Tôi đứng trên vỉa hè Trần Hưng Đạo, quận 1 vẫy một chiếc xe lam đang pành… pành…pành chạy về Chợ Lớn. Chiếc xe giảm tốc độ, lạng vào sát chỗ tôi đứng. Anh phụ xe mỉm cười rồi kéo tôi ngồi vào băng ghế gỗ. Những người ngồi trước tự động nhích ra một chút. Đó là một chiều hè tháng 5. 1975. Tôi cứ nghĩ mình là lính Việt cộng miền Bắc mới tiếp quản Sài Gòn, nên người ta e dè, đối xử với mình có phần” nịnh” như thế.
Nhưng tôi đã lầm. Dòng xe đò xuôi ngược trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa mắc cửi như thế, nhưng thoáng thấy một khách đứng chờ ở vệ đường là lái xe tấp vô ngay tắp lự.
- Xe … xe… Xuân Lộc, Dầu Giây cô bác ơi!
Phụ xe nhảy xuống, bê hàng của khách đặt lên mui xe chằng cột thoăn thoắt, xách giỏ đưa lên chỗ khách ngồi. Khách có con nhỏ, phụ xe giành bế đứa nhỏ, để mẹ lên xe ngồi trước rồi mới giao con. Tuyệt nhiên phụ xe không một lời kêu ca cáu bẳn, lịch sự trăm lần như một.
Từ ngạc nhiên đến tò mò, tôi thường lang thang khắp phố phường, xem cái cách người Sài Gòn sinh sống, buôn bán và đối xử với nhau hàng ngày thế nào.
Đường phố rộng rãi sạch sẽ. Người ta cũng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán nhưng trật tự chứ không xô bồ nhếch nhác và làm phiền lòng người đi bộ như ở Hà Nội. Không bao giờ thấy trẻ em đá bóng, đuổi nhau, cãi lộn trên đường phố. Đặc biệt, chúng không hề nói tục tĩu. Tôi hay hỏi đường, gặp ai hỏi người đó và hoàn toàn thỏa mãn. Người được hỏi đang đi thì dừng lại, thưa gửi nhã nhặn, chỉ cặn kẽ, chứ không trả lời qua quýt chỏng lỏn, hất hàm khinh khỉnh.
Là khách hàng, bạn sẽ được phục vụ chu đáo, dù chỉ mua một que kem trên chiếc xe đẩy ở bến Bạch Đằng, hay vào một quán cơm, quán bún bò bình dân, hoặc một nhà hàng sang trọng nào đó ở quận 1, quận 5. Bước vào cửa, bạn bắt gặp ngay ánh mắt thân thiện, một nụ cười hay một lời mời. Rất lạ, bà chủ quán nào cũng xưng dì với khách hàng nhỏ tuổi và khách thì xưng con với từ dạ ngọt ngào thay cho từ vâng của người miền Bắc. Với cách xưng hô như thế thì khách và chủ lỡ có sơ suất làm mếch lòng nhau thì cũng không ai nỡ sinh sự. Cách xưng hô này phổ biến tới độ, từ Sài Gòn tới Cà Mau, đâu đâu cũng thế, giống như người ta được giáo dục dạy dỗ cùng một khuôn phép vậy. Sự tôn trọng lẫn nhau tạo nên một phong cách buôn bán tin cậy. Đúng khách hàng là thượng đế.
Tôi hay đến khu mua bán sách cũ gần đường Lê Công Kiều, quận 1. Thế giới sách, nườm nượp người xem và mua. Bạn tha hồ ngắm nghía, lựa chọn, lật mở, nâng lên đặt xuống, bao giờ tìm được một cuốn ưng ý thì thôi. Tại đây, tôi làm quen được một số sinh viên Sài Gòn. Nam sinh tóc dài chấm vai, đeo kính trắng, áo chẽn bỏ trong quần ống loe hết cỡ, là nếp thẳng tắp, chân đi dép Sa- pô đế cao. Nữ sinh áo cũng bỏ trong quần ống loe. Có nữ sinh còn đính một cái cúc to sặc sỡ lên quần, ngay phía dưới rốn. Nhìn họ, tôi thoáng cảm giác khó chịu. Nhưng nghe cách họ gọi bạn “bồ ơi”, “tui nói nghe nè”, “nói nghe nè cưng ơi” nhỏ nhẹ vừa đủ nghe, cách họ bình luận về một cuốn sách thì tôi tự thấy phải thay đổi thái độ. Sau này, quần ống loe, tóc dài, dép Sa- pô đã thành cao trào mốt ở Hà Nội. Sự dung nạp vội vã, khiên cưỡng giữa lúc Hà Nội còn đang phải ăn bo bo hạt mì, giữa lúc tiếng súng biên giới phía Bắc đì đùng đã làm quần loe tóc dài bị “lạc mắt”, thành một “tệ nạn”, bị bài trừ ngay lập tức, bắt đầu từ các trường đại học…
***
Năm 1982, tôi vào nhận việc ở Sài Gòn. Phòng Quản lý kỹ thuật cơ quan tôi già nửa là công chức chế độ cũ. Họ luôn luôn đến công sở đúng giờ, làm việc cần mẫn, trao đổi nhiệt thành với chúng tôi nhiều vấn đề về công việc, nhưng không bao giờ hỏi han về chuyện riêng tư. Có thể nói, hỏi chuyện gia đình của ai đó với họ là một sự thóc mách, tò mò, một sự khiếm nhã. Anh mới bị kỷ luật à? Anh mới ly dị vợ ư? Bố anh mới ra tù hử? Kệ, chẳng ai quan tâm đến điều ấy đâu. Anh cứ làm việc đi. Anh đến đây để làm việc cơ mà. Chơi thân với nhau, mỗi cuối tuần nhậu với nhau, nhưng nhà nhau thì không cần thiết phải biết. Đó là sự hành xử góp phần tạo nên phong cách sống tự do, phóng khoáng, không ghen ghét đố kị của người Sài Gòn.
Bất chợt có việc, bạn phải vào nhà anh bạn cùng cơ quan lúc gia đình đang ăn cơm ư? Họ không mời bạn ăn đâu. Nhưng đã mời ăn là mời thật lòng, đã ăn là ăn thoải mái, vô tư. Bữa ăn, không thấy con cái, cháu chắt mời bố mẹ, ông bà xơi cơm như người miền Bắc. Người Sài Gòn bảo cái sự mời cũng tốt nhưng nó hình thức và có phần câu nệ nữa. Ông bà cha mẹ, con cái cháu chắt nói chuyện với nhau rổn rảng, thân mật như bạn bè trong suốt bữa ăn. Ai ăn xong trước tự mang bát đũa của mình đặt vào bồn rửa.
Còn một điều đặc biệt nữa là người Sài Gòn, từ anh công chức đến người bán hàng rong đường phố rất ít quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội. Nếu bạn đem vấn đề chính trị ra bàn luận, tạo sự chú ý với họ thì bạn sẽ hoàn toàn mất hứng, như đột ngột bị cúp điện cái rụp vậy. Khác hẳn với Hà Nội, Sài Gòn không tạo ra các ngôn ngữ đặc sản vỉa hè, không tạo ra các câu chuyện tiếu lâm hiện đại chua chát và sâu cay hun hút về đời sống xã hội, về các chính khách. Bác xích lô, ông thợ cắt tóc góc phố Hà nội có thể dự báo chính xác nhân sự cho một kỳ đại hội quan trọng nào đó của cấp nhà nước lớn. Họ có thể nói và bình luận về cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973 còn hấp dẫn hơn bình luận viên trên truyền hình. Tôi đoan chắc rằng, một lúc nào đó, sẽ có một ấn phẩm đặc sắc sưu tập về thơ ca, chuyện tiếu lâm vỉa hè một thời khó khăn, thời cơn bão giá – lương - tiền thổi nghiêng ngả xiêu vẹo lòng tin của người Hà Nội.
Có người nói biết nhiều khổ nhiều. Dân Sài Gòn rất hay đọc báo, nhưng họ đọc bình thản, không ngạc nhiên nhướng mày lên bàn tán say sưa, hay xuýt xoa trước những sự kiện chính trị giật gân. Ở đây, tờ Công an Thành phố Hố Chí Minh là tờ báo bán rất chạy. Người dân ưa thích các tin vắn về an ninh xã hội, các vụ án mạng, án lừa tình, lừa tiền hơn là các tin tức chính trị đao to búa lớn. Dường như đời sống đô thị bon chen mệt mỏi đủ đau đầu cùng các hệ lụy khác khiến người ta tìm cách tự cân bằng, tự giải trí không làm phiền ai là đọc báo. Phải nói thật rằng người dân rất ngán va chạm với chính quyền và bao giờ cũng cố gắng thể hiện như thật rằng mình là kẻ muốn được… dạy dỗ. Tư duy của giới báo chí Sài Gòn mạnh mẽ, sâu sắc, nhanh nhạy và dám xông xáo nhưng không bao giờ tạo được thói quen đọc báo vồ vập sốt sắng của người dân. Có vẻ điều này mâu thuẫn vậy. Người Sài Gòn thích sự hài hước nhẹ nhàng. Một thành phố có tới mấy chục nhóm hài cạnh tranh khốc liệt mà diễn viên vẫn sống được bằng nghề thì thật là tài.
Cái sự hài hước hiện diện ngay cả trong việc hiếu. Người ta chơi đủ các thứ nhạc Pop Rock, nhạc xanh đỏ tím vàng trước quan tài. Có đám còn thuê nguyên cả băng pê đê về nhảy nhót hát xướng góp vui. Có lần tôi thắc mắc, một ông lão Nam bộ bảo: Nè chú em, cái quan trọng là lúc sống người ta được sống, được đối xử thế nào mới là đáng kể. Còn khi chết rồi, bi lụy thái quá dễ bị người ta bảo mình diễn. Bi lụy quá níu kéo linh hồn người chết không siêu thoát được, phỏng có ích gì? Thật là dễ lắc đầu quá, nhưng cũng không thể từ chối gật đầu trước những lời lẽ toạc móng heo như thế.
Người Sài Gòn giản dị tới mức xuề xòa. Không ở đâu trên đất nước Việt Nam mình người ta còn chạy các đời xe máy cũ kỹ hoen rỉ, sản xuất từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước như ở Sài Gòn. Chủ xe là người chạy hàng mối cho tư thương các chợ, người bỏ mối nước đá, người bán dạo than củi, thợ của các tiệm sắt, tiệm bán ga. Họ luồn lách trong các con hẻm, rồi bất chợt dừng lại trước một quán cơm, quán hủ tiếu con con, thản nhiên bước vào múc nước đá trong bình uống một hơi, cám ơn chủ quán rồi biến mất. Thật ngạc nhiên và ấn tượng về một hình ảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng người lao động. Và có thể ta không nhìn thấy ở đâu như thế.
Với người Sài Gòn, cái xe máy chỉ để di chuyển mà thôi. Nhìn xe đoán người là trật. Các ông chủ trong chợ vải Soái Kình Lâm Chợ Lớn, các chủ xưởng dệt nhuộm ngã tư Bảy Hiền thường đi những chiếc xe máy tàn phế ấy. Mấy ai biết họ là ai, như thế càng đỡ phiền hà. Làm sao biết lúc nào, ở đâu thì họ sẽ chứng tỏ đẳng cấp. Nhưng sự ăn nhậu thoải mái với họ giống như một thứ công việc vậy, ngày nào chẳng có và đã nhậu là tới bến chứ không xuề xòa được.
Nói đến nhậu ở Sài Gòn là nói đến hai từ lai rai. Giờ tan tầm, các quán nhậu đông nghịt người. Một cuộc nhậu thường bắt đầu từ 5 giờ chiều cho đến tám chín mười giờ tối. Một điều lạ là quán tuy đông nhưng không bao giờ ồn ào đến mức nói to cũng không nghe được như ở Hà Nội. Cái cảnh quát tháo bỗ bã người phục vụ không bao giờ xảy ra cả. Nhậu say khướt vẫn gọi người phục vụ là cưng ơi, em ơi, cháu ơi đàng hoàng, hứng lên còn boa đậm nữa. Cánh đàn ông Hà Nội ưa nhậu buổi trưa, tối về nhà ăn cơm với vợ. Cánh đàn ông Sài Gòn thì coi buổi chiều tối là của riêng mình, ít khi bị vợ làm phiền. Càng đi sâu xuống vùng sông nước miền Tây, càng thấy đàn ông mà không biết nhậu thì đơn độc như thế nào. Người phụ nữ miền Tây tính tình cũng phóng khoáng và rất ưa tha thứ cho chồng con trong chuyện nhậu nhẹt “xuồng chìm tại bến”.
***
Người ta bảo cái cách sống phóng khoáng của người Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng là do được thiên nhiên ưu đãi, làm chơi ăn thật, hết rồi lại có. Điều đó chỉ đúng một phần và có thể đúng với những người nông dân chân chất miệt vườn hoặc sông nước miền Tây Nam bộ mà thôi. Những bác xích lô ở Sài Gòn trúng vài cuốc xe, chiều tối sẵn sàng chở vợ con ra quán ăn kêu món chứ không nấu ăn ở nhà như mọi bữa. Ngày mai tính tiếp. Cái quý nhất là ít thấy họ than vãn oán trách đời và chấp nhận hoàn cảnh một cách bình tĩnh thản nhiên.
Nhưng bây giờ sự ưu đãi của thiên nhiên dường như cũng hết rồi. Ô nhiễm môi trường trầm trọng, đồng ruộng nhiễm mặn nước biển, vỡ đê bao, cháy rừng phòng hộ, con người khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản. Sài Gòn đã chật ních người, hối hả quay cuồng, người khôn của khó, tứ xứ tìm đến mưu sinh. Cuộc sống càng ngày càng bon chen phức tạp. Cũng giống như Hà Nội, Sài Gòn đã pha tạp nhiều thứ…
Nhưng tính cách người Sài Gòn thì vẫn thế. Vẫn thế từ ba trăm năm trước tới bây giờ…
Sài Gòn, 1.5.2010
V.D.C