Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

" TỰ TÌNH" CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG - NỖI NIỀM KẺ CHIẾN BẠI

Vũ Bình Lục
Thứ hai ngày 3 tháng 5 năm 2010 9:26 PM
 
Về hiện tượng Hồ Xuân Hương, nếu nghiên cứu sự nghiệp thơ ca của nữ sỹ này, đặc biệt là mảng thơ trữ tình, thiển nghĩ, phải căn cứ vào các yếu tố cơ bản sau đây:
- Phải đặt hiện tượng độc đáo này (hiện tượng Hồ Xuân Hương) trong tổng quan của văn học đồng đại.
Thời đại Hồ Xuân Hương có rất nhiều dấu ấn lịch sử mà điểm nổi bật là thời đại bùng nổ của tính cách, của nhân cách (tôi nhấn mạnh-V.B.L). Số phận người phụ nữ cùng với những phẩm chất của họ, được đề cập, phản ánh với tần số đậm đặc trong đời sống văn học đương thời, đem lại những dấu ấn đặc sắc cho diện mạo văn học thời kỳ này. Hầu như những tác phẩm thành công nhất, đều nằm trong mảng đề tài người phụ nữ. Hơn nữa, tính cách của những người phụ nữ ít nhiều đều phản ánh sự bùng nổ của những số phận vốn bị coi là thấp hèn, thua thiệt, đang cố vùng lên đòi được khẳng định, đòi được giải phóng. “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều, thơ Hồ Xuân Hương, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm, thơ văn của Phạm Thái, những tác phẩm của Nguyễn Dữ, những tác phẩm của Nguyễn Du (Hán và Nôm)…chẳng phải là sự minh chứng cho sự “bùng nổ” ấy sao?
Với thơ Hồ Xuân Hương, kể cả mảng thơ chữ Hán mới tìm thấy sau này, về đại thể, có hai phương diện nổi bật:  Trào phúng và Trữ tình. Đương nhiên, có cả sự hoà quyện nhuần nhuyễn của cả hai phương diện ấy trong tổng thể và trong một tác phẩm cụ thể.
Nếu xét về phương diện trào phúng, ta hình dung thấy Hồ Xuân Hương như một người lính kiên cường, chiến đấu quyết liệt với đủ loại kẻ thù trong xã hội. Đòn đánh của bà đa dạng, phong phú và khá nhiều “chiêu” thuyệt diệu. Ấy là lúc Hồ Xuân Hương đối diện với cuộc đời đầy rẫy bất công, nhất là bất công đối với người phụ nữ.
 Nếu xét về phương diện trữ tình, ta hình dung thấy Hồ Xuân Hương rõ ràng là một người lính thua trận, sau khi đã quyết liệt xông pha trận mạc, tả xung hữu đột, rồi trở về đối diện với chính mình (tôi nhấn mạnh-V.B.L). Ở phương diện này, Hồ Xuân Hương vẫn không kém phần độc đáo. Nhìn chung, đó là tâm trạng buồn chán, cô đơn cô độc, tủi duyên tủi phận, dẫu cho cũng có đôi khi cố rướn lên một chút, nhưng cũng chỉ là một sự rướn lên chới với, gượng gạo, kiểu như “thắng lợi tinh thần” của AQ mà thôi. Chùm “Tự tình” và một số bài thơ chữ Hán gửi Nguyễn Hầu (Nguyễn Du), gửi Tốn Phong thị…chẳng phải là minh chứng sinh động đó sao?
Trên tổng quan ấy, phân tích “Tự tình” cũng có nghĩa rằng phân tích cái tâm trạng thất bại ấy của người “nữ binh” quả cảm Hồ Xuân Hương. Trước hết, phải nói ngay rằng, đó là sự thất bại trên “mặt trận tình ái”!
Một người đàn bà tài sắc và đa tình hiếm có. Hơn nữa, lại là người đàn bà ý thức rất rõ về giá trị tài sắc mình, lại còn có phần kiêu hãnh nữa chứ!
   “Ví đây đổi phận làm trai được
     Thì sự anh hùnng há bấy nhiêu”…

Hoặc như:
   “…này này chị bảo cho mà biết…”
 Rõ ràng là thế chủ động tiến công, thế đứng trên cao, thật là tột cùng thoả chí!
Nên chi, khi xuân tàn hoa héo, Hồ Xuân Hương mới thấy hụt hẫng, mới giật mình kinh sợ. Tài tử dập dìu đến “Cổ nguyệt đường” xưa kia, bây giờ sao vắng bóng, chỉ còn lại Xuân Hương cô lẻ, nặng trĩu tâm tư buồn thảm mà “trơ cái hồng nhan với nước non”…Bấy giờ, chính là lúc “tự tình”, đối diện với chính mình.
 Có lẽ, Xuân Hương viết “Tự tình” ở tuổi trên dưới bốn mươi chăng? Không gian rộng lớn và tĩnh lặng đến rợn ngợp:
   “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”
 Rồi lại:
   “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom”… chỉ có thể làm cho cái tĩnh lặng càng tăng lên hơn nữa. Thân phận người đàn bà nhỏ bé tội nghiệp hơn giữa không gian rộng lớn và choáng ngợp. Nên phải uống. “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”, mà “nhìn trăng bóng xế”, mà bời bời tâm trạng. Càng nghĩ, lại càng bực bội, càng oán giận những kẻ bạc tình. Buồn chán, oán giận và cô đơn, nên nhìn cái gì cũng thấy khó chịu, cũng thấy đáng ghét. Trăng thì “chín mõm mòm”. Cái “mõ thảm không khua mà cũng cốc”. Cái “chuông sầu chẳng đánh cớ sao om”! Mấy đám rêu kia mọc cách chi mà “xiên ngang mặt đất”. Còn mấy hòn đá nhí nhố kia, chẳng biết đứa nào xui khiến mà bỗng dưng “đâm toạc” cả chân mây?...Trong lòng bứt rứt, buồn bực, “khó ở”, thì đương nhiên, nhìn cái gì cũng méo mó như dị dạng, đáng ghét. Tình ấy, thì cảnh ấy, chứ sao!
 Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Cái hồn vía của bài thơ, chính là ở những câu kết của bài thơ trong chùm “Tự tình”:
   “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
   Mảnh tình san sẻ tí con con”…

Xuân đi xuân lại lại (xuân lại trở về), đó là quy luật của đất trời. Sự ấy cũng là bình thường. Vậy cơn cớ gì mà ngán (chán ngán)? Phải chăng, đối với người đàn bà tài sắc và đa tình như Xuân Hương, thì cái mùa xuân ở trong lòng đang xanh tươi trở lại, mà hình như càng tràn trề sinh lực, mãnh liệt xuân tình. Khát vọng vô biên ở giai đoạn đỉnh điểm xuân thì, mà chẳng mảy may đáp ứng, chỉ thấy cô đơn trống trải, thao thức trằn trọc năm canh, nên bi kịch mới càng dữ dội. Đó chính là điểm nút của tâm trạng, là sự đau đớn xót xa đến quằn quại. Câu tám, như một lời cầu cứu, nghe thật nao lòng. Nó như một tiếng tơ chùng xuống ở nốt trầm đau đớn của sự thất bại đắng cay. Còn như lời “tuyên chiến” của Xuân Hương “thân này đâu đã chịu già tom”…thì cũng chỉ là một sự vớt vát, tự an ủi đáng thương mà thôi!
Lâu nay, người ta quý mến Xuân Hương quá chăng, mà cứ cố tình gán cho Xuân Hương những cảm xúc không hề có thực, như thể một chiến sỹ được trang bị những tư tưởng to tát, hiện đại, chẳng ăn nhập với “cỡ người” Xuân Hương tí nào. Xuân Hương chỉ là một người lính chiến bại trong tình trường. “Tự tình”, đơn giản chỉ là một tiếng thở dài chua chát của Xuân Hương khi đối diện với chính mình, sao có thể nói khác đi được!
 
 Phước An 1999-Hà Nội 2010