(Tham luận tại Hội nghị Lí luận Phê bình toàn quốc lần thứ 4, 2016)
Thơ Việt Nam từ năm 1986 đến nay, ta thường gọi một tên chung là thơ Đổi Mới. Hôm nay, chúng ta tổ chức hội thảo, để cùng nhìn lại cái được và cái còn phải vượt lên sau 30 năm đổi mới thơ, đồng hành với 30 năm đổi mới đất nước. Tôi đọc thơ giai đoạn này và nhận ra rằng, gọi chung thơ Việt Nam từ năm 1986 đến nay là thơ Đổi Mới, không sai, nhưng hình như vẫn có gì chưa được thỏa đáng, do đó, chúng ta cũng không thể thỏa đáng trong việc đánh giá những vấn đề mà nó đặt ra, cả về thực tiễn sáng tác và về lí luận văn học. Theo tôi, trong giai đoạn 30 năm qua, có 2 mảng thơ rất khác nhau của hai lực lượng tác giả khác hẳn nhau, vì thế, cần phải đặt lại tên cho nó khác nhau là Thơ Đổi Mới và Thơ Mới thời kì thứ hai.
I - Thơ Đổi MớiKhái niệm này thuộc về các tác giả đã đi qua chiến tranh, dùng thơ làm vũ khí đánh giặc và thơ thực sự đã trở thành một thứ “vũ khí sắc bén” của thời trận mạc. Trước hết phải nghĩ đến các nhà thơ lớn thời đánh Pháp mà tiêu biểu nhất là Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi… cùng nhiều nhà thơ khác, đã đến với việc đổi mới thơ sau năm 1986 như thế nào. Đặc biệt là Chế Liên Viên, với bộ Di cảo, có thể coi là một kiệt tác. Nhưng đó là một nội dung khác, tôi xin phép không trình bày ở đây. Nội dung tôi bàn đến trong bài này là những nét chung nhất, hình thành một diện mạo thơ, của các tác giả cùng thế hệ tôi, lớp nhà thơ chống Mĩ, đã bước vào công cuộc Đổi Mới và tự làm mới thơ mình, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Thi Hoàng, Y Phương, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Nguyễn Thụy Kha, Văn Lê, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo … và nhiều nhà thơ khác. Tôi cũng tự xếp mình vào nhóm tác giả này.
Thơ cuả các tác giả này, ĐÃ có cái cũ và bây giờ, họ đổi cái cũ thành cái mới. Trước hết là đổi mới quan điểm nhận thức và thẩm mĩ, rồi đổi mới chất liệu thơ và cuối cùng là đổi mới thi pháp. Một cuộc cách mạng về thơ, thực sự đã đi qua họ và để lại những thành tựu lớn. Điều đó giải thích vì sao họ trụ vững đến nay và cho đến nay, họ vẫn còn là lực lượng chủ lực của nền thơ, với những tác phẩm xuất sắc, cả thơ và trường ca, được sự yêu mến và trân trọng của nhiều thế hệ bạn đọc.
Hữu Thỉnh, nhà thơ hàng đầu của thế hệ thơ chúng tôi, trong bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng, được phổ nhạc, có câu, tôi ghi theo trí nhớ: “ Năm anh em trên một chiếc xe tăng / Đã lên xe là chỉ nhìn một hướng/ Và khi hát là hòa cùng một giọng”… Tôi coi đó là một tổng kết thơ của thời chống Mĩ. Chúng tôi đã tự nguyện loại bỏ mọi hướng nhìn khác, để trước mắt chỉ có một hướng là nhìn về phía địch, mà ở đó “ chỉ biết có tiến công”.
Chúng tôi cũng tự nguyện loại bỏ ( hoặc giảm bớt) mọi nét khác biệt của tình người và các sắc điệu cá nhân, để cả dàn đồng ca chỉ có một bè, và cất lên chỉ có một giọng. Sự thống nhất đến mức tuyệt đối cả tâm hồn người và gương mặt người, như câu thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên mà thế hệ chúng tôi thuộc lòng: “ Những năm toàn đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt / Nụ cười tiễn đưa con nghìn bà mẹ in nhau”. Chính nhờ sự thống nhất cao độ đó, mà chúng ta đã thắng, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vô cùng khó khăn của thời đại.
Và như thế, về cơ bản, thơ thời chống Mĩ chỉ có duy nhất một tầng nghĩa, bài thơ có đầu có cuối phân minh, kết phải có hậu, ta thắng địch thua phải rõ ràng, ta tốt địch xấu là hiển nhiên, và cách viết, nhất thiết phải dễ hiểu, người đọc hiểu đúng ý tác giả, và ý tác giả cũng là ý của công tác tư tưởng lúc bấy giờ, tuyệt đối không đa nghĩa, không biểu tượng hai mặt. Vì sao? Vì thơ là vũ khí đánh giặc và trực tiếp cổ võ hoặc hướng dẫn người ta ra trận, cần phải như vậy, không thể khác. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Tiến Duật, một dạo gây tranh cãi, là tiêu biểu cho thơ chức năng và thực hiện chức năng thơ của thời ấy. Hoặc bài thơ của một tác giả khác được phổ nhạc, đến nay vẫn phát trên sóng quốc gia: “ Pháo anh trên đồi cao / Nã vào đầu giặc Mĩ ”… Không có chuyện thương người chung chung, không có tính giai cấp, không có tính Đảng. Cái đa thanh của thơ, cái phong phú và nhiều tầng của ngữ nghĩa, để thơ có “thi tại ngôn ngoại”, cái mờ ảo làm cho thơ trở thành huyền diệu, tính phi lí nghệ thuật của hình tượng và cấu trúc nhiều biểu tượng của ngôn ngữ, làm cho thơ vươn tới cái xa xăm… như nó vốn có, hầu như đã không còn. Và ai đó viết theo hướng mà tôi nói trên, đều bị liên lụy. Đó là một thực tế hoàn toàn có thật, mà bây giờ, với đường lối văn nghệ cởi mở hơn của Đảng, chúng ta đã có thể nói điều đó ra được rồi. Và như thế, thơ đã biến thành ca, một loại hình khác, giống như thơ, mà ở những đặc trưng cơ bản nhất, thì nó không phải là thơ ( cũng như thực phẩm chức năng, trông giống thuốc, nhưng không phải thuốc và không thể thay thế thuốc).
Trong thơ hiện đại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người phân chia rất rõ ràng thơ và ca. Người không bao giờ lẫn lộn. Người viết ca để làm “ vũ khí sắc bén” và người đặt tên bài là CA hẳn hoi, như Bài CA du kích, CA đội tự vệ, CA binh lính, CA sợi chỉ và nhiều bài ca khác… lời lẽ trực tiếp, ai cũng hiểu ngay và làm theo được ngay: “Yêu nhau xin nhớ lời nhau / Việt Minh hội ấy mau mau phải vào” hoặc “ Ào ào ào / Ào ào ào / Già nào/ Trẻ nào / Lính nào/ Dân nào / Đàn ông nào / Đàn bà nào / Kẻ có súng dùng súng / Kẻ có dao dùng dao / Kẻ có cuốc dùng cuốc / Người có cào dùng cào / Thấy Tây cứ chém phứa / Thấy Nhật cứ chặt nhào” … vân vân… Đồng thời Người cũng làm thơ để làm “món ăn tinh thần” … rất nhiều bài, thật tươi vui, sinh động: “ Khách đến thì mời ngô nếp nướng / Săn về thường chén thị rừng quay”, có những câu thơ thật đẹp, như thơ cổ điển của các thi hào: “ Tiếng suối trong như tiếng hát xa / Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa…” vân vân… Đến Tố Hữu thì ông cộng hai thể loại đó làm một và ông viết nhiều bài ca hay như thơ. Bằng tài năng sáng tác kiệt xuất của mình và bằng cả cái thế lực của người lãnh đạo công tác tư tưởng lúc bấy giờ, ông đã đưa thơ mình đến với toàn dân tộc và tạo ra một dòng thơ có thể nói là duy nhất chảy trong thơ Việt Nam, từ năm 1950, khi ta thông tuyến biên giới với Trung Quốc cho đến cuối năm 1985, lúc rạng sáng của Công cuộc đổi mới. Những bài thơ mà thực chất là ca ấy, chỉ nhằm thực hiện một chức năng chính yếu và rất cần thiết của thơ ở thời kì đó, là cổ động và tuyên truyền cho việc thực hiện nền chuyên chính vô sản, đánh giặc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên không phải cả nền thơ đều như thế, không phải nhà thơ nào, bài thơ nào cũng như thế, nhưng đại để trên những nét lớn nhất, thì nó đã diễn ra như thế. Và đó là tiêu chí lớn và dường như là tiêu chí duy nhất để định vị giá trị thơ của thế hệ chúng tôi.
Bây giờ, nói lại điều này, không phải để trách cứ hay phủ nhận, mà là để nhìn cho ra nhiệm vụ tất yếu, mà lớp chúng tôi phải làm, là khẳng định giá trị lớn của một thời thơ đánh giặc, đồng thời nhận ra các hạn chế của nó, để trên cơ sở đó, mà đổi từ cái cũ sang cái mới, khi yêu cầu thưởng thức của bạn đọc mà thành phần và chất lượng bạn đọc đã thực sự thay đổi. Về bạn đọc, không kể các bạn trẻ sinh ra sau năm 1986, không biết thế nào là sức tung phá của một quả bom tấn, hay sự khốn khổ như thế nào, khi chúng tôi vẫn hăng hái sản xuất và chiến đấu, mà ngày hai bữa nhai bo bo. hoặc nhai ngô răng ngựa, đau ê ẩm cả quai hàm, vì hai thứ đó vốn là đồ ăn của súc vật. Không kể các bạn trẻ đó, chỉ kể những cựu binh từng đánh Mĩ ác liệt trên các chiến trường Quảng Đà, Bình Long, Phước Long… những năm xưa, nay cũng đã nghĩ khác về người Mĩ, khi Tổng Bí thư Đảng ta bắt tay thân thiện Tổng thống Mĩ tại phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, Hoa Kì… và hàng triệu người khác, không đánh Mĩ, cũng không ghét Mĩ. Tất cả những người ấy phải là bạn đọc của thơ chúng ta. Một nữ bí thư thị đoàn, thị ủy viên, sinh năm 1990, tốt nghiệp đại học Kiến trúc, có lần nói với tôi: “Đoàn viên của cháu trước khi họp, hát bài hát có câu thơ pháo anh trên đồi cao, nã vào đầu… là cháu thấy kinh kinh, thấy ghê ghê người. Cháu không thích bài hát này…” Điều nhận xét ấy của một đồng chí thị ủy viên, bí thư Đoàn một thị xã, cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm... Vậy thơ không đổi cũ thành mới thì không thể tự tồn tại được. Đây là vấn đề của thời đại. Nếu nói một cách đơn giản nhất và rõ ràng nhất, cuộc đổi mới thơ của thế hệ chúng tôi là biến thơ từ “vũ khí sắc bén” của nhiều lớp người, thành “ món ăn tinh thần” của toàn thể nhân dân Việt Nam, dù là ở trong nước hay ở nước ngoài. Đại loại chỉ có thế. Đó là bước phát triển mới, rất tốt đẹp, của các nhà thơ thế hệ chúng tôi, khi bước ra khỏi tầm kiểm soát của những viên đạn.
Do những bài học và kinh nghiệm cá nhân, cùng với việc thẩm thấu hiện thực và cả cái tạng của mỗi người, nên bước đường đổi mới thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mĩ, cũng không ai giống ai. Có người đến bây giờ vẫn ngập ngừng vừa đi những bước rất chậm rãi, vừa lo lắng ngại ngần; có người vượt lên thanh thoát, nhẹ nhàng, rồi tự phát hiện mình trong một không gian và khí hậu thơ khác hẳn; có người dày vò vật vã để tự làm mới mình từ đầu, nhưng vẫn gắn bó cốt lõi với những gì mình đã đi qua… vân vân… Tất cả mọi diễn tiến đó của lao động sáng tạo, đã làm cho thơ của thế hệ chống Mĩ ở thời kì đổi mới, phát triển phong phú, đa dạng, nhiều tầng vỉa, lắm cá tính, giầu sáng tạo, đa thanh, đa nghĩa, và rất thực, một hiện thực đúng như nó đã có, không giả dối, với cả các góc khuất, với cả các cung bậc tình cảm và tâm trạng như nó đã có trong lòng người dân, mà trước đó, chúng ta thường kiêng kị. Với sức tải “ cồng kềnh thơ phú đa mang” ( chữ của nhà thơ Hữu Thỉnh) vậy mà thơ Đổi Mới vẫn có nhiều bài tinh tế, hào hoa, huyền diệu và xa xăm… quả thực là một thành tựu không dễ có, của thi pháp thơ Việt Nam hiện đại. Một số người đã vượt hẳn lên, đạt đến đỉnh cao nhất trong sáng tạo của đời thơ mình ở giai đoạn tiếp theo này. Và như thế, chúng tôi đã trả dần cho thơ đặc trưng của một nghệ thuật thẩm mĩ cao đẹp, hào hoa, tinh tế và giầu biểu tượng, để tác phẩm trở thành “món ăn tinh thần” của nhân dân, chứ trước đây, cũng là sản phẩm của chúng tôi thôi, nhưng “vũ khí sắc bén”, do chúng tôi làm ra, thì bây giờ, chính chúng tôi cũng không dễ mà ăn được, còn nói gì đến nhân dân. Tôi không nêu từng trường hợp cụ thể và giải trình thêm, vì các tham luận trong hội thảo này đã nói khá rõ, và trước nữa, các bài nghiên cứu phê bình cũng đã ít nhiều đề cập đến rồi.
II – Thơ Mới ở thời kì thứ haiKhái niệm này giành cho các tác phẩm thơ có từ 5 – 7 năm sau khi đất nước bước vào công cuộc Đổi Mới năm 1986, và dần dần tạo thành một dòng riêng, mà đặc điểm chung nhất của dòng thơ này, là nó không có ràng buộc gì mấy, với thơ thế hệ chống Mĩ chúng tôi, và dường như cũng không thấy có nợ nần gì mấy, với quá khứ và văn học quá khứ. Ở Việt Nam, hiện đã có từ nhiều năm nay một dòng thơ như thế, còn dòng thơ đó, có chiếm lĩnh được sự yêu mến của bạn đọc, hiện nay và sau này, hay không, chiếm lĩnh được đến đâu… Và bạn đọc có coi nó là giá trị văn hóa và tinh thần cao đẹp của mình hay không… Điều đó có lẽ vẫn còn là một thử thách. Tôi hi vọng thời gian sẽ ủng hộ họ. Các nhà thơ của thế hệ thơ này, hầu hết đều sinh ra sau năm 1975, một số ít sinh trước 1975, nhưng bắt đầu làm thơ từ sau năm 1986. Góp thơ họ với thơ Đổi Mới của thế hệ chúng tôi và gọi chung là thơ Đổi Mới, là không hợp lí. Họ không có cái gì CŨ để mà đổi ra MỚI. Họ sinh ra đã mới rồi, từ dòng thơ đầu tiên, từ cảm nhận thẩm mĩ đầu tiên, đã mới rồi. Họ được học hành bài bản, có thể học và từng làm việc ở nước ngoài, biết ngoại ngữ, sử dụng công nghệ cao, dễ dàng tiếp nhận và hội nhập với nhiều xu thế của văn học hiện đại nước ngoài, trong đó có văn học hiện đại và hậu hiện đại của Mĩ. Phải đặt sáng tác của họ thành một dòng riêng mới thấy được những giá trị và hạn chế mà họ còn phải vượt qua. Có lần tôi đã nói, đó là hồng phúc của một dân tộc, khi các thế hệ tiếp theo, đã thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử.
Người mở đầu cho dòng thơ mới này là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông có công đưa vào thơ hiện đại Việt Nam, cái hơi hướng vừa rất lạ vừa rất mới của thơ Mĩ la tinh. Ông có ảnh hưởng tới hướng đi của nhiều nhà thơ và nhà thơ trẻ sau ông, nhiều người sáng tác ở cả lớp trước và lớp sau, cũng ủng hộ ông, dù lúc đầu không khỏi ngỡ ngàng. Có người viết theo ông, cũng có người không viết theo kiểu của ông, nhưng nhờ thơ ông khích lệ, họ đã viết khác, khác so với ông, lại càng khác so với thơ lớp chúng tôi. Đó là điều thật đáng mừng. Có thể kể ra đây nhiều tên tuổi xuất hiện sau ông ít lâu, như Trần Quang Quí, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Đặng Huy Giang, Vi Thùy Linh, Lê Vĩnh Tài, Li Hoàng Li, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Đinh Thị Như Thúy… và nhiều nhà thơ khác nữa, trong đó, Nguyễn Việt Chiến là một trường hợp thật sự đáng chú ý. Thơ Nguyễn Việt Chiến gần với lớp các nhà thơ chống Mĩ ở tính trữ tình công dân, đôi khi ông giữ vần, để những ý tưởng mới dễ chuyển tải, đồng thời, ông hướng tới một lối tư duy phóng khoáng, hoàn toàn tự do, nhưng vẫn có những chuẩn mực nhất định. Với xu hướng này, tôi nghĩ thơ Nguyễn Việt Chiến sẽ còn đi xa và dễ được sự chấp nhận rộng rãi hơn của bạn đọc, so với các bạn đồng nghiệp khác.
Ở đây, tôi xin phép không nói đến một số nhà thơ lão thành tiên phong, đã quá cố, như Lê Đạt, đặc biệt là Trần Dần và Đặng Đình Hưng … Các nhà thơ đáng kính này, thuộc một kênh khác, họ làm lạ thơ về hình thức nhiều hơn về nội dung, nhằm giải tỏa một tâm lí sáng tạo nào đó hơn là tìm kiếm một chân lí nghệ thuật. Tôi cũng xin phép không nói đến các nhà thơ trẻ hơn mà ta thường gọi là hậu hiện đại. Các nhà thơ trẻ này viết theo lối cực đoan, bất chấp tất cả, kể cả các giá trị văn hóa và thẫm mĩ, vốn là nhu cầu thưởng thức chung của nhiều thế hệ bạn đọc, để đạt bằng được cái mình muốn. Tôi nghĩ, các bạn có quyền viết như thế, nhưng viết như thế, thơ các bạn chỉ có một số ít người đọc mà chủ yếu là chính các bạn mà thôi.
Tôi đặt tên dòng thơ mở đầu từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là “Thơ Mới thời kì thứ hai”, là trân trọng và muốn đánh giá đúng những đóng góp tích cực của nó. Và như thế, phải đặt nó sau “Thơ Mới thời kì thứ nhất,” để tìm ra một lời giải cho cái nó đạt được và còn chưa đạt được. Đây là lần thứ hai, thơ hiện đại Việt Nam được nạp thêm một nguồn năng lượng mới. Các nhà thơ mới ở thời kì Thơ Mới lần thứ nhất, đã có công đưa vào thơ hiện đại Việt Nam, cái hơi hướng tươi mát, giầu trực cảm, có cả nhục cảm, nhưng nói chung là sang trọng, nhiều bản sắc cá nhân, của thơ Pháp, mà trước đó thơ ta chưa từng có, để xua tan cái ám ảnh gò bó chật chội, nhiều giáo huấn và cũ xưa của thơ khoa cử luật đường, còn thịnh hành thời bấy giờ. Có lẽ vì thế chăng, mà cùng với tài năng đặc biệt của mình, ngay sau việc “ thử trình làng một bài THƠ MỚI” ( chữ của Phan Khôi với bài Tình già) là bước đột phá vang dội của thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư và Phạm Huy Thông, để vươn tới đỉnh cao là thơ Xuân Diệu và thơ Huy Cận, trong đó Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới và Huy Cận là nhà thơ viết hay nhất trong các nhà Thơ Mới. Tất cả chỉ trong vòng có 10 năm mà “ định đoạt được thiên hạ”. “Thơ Mới thời kì thứ hai”, đã non 30 năm, mới chỉ khẳng định được sự tồn tại rõ ràng và chính đáng của mình, dù thế cũng đã là một thắng lợi lớn. Trừ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, còn các nhà thơ khác, việc ngã ngũ được hẳn các giá trị, vẫn còn phải chờ thêm. Vì sao thế? Nếu đề xuất của tôi được chấp nhận, thì tôi tin là chính các nhà thơ của thời kì Thơ Mới này, sẽ có câu trả lời có sức thuyết phục hơn những giải trình, nếu có, của tôi. Tất nhiên, tôi nói đây là nói tới sự thắng lợi của một trào lưu thơ, với các tên tuổi có sức chinh phục cao hơn, mà tôi mong muốn nó phải có, như đã từng có trong thi ca Việt Nam ở “ thời kì Thơ Mới lần thứ nhất”, những năm 1932 – 1942 của thế kỉ trước.
Điều cuối cùng tôi nói là, dù muốn, dù không, chỉ khoảng 10 đến 15 năm nữa, những người cuối cùng trong thế hệ chúng tôi sẽ rời khỏi thi đàn. Chúng tôi đã viết hết cái tâm của mình, cũng đã bộc lộ hết cái tài của mình, vì một nền thơ nặng nợ với xương máu của cả dân tộc. Cái mà chúng tôi ở thời của chúng tôi, không thể vượt qua, các bạn sau chúng tôi đã vượt qua, đó là một may mắn lớn, không chỉ cho các bạn, mà cho cả nền văn chương. Vấn đề là các bạn nên tự điều chỉnh mình, như thế nào đấy, về tất cả những gì mà các bạn cho là thiết yếu, để thơ của các bạn đồng hành được với dân tộc trong cuộc sinh tồn của tương lai cũng không kém phần gay gắt và khốc liệt. Hãy để cho chúng tôi được quyền hi vọng và tin cậy vào các bạn.
Hạ Long 10/5/ 2016