Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHĨ NGỢI TRƯỚC NGÀY CHIẾN THẮNG

Trần Hậu (Giới thiệu và dịch)
Thứ hai ngày 3 tháng 5 năm 2010 10:08 PM

Năm nay nước Nga long trọng kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945 – 9/5/2010). Nhân dịp này chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn-cựu chiến binh Daniil Aleksandrovich Granin. Năm 1941, ông đã tình nguyện ra mặt trận bảo vệ thành phố Leningrad, chiến đấu ở vùng ven biển Bantich.
          Xuất thân là nhà khoa học, nhưng tài năng của Daniil Granin lại biểu hiện rực rõ hơn ở lĩnh vực văn học. Năm 1954, ông cho ra đời tiểu thuyết đầu tay Những người kiếm tìm thu được thành công lớn. Tiếp đó là các tiểu thuyết: “Sau ngày cưới” ( 1958), “Đi tới giông bão” ( 1962), “Kỳ lạ thế cuộc đời này” ( 1974) và “Klavdia Vilor” - tác phẩm đem lại cho Granin giải thưởng Quốc gia Liên Xô năm 1978.
         Năm 1980 ông cho ra đời tiểu thuyết Bức tranh, là một trong những tác phẩm được đánh gia cao nhất đầu những năm 80.
        Năm 1988, trên tạp chí Neva xuất hiện hàng loạt truyện ngắn của Granin như: “Thiên thực”, “Bên cửa sổ”, “Tiến thoái lưỡng nan”, tiểu thuyết về Pie Đại Đế.
         Những nhân vật trong tác phẩm của ông thường là các nhà khoa học luôn vượt qua mọi khó khăn để thực hiện những mục tiêu cao cả, có trách nhiệm với công việc và xã hội. Quan hệ con người trong sự phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật là chủ đề chính trong tác phẩm của nhà văn.
      Bạn tôi, chiến sĩ cao xạ Vadim Pushkarev, ra mặt trận vào tháng 6 năm 1941. Anh là một trong số hàng ngàn người dân Leningrad đã nhập ngũ và mất tích vào những ngày đầu tiên của chiến tranh. Thế nào nghĩa là “mất tích”? “Mất tích” là những người mà số phận được định đoạt trước mắt tôi, khi chúng tôi rút lui (nói thẳng ra là tháo chạy) khỏi biên giới Estonya, lùi sâu vào địa phận tỉnh Leningrad, và khi mà toàn bộ mặt trận Tây -Bắc bắt đầu di chuyển với một tốc độ chưa từng thấy về phía Leningrad.
      Vadim biến mất trong những trận đánh, hình như ở  ngoại ô Uritsk. Và từ đó anh rơi vào danh sách những người mất tích. Về sau nhiều dự định tìm hiểu số phận của anh đã không có kết quả. Tôi chỉ biết rằng gia đình anh, giống như gia đình của tất cả những người mất tích không được hưởng gì, cả tiền trợ cấp lẫn các khoản ưu đãi. Họ bị tước mất giấy chứng nhận, giống như gia đình các tù binh. Nói chung những con người này trở thành công dân hạng hai. Một trong các vị lãnh tụ của chúng ta đã đề nghị đàn áp gia đình các tù binh. Trong khi đó, năm 1941 có hàng loạt sư đoàn, thậm chí tập đoàn quân bị bắt. Năm 41 có gần 2,5 triệu người bị bắt và mất tích. Trong 160 ngày đêm đầu tiên của chiến tranh có hơn 2.840.000 chiến sĩ đã hy sinh.
      Chúng tôi bị máy bay cường kích tàn sát, xe tăng rượt đuổi, chúng tôi bị mìn và lưu đạn nổ tan xác, chúng tôi bỏ chạy, để lại trong công sự những người chết và hấp hối. Khi có thời gian, chúng tôi chỉ kịp vứt những cái xác xuống công sự và vùi đất sơ sài. Sau chiến tranh tôi thường mơ thấy mình chôn Vadim và những đồng đội khác-Misha, Volodya, ném họ xuống một chiến hào chung.
      Lúc bấy giờ, khi rút lui, thậm chí tôi không thể cắm xuống  đất chiếc cọc với tấm biển –  “Vadim Pushkarev, 1919-1941”. Không kịp: chúng tôi vội vàng chạy tiếp về phía Leningrad.
      Những người mất tin tức…Mà lấy đâu ra tin tức, nếu như bên cạnh hầu như không có ai? Còn những kẻ sống sót thì ngày hôm sau hoặc tuần sau cũng sẽ chịu chung số phận. Lúc bấy giờ cuộc sống của những chàng trai trẻ chỉ tính được trung bình bằng tuần.
      Ngay sau chiến tranh người ta thuyết phục chúng tôi rằng trong số những người mất tích có thể có những kẻ chiêu hồi, chạy sang phía bọn Đức. Bản thân sự hoài nghi đó đã quy kết những người mất tích là phản bội và dự tính trừng phạt họ về sau, thậm chí sau chiến tranh. Và họ đã bị trừng phạt-bằng sự quên lãng và tước đoạt những quyền lợi sau khi chết. Trong khi đó chỉ tính riêng tại mặt trận Tây- Bắc của chúng ta trong sáu tháng năm 1941 đã có 150.000 người bị bắt và mất tích.
      Theo quan niệm của Liên Xô lúc bấy giờ, tù binh đồng nghĩa với sự nhục nhã: trở thành tù binh, anh là kẻ hèn nhát và phản bội, theo tất cả những đòi hỏi lúc bấy giờ anh thà tự sát, chứ không thể bị bắt. Và không ai đếm xỉa tới việc có hàng triệu người lính bị bao vây không phải do lỗi của mình. Mùa thu năm 41 có 37 sư đoàn, hàng loạt đơn vị có vũ trang, cùng với ban tham mưu và các tướng lĩnh, nhiều lữ đoàn thiết giáp bị bao vây tại ngoại ô Vyazma, chỉ một nửa trong số đó may mắn thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Tại vùng lòng chảo Bryansk có 190.000 chiến sĩ bị bắt làm tù binh và mất tích. Những con số này chứng minh không phải sự hèn nhát của những người lính mà là sai lầm của cấp chỉ huy. Ở đây người lính vô tội. Bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng đã và sẽ có tù binh…
      Gần  đây trên một tờ báo Nga  tôi nhìn thấy một bức  ảnh: những người ruột thịt và thân thích gặp gỡ người lính đi tù về. Họ chạy về phía người lính Mỹ với một niềm hân hoan khôn tả! Tấm ảnh được chụp ở Mỹ.
      Ở Mỹ người ta đối xử với tù binh như những con người đã chịu nhiều khổ cực, thiệt thòi và mất mát trong nhà tù của kẻ thù. Trên tổ quốc họ được mọi người chào đón một cách long trọng và tôn vinh - tất cả, kể cả tổng thống. Ở Mỹ người ta trao huân chương cho các cựu tù binh, có cả một loại huy chương đặc biệt dành cho tù binh. Những người lính này được xã hội tôn trọng và đối xử xứng đáng.
      Và  ở Pháp làm tù binh được coi là quãng thời gian “diễn ra trong những điều kiện chiến tranh”. Các cựu tù binh có thể được nghỉ hưu trước thời hạn quy định là 65 tuổi, được hưởng phụ cấp lương và các khoản ưu đãi tàu xe, dịch vụ y tế, tiện nghi trong nhà dưỡng lão, v.v…
      Nhưng thú vị nhất là ở Nga, trong quân đội Sa hoàng, cũng đã từng xảy ra điều tương tự. “Quy định về tù binh” trước cách mạng viết rằng các quân nhân bị bắt làm tù binh được nhận tiền lương kể từ ngày phục vụ cuối cùng cho tới khi ra tù… Gia đình của họ được hưởng một nửa số tiền lương mà chủ nhân được hưởng kể từ ngày bị bắt cho tới khi ra tù, hoặc được cấp tiền tuất trong trường hợp anh ta bị chết trong tù.
      Còn  ở nước Nga các gia đình tù binh bị tước hết mọi quyền  hành. Tôi chưa nói tới sự khủng bố tinh thần mà họ phải chịu đựng. Về mặt này sự vô ơn của chúng ta đối với hàng trăm ngàn người lính bị bắt làm tù binh không phải do lỗi của mình thật kinh khủng, một sự vô ơn kéo dài cho tới hôm nay. Chúng ta không thể nào đối xử xứng đáng với họ, những người đã tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thậm chí sau ngần ấy năm trời chúng ta đã từ chối danh hiệu chính đáng đó của họ…
      Vâng, cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại quả thật là vĩ đại. Và sự vĩ đại của nó được đo không phải bằng số sinh mạng của người dân nước ta đã hy sinh trong cuộc chiến tranh này (những mất mát này đến nay chúng ta vẫn cảm nhận được!). Sự vĩ đại của nó là ở chỗ bất chấp những thất bại hoàn toàn trong mấy tháng đầu tiên của chiến tranh, bất chấp một vùng lãnh thổ rộng lớn bị xâm chiếm, bất chấp tất cả, trong một thời gian ngắn ngủi, đất nước đã  phục hồi được nền công nghiệp quốc phòng, xây dựng quân đội mới, kịp thời ngăn chặn quân Đức, bảo vệ Moskva, Leningrad và chuyển sang tấn công…
      Tôi trở về nguyên vẹn sau cái cối xay thịt Leningrad, đã kịp tốt nghiệp lớp lái xe tăng ở Ulyanovsk. Và  khi chúng tôi tiếp nhận những chiếc xe tăng ở Chelyabinsk, tôi nhìn thấy điều kỳ diệu đó của sự  hồi sinh. Đây quả thật là điều kỳ diệu: những cậu thiếu niên, những công nhân đói ăn đã sản xuất ra hàng chục, hàng trăm chiếc xe tăng trong những điều kiện chưa từng thấy, trong những phân xưởng lạnh giá. Ngay lúc đó họ đã làm việc vì Chiến thắng…
      Và  thế là chúng ta tiến vào châu Âu với tư cách những người chiến thắng. Quân đội dũng cảm của chúng ta đã lần lượt giải phóng các nước châu Âu. Chúng ta thực sự được vui mừng chào đón như những người giải phóng. Tất nhiên, trước hết chúng ta muốn tiến vào Berlin như những người chiến thắng, muốn trả thù cho tất cả những gì mà chúng ta và tổ quốc chúng ta đã phải chịu đựng trong những năm chiến tranh. Nhưng, có thể, những người lính muốn sống sót và trở về nhà hơn, bởi vì như người ta nói lúc bấy giờ, chiến thắng đã đến: kẻ thù đã bị tiêu diệt, và tổ quốc đã được chúng ta bảo vệ.
      Và  cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết, thành thực mà nói, liệu chúng ta, ví dụ, có nên tiến vào Ba Lan không? Đối với tôi, một người lính, tai hoạ và nỗi đau là ở chỗ khi vượt qua biên giới, vẫn như trước, các đồng đội của tôi tiếp  tục  hy sinh. Mà thực ra điều chủ yếu đã được thực hiện – chúng ta đã bảo vệ được tổ quốc và cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã kết thúc. Tôi suy nghĩ không phải như một chính khách, tầm nhìn của tôi, tất nhiên, bị giới hạn bởi đại đội tôi, trung đoàn tôi, các đồng đội của tôi. Nhưng nó không bị giới hạn bởi những mất mát và hy sinh của các đồng đội tôi, những người vẫn tiếp tục ngã xuống ngay trên những bãi chiến trường châu Âu.
      Hôm nay, sau sáu mươi năm có lẻ, chúng ta nhìn thấy nhiều điều khác trước. Đâu rồi lòng biết ơn của các nước châu Âu, các thủ đô châu Âu đã chào đón chúng ta tưởng như vui mừng đến thế? Vâng, chúng ta là những người giải phóng đối với họ. Nhưng việc chúng ta tiến vào châu Âu với một tình cảm hồn nhiên đã dồn tụ trong những năm chiến tranh là một chuyện, còn tầm nhìn xa của các chính khách và thống soái lại là chuyện khác.
      Mikhail Kutuzov muốn dừng lại cuộc Chiến tranh vệ quốc năm 1812 khi đã đuổi Napoleon ra khỏi biên cương của tổ  quốc. Rất có thể đó là tầm nhìn xa của vị thống soái vĩ đại. Tuy nhiên, do mãi truy kích kẻ thù, Kutuzov đã tiến tận nước Phổ và qua đời trên đường hành quân ở Bunzlau (nay là Boleslawiec của Ba Lan), ở đấy có ngôi mộ tượng trưng của ông. Nhưng dù sao ông cũng đã trở về tổ quốc và yên nghỉ tại nhà thờ Kazansky ở Peterburg. Tuy nhiên lịch sử đã lặp lại đến không ngờ! Cũng tại thành phố Boleslawiec, sau ngày 9 tháng 5 năm 1945 đã xuất hiện một nghĩa trang của những người lính Xôviết. Tất cả ngày mất ghi trên mộ chí đều sau 9 tháng 5. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng những người lính vẫn tiếp tục ngã xuống.
      Phát xít Đức đã bị tiêu diệt. Tại sao chúng ta không để cho các dân tộc tự quyết định lấy vận mệnh của mình? Tôi nhìn thấy ở đây sự  biểu hiện tư duy đế quốc, vả lại không chỉ  của Liên Xô mà cả của các nước đồng minh trong khối liên minh chống Hitler. Tất cả các nước đều muốn tiến vào Berlin.
      Vâng, ở đây có niềm khát khao của người lính đánh bại kẻ địch tại sào huyệt của chúng, trả  thù cho sự lăng nhục đối với tổ quốc và những người ruột thịt. Nhưng tư duy của người lính mang tính bộc trực, trong đó có cái đúng và cái chưa đúng. Nếu như đó chỉ là cảm tính thuần tuý, khát vọng trả thù thì không phải là điều sáng suốt nhất. Chúng đối lập với một chiến lược cao, một tầm nhìn chính trị của các nhà chỉ huy quân sự và chính khách.
      Nhưng chiến lược nào trả giá cho 300.000 sinh mạng  những người lính đã ngã  xuống một cách tàn nhẫn và oan uổng ở ngoại ô Berlin một tuần trước khi kẻ thù bị hạ gục hoàn toàn? Những người lính của chúng ta đã hy sinh một cách vô nghĩa trước Ngày Chiến thắng. Từ thời điểm vượt qua biên giới tất cả cần phải được tính bằng những mất mát sức người. Một đằng là chúng ta cứu đất nước mình, còn tiếp theo những hành động của chúng ta đã phải trả giá bằng sinh mạng…
      Một chủ đề đặc biệt cho câu chuyện trong ngày kỷ niệm chiến thắng là các nghĩa trang và đài tưởng niệm những người lính. Nói chung trong những ngày này tôi bất giác nghĩ về vấn đề lòng biết ơn và vô ơn. Có lẽ, ở đây tồn tại gánh nặng của lịch sử. Khắp nơi trên đất nước ta rải rác nhiều tượng đài và bia kỷ niệm rập khuôn - từ các thành phố đến những làng quê xa xôi. Mỗi năm một lần vào Ngày Chiến thắng, người ta mang những vòng hoa với những lời lẽ cảm động đến viếng. Nhưng những xạ thủ tiểu liên và những người lính bằng thạch cao với những cánh tay bị đập vỡ này khiến tôi rất đau buồn. Không ai thường xuyên quan tâm tới họ, và họ đứng đó như những nhân chứng về sự vô ơn của chúng ta.
      Ở Pháp tôi đã đến thăm các nghĩa trang quân đội. Tại đấy những ngôi mộ không chỉ của lính Pháp mà cả lính Mỹ được bảo quản một cách lý tưởng. Và tôi muốn lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của chúng ta được đánh dấu bằng sự quan tâm dù chỉ là về những cử chỉ tưởng niệm như vậy của lòng biết ơn khiêm nhường đối với những người lính đã hy sinh…
      Sự lãng quên nói chung là một vấn đề đạo đức của đời sống nhân dân chúng ta. Lấy ví dụ, tôi không biết một mồ chôn tập thể nào của những người lính Nga đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Chúng có ở Hamburg và nhiều thành phố châu Âu, nhưng không có ở nước Nga. Trong mỗi thành phố nhỏ của chúng ta, trong mỗi ngôi làng đều có những người lính ra mặt trận và hy sinh ở đấy. Hiện nay chúng ta không thể phục hồi  tên tuổi tất cả mọi người. Nhưng dù sao cần phải dựng thậm chí ở những khu dân cư nhỏ những tấm bia tưởng niệm khắc tên tất cả những người đã không trở về từ mặt trận. Kể cả những người mất tích. Nếu không những ngày lễ của chúng ta với pháo hoa và những loạt súng chào sẽ trở nên nghèo nàn và giả tạo.
      Chúng ta không đủ dũng cảm để làm người trung thực, kể cả đối với các tù binh và những người mất tích. Mà chính ký ức về những nạn nhân chiến tranh kêu gọi chúng ta cần phải sống trung thực và giữ gìn danh dự.