Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ LÊ HUỲNH LÂM: “THƠ LÀ NIỀM HY VỌNG CUỐI CÙNG CỦA CON NGƯỜI Ở MỌI THẾ KỶ”

Trần Thị Ngọc Lan
Thứ ba ngày 4 tháng 5 năm 2010 8:42 PM

Tôi bắt gặp những lời này về Lê Huỳnh Lâm trong tạp chí Sông Hương số 218 tháng 4-2007 và bị ám ảnh khôn nguôi. Tôi mắc nợ tình yêu của anh đối với cuộc đời. “... Ấy là một khuôn mặt trầm tư? U uất? Khuôn mặt với đầy đủ đặc tính của một “triết gia bi đát”. Bây giờ, những ngôn từ mà anh dày công nhào nặn đã ý thức hơn về vị thế của mình trong đoản - khúc - người, và chúng không còn cưỡng bức xác thân anh đi ngược chiều nhân loại nữa. Những ngôn từ  (bị dòng đời ám ảnh) đã tự sắp đặt thơ. Bây giờ, thơ trở thành tính từ của thân phận mỗi khi cõi lòng anh lên tiếng...”.

Thơ Lê Huỳnh Lâm là những nét chạm khắc màu đen hóa thạch về thân phận con người. Những suy tư lạ, bi đát và muôn thuở, nhưng được cất lên trọn vẹn ở một tâm hồn không sợ hãi, đắm chìm trong vũng đau thương. Khi đó thế giới vật chất dàn bày ra bên ngoài như không còn ý nghĩa nữa. Anh đem tất cả xác thân, da thịt, giác quan hiện hữu để xác nhận về cuộc đời, về những nỗi đau, mộng tưởng, lầm lạc. Thế giới sống mà anh tái hiện, vẽ lại, như những mảng màu trên bức tranh lập thể, câm lặng và khôn lường, tiếp tục hoài thai trong lạnh lùng vô vọng, bị rúm ró bởi sự tàn bạo, vô tình và cái ác. Sự phơi bày nghiệt ngã những nghịch cảnh, sức phản kháng của một tâm hồn với phần thế giới kia:

những nén nhang thơm mùi đền đài
người chết vái người sống
cánh hoa rỉ máu mong manh 
ai chơi trò sinh thành hoại diệt
hàng triệu triệu trang chữ viết
thế gian vọng tưởng đảo điên
cầu siêu tịnh độ
triền miên tham thiền
bây giờ
ánh mắt em
buồn hơn cả nỗi buồn
đôi môi khô sầu héo...

                       (Ngày cuối cùng)

Có lẽ thơ anh từ thuở hoài thai vốn đã câm rợn thế rồi. Đó là những nét vẽ của linh hồn chưa siêu thoát, vì còn nặng nợ với trần gian. Người ta nhìn thấy trong đó một cuộc sống, một định mệnh bị đóng băng, không thay đổi. Đời sống con người là tấn thảm kịch của chính họ. Nó gây nhức nhối, sợ hãi. Như dự cảm về một ngày tận thế: “Thời loạn lạc/ kẻ bệnh hoạn lên ngôi/ những ngôi mồ chuyển động...”(Ngày cuối cùng).  Nơi đó tình yêu cũng chỉ còn là hoài niệm héo úa, những kỷ niệm vật vã trong đớn đau và dang dở. Tình yêu là hiến dâng, tôn thờ, ngắm nguyện, là cho đi mà không nhận lại. Tình yêu như tôn giáo. Tình yêu như triết thuyết. Tình yêu như thi ca. Nhưng tình yêu không đủ cứu rỗi con người. Nó chỉ là niềm an ủi nhỏ nhoi. Nhưng đó là niềm an ủi tuyệt diệu. Là nơi duy nhất để sám hối một linh hồn tội lỗi.

Bây giờ có phải mùa thu

Anh nghe tiếng côn trùng thì thầm lời tình ái

Bản hợp ca của gió và lá

diễu hành ngang cửa nhà em

anh vẽ nụ ngày trên ngàn chiếc lá soi sáng ô cửa vuông

cho nỗi buồn em tan biến...

                                 (Đêm thì thầm cùng nỗi nhớ)

Đọc thơ Lê Huỳnh Lâm trong im lặng thấy nỗi đau cuộn sóng, khắc họa thành hình khối. Con người ta đã tiêu phí đến giọt máu cuối cùng cho tình yêu, nỗi đau và sự cô đơn. Những ám ảnh về cái chết, sự vô nghĩa và sự phi lý, cũng như sự bần cùng của cuộc đời. Cuộc đời là những nhát cắt nham nhở u buồn, nỗi buồn là vẻ đẹp, sự khai sáng, cũng là sự tự hủy. Những đốm sáng của tâm linh lóe rạng như là một sự cứu rỗi. Những ý nghĩ và ấn tượng vụt qua quá nhanh, rồi đi khuất như một bóng đen, như nỗi ám ảnh và tia chớp. Hình như Lê Huỳnh Lâm đã nói tất cả rồi mà vẫn chưa nói về một bí mật, một con đường huyền bí của tâm linh. Cái mà tôi gọi là nhà thơ ở đây có thể là để chỉ tác giả, có thể là chủ thể của bài thơ hoặc đôi khi là nhân vật trữ tình. Cảm nghiệm thơ là cảm nghiệm không giới hạn.

Thơ anh chủ yếu là thơ tự do, nhịp chậm rãi như là điệu quay của trái đất. Mỗi câu thơ là một cảm xúc, các hình ảnh nối tiếp nhau, được ghi nhận bằng cảm giác sống, bằng đôi mắt để soi chiếu thế giới. Một cõi đời hỗn loạn tang thương vẫn tiếp nối cái vòng quay nặng nề của nó. Khi cái sống và sự chết được đặt ngang bằng nhau, thì có điều gì con người phải băn khoăn nữa. Chỉ cần biết cách sống cho tốt và chết thật ý nghĩa. Anh bi đát quá chăng! Có thể người đời đã không cảm nghĩ và đau đớn, u uất nhiều như anh, nên họ thanh thản và hạnh phúc hơn chăng? Nhưng đã từ lâu nhà thơ chẳng còn bận tâm về những điều đó nữa.

Tình yêu trong thơ anh như một kỷ niệm, hoài nhớ về khoảng trời trong xanh của hạnh phúc đã bị mất đi. Khi tình yêu vì sao chợt mất, mà người vẫn xứng đáng trong tim, đó là rất nhiều hạnh phúc, hạnh phúc đến vô bờ và cơn đau vô tận. Sự phức tạp hóa của con người làm cho họ không hạnh phúc với cuộc sống đời thường, với những ước mơ giản đơn. Dấu hỏi được đặt ra, tại sao chúng ta khát khao về hạnh phúc mà không thể sống hạnh phúc? Mà ta chỉ mới vươn tới được cảm giác, khát khao về hạnh phúc?! Đó là một điều phi lý, bất lực của con người. Con người cô đơn lạc mất nhau trong hạnh phúc. Nỗi đau lạ lẫm ánh lên từ những tia lửa lụi tàn. Nơi đó, linh hồn kêu đòi lý lẽ để tồn tại, và cái thân xác nô lệ miếng sống đã trở thành vô nghĩa lý! Đôi khi người ta thèm lạnh, thèm đau, thèm yêu, thèm cháy bỏng... để xua đi cảm giác trơ lỳ bành trướng. Thơ Lê Huỳnh Lâm là thơ của một người có lý trí đau đớn tuyệt mù và linh giác siêu nghiệm. Bài Thi ca mùa ngái ngủ, Lê Huỳnh Lâm phơi bày, đả phá hiện thực bằng tất cả năng lực của thơ, của trí tuệ con người.

Đêm và đêm

triệu bàn tay đen đỏ

bày trò tụng ca

các tính từ

gật gù

mùa ngái ngủ.

 Đôi khi anh khước từ, phủ nhận thế giới thực. Những hình ảnh thơ như là những vết thương hóa thạch. Sự đảo lộn các giá trị để làm nên sự thật cuộc đời. Lời cảnh báo định vị trí tuệ của Lê Huỳnh Lâm. Người ta có thể rút ra từ đó một viễn tượng về sự băng hoại xã hội, đạo lý, niềm tin và các giá trị, mỗi cá thể chỉ còn lương tâm tự phán xét chính mình. Các tính từ thân phận thuộc về bản chất, không thể suy chuyển trên chu trình chuyển động của tâm thức anh. Dù thời đại có yêu thơ hoặc không yêu thơ nữa, nhưng thơ anh vẫn còn đó với sự kiên nhẫn và nỗi đau khủng khiếp của con người. Dường như, những tình yêu, sáng tạo và cố gắng, linh hồn nhà thơ cựa quậy thu nạp hy sinh đều trở thành bất lực, những ảo tưởng, mộng du cũng trở thành nỗi đau và gánh nặng, khi tình yêu và giấc mơ hạnh phúc không bao giờ trở thành sự thật. Mọi thiên tài phải trả giá cho định mệnh của mình. Một nhà thơ chân chính phải tin vào chữ nghĩa, tin vào chính mình, và chỉ cần anh tin vào ngần ấy con chữ của anh thôi, thì sự trả giá đã là quá sức. Anh đã đặt cược cuộc đời mình với sinh mệnh của thơ. Cổ tích trong thơ anh là cổ tích của con người, hay cổ tích của riêng anh? Nơi đó nỗi đau thương trầm uất của con người không bao giờ trở thành huyền thoại được.

Đối với anh, “Thơ là hơi thở, là máu và nước mắt, là niềm hy vọng cuối cùng của con người ở mọi thế kỷ”. Thơ là một thực thể tồn tại của linh hồn. Lê Huỳnh Lâm tin ở sứ mệnh thiêng liêng và đời sống linh diệu của những biểu tượng thơ. Nghĩa là, thơ còn khả năng sống lâu dài, bất diệt, để làm thay đổi, cứu rỗi, thanh lọc cuộc sống này. Bằng sức chịu đựng và sự kiên nghị hào hoa, thực tế là anh đã dấn thân, phơi bày, chiến đấu rất nhiều với thực trạng xã hội, con người, với bản thân. Anh dị ứng, chối từ đời sống giả dối hề chèo. Các diễn ngôn của anh vẫn tiếp diễn, nhưng anh đã phải chung sống như thế nào với nó. Những khát vọng tột cùng của anh về một đời sống nhân văn, đẹp đẽ đã không có được. Đôi khi gần như anh đã quên chính mình, bằng một cuộc chiến đấu không khoan nhượng, không cân sức. Có khi nào anh nghĩ về việc dàn hòa, chấp nhận và chung sống với thế giới? Không, đó là khi người ta không còn nghị lực và lòng dũng cảm để tiếp tục ra đi...

Anh liệt kê về cuộc sống, sự trưng bày đớn đau, nét vẽ dị thường, lát cắt từ đời sống được chưng cất nên thơ bằng thời gian và những nỗi niềm. Tấm lòng, trái tim, tình yêu của nhà thơ ứa máu. Những hạnh phúc, an vui mà con người ta được quyền sống sẽ không bao giờ đến nữa. Nhà thơ sống với thế giới kỳ ảo - lằn ranh giữa cái sống và cái chết. Cảm giác sống và nghĩa vụ yêu thương của tâm hồn làm anh đau xót. Trong nhàu nát, thảm thương và tuyệt vọng, anh đã gọi tên những gì không thể gọi tên, không thể nắm bắt được, vì quá yêu mến nó! Trong nỗi buồn đau anh vẫn hướng tới niềm giao cảm cùng vũ trụ, hòa tan vào vũ trụ. Thơ anh như những ám tượng về đời sống, bất lực và vô cảm, nhưng không phút nào rời bỏ cuộc chiến đấu với những thế lực đen tối. Và cái gọi là bản sắc dân tộc cũng đã tự đánh mất mình từ thời xa xưa:

người đàn ông nói một tràng tiếng Pháp

như ký ức nô lệ trăm năm còn in dấu

và nói về hiện sinh

mà không sống hiện sinh

người đàn ông nói về phím Tàu rất say sưa

có phải chăng do một ngàn năm nô dịch

người đàn ông nói về phim Mỹ và Nga

những xã hội Mafia thường kết thúc bằng họng súng

bên dòng sông xanh

bóng người đàn bà mang tên một loài hoa thoáng hiện

trong chiếc áo dài bản sắc Việt

mà hương tóc không còn mùi chanh và bồ kết

người đàn ông ngẩn ngơ quên những điều mình vừa nói

ôi! những người đàn ông trên sáu mươi

thường hay nói nhưng không hành động...

                                                          (Thượng trí thức)

Có một lúc nào đó nhà thơ đã nghĩ, chỉ cần tin vào linh hồn một nhà thơ thì cũng đổi thay được một thiết chế xã hội. Sự rệu rã của thân xác và sự chịu đựng đang bùng vỡ. Ngôn ngữ biểu đạt được nhiều hơn cảm xúc trực diện của nhà thơ. Nhưng đôi khi ngôn ngữ bất lực, trân trối nhìn nỗi đau đi qua. Nhiều thân phận con người xô đẩy nhau giạt chạy, đàn ông, đàn bà, em, thượng trí thức, con người, phận người, thằng người. Họ tự sát thương chính mình. Trong thế giới lạnh lùng tàn tạ toàn máy móc văn minh và vũ khí thảm sát, thì tiếng kêu cứu của con người trở thành vô vọng và không tưởng. Người ta mới bắt gặp một ảo giác hạnh phúc, ngay lập tức đã phải trả giá rất nhiều cho sự khờ dại của chính mình. Một nhà thơ chân chính là không chỉ sống cho mình, mà còn sống cho con người phổ quát của nhân loại. Nhà thơ sống đã bao lần và chết cũng bao lần, thì giờ đây còn gì là quan trọng nữa? Con người ta không còn một chút ảo tưởng, chỉ còn cách băng qua thế giới rạn vỡ ấy may ra mới cứu được mình. Không còn hang ổ nào để trú ngụ, người ta phải tìm về ký ức tình yêu trong trái tim. Mỗi bài thơ Lê Huỳnh Lâm dài đến vô cùng, vì suy tưởng của anh trườn theo chiều dọc của trải nghiệm cuộc sống. Đọc thơ anh thấy hiện lên một thực trạng xã hội cần kêu cứu.

Tôi không nói về chiều sâu trầm tích trong thơ anh, cũng như những vỉa quặng mà anh khai mở, vì điều đó đã hiển hiện trên mặt giấy rồi. Trong thơ anh, ý thức về thân phận, số phận, sự hữu hạn, bổn phận của con người và thời đại rất mạnh mẽ. Những vết thương vẫn còn nguyên vẹn, chẳng bao giờ lành, chẳng bao giờ được an ủi. Cuộc đời rúm ró, rách nát và thực sự thê thảm, cần được cứu. Thế giới chấn thương, chẳng hề có hậu. Người ta phải nhìn nhận cuộc đời đau khổ đó, và mỗi linh hồn phải biết tự chữa lành. Ngôn từ của anh đau thương quá nên không hồn nhiên. Rồi cuộc đời sẽ tan biến, có gì quan trọng nữa đâu? Nhưng anh tin sự tồn tại của ngôn từ, sự tồn tại của linh hồn. Đọc thơ anh, nhiều lần tôi đã cố tình để ngôn ngữ và sự liệt kê trượt đi, vì đó là cái bình thường tất yếu của cuộc sống. Nhưng nỗi đau của nhà thơ thì không bình thường được. Đôi khi ngôn từ của Lê Huỳnh Lâm có sự nhảy nhót, nhưng không phải của niềm vui mà của một nỗi buồn triết nhân. Đó là khi anh viết về tình yêu, về khái niệm, về em. Chỉ người sống đam mê đau đớn tột cùng mới có khả năng tổng hợp các giác quan, cô đọng cảm xúc đến vậy.

Đôi khi con người vội vã trong đời như đoàn binh tập trận, mà chẳng hay biết đó cũng chỉ là giá trị giả ảo. Sự sống trần gian là giả tạm, trước khi về với thế giới vô cùng. Cô đơn là thuộc tính của một nhà thơ. Một thế giới vô cảm, biến dạng hình hài, không còn khả năng cứu chữa. Con người bằng tham vọng và sự tàn bạo, đã làm thiên nhiên hoa cỏ co hẹp, phai tàn. Sự bình an và thú vui của đời sống bị đe dọa bởi tai họa luôn rình rập. Năm tháng và cuộc đời xưa nay vẫn bình thản. Có chăng người thơ của chúng ta mới hữu hạn, mới nguy nan đến tận cùng. Cuộc sống là những định đề, khái niệm, những phù du, bất lực, cô đơn, biến dạng, tha hóa. Con người lầm than, đau khổ, tăm tối, không biết con đường tự cứu chính mình. Cảm nghiệm lạ lẫm, u hoài. Thân xác và linh hồn nhà thơ mong manh như cơn gió, là vật tỉ thí tế lễ hy sinh trong cơn cuồng say đi tìm chân lý, đi tìm sự thật và ý nghĩa cuộc đời. Đã đến lúc người ta thờ ơ với những biểu hiện thật giả của con người, thờ ơ với ngôn ngữ, tình cảm, tuyên ngôn, tình yêu. Người ta không thể cứ mãi yêu thương thủy chung, khi cơn lốc dữ dội của thời đại đã đẩy con người đến cái hư vô. Tuệ, là ký ức tình yêu, biểu tượng tình yêu. Tuệ, gieo vào tâm hồn anh nỗi khao khát về một tình yêu đích thực và vĩnh cửu. Mỗi lúc đau buồn hướng về Tuệ, mang chở, ôm chứa. Tôi nghĩ một nhà thơ đích thực phải thực sự có một tình yêu lớn lao trong tâm tưởng. Người con gái mắt nâu, hay là một tình yêu trong tuyệt vọng? Tình yêu trong thơ Lê Huỳnh Lâm là tình yêu để trải nghiệm, lặn lội sâu vào bản thể, chứng nghiệm cho sự tồn tại của kiếp người. Ngôn ngữ trong thơ anh rất triết học, lặng im mà không mềm mại, cựa quậy, đây là tiếng nói một linh hồn quá u hoài, triền miên và khắc khoải. Tôi thấy sự hiện diện của chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa hư vô. Thơ Lê Huỳnh Lâm thấp thoáng hình bóng các triết gia, các tên tuổi, những vĩ nhân của thế giới tinh thần, vừa lạ xa vừa gần gũi; dù năm tháng đi qua nhưng họ vẫn sống trong lòng nhân loại. Tôi thử để câu chữ của anh nằm im đó, để gánh chịu sự im lặng thờ ơ tàn nhẫn của người đời, và tôi bắt đầu dạo quanh, xem anh có gì, cuộc đời có gì. Rõ ràng là anh đang băn khoăn về thiết chế xã hội, sự tha hóa của cuộc đời và sự hấp hối của mọi tình yêu. Anh đã đem tác phẩm, linh hồn anh như một vũ khí để làm xanh lại cuộc sống, làm bất diệt hơn cuộc sống này - cuộc sống đã suy tàn, nứt vỡ, phù du, tan biến vô thường, không thể tự chịu đựng mà cũng không đủ sức để chịu phá hủy. Nỗi đau về sự hủy diệt toàn bộ con người, thiên nhiên, tình người, sự sống (Blues không màu). Tình yêu không cứu rỗi.    

Các hình ảnh thơ không liên kết lẫn nhau, rời rạc, hiện sinh như cuộc đời đỗ vỡ. Thất vọng, tuyệt vọng, chán ngán vô tận vì sự tha hóa của cuộc đời. Nhà thơ gom hết nỗi đau và trưng bày ra đó. Không bỏ sót một biến cố, đau khổ, tổn thương nào của đời sống con người và thiên nhiên tươi đẹp. Anh vẫn tin ở sự hiện sinh, thức tỉnh và cứu rỗi. Những bất lực và tha hóa, những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn, anh chỉ biết chống lại bằng lương tâm và tình yêu, như là quyền lực của trái tim, quyền lực của sự điên. Những đức tin, niềm vui, niềm tin, tình yêu có cứu rỗi được sự tồn tại của con người chăng? Nó bất lực! Tất cả những chiến công của đời người đã mệt mỏi, ngủ yên trong trái tim, và không còn quan trọng, vì người thơ đã phiêu diêu rất xa vào trái đất. Những màu sắc, ảo ảnh vàng vọt của cuộc đời, thực tại, những mường tượng phi lý không thể an ủi, mà chỉ gây đau đớn! Ký ức quá bề bộn, mà chủ nghĩa hư vô đã chế ngự đời người. Chỉ còn nỗi buồn, hơi thở của nhà thơ là có thật. Ai cũng sinh ra một kiếp người, phải có tình yêu và lương tri để sống. Tình yêu vẫn hiển hiện ra nhưng không cứu nổi sự chết của những linh hồn. Dù sao, người ta vẫn có thể một lần dùng tinh thần đi xuyên qua thế giới, để cảm nghiệm sâu sắc sự sống và sự chết, để biết xử trí cuộc sinh tồn sao cho không vô nghĩa. Cuộc đời đối với Lê Huỳnh Lâm là một hành trình nghiêm trọng, nên anh không có thời gian để nghỉ. Thơ anh không có quy luật, không có nhân quả, không có gì là đền bù tưởng thưởng, sướng trước khổ sau; thơ anh là sống triền miên trong đau đớn, đi xuyên qua nỗi đau để giải phẫu con người. Con người đã đánh mất đức tin, vĩnh viễn bị đày đọa và hư nát; rời thế giới này, họ không còn biết về đâu. Thế giới đã trở nên hoang tàn đến mức, niềm vọng tưởng tình yêu cũng là vô vọng, nhưng ít nhất người ta sẽ không hối tiếc vì yêu.   

Cuộc đấu tranh bi đát giữa các thế lực thù địch với con người luôn tiếp diễn. Thế nào là thượng trí thức, sự vô nghĩa, tụng ca rác? Thơ là sống, nghĩ, máu lệ, là xót xa rung cảm trước số phận con người. Cuộc đời là vô thường, cuộc đời không trịch thượng, chỉ còn linh hồn yêu thương là còn ý nghĩa. Những tên hề của bức tranh được đóng đinh lên trong vở kịch câm, im lặng tận cùng, không tiếng động. Dường như cuộc sống đã trở nên những diễn trò vô ích, vô vọng, sai lầm và hoang tưởng, không ai lắng nghe không ai thấu hiểu! Cuộc sống đã nguy khốn đến mức ấy sao? Và còn hơn thế nữa! Thơ Lê Huỳnh Lâm muốn ôm chứa, yêu thương, định vị, phơi bày. Những nỗi đau muôn thuở của con người được biểu đạt bằng những tính từ thân phận, được đóng đinh lên thập tự. Anh phơi bày một thế giới tàn ác vô nhân tính rùng rợn, chẳng biết anh có nhầm lẫn cái nhân loại với cái dân tộc không?

Những ám ảnh chập chờn trong vô thức và tiềm thức, hữu thức, cái duy lý và phi lý đan xen. Thời gian như nước chảy thấm nhuần mọi cảnh vật thực tại với ký ức, kỷ niệm, tâm trạng. Các hình ảnh chuyển động, xốn xao, không trật tự. Tình yêu không trật tự, nó chỉ hiện hình như một mặc khải. Rất nhiều hình tượng chồng chéo, diễn tả những cơn đau dồn dập ở mức độ cao. Những dự cảm về thống khổ cũng như nỗi sợ hãi vì kiếp sống nhỏ nhoi. Những ánh sáng xanh phát tiết của linh hồn và máu huyết. Những niềm hân hoan ngắn ngủi lóe lên như tiết điệu của tình yêu. Xét cho cùng, con người một đời sống trong ảo giác về mình và vạn vật. Con người đã đau khổ, đói nghèo, cơ cực, đói rách, tham lam, giả trá, tàn bạo, ngu xuẩn, tối tăm biết mấy. Những lầm lạc của con người là quá đáng, đáng thương xót và khinh miệt khôn cùng, song chưa có giải pháp gì để thoát đi. Người ta đọc thơ Lê Huỳnh Lâm bằng tính từ, động từ, danh từ, những định đề và chúng đều quan trọng như nhau. Nhà thơ chỉ còn chính mình, trung thực, xót xa. Người thơ này có trái tim rướm máu, cả cuộc đời sống chết cho một niềm tin đã trao gửi ở tình yêu.

Dẫu biết cuộc sống nhiều sai lầm hoài phí thế mà con người ta không ngừng giẫm đạp lên nhau, giày xéo, tranh giành, mạnh ai nấy sống. Tâm hồn nhà thơ cô tịch, mất tiếng nói, chỉ nhìn trân trối, thương xót những sinh linh. Tiết điệu thơ Lê Huỳnh Lâm hiện đại, hiện sinh, thơ tự do, không câu nệ vào thể thức truyền thống. Ngôn ngữ hàn lâm, triết học, hàm súc. Diễn bày những vẻ đẹp, những cảm nghĩ, những hấp lực được hấp thu từ cuộc sống. Những vỉa quặng lấp lánh của lương tâm.

Nhà thơ là người lắng nghe từ cuộc sống, đồng hành cùng cuộc sống, và cứu rỗi cuộc sống. Lê Huỳnh Lâm làm thơ như một kẻ quyền năng. Những người có lương tâm đều có quyền năng. Cuộc đời bề bộn thế, nói ra liệu có ích gì? Anh nhìn bốn phía xung quanh để thu nhận tất cả những cảm giác của trời đất, vạn vật, con người. Thơ anh là tấm gương phản chiếu về cuộc sống ở chiều sâu bản chất nhất. Lê Huỳnh Lâm muốn dùng thơ để chiến đấu với xấu ác, u mê, lầm lạc của con người. Những ảo ảnh, mường tượng lạ lùng, xa xăm, phi lý. Trên con đường tuyệt mù của số phận ấy, mỗi con người gặp nhau dẫu chỉ một đôi lần cũng đã là điều hân hoan vô kể:

“Em vẫn thế giữa muôn trùng hư ảnh

 Sắp đặt - tình cờ

                    cuộc hạnh ngộ lênh đênh”.

 

                                         TRẦN THỊ NGỌC LAN