Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀN GÓP VỚI NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA

Đường Văn
Thứ năm ngày 9 tháng 6 năm 2016 5:32 AM


Về khổ thơ cuối trong bài KHI MÙA THU SANG
Đọc cuốn sách Hầu chuyện Thượng đế (bản in lần thứ 3 (NXB Văn học, 2015), thấy ngòi bút báo chí, (bình luận văn chương, nhất là bình thơ) của tác giả quả thật rất hài hóm, thú vị, tinh tế mà không kém phần sắc sảo, tài hoa. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ có đôi lời bạn góp, đề nghị chỉnh sửa một chút văn bản 4 câu thơ cuối cùng bài thơ Khi mùa thu sang của Thần đồng thi sỹ trong bài Chỉ cần thay một chữ…, Trần Đăng Khoa trả lời thư của em học sinh chuyên Văn tỉnh Bến Tre Huỳnh Thị Thanh Tâm (tr. 33 – 39).
1. Với tư cách là tác giả bài thơ, nhìn chung, ý kiến trả lời thắc mắc mà người bạn đọc trẻ tuổi băn khoăn của anh Trần là thỏa đáng. Nhưng, đọc – ngẫm nghĩ kỹ lại, với tư cách bạnđọc, thì hình như lại không hoàn toàn như vậy!... Tôi cho rằng cách nói của tác giả trong câu thơ: Thu sang rồi đấy! Thu sang! là cách nói xuôi, kết thúc bằng thanh bằng, vần bằng(sang), mang ý vị và ấn tượng riêng.
Còn cách sửa của em Tâm cũng rất hay, rất thú vị và sáng tạo. Vì nó không làm thay đổi về ý mà chỉ thay đổi về nhịp điệu, vần điệu. Nó tạo ra 1 cách nói mới, 1 cấu trúc ngữ pháp mới. (1 câu thuật – cảm). Từ nhịp chẵn (đôi) 4/2 chuyển thành nhịp ba (lẻ) 2/2/2; nhỏ hơn, nhanh hơn, gấp hơn và đều hơn. Kết hợp với thủ pháp tạo điệp ngữ liên tiếp: “Thu sang”; kết câu ở thanh trắc, vần trắc (đấy) sẽ tạo ra ý vị mới, ấn tượng mới, mạnh hơn, khác so với ý vị và ấn tượng do điệp ngữ gián cách, nhịp chẵn và vần bằng do nhà thơ đem lại.
2. Nhưng, nếu câu thứ hai đặt trong cấu trúc toàn bộ khổ thơ, thì đúng như anh Khoa đã phân giải, nó bị lạc vần, lạc nhịp và có phần lạc điệu và bị phá vỡ cấu trúc chung. Tuy vậy, tôi cho rằng vẫn có thể chỉnh sửa, sắp xếp lại cả 3 câu còn lại cho hợp lý, hợp tình (lôgich thực tế và lô gich nghệ thuật) hơn nữa. Ấy là bởi:
+ Từ tiếng trong câu: Những muốn kêu to một tiếng, sử dụng chưa chính xác, dù hiểu theo nghĩa đen từ vựng hay nghĩa rộng hình tượng, khái quát. Bởi, dòng tiếp theo là 2 câu cảm – thuật, thuật trọn vẹn, gồm 6 tiếng: Thu sang rồi đấy! (1; câu cảm) Thu sang! (2; câu thuật).
+ Câu cuối:
Cõng cháu chạy nhông khắp làng…
theo tôi, từ chạy nhông (chạy loăng quăng, lông nhông, nhởn nhơ, chơi đùa, không chủ đích) sử dụng ở đây là chưa phù hợp với tuổi tác và sức khỏe của cụ già Nguyễn Khuyến (chắc khi ấy cũng đã vào tuổi U70 hoặc U80!) đang cõng cháu đi chơi trong những ngõ xóm, đường làng quê Yên Đổ, dẫu tính cụ Tam nguyên vốn hóm hỉnh, thich đùa và rất yêu chiều cháu.
3. Từ những ngẫm ngợi lăn tăn như vậy, tôi nghĩ. vẫn có thể chỉnh sửa khổ thơ trên, bằng cách 1:
Giữ nguyên cấu trúc câu, khổ; chỉ thay các từ. Như sau:
1. Những muốn kêu to vài (6) tiếng:
Thu sang rồi đấy! Thu sang!
Lòng bỗng nhớ ông Nguyễn Khuyến,
Cõng cháu thong dong khắp làng…
Hoặc cách 2:
Kết hợp giữa thay từ với sắp xếp lại cấu trúc, trật tự từ trong câu và thứ tự các câu. Như sau:
2. Những muốn kêu to một câu:
Thu sang, thu sang rồi đấy!
Nguyễn Khuyến, lòng bỗng nhớ ông
cõng cháu thong dong, chiều ấy…
Bài thơ Khi mùa thu sang của Trần Đăng Khoa đã được khẳng định và định hình từ rất lâu bằng văn bản in trong sách. Chỉnh sửa văn bản là việc và quyền của tác giả. Nay nhân tâm đắc với ý kiến khá mạnh bạo của cháu học sinh năng khiếu và lời trao đổi lại của tác giả, tôi mới không ngại vô duyên, bàn nối điêu đôi lời. Thiển ý mạo muội, lại bàn góp muộn màng, không khỏi mang tiếng vẽ rắn thêm chân!... Rất mong được lắng nghe cao luận của tác giả cùng bạn đọc yêu thơ chỉ bảo. Trân trọng!
Bắc từ Liêm, Hà Nội, 5/6/2016. ĐV
Ảnh: Tranh trong của TN