Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ở ĐỜI PHẢI BIẾT ĐIỂM DỪNG

Đắc Trung
Thứ hai ngày 3 tháng 5 năm 2010 9:11 PM

   
        Ở đời ai cũng có mong muốn. Muốn dồi dào sức khoẻ, muốn có thế quyền để đảm đương trọng trách, muốn giầu sang phú quý, muốn học vấn cao, muốn gia đình yên ấm hạnh phúc, muốn nổi tiếng, muốn nhục dục...Tất cả những mong muốn đó đều rất chính đáng, rất tốt đẹp nếu không vượt quá “giới hạn” đạo lý biến thành tham vọng. Dù tư hữu, ích kỷ là bản năng bẩm sinh. Đẻ ra đã giành vú mẹ, miệng ngậm một, tay giữ một. Lớn lên tranh ăn, chọn phần to, phần nhiều, không ăn cũng không chịu nhường cho ai. Trưởng thành thì tranh công, giành quyền, thu vén tư lợi. Tuy nhiên vẫn phải biết đâu là “giới hạn”. Cái “giới hạn” ấy chính là “điểm dừng”.Trong mỗi con người đều có đức tài và mong muốn. Đem đức tài trừ mong muốn, nếu kết quả “dương”, có nghĩa mong muốn trong “giới hạn”. Nếu kết quả “âm” có nghĩa mong muốn quá lớn đã biến thành tham vọng. Loại người này cần phải xem xét thận trọng. Bởi đức tài nhỏ, tham vọng lớn thì phần “âm” thiếu hụt ấy anh ta sẽ bù lấp bằng thủ đoạn tiểu nhân kể cả tội ác để đạt mục đích.
      Khi có một ưu thế nào đấy người ta thường quá tự tin, thích phô trương mà không lường kết cục. Có sức thường cậy khoẻ, chủ quan nên khi bị cảm nặng khó cứu. Có xe mới thích phóng vượt người khác mà bị tai nạn. Có nhẫn kim cương, dây chuyền mặt đá quý, đồng hồ vàng  thích phô trương mà bị trấn cướp. Cho nên biết “điểm dừng” là rất quan trọng. Nói gì, làm gì cũng cần phải tính đến “giới hạn” và chọn đúng “điểm dừng”. Tiền nhân dạy: ở đời chớ cậy khi quyền thế, gặp nước bàn cờ “tốt” đuổi “xe”. Cho nên dù đang  lúc thượng phong cũng phải nghĩ ngay tới khi hạ mạt. Nhưng xem ra đã mấy ai làm được. Thường khi giầu rất ít nghĩ lúc mình sẽ nghèo. Khi đang thịnh rất ít nghĩ đến lúc mình suy. Khi đang chói lọi hào quang rất ít nghĩ mình thất thế. Khi đang xinh đẹp rất ít nghĩ đến lúc mình già nua xấu xí. Khi giầu, tiền tiêu không hết, thấy người nghèo dù đó là ruột thịt cũng tỏ ra khinh mạn. Khi đang lắm chức nhiều quyền thì hống hách, tự cho phép mình được sai khiến cấp dưới, coi họ như đầy tớ, mặc dù nhiều người trong số đó nhân cách và trí tuệ hơn mình. Khi “còn duyên” nhan sắc đang độ nghiêng nước, nghiêng thành bất luận chàng trai nào tới cầu hôn cũng cự tuyệt một cách ngạo mạn. Rồi tới một ngày nào đó gã nhà giầu phá sản sa cơ. “Ngôi sao” nọ thân bại danh liệt bởi những vụ tai tiếng. Ngài quan to bị kỷ luật mất chức. Cô gái nọ “hết duyên” quá lứa ế chồng. Bấy giờ dẫu có tính đến “giới hạn” tìm “điểm dừng” thì đã muộn. Cho nên ở đời đã biết cách leo cao thì cũng phải giỏi tìm đường xuống thấp. Cáo khôn có ba hang, người khôn biết một đường lên phải biết ba đường xuống. “Quan nhất thời” ngồi mãi trên ghế quyền lực sao được. Không chọn “điểm dừng” không biết cách xuống sẽ ngã. Mà leo càng cao, ngã càng đau. Ở đời không phải cứ “tham” cái gì là hy “vọng” sẽ được cái ấy. Thực tế có người chẳng mong cái gì thì lại được tất cả. Trong khi có kẻ muốn có tất cả thì lại chẳng được cái gì. Ca dao có câu: “Số giầu mang đến dửng dưng. Lọ là con mắt tráo trưng mới giầu”. Học thuyết “Vô vi” của Lão Tử chủ trương: “Cái gì đến khắc sẽ đến. Cái gì không đến khắc không đến. Cái gì đi nhất định sẽ đi”. “Vô vi” là không bị ham muốn và tham vọng chi phối. Người tính không bằng Trời tính. Trời cho tất cả, rồi Trời lại lấy đi tất cả nếu sống không hợp ý Trời, nghĩa là “tâm” không thiện, “tình” không thấu. Luật nhân quả nghiêm khắc lắm. Có kẻ khi sa cơ thất thế, thân bại danh liệt mới sám hối rằng: “Mọi sự khốn nạn của đời tôi là do tôi tham quá. Tham đến mù quáng, tham đến mức biến mọi người thành kẻ thù. Để bây giờ mất tất cả lại còn phải sống trong tủi nhục và cừu hận. Giá mà trước đây tôi biết đúng lúc phải dừng”.Quyền lực và tiền bạc có sức quyến rũ đầy ma quái đồng thời cũng là cạm bẫy vô cùng nguy hiểm. Không tỉnh táo khôn ngoan, không biết “giới hạn” cần phải dừng thì hậu họa sẽ khôn lường. Trong điều kiện lịch sử nhất định quan hệ giữa nhà vua và mưu thần vừa phụ thuộc vừa lợi dụng nhau. Ở giai đoạn mới sáng nghiệp, hoặc lúc gặp nguy nan nhà vua có thể hạ thấp mình dùng lễ để thu nạp hiền tài, khiêm tốn lắng nghe ý kiến các mưu thần. Đồng thời nhân tài trong thiên hạ cũng hy vọng dựa vào nhà vua để lập nên công trạng, giúp vua cứu nước hoặc mưu danh lợi cá nhân. Nhưng khi đại nghiệp đã thành nhà vua không cần đến sự giúp đỡ của mưu thần nữa, thậm chí còn cho rằng mưu thần công lao át chủ sẽ uy hiếp quyền vị của mình nên trước sau cũng sẽ tìm cách bức hại. Xưa nay chỉ những bậc đại nhân, đại trí mới nhìn ra điều ấy và chủ động rút khỏi quyền lực đúng lúc. Biết rằng bắt được thỏ rồi giết chó, bắn được chim rồi đốt cung, chủ soái là kẻ chung hoạn nạn chứ không thể cùng hưởng vinh quang. “Địch quốc xong, công thần diệt” đó là bản chất của bạo chúa, Lưu Bang cũng trong số đó. Ông ta vốn là một nông dân vô học làm đình trưởng thời nhà Tần, nhờ biết dựa vào  tài mưu lược của những kẻ sĩ như Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố, Trần Bình ... mà thắng được Hạng Vũ, nhưng ngộ nhận cho đó toàn là công lao của mình, trở mặt với kẻ sĩ.  Có lần ông ta lớn tiếng mắng Lục Giả: “Ta ngồi trên mình ngựa mà được thiên hạ đâu cần đọc Thi, Thư”, vẫn cấm Đạo Nho, vẫn không bãi bỏ lệnh đốt sách Nho ban hành từ đời Tần Thuỷ Hoàng, thậm chí lột mũ của nho sinh liệng xuống đất rồi đái vào. Ông ta vô tài nhưng lại độc tài, tiểu nhân và hèn hạ, mới đầu trọng thưởng ban tước cho những người tâm phúc có công, nhưng trong lòng đầy nghi kỵ chỉ sợ họ lật đổ mình, ngấm ngầm âm mưu hãm hại. Nên giúp Lưu Bang thu được thiên hạ rồi Tiêu Hà, Trương Lương từ quan người về quê, người vào núi ẩn dật sống đời tiên du vãng cảnh. Giúp Câu Tiễn diệt Ngô Phù Sai xong, Phạm Lãi tự nhủ “của cải đã tới ngàn vàng, chức tước đã đến khanh tướng. Đó là tột đỉnh của kẻ áo vải này rồi, nên dừng lại, hưởng lâu không phải là chuyện tốt”, ông thay tên đổi họ trốn sang nước Tề làm thương nhân lấy tiền giúp bầu bạn và người nghèo khó. Chu Văn An giữ chức Quốc Tử Giám tư nghiệp đời Trần Dụ Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ trạng nguyên làm quan đại thần đời Mạc Phúc Hải. Triều chính thối nát, lương dân đói khổ, hai ông dâng sớ đòi chém gian thần. Nhà vua không nghe. Phần thể hiện thái độ bất bình, phần phòng lo hậu họa, cả hai ông đều trả mũ áo rút khỏi chốn quyền lực về quê mở trường dạy học. Trong khi có người hoặc do không nhìn xa thấy rộng, hoặc vẫn bị tham vọng quyền lực tiền bạc cám dỗ nên nỗi phải chết thảm như Hàn Tín, Bành Việt, Văn Chủng, Lý Tư...Đến như Nguyễn Trãi, sau khi giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh xâm lược, thu phục thiên hạ, xin từ quan về vùng núi Côn Sơn ẩn dật. Vậy mà mấy năm sau vẫn bị bọn gian thần trong triều chính hãm hại bằng thảm án Lệ Chi Viên, bị chu di ba họ. Mới biết sự tàn bạo của quyền lực khủng khiếp thế nào.
      Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh những ai vẫn u muội say mê quyền lực. Phải tỉnh  táo và biết điểm dừng.
      Xin hãy nghiền ngẫm Lão Tử. Ông sinh năm 570 trCN, còn có tên là Lý Nhĩ, quê Sơn Đông (đồng hương Khổng Tử), là quan Thái sử uyên bác, là nhà triết học đại danh đương thời, người mà Khổng Tử đánh giá cao và rất mực kính trọng. Học thuyết của Lão Tử lấy “Vô vi” làm gốc. Cơ sở để đạt được “Vô vi” là: “Vô dục”- Bớt, đến tiêu diệt tham lam, ham muốn. “Vô tranh”- Không tranh giành với ai thì cũng không ai tranh giành với mình. “Thủ thế”- Biết lùi để tiến. “Tri túc”- Biết thế nào là đủ để dừng. Nghĩ được vậy, làm được vậy lòng sẽ luôn thanh thản. Có lẽ nhờ thế Lão Tử thọ 160 tuổi mà vẫn minh mẫn.
      Người hiểu mình, hiểu đời phải biết cái gì mình làm được cái gì không. Khi nào nên làm, khi nào nên nghỉ. Lúc nào đời cần mình, lúc nào không mà rút lui đúng lúc. Có người không biết rút lui đúng lúc mà mạt vận. Đã rút rồi là thôi, là nghỉ. Trong sách “Luận ngữ” Khổng Tử viết: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính”, ý khuyên những ai đã thoái vị rồi không nên can dự chính trường nữa. Lịch sử chứng minh ai đã rời khỏi vũ đài còn cố tham gia đại sự đều là vật cản. Đáng buồn thay có những người bệnh “nghiện quyền lực” đã ăn sâu vào tiềm thức tạo thành nếp sống khó sửa. Khi còn chức thì lúc nào cũng tỏ ra đầy quyền uy, oai phong bệ vệ. Khi hết quyền bỗng như quả bóng xẹp hơi, thấy thiếu tự tin, nhỏ bé đi, thấp hèn đi, nhiều lúc đi đứng, nói năng rất gượng gạo. Họ không biết rằng khi hết chức, hết quyền mình mới sống thật hơn, mới nhìn rõ mình hơn và nhìn rõ người khác hơn, mới nhận ra rằng cái chức lâu nay mình giữ chẳng qua cũng chỉ là một bàn thắng trên sàn đấu giá. Bởi thế rất cần tận dụng sự nghỉ ngơi để suy ngẫm. Nhưng không, vẫn cứ thích tỏ ra mình là người quan trọng. Không thể sống mà không có chức, không được đi họp, được ngồi ghế trên, được giới thiệu, được mời phát biểu và được mọi người vỗ tay lốp bốp. Vẫn cố bấu víu một chức việc gì đấy, một chút danh nào đấy, dù danh hờ, danh hão cũng được,dù quyền rơm vạ đá cũng được. Trong khi lớp trẻ từng ngày, từng giờ muốn đổi mới tư duy, đổi mới cách làm, muốn khẳng định mình nhưng không được, bởi không có điều kiện, không có thực quyền. Vì thế, họ thiết tha mong các bác, các chú, các cô về  rồi thì xin “các cụ” cứ nghỉ ngơi, đừng có tham lam ngáng chỗ nữa cho chúng cháu nhờ. Nhưng khốn nỗi “các cụ” kiên trì quá, không chịu,cứ bám.