Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LƯƠNG, THƯỞNG - ĐÔI ĐIỀU MUỐN NÓI

Trần Huy Thuận
Thứ hai ngày 3 tháng 5 năm 2010 2:50 PM
 
Tháng năm này, lại được... "TĂNG LƯƠNG". Ấy là nói theo cách nói của cơ quan chức năng, chứ từ nhiều năm nay, người làm công ăn lương chỉ coi đó là những đợt "BÙ GIÁ VÀO LƯƠNG". Mà nhiều khi đâu có "BÙ" đủ, khi mà thực tế giá đã leo thang  cao ngất ngưởng từ trước đó nhiều tháng?!.
Chúng ta thường nói rất hay rằng "Con người là vốn quý nhất, bởi con người vừa là chủ thể của quan hệ sản xuất vừa là yếu tố quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất - yếu tố duy nhất biết sáng tạo". Rằng "Người làm công ăn lương phải đủ sống bằng lương" Lại nữa: "Đầu tư cho con người nói chung, chăm lo đời sống và tạo điều kiện tốt nhất cho con người làm việc phải được đặt lên vị trí ưu tiên"! Nhưng cái lý thuyết cao cả ấy, chỉ tồn tại trên giấy tờ, trong các buổi rao giảng của các nhà tuyên huấn, chứ chưa thành hiện thực. Với đa số người làm công ăn lương, cho đến nay vẫn chưa sao sống được bằng chính đồng lương lương thiện của mình! Nhân dịp này, thiết nghĩ cũng nên trao đổi thẳng thắn với nhau đôi điều về lĩnh vực này - lĩnh vực TIỀN LƯƠNG và TIỀN THƯỞNG.
***
Lương, thưởng là tiền, nhưng là tiền công lao động, nên nó còn là mồ hôi, cơ bắp, trí tuệ và đôi khi có cả xương máu! Chưa đủ, lương, thưởng còn là danh dự, niềm tự hào... của mỗi con người lao động nữa (trong đó, thưởng còn được đánh giá cao hơn lương: “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”)! Và chính vì lẽ này, mà ở phía ngược lại, cũng cần hiểu rằng: lương, thưởng thể hiện cái đức “trọng hiền tài” của người lãnh đạo, quản lý!
Nhưng lương là lương, thưởng là thưởng. Lương là giá cả sức lao động, thưởng là phần đãi ngộ giá trị hiệu quả của những cống hiến trong lao động. Sức lao động biểu hiện ở năng suất, chất lượng lao động. Còn những cống hiến trong lao động có thể là sự vượt khó, vượt nguy, sự đầu tầu gương mẫu, đem lại hiệu quả rõ rệt. Không nên cũng như không thể lẫn lộn.
Vậy nhưng nhiều khi người ta đã rất cảm tính trong quyết định về lương, thưởng; không chỉ ở cấp vi mô như cơ quan, doanh nghiệp; mà còn ở cả cấp vĩ mô nữa! Trong bài: “Góp bàn về đạo làm thầy” (dantri.com.vn ngày thứ năm, 24-01-2008), tác giả Bạch Tường Minh (Hải Phòng) viết: “... Xã hội cần phải tôn vinh người thầy thực sự chứ không phải chỉ có hình thức. Tôi có một người thầy hơn bốn mươi năm trong nghề, nhà giáo ưu tú hẳn hoi đã nghỉ hưu mà hưởng lương thấp hơn người con của thầy là sĩ quan quân đội chưa được ba mươi năm phục vụ cũng nghỉ hưu”. Bản thân người viết đã có lần hỏi một vị phó bí thư thường trực Tỉnh ủy mới nghỉ hưu, được biết rằng lương hưu già của ông, chỉ ngang lương hưu non anh cảnh sát khu vực nơi tôi đang sống! Có điều này cần phải nói ngay: Nhà nước ta đã từng có một quyết sách rất công bằng và hợp lòng dân: đối với những người công tác hoặc chiến đấu ở chiến trường B, C, K, tùy theo thời gian công tác trực tiếp của từng người mà áp dụng hệ số tính đổi phù hợp. Đấy chính là khoản thưởng, thể hiện sự đãi ngộ đặc biệt, sự biết ơn của xã hội đối với những người con đã hy sinh xương máu cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc! Còn đã là lương, thì nhất quyết phải trả theo sức lao động, theo giá trị, hiệu quả lao động! Thật không thể hiểu nổi, khi hai sinh viên sư phạm cùng tốt nghiệp ra trường, cùng làm công việc giảng dạy trên một địa bàn; mà em nọ được trả lương gần gấp hai em kia, chỉ vì môi trường công tác của hai em khác nhau, một là dân sự, một là quân sự?
Lương cần phải tính đúng, tính đủ. Một bài viết trên Lao Động bình luận: “Ai cũng thấy sự vô lý khi bộ trưởng lương mỗi tháng cũng chỉ 4,5 triệu đồng”! Về điểm vô lý này, tôi cũng đã có lần được phát biểu với ông Đặng Quốc Bảo, lần ông về thăm cơ sở chúng tôi, khi ông còn là Trưởng ban Khoa giáo Trung ương: “Mới nghe thì lương giám đốc như tôi chả nhiều nhặn gì so với lương một công nhân trong doanh nghiệp. Nhưng sau lương, tôi còn nhiều khoản khác, như đi lại bằng xe ô tô công, như tiếp khách bằng tiền doanh nghiệp, như đi tham quan du lịch nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước cấp... Các khoản ngoài lương ấy lại không bị khống chế - nhiều ít tùy tâm người được hưởng! Mà đã tùy, thì rất dễ... tiện, có khi các khoản tùy tiện này lớn gấp mấy lần, thậm chí mấy chục lần... lương! Mầm mống của lợi dụng chức quyền để tham ô trục lợi, bắt nguồn chính từ đây!”. Sự cào bằng trong thiết chế thang, bậc lương, rõ ràng không đem lại sự công bằng. Vậy, tại sao lại không khoán tất cả mọi chi phí hành chính, mọi chế độ về giao thông... tức mọi thứ “tiền chùa” vào lương người quản lý? Lúc ấy, trong xã hội, sự chênh lệch về lương sẽ rất lớn, nhưng công quỹ sẽ được giảm chi và nạn lãng phí, tham ô sẽ được đẩy lùi; bởi không lẽ người ta lại tham ô, lãng phí chính đồng lương của họ? Lúc ấy chúng ta sẽ không chỉ thoáng trông thấy một ông thứ trưởng đi xe ôm đến cơ quan làm việc như báo chí đã đưa, mà sẽ là rất, rất nhiều! Chắc chắn là như vậy.
Lương còn phải trả đúng việc nữa! Làm việc gì, trả lương việc ấy đã đành; việc chỉ cần mức lương này, thì không thể trả mức lương kia. Thí dụ, có người đã nhận xét: ở các nước, cảnh sát giao thông đường phố chỉ là cấp sĩ, cấp úy, chứ không nhiều thiếu tá, trung tá như ở ta! Không biết có quá không, khi nói: nạn lạm phát của ta không chỉ thấy ở lĩnh vực bằng cấp, học hàm, mà còn cả ở quân hàm nữa!
 Lương phải đủ tái sản xuất sức lao động. Dantri.com.vn (Thứ Hai, 19-11-2007 - 10:24AM) đăng bài “Lương có đủ sống?”: ”Tiền lương phải đảm bảo cho người lao động những nhu cầu tối thiểu nhất về ăn, mặc, ở, giải trí. Thế nhưng, với cách tính lương hiện nay, chỉ ăn và mặc đã khấu trừ gần hết. Nhu cầu ở và giải trí thì vẫn còn “ở nơi đâu xa lắm”. Cái cách chúng ta tăng lương mấy năm nay, thực chất chỉ mới bù trượt giá, không hơn không kém! Lý giải về vấn đề này, các nhà nghiên cứu cải cách tiền lương thường viện cớ: không có nguồn! Đã nhiều người nói rồi: nguồn ở chính sự giải quyết tệ lãng phí, tham ô trong bộ máy công quyền; ở chính sự cải cách nền hành chính còn quá cồng kềnh hiện nay! Tác giả Du Long trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần (chủ nhật 09-12-2007) có đưa ra dẫn chứng: “Ngay cả trong các bộ, có những khoản chi nghe tên thì rất hay ho như việc các viên chức giáo dục năm ngoái đi tham quan nghiên cứu giáo dục các nước. Một viên chức tham gia đoàn nghiên cứu đi về kể lại tham quan tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur như thế nào, cao nguyên Genting và sòng bạc ra sao, sang đến Singapore đi Sentosa tắm biển, cuối cùng chỉ đến “ngó” một trường học buổi sáng và một trường khác buổi chiều ngày chót”.
Và nguồn còn cả ở vấn đề này: cần sắp xếp lại một số tổ chức xã hội chi bằng ngân sách quốc gia, mà hoạt động mang tính hình thức, ít hiệu quả. Ví dụ, có Hội chi bằng 38% ngân sách Văn phòng Chính phủ, gấp 2,9 lần Văn phòng Chủ tịch nước! Có Liên minh chi ngân sách là 62.840.000đ, bằng 1,4 lần ngân sách của Văn phòng Chủ tịch nước! Song, người hội viên được hưởng những gì về đầu vào, đầu ra của sản phẩm, về dự báo thị trường? (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 09-12-2007).
 Lương hưu cũng phải được đối xử như lương, bởi nó cũng chính là lương, là giá trị sức lao động quá khứ, là khoản lương trích để dành của người lao động; chứ không phải tiền trợ cấp xã hội! Đã là lương, thì không thể, cùng một cấp bậc, người về hưu sau lại có lương hưu cao hơn người về hưu trước – tiền hậu bất nhất. Dịp Tết vừa rồi, anh bạn tôi đến thăm thủ trưởng cũ của mình, nguyên giám đốc một sở (hai chục năm trước gọi là trưởng Ty), được ông cho biết, lương hưu của ông hiện nhận là một triệu sáu, tức thua lương hưu của anh, một giám đốc doanh nghiệp quốc doanh dưới quyền quản lý của ông, tới 600 ngàn đồng! Còn bản thân anh, lại thua lương hưu của người trưởng phòng kinh doanh chính ngay doanh nghiệp cũ mà anh từng quản lý (năng lực sản xuất kinh doanh hầu như không thay đổi, nếu như không muốn nói là đã sút kém!), chỉ vì anh này nghỉ hưu sau anh bạn tôi gần chục năm! Những thí dụ như thế có rất nhiều và còn vô lý hơn rất nhiều! Cái sự vô lý này liệu có xuất phát từ ý tưởng chỉ biết hiện tại, coi nhẹ vai trò của thế hệ đi trước và là mầm mống của sự quên ơn quá khứ?
Lương, thưởng còn là công cụ giáo dục cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bởi nó góp phần quyết định việc khuyến khích lao động, cải tiến công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động! Cho nên, hoàn toàn có thể nói: trân trọng với việc trả lương, thưởng chính là trân trọng sức lao động, con người lao động! Đó là quan điểm đúng đắn, trước sau như một, nhằm mục tiêu thu hút, khuyến khích và sử dụng nhân tài – điều mà Đảng và Nhà nước ta đã, đang và mãi mãi đề cao!
CON NGƯỜI LÀ VỐN QUÝ NHẤT. Một Đất nước muốn phát triển lành mạnh, bền vững, nhất thiết phải quan tâm thực sự đến đầu tư phát triển con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong đó lương, thưởng là khâu trước nhất.