng lắc lư, cũng giần giật.
Nhắm mắt để lấy lại sự cân bằng cho cái đầu qua giấc ngủ. Cũng không khó khăn lắm, chỉ một vài phút sau, những tiếng động trên đoàn tầu cũng dần biến thành một kiểu hoà âm, những âm hưởng lộn xộn đó cũng đủ để đưa tôi vào giấc ngủ chập chờn.
Vốn là người từng lăn lộn trong chiến tranh, mình thường nhanh chóng thích nghi ngay với hoàn cảnh. Ngày đó nếu hoà vào được với dân, cái sự an toàn coi như đã được đảm bảo. Nhưng hiện giờ, mình lại sợ những sự lộn xộn, pha tạp, nhắng nhố ở chốn đông người này. Một cảm giác bất an lướng vướng bên mình. Đóng cửa cupé lại, cách ly với sự ồn ào, tìm sự yên ổn qua giấc ngủ chập chờn nhưng vẫn lắng nghe và tưởng tượng ra mọi sự lộn xộn, nhắng nhố, pha tạp bên ngoài ga qua cửa kính con tầu
Gọi là từng trải, ấy vậy mà mình vẫn sợ cái chốn đông người. Thích hoà vào đó để lẩn mình đi nhưng lại sợ cái pha tạp, rối ren đám đông. Sợ thật sự nhưng lại là cái sợ vô cớ và đeo đẳng. Mình ngại nhìn những bộ mặt dãi dầu, gân guốc và đen nhẻm mang mầu sắc xã hội đen, sợ nghe những câu chửi văng mạng từ những cái miệng như còn hơi sữa, mới chập chững vào đời nhưng lại tỏ vẻ thạo đời, sợ những lời mời chào đeo bám của bọn trẻ con làm mình vừa thương vừa ghét… Vậy là sợ thât rồi. Vậy đâu còn là người từng trải? Lại còn có thể đặt câu hỏi: liệu mình có phải là người bình thường không? Người bình thường đâu có những nỗi sợ như vậy.
Thì ra cái từ “từng trải” cũng rất nhiều cách hiểu.
Giấc ngủ ban ngày đến lõm bõm như xe trồi sụt lao vào ổ gà. Con tầu đang tiến về phía Nam với tốc độ rùa bò vì đang đi qua khu vực đường sắt đang sửa chữa. Cũng không biết qua bao nhiêu đoạn như vậy rồi.  Lẩm cẩm lại nghĩ đến cái giấc mơ “đường sắt cao tốc” hai ba chục năm sau. Muốn đấy mà cũng lo. Lo cho con cháu mình phải è lưng ra trả nợ. Lại bàn chuyện quốc sự rồi. “Gái goá lo việc Triều đình”. Có người bảo nước mình nghèo mà sài sang. Vừa thoát cái cảnh nước có thu nhập thấp đã đòi cái “tầm nhìn xa”. Mà chắc gì mình sống được đến ngày đó để hưởng. Nghe đâu nợ của nước ta đang ở mức sấp sỉ báo động. Những gần tới con số 50% GDP. Thôi thì như thế này cũng còn hơn chán vạn cái ngày đi vào Sài Gòn mất những ba ngày đêm. Ba ngày vất vưởng trên tầu. Lại thêm một đêm nằm ngủ ở ga Tháp Chàm vì lo bọn phỉ Phun-Rô quấy nhiễu nữa. Ăn ngủ nhếch nhác mà không thấy sợ, cái sợ lướng vướng như lúc tầu còn đỗ trên sân ga.
Mây trời bảng lảng. Tầu vào vùng đất Nam Ngạn, nơi có cầu Hàm Rồng nổi tiếng từ năm 1966 với chiến tích bắn rơi 34 máy bay các loại của Mỹ trong hai ngày. Ngày còn chiến tranh, mỗi khi qua đây, mình không thể không ngắm và bồi hồi trước quyết tâm của quân và dân xứ Thanh với khầu hiệu rất to. Cái “to” thể hiện ý chí không thể lung lay: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” được tạc trên đỉnh núi. Vâng, khẩu hiệu đã được tạc trên núi.Hơn nữa, nó đã tạc vào lòng người nơi đây. Cứ nghĩ hàng chữ đó sẽ còn mãi mãi. Giờ đây bùi ngùi khi thấy không còn khẩu hiệu oanh liệt một thời đó nữa. Thay vào đó là hàng chữ mầu trắng, lẻ loi “Quyết thắng”. Mình đọc lên và thấy nó khộng trọn nghĩa, không diễn đạt được cái khí phách oanh liệt của Nam Ngạn-Hàm Rồng. Lại thấy cái gì buồn buồn xô lấn trong lòng. Ồ, giá mà được đọc lại hàng chữ ngày xưa, hàng chữ thể hiện chí khí một thời trai chinh chiến của thế hệ mình…
Vì nằm trong phòng có điều hoà nên không có cảm giác mùa hè. Nhưng bên ngoài trời nắng đổ lửa, nắng tháng năm và gió Lào khô cháy. Thi thoảng những ánh vàng chói chang táp qua cửa kính trong toa xe, loá mắt vì nắng,  không kịp nhận ra là đã đến Còng. Dẫu vẫn biết đây là vùng đất “địa linh sinh nhân kiệt”. Tầu chạy nhanh, nhớ hồi xưa, dân gian thường đùa, chê đất này là “Khu bốn đẩy ra, khu ba đẩy vào”. Cả chuyện “ăn rau má, phá đường tầu”, cả chuyện “ làm cách mạng đến Còng thôi” nữa… Chỉ biết rằng, trong thâm tâm, mình phục dân xứ này. Đặc biệt là bọn trẻ đi thi “Đường lên đỉnh Ô-lim-pi-a”. Xứ này không chỉ là đất của ba vua bốn chúa ngày xưa, xứ này còn có trường Lam Sơn nổi tiếng. Bọn trẻ học giỏi còn có mặt ở nhiều trường khác nữa. Kỳ thi chung kết năm nay, hình như xứ Thanh có hai đại biểu. Có lẽ về tính hiếu học, dân xứ Thanh chẳng thua gì dân xứ Nghệ.
Tầu đỗ ga Vinh. Nơi đây ngày mình đóng quân tan hoang vì chiến tranh phá hoại. Còn nhớ ngày đó, cả thành phố chỉ có mấy nhà cao ba bốn tầng trống tuyênh trống toác ở khu Quang Trung được xây như khu nhà Kim Liên của Hà Nội. Ga Vinh ngày đó các đoàn tầu quân sự đổ về cơ man nào là đạn pháo. Đơn vị mình được lệnh chuẩn bị đánh quân đổ bộ. Mình đóng quân gần ga và quen một cô gái Vinh. Anh lính ngày xưa của thế hệ những năm sáu bảy mươi chỉ dám giới hạn trong sự quen biết, không dám đi xa hơn. Sau chiến tranh, ra Hà Nội và một lần gặp lại cô gái ở nhà thằng bạn, ngỡ ngàng không nhận ra vì sự thay đổi.
Cũng như hôm nay, sau bao nhiêu năm mới lại đến ga Vinh. Hoàn toàn không nhận ra một chút nào của ngày xưa. Những cánh đồng lúa đã biến hết. Mầu xanh không còn. Chỉ còn thấy ga Vinh ồn ào. Nhưng ký ức về một thời trẻ trung vẫn còn đọng. Vinh bây giờ như một thiếu nữ tân kỳ nhưng lại đỏng đảnh, đua đòi, gia giả. Đấy là trong mắt mình. Mình vẫn thích mầu xanh đồng lúa hơn. Có phải người ngày xưa vốn mang sẵn hồn quê chân chất trong con người. Cái hồn đó ngày hôm nay như chỉ còn phảng phất.
Chẳng phải chỉ riêng với người xứ Nghệ, xứ Thanh. Hôm nay ở Hà Nội, gặp bất kỳ ai, điều đầu tiên là cảnh giác. Cái sự giả nó len lỏi khắp nơi, nó đến với cả cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời con người rồi. Và rồi mình cũng giật mình, nó cũng có ở trong ta. Ta cũng là một thành tố tạo ra cái sự giả đó. Cái mầu xanh hồn quê mà mình vương víu chỉ còn là cái bóng mờ mờ. Nhịp sống thương trường hối hả đang làm thay đổi nhân cách mỗi chúng ta?
Và đây là ga Đồng Hới. Tỉnh Quảng Bình với nhiều chuyện của Bọ ngày chiến tranh vẫn còn lưu truyền đến hôm nay. Mình cũng ở đây một thời gian dài, phải đến gần một năm sau ngày ký hiệp đinh Pa-ri. Quảng Bình là nơi tập kết quân vào quân ra ngày chiến tranh. Mình rất thích câu thơ của Lê Bá Dương “ Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc/ Một dấu chân in mảnh đất hai miền”. Quảng bình là thế đấy. Thời chúng mình, hàng triệu người đã qua đây, đã để lại dấu chân nơi đây. Vào trong kia một bước là Quảng Trị ác liệt. Mình muốn viết lại cái ý đã viết trong một bài trước, viết để tạ ơn những người đã hy sinh thay mình trong chiến tranh để mình có ngày hôm nay. “ Mảnh đất này có nhiều điểm du lịch tâm linh nhất nước, đó là Nghĩa trang liệt sĩ”. Ở đây với các địa danhVĩnh Linh, Bến Hải Thành cổ, Thạch Hãn, Cam Lộ, Gio Linh… sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc ta.
Muốn viết về Quảng Trị nhiều hơn mà không biết viết thế nào để cho đúng nỗi lòng. Quả là viết đúng được những điều nghĩ thật khó. Sau chiến tranh, nhiều nơi trên mảnh đất nhiều cát và nhiều nắng này mình đã đến. Tình yêu của mình với Quảng Trị là tình yêu miền cát nắng. Nơi nơi đều thấm đượm máu và chiến tích anh hùng. Nếu bạn đã đến đây mà không đến địa đạo Vĩnh Linh thì làm sao biết được người dân của mảnh đất này vẫn cứ tồn tại trước ngàn ngàn tấn bom. Mình cũng đã được gặp những người con của Quảng Trị được đưa ra ngoài Bắc học tập ngày chiến tranh, cũng gặp những người được sinh ra ngay trên địa đạo… Tất cả những cái đó  cho mình hiểu, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, mảnh đất này vẫn sống, vẫn sinh sôi, vẫn nuôi những ước vọng tốt đẹp cho ngày mai. Sự kỳ diệu của Quảng Trị là thế!
Thế rồi tầu qua Hải Vân. Biển một bên và núi một bên. Con tầu lượn uốn theo triền núi. Ngồi ở cuối tầu nhìn thấy cả đoàn tầu ậm ạch cố gắng và cẩn trọng vượt đèo. May sao vẫn chưa phải là tầu cao tốc để có cái thú vị, dẫu đang ngồi trên tầu, vẫn cảm nhận được hình hài đất nước. Mai sau chắc con cháu ta không được hưởng điều thú vị này. Ừ thì chúng có tầu cao tốc, chúng có niềm vui riêng. Mỗi một thời đại một nếp suy nghĩ là vậy. Chỉ mong tất cả mọi suy nghĩ đều vì nước vì dân. Dân lành chỉ mong có thế!
Đã có kinh nghiệm về chuyện ăn uống dọc đường nên đã chuẩn bị chu đáo cho một ngày ăn trên tầu. Vậy mà vẫn lần mò xuống xem toa ăn uống thế nào, ngon và rẻ thì làm một bữa. Tất cả đều cần “mục sở thị”. Hoá ra, ngoài cái toa của mình sạch sẽ và mát mẻ nhất, còn lại cũng vẫn nhếch nhác lắm. Thì ra toa mình đi thuộc diện “quý tộc” của ngành đường sắt. Cả toa có 7 cupé, vị chi là 24 chỗ nằm. Vậy mà lúc lên tầu, nhìn đống chăn đệm vẫn sợ. Sợ nhất là nơi WC. Đi qua toa ghế ngồi, mới đến đầu toa đã ngửi thấy mùi WC rồi. Chẳng muốn ăn uống thử nữa. Thì ra, khách bình dân còn nhiều lắm. Nghĩ cho ngày mai, khi được đi tầu cao tốc, giá vé bằng một nửa đến ba phần tư vé máy bay. Cái ngày mai đó thế nào không biết chứ cứ cái cung cách này, mình nghĩ còn khuya. Cả đoàn tầu chỉ có 24 ông khách “quý tộc”. Sao không cố để cho nhiều người được đi loại vé như mình nhỉ? Lại ngầm trả lời: “Chỉ có mấy ông quý tộc thôi”. Nghĩ như mình thì bao giờ đón đầu được? Lại ngẫm cái ông máy bay, sao họ cho hành khách ăn uống lịch sự thế mà ông tầu hoả lại cứ bắt khách chơi kiểu bình dân vỉa hè mới lạ! Cứ cách tân từ từ mà chắc có hơn không. Ham gì cái danh là nước thứ mười hai có tầu cao tốc.
Từ Huế đến Nha Trang (ga cuối cùng mình xuống) tầu đi vào ban đêm. Màn đêm buông và không khí dịu lại. Trong cái trạng thái mát mẻ đó, con người cũng thấy dễ chịu hơn. Hồi năm 1975, đơn vị mình hành quân hoả tốc trên đường số 1 bằng ôtô giữa ban ngày. Ngày đó Huế giải phóng rồi. Ngay ngày đó, mình chỉ ước Miền Bắc mình có được những con đường trơn tru êm ru như cái đoạn này. Bây giờ thì nhiều rồi, nhưng vẫn cứ thấy không yên thế nào ấy. Nghĩ mãi thì ra cái máu lính ăn thẳng nói thật của mình vẫn chưa rút được kinh nghiệm. Ngày đó, từ vùng Quảng Trị mới giải phóng trở vào, các đoạn đường đều ghi rõ tên đơn vị thi công, có cả mấy anh nhà thầu Mỹ hay Hàn nữa cũng thi công thì phải, còn lại đa phần là quân của chính quyền Miền Nam. Hình như cách ghi như vậy là một niềm vinh dự. Ngẫm lại ta, giá như có những bảng treo như vậy, các nhà thầu ta có mà chỉ còn nước chui xuống đất.
Vậy là tầu đến Nha Trang. Gió đêm mát rượi và trong lành, cố hít hà mấy cái thật sâu để đẩy ra những bí bách sau hơn hai chục giờ trên tầu. Thành phố có vịnh đẹp vào loại đẳng cấp thế giới đây rồi. Nhiều người đẹp thế giới đã đến đây làm thành phố thêm nổi tiếng. Ừ thì vậy cũng quá tốt còn gì nữa. Và chắc thành phố xinh đẹp này còn nhiều cái tốt đẹp hơn. Nhưng giá như, lại giá như, một điều mình nhận thấy ở mọi nhà ga và cả trên đoàn tầu này, nơi ngành đường sắt thường xuyên tiếp xúc với nhân dân vĩ đại, xin đừng để có nỗi sợ vô hình mà mình gặp ở nhà ga, chỉ có những nụ cười tươi như gió mát làm dịu lòng người như thành phố biển này thì hay biết bao nhiêu.
28/5/2010