Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦM TƯ NGUYỄN HUY THIỆP

Trần Tự
Thứ ba ngày 4 tháng 5 năm 2010 5:20 AM
 
Lâu lắm rồi chúng tôi mới nhìn thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hiện diện ở đám đông. Thậm chí có người còn bán tín bán nghi vì chưa từng gắp mặt với nhà văn tài hoa này.
Nguyễn Huy Thiệp từ Hà Nội về tham dự buổi trao giải cuộc thi thơ về 3 danh nhân đất nước là Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo do CLB thơ Việt nam tổ chức tại thị xã Chí Linh Tỉnh Hải Dương. Thật sự mà nói thì tôi cũng hơi ngạc nhiên về sự hiện diện của Nguyễn Huy Thiệp vì cứ nghĩ anh chẳng bao giờ lại cất công đường xa đến tham dự những cuộc đại thể như thế này. Ấy là tôi nghĩ thế, ấy là vì tôi đã thần tượng hóa Nguyễn Huy Thiệp ngay sau lần đầu đọc tập truyện ngắn “Như những ngọn gió” của anh. Tôi thần tượng anh như một học sinh nể phục một thầy giáo giỏi, chính vì vậy mà sự bình thường của anh lại hóa ra sự ngạc nhiên trong tôi. Tại sao Nguyễn Huy Thiệp lại không thể đến tham dự một buổi trao giải thơ như thế này chứ? Thậm chí sự hiện diện của anh, một nhà văn nổi tiếng đã làm cho tinh thần của mọi người trong hội trường, không khí buổi trao giải sôi nổi hẳn lên.
Một cô giáo dậy văn còn trẻ quê ở ngay thị trấn Chí Linh có thơ dự thi, tròn miệng xinh nói với tôi với ánh mắt ngạc nhiên, ối giời ơi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giống ông nông dân quá! Cô giáo kể rằng cô rất thích truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hôm nay mới được thấy nhà văn thần tượng thì lại không tin vào mắt mình. Cô cứ nghĩ Nguyễn Huy Thiệp phải là một người “hoành tráng” nhất trong làng văn, có tướng mạo trí thức lắm cơ, ai ngời…Nếu nhà văn này vác cái cầy đi trên đường làng thì hay lắm nhỉ! Anh cũng có thể làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp vì có phong cách “cổ cầy vai bừa”.
Nguyễn Huy Thiệp chắc là chơi thân với nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh lắm thì phải, đi đâu hai người cũng có nhau, mặc dù là hai thế hệ về tuổi tác. Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp thỉnh thoảng cũng dùng một vài câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh theo triết lý phải biện nhân sinh hoặc vòng vo tam quốc chẳng biết lối nào mà ra. Thơ của Nguyễn Bảo Sinh và văn của Nguyễn Huy Thiệp có cái gì đó đồng điệu về “tư duy ngược” khiến người đọc thấy thú vị vì họ đã quá chán đọc những bài văn theo kiểu không chết ai, lô gich câu chuyện diễn ra giống như nghị quyết đã được toàn thể đại biểu thông qua tại hội nghị rồi.
Nguyễn Huy Thiệp khá kiệm nhời. Nói đúng hơn là anh không có năng khiếu làm phong trào nên hãn hữu nói chuyện làm quen. Mang tiếng đã biết anh gần chục năm rồi, nhưng anh cũng chỉ nói với tôi mấy câu gọi là đủ dùng thôi. Anh bảo, ừ thì mình cũng nên đến xem thiên hạ họ làm cái gì. Thực tình mà nói, tôi chẳng hiểu mấy câu nói này của Nguyễn Huy Thiệp. Anh nói rất nghiêm túc lại càng khó hiểu trong đầu anh đang nghĩ cái gì. Đặc biệt hơn khi anh đứng trang nghiêm chào cờ hoặc chăm chú nghe đọc thơ được giải khiến tôi càng khó hiểu về anh. Tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, cuộc sống đấy, thiên hạ đang làm đấy, mỗi người làm theo một cách, chẳng ai làm giống ai. Còn ai muốn nghĩ gì thì nghĩ.
Tôi đề nghị anh  trao đổi với bạn đọc mấy lời nhưng anh từ chối mà chỉ nói: “ Ôi dào, già rồi, còn gì đề nói đâu”. Ấy là anh nói như vậy như một lừoi từ chối khéo chứ mới 60 tuổi thì đâu đã già. Người viết văn làm báo khác chi củ gừng, càng già lại càng cay.
Nhìn bề ngoài Nguyễn Huy Thiệp chẳng thể đoán được anh giầu hay nghèo, khuôn mặt anh, phong thái anh không biểu hiện sự gật hay lắc, khuôn mặt anh có cái gì đó dân chủ trong khuôn khổ. Nguyễn Huy Thiệp bật mí rằng, anh đã có cháu nội rồi, còn cậu con trai út sinh năm 1982 thì chưa lấy vợ. Anh hạn chế kể về gia đình. Đối với anh gia đình thực sự là tài sản riêng tư, không nên đem phơi ra mọi chỗ.
Thật ngạc nhiên, trong văn chương của Nguyễn Huy Thiệp không thiếu những nhân vật bê tha, say rượu, ngoại tình, đánh nhau, ấy vậy mà bản thân anh thì không uống rượu, không hút thuốc, và không cả chơi bời này kia nữa. Ngồi với Nguyễn Huy Thiệp nếu chưa biết thì không ai lại nghĩ là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mà chỉ nghĩ anh là một nông dân, nông dân chính hiệu từ đầu đến chân. Đúng thế! Chính anh đã từng viết “bố mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn” đó thôi…
Lê Tự
ảnh: Nguyễn huy Thiệp (trái) và tác giả tại buổi trao giải cuộc thi thơ tại Chí Linh