NGỨA thì gãi, ngứa đâu gãi đấy - chuyện thường là vậy. Nhưng NGỨA MỒM thì người ta không gãi mà... nói! Căn bệnh này xem ra cũng nhiều người mắc lắm, nặng nhẹ khác nhau, tác hại cũng khác nhau. Nhưng xét ra xưa nay thời nào cũng có.
Vậy những khi như thế nào thì mồm ngứa?
Có thể là khi đứng trước một nghịch cảnh, lại có thể là khi nghe thấy những lời ... chối tai. Nếu những nghịch cảnh hay những điều chối tai ấy lại không thuộc thẩm quyền hay trách nhiệm giải quyết của mình, thì dễ ngứa mồm lắm! Như vậy nguồn gốc đâu phải cái mồm, mà là tại cái mắt, cái tai đấy chứ? Nhưng "phản ứng" biểu hiện ra ngoài cho bàn dân thiên hạ biết, lại là cái mồm, cái mồm bị ngứa! Ngứa mồm thì phải nói, không nói không chịu được. Xin dẫn ra đây một ví dụ: Mấy ông lão về hưu, thi thoảng gặp nhau. Sau mấy câu chuyện tầm phào, thăm hỏi lẫn nhau, cuối cùng thể nào cũng dẫn đến việc đánh giá, nhận xét việc này việc kia của xã hội. Ở vào tuổi các cụ, đáng ra hàng ngày chỉ nên sống an nhàn bên con cháu, lấy câu thơ, nét bút, chén rượu hoặc cuộc cờ làm vui, chả nên "tham gia" chuyện thế thái nhân tình làm gì cho mệt óc. Nghĩ là thế, mà làm theo thì khó lắm. Có cụ nóng nảy: "Ai đời, trông thấy chúng nó làm ăn bậy bạ đến như thế mà chịu cho được? Phải nói toáng lên chứ, không thể cứ mũ ni che tai mãi được!". "Nói toáng lên", tức là ngứa mồm rồi đấy!
Ngứa mồm thì dễ sinh vạ miệng. Ai cũng biết thế. Các cụ hưu càng biết hơn. Lại còn biết "một câu nhịn là chín câu lành" nữa cơ. Nhưng nhiều khi trái tai trái mắt quá, không nhịn được, thì lại lý sự: "Thôi thì lành làm gáo, vỡ làm muôi, phải nói cho ra nhẽ!". Nói cho ra nhẽ, nhưng nói nhiều khi không có ai nghe. Thậm chí có khi còn bị "lũ ranh" mắng lại: "Hết chức hết quyền rồi, không yên phận còn cứ chõ mồm lung tung!". Thế là máu dồn lên mặt, thế là huyết áp tăng, thế là con cháu cuống cuồng lên... Khi hồi tỉnh lại, các cụ tự nhủ, thôi kệ thây thiên hạ, đừng làm cái chuyện "gái goá lo việc triều đình" nữa! Nhưng đó chỉ là ý nghĩ nhất thời, sau một thời gian, đâu lại hoàn đấy. Lại gặp nhau, lại ngứa mồm, lại đỏ mặt tía tai, lại "tăng-xông" và con cháu lại thêm một lần hú vía! Câu "Lão giả an chi" xem ra khó thực hiện quá.
Không chỉ người già hay bị bệnh ngứa mồm, mà trẻ cũng mắc đấy. Xin dẫn chuyện mới toanh, vừa diễn ra ở đêm nhạc hội mang tên Sóng Hạ Long diễn ra tối ngày 1/5 tại sân quốc tế Hoàng Gia (Lễ hội du lịch Hạ Long năm 2010): "... Ca sỹ Hồng Ngọc, khi đọc những ca từ giới thiệu bài hát tiếp theo (Vùng trời bình yên), chị hỏi khán giả: Quý vị có biết bài hát nào không ạ? Có anh “dại mồm” đứng gần bảo không biết, chị nói: Anh mà không biết thì vả vào mồn anh bây giờ…".[1] Thế đấy, người ta là ngôi sao nổi tiếng như thế, vậy người ta hát bài gì thì ai ai cũng phải biết chứ, không biết thì im cái mồm đi có phải hơn không, trả lời thế bằng đấm vào họng người ta còn gì? Mà họng ca sĩ ngôi sao thì đắt giá như thế nào cái anh "dại mồm" đó hẳn phải biết chứ? Đúng là đồ "ngứa mồm". Nói ra như thế chả hoá ra khinh người ta quá, người ta mắng cho là phải rồi
***
Ngứa tai, ngứa mắt, gắng mà chịu. Xin mọi người chớ có ngứa mồm, mà mang tiếng... DẠI! Trẻ dại là chuyện có thể chấp nhận được. Già mà dại thì...
Thôi, chả dám nói nữa, kẻo dại!