Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc “ NHỮNG NGƯỜI THẦY ” NGHĨ VỀ NGHIỆP VĂN

Phạm Ngọc Chiểu
Thứ ba ngày 7 tháng 6 năm 2016 2:06 PM



 

Đã có mường tượng trước về cuốn sách ngay từ khi đọc bản thảo, nhưng quả thật khi nhận điện đến kiểm tra chất lượng sản phảm, đón bộ sách thơm sực mùi mực in do quản đốc phân xưởng Công ty CP Khoa học và Công nghệ trao cho, tôi vẫn tròn mắt trước “Những người Thầy” của Nguyễn Hải. Tôi gọi “bộ sách”, bởi với 900 trang ruột khuôn khổ 14,5 x 20,5 cm của Nguyễn Hải, sách hoàn toàn có thể chia hai tập, ba tập in cùng số đo, tập nào vẫn ra dáng đàng hoàng tập ấy, không sợ “hẻo”. Chẳng chia như thế, dồn vào một quyển, với giấy xốp vàng nhẹ Phần Lan đóng xén dày hơn nửa gang tay, thêm bìa cứng gáy tròn, “Những người Thầy” tạo được ấn tượng với bất cứ ai cầm sách trên tay ngắm nghía. Ngắm chứ, hãy ngắm cái dung nhan hiển hiện trên bìa sách. Nổi trên nền xanh lá cây đậm là ba chữ Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc. Ba chữ Nôm “Những người Thầy” viết lối thư pháp đặt dọc, chữ đỏ nền vàng, hắt bóng vào giữa bìa. Vuông góc dưới chân ba chữ Nôm gợi niềm tự hào của Văn hóa cha ông xưa, là ba chữ Quốc ngữ thời hiện đại với mẫu tự La Tinh, chữ vàng đổ bóng thành tầng thành lớp như lớp lớp “Những người Thầy” chữ Nôm. Không gian trong hai kiểu chữ liên tưởng đến cái mặt bàn, trên đó có quyển sách mở, cái kính trắng đặt nhẹ lên hai trang giấy ẩn hiện những hàng chữ. Thế thôi, không có người. Mà lạ, người thưởng lãm vẫn nhìn thấy bóng dáng một người Thầy. Ông vừa ngồi đó đọc chữ Thánh hiền, vẻ như đã mỏi nên đặt nhẹ cặp kính xuống trang sách đang đọc dở, đứng lên đi lại. Bóng ông vừa khuất sau rèm...

Tôi đã nhìn thấy đúng như thế trên bìa sách của cây bút họ Nguyễn, một bìa sách tĩnh mà động, thật nhiều khơi gợi, khiến ta không thể không háo hức muốn nhanh chóng khám phá nội dung bên trong “Những người Thầy”.

Phụ đề của sách in một dòng mạch lạc: Tập truyện về các nhà giáo nổi tiếng của Việt Nam.

Nội dung chính yếu của 900 trang sách in 62 thiên truyện ký kể về những đấng bậc chói sáng nhất trong hàng ngũ những con người gánh vác trọng trách làm người dẫn dắt Nghiệp Học nước ta suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước.

Người Thầy đầu tiên của “Những người Thầy” là một ngôi sao Khuê bừng sáng trên bầu trời văn hiến nước nhà, “một hiền tài tuấn kiệt giữa đời Trần”, tỏa bóng xuống nghiệp Trồng Người Việt Nam suốt 700 năm qua. Đó là thầy Chu Văn An, người được coi là “niềm tự hào của Giáo Giới Việt Nam”. Thiên truyện giới thiệu bậc Đại trưởng lão của Giáo giới viết thật kỹ không chỉ về tư liệu mà còn đặt ra cho người đọc nhiều điều đáng suy ngẫm. Ví như, sách Đăng Khoa Lục soạn cuối đời Lê, viết Chu Văn An đậu Thái học sinh (tức Tiến sĩ), nhưng thực Chu tiên sinh không có bằng cấp khoa bảng, vì cụ không ứng thí trường quy nào. Không ứng thí, không bằng sắc mà dân gian vẫn cung kính coi là Thầy Lớn của thiên hạ, vì cụ đã rèn dạy nên những học trò rất giỏi giang, thành đạt cỡ Phạm Sư Mạnh đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) làm quan đến chức Nhập nội hành khiển tri khu mật, hay Lê Bá Quát (Lê Quát) đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ. Đệ nhất danh làm đến Thượng thư Nhập nội hành khiển. Giỏi thế, làm to đến thế, mà mỗi lần về thăm thầy Chu vẫn giữ đạo làm trò, được Thầy dành cho ít thời gian trò chuyện đã lấy làm vinh hạnh lắm. Còn bậc vua chúa đối với Thầy thì sao ? Vua Trần Minh Tông trân trọng mời Thầy Chu vào triều làm Tư nghiệp Quốc tử giám, dạy Thái tử học. Qua sự trọng vọng, tôn vinh của toàn xã hội với thầy Chu Văn An, cho thấy một bài học sáng đến ngày nay: Sự tự học là vô cùng quan trọng, và dân tộc ta, từ xa xưa đã thật sự trọng thức tài. Điều lớn thứ hai qua thiên truyện về Thầy Chu là bản lĩnh, khí phách của người Thầy, qua việc Thầy dũng cảm dâng sớ xin vua chém đầu bảy tên quan nịnh thần đang làm điên đảo triều chính, lại ở gần vua nhất. Lịch sử giáo giới nước nhà, ai làm được thế ngoài Thầy Chu ? Bởi thế mà “Thất trảm sớ” của thầy mới lưu danh muôn thủơ.

Tôi đọc một mạch hai mươi tám thiên truyện, hai mươi tám gương sáng về những người Thầy thời xa xưa của Nghiệp Học nước nhà. Sau bậc trưởng lão Chu Văn An là các Thầy Phan Phù Tiên, Nguyễn Trực, Thân Nhiên Trung, Nguyễn Bỉnh Khiểm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Duy Thì, đến dòng tộc lừng danh có ba ông cháu nổi tiếng của nhà giáo Nguyễn Quý Đức... Dừng đọc một chút cho thị lực đỡ mỏi, tôi ngẫm về hai người Thầy mà nếu không đọc sách này của Nguyễn Hải, đúng là tôi chưa được biết danh thơm hai cụ. Thứ nhất là cụ Vũ Tông Phan. Thứ hai là cụ Đặng Xuân Bảng. Nhà tôi nép trong một ngách nhỏ thuộc phố Khương Trung. Con phố nhỏ hẹp bắt đầu từ cầu Mới, Ngã Tư Sở chạy xiên vào làng Khương Đình nay đã lên phường, chỉ từ sau khi được thành phố mở thêm nhánh đường ven sông Tô Lịch, sự lưu thông người – xe trên phố mới đỡ tắc nghẽn. Cái nhánh mở thêm ấy ban đầu được treo biển “Khương Trung mới”, sau thay bằng tấm biển trang trọng “Phố Vũ Tông Phan”. Hôm đầu tiên nhìn tên phố mới, tôi thoáng nghĩ chắc là tên tuổi một anh hùng liệt sĩ hoặc một ông tướng chống Pháp, chống Mỹ nào. Hóa ra, đọc “Những người Thầy” mới hay: Cụ Vũ Tông Phan đậu Tam giáp tại khoa thi năm 1826, đời Minh Mạng thứ 7, đồng Tiến sĩ với Phan Thanh Giản (gần đây mới biết cụ Giản chính là cụ nội cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), khi mới 23 tuổi mụ. Sau khi cáo quan, mở trường dạy học, một tay Thầy Phan đã đào tạo nên bao nhân tài cho đất nước. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Tư Giản, Tiến sĩ Lê Đình Diên, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp và các Phó bảng Phạm Hy Lượng, Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Dạng... Nguyễn Huy Đức chính là cụ cử Vũ Thạch, sau này cùng cụ cử Kim Cổ dạy Lương Văn Can, Thục trưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục muôn đời danh thơm. Nhưng công lớn của Thầy Vũ Tông Phan không chỉ sáng trong việc dạy học. Thầy còn được xem là nhà Văn hóa lớn, có công giữ gìn, bồi đắp, tôn tạo Văn hiến Thăng Long. Chính Thầy Phan cho xây dựng lại đền Ngọc Sơn, lấy nơi này để giáo hóa kẻ sĩ và chúng dân đất kinh kỳ bằng cách biến ngôi đền thành trụ sở của Hội Hướng Thiện của giới sĩ phu Bắc Hà, với tôn chỉ: Nâng cao dân trí, đổi mới dân sinh. Để làm được điều đó, Thầy Phan chủ trì việc biên tập và khắc in nên bộ sách Cổ văn hợp tuyển dày 8000 trang và các bộ sách lừng tiếng khác như Kinh đạo nam, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Phương sơn từ chí lược của Nguyễn Thu, Khán sơn đình thi tập của Đặng Huy Tá, đặc biệt là bộ Tổng tập đồ sộ của Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) là Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút, Anh ngôn tập, Văn ký tập. Nhờ công Thầy Phan mà đến nay đền Ngọc Sơn còn lưu giữ được hơn một ngàn bản ván khắc in sách, chưa kể số ván khắc được lưu tại chùa Liên Phái – Bạch Mai do dòng họ Vũ cất giữ. Điều này càng có ý nghĩa lớn lao khi ngày 31/7/2009, các mộc bản triều Nguyễn nước ta được UNESCO ra quyết định công nhận là Di sản Tư liệu thế giới, và như thế càng thấy công lao của Thầy Vũ Tông Phan cống hiến cho Văn hóa Thăng Long nói riêng và Văn hóa Việt nói chung lớn đến mức nào !

Chuyện Thầy Vũ Tông Phan thì vậy. Còn chuyện Thầy Đặng Xuân Bảng ?

Quê tôi là xã Trực Bình, nay là xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, bên này cây cầu Lạc Quần vắt ngang sông Ninh Cơ. Qua cầu, ngược lên đất Xuân Trường, đến ngã ba rẽ đi Giao Thủy có một dốc dài gọi là dốc Xuân Bảng. Thời còn ở quê, qua lại nhiều lần dốc đó, tôi đâu hay tên dốc ghi danh một tên tuổi lớn không chỉ của Xuân Trường (Ngày nay, trên bán đảo Linh Đàm của Thủ đô Hà Nội cũng đã có một tên phố mang tên cụ). Người ấy, 8 tuổi đã đọc sách thánh hiền, 12 tuổi đã nhuần kinh sử, nhưng nhà nghèo chỉ ở nhà học cha mà không được đến trường, và năm 19 tuổi mới lần đầu ứng thí, đỗ ngày Tù tài. Ba năm sau, thi lần hai, đậu cử nhân. Sáu năm sau, lều chõng thi Hội đậu, được vào thi Đình, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ. Sách kể rằng, lẽ ra kỳ thi ấy cụ đậu Hoàng giáp, nhưng vì cương trực, ngay thẳng, trong bài thi dám bày tỏ lời can vua chúa phải tránh xa “Thanh – Sắc”, thế là bài phạm “húy”, bị hạ điểm xuống chỉ đỗ Đệ tam giáp thôi. Tài ấy, khí tiết ấy khiến hoạn đồ trải suốt 8 đời vua, sau phải xin từ quan về quê viết sách và dạy học. Viết sách thì để lại chồng cao những trước tác. Ngay năm đầu (1857) được Tự Đức vời vào triều giao cho chức Bí thư văn phòng Nội các, cụ đã được giao soạn bộ sách Nhân sự kim giáo (loại sách Nhân vật chí, như sách về Danh nhân ngày nay). Sau hai năm biên soạn, biên tập, san định, cụ hoàn thành bộ sách được vua khen. Năng khiếu trời cho đó, khi được rũ bỏ mọi việc để chuyên vào việc soạn sách, sao chẳng để lại nhiều trước tác cho đời. Cụ Đặng để lại số trước tác không chỉ lớn về số đầu sách, mà lớn cả về đề tài. Các lĩnh vực từ Lịch sử đến Giáo dục, Thiên văn, Địa lý, Tướng số, Lý dịch bói toán, cả đến sách về Binh thư, Từ điển cụ đều có sách để lại.

Công lớn thứ hai của cụ Đặng Xuân Bảng được lưu đời truyền tụng là cống hiến cho Giáo dục. Mươi hai năm chuyên tâm dạy học, ngoài công soạn sách cho việc dạy và học, Thầy Đặng đã rèn dạy được 57 môn sinh đỗ đạt cao, có khoa thi riêng trường Thầy đỗ 11 người, một kết quả có lẽ vô tiền khoáng hậu thời ấy và cả thời nay.

Người Thầy lừng danh đó sinh ra ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường. Làng nổi tiếng này, thời Cựu học có đến 419 người đỗ đạt, trong đó bảy người đỗ đạt cao (3 Tiến sĩ , 4 Phó bảng), 97 Cử nhân, 315 Tú tài . Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng là người có bằng cấp cao nhất làng. Ngày nay, Hành Thiện có hơn sáu ngàn dân mà có hơn 600 Cử nhân, còn Tú tài thì nhà nào cũng có. Thống kê mới đây cho biết, Hành Thiện có 88 người được phong học hàm, học vị Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ; 4 người mang hàm Bộ trưởng (thời Cựu học, Hành Thiện cũng có 4 người được phong Thượng thư). Đất phát sinh người tài, hay ngược lại ? Chỉ biết từ khi có Đặng tiên sinh khai mở con đường học vấn và bước vào quan trường, Hành Thiện thành đất học, đất quan. Mới có những câu ca truyền tụng trong dân gian về đất làng Địa linh Nhân kiệt này: “Bắc Cổ Am, nam Hành Thiện !” (phía bắc có đất Cổ Am sinh ra Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía nam có đất Hành Thiện sinh ra Đặng Xuân Bảng và các bậc tài danh khác); “Đất học Nghệ An, đất quan Hành Thiện !” ; “Đậu phụ Thủy Nhai, Tú tài Hành Thiện !”

Đặc biệt thú vị và đáng để mọi người ngẫm về dòng tộc của Đặng tiên sinh và làng Hành Thiện, là cụ sinh cho đất nước một Nhà văn có bút lực mạnh mẽ là Đặng Xuân Viện, người đã tham gia Nam Việt đồng thiên hội, viết bộ sách Minh đô sử 100 cuốn, và sáng tác nhiều bộ tiểu thuyết , trong đó có bộ “Trần – Nguyễn chiến kỷ” nổi tiếng viết về ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông của quân dân nhà Trần. Rồi Nhà văn Đặng Xuân Viện lại sinh cho đất nước một người con xuất chúng thời nay. Đó là Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, hai lần giữ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, cũng từng giữ các chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước) và Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, tác giả của ba sản phẩm trí tuệ siêu việt ứng vào ba thời điểm có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Ba sản phẩm đó là:

- Một: “Đề cương Văn hóa Việt Nam” viết năm 1943.

- Hai, chỉ thị: “ Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta !” viết và ký tháng 3/1945.

- Ba, ba mệnh đề nổi tiếng được coi như Tuyên ngôn khởi phát sự nghiệp đổi mới đất nước do ông khởi xướng, viết trong “Báo cáo chính trị” Đại hội 6 của Đảng tổ chức tháng 12/1986 do chính ông soạn thảo (Đọc: “Tổng Bí thư Trường Chinh – Tổng Bí thư đổi mới” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Nguyên văn ba mệnh đề đó:

+ Nhìn thẳng vào sự thật !

+ Đánh giá đúng sự thật !

+ Nói rõ sự thật !

Quả là một dòng dõi kiệt hiệt !

***

Đọc tiếp 34 thiên truyện về 34 tấm gương Nhà Giáo thời Tân học, càng đọc càng thấy mừng cho dân nước mình đời nối đời có những Nhà Giáo tâm trong trí sáng gánh vác Nghiệp Học nước nhà. Nói thời Tân học là nói thời bút sắt viết chữ Quốc ngữ mới của nước ta, thứ chữ viết theo mẫu tự La tinh do Franciseo de Pina – giáo sĩ người Bồ Đào Nha sang nước ta truyền đạo vào năm 1617, là người đầu tiên lấy mẫu tự La tinh để ghi âm tiếng Việt và năm 1623 ông cho ra đời cuốn: “Sách học về từ vựng, các thanh và ngữ tiếng Việt”. Đến năm 1651, giáo sĩ Alexandre de Rhodes – thành viên trong đoàn truyền đạo của Fracisco de Pina ra Đàng ngoài truyền đạo, cho ra đời cuốn “Mô tả ngắn gọn tiếng An Nam hay Đàng ngoài”, in chung trong cuốn “Từ điển An Nam – Bồ Đào Nha – La tinh”. Vậy là, nhờ hai giáo sĩ truyền đạo người Bồ và người Pháp, nước ta đã dần có chữ viết mới. Nhưng, người có công truyền bá chữ Quốc ngữ mới, qua việc xuất bản tờ báo tiếng Việt đầu tiên là “Gia Định báo” và tiếp đó là việc mở lớp dạy học chữ cho trẻ em nghèo, là Nhà báo, Nhà giáo Trương Vĩnh Ký. Cần nói thêm rằng, Trương Vĩnh Ký tự mình làm hai việc trên đây từ năm 1867, trong khi mãi đến năm 1915, Chính phủ Nam Triều mới cho thực hiện cải cách giáo dục, dạy và học theo Quốc ngữ mới, đủ thấy công đầu của Trương Vĩnh Ký trong việc truyền bá Quốc ngữ mới lớn đến mức nào. Hẳn là vì vậy mà tác giả Nguyễn Hải đặt ông lên vị trí đầu tiên của đội ngũ những người Thầy thời Tân học trong cuốn sách của mình để khẳng định công lao của ông.

Mở đầu là Thầy Trương Vĩnh Ký, khép lại là Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, một Nhà khoa học, một Nhà giáo, đồng thời là Nhà lãnh đạo có uy tín lớn được bầu là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Bên trong là những tên tuổi lừng danh của làng Giáo nước nhà: Nguyễn Bá Học, Nguyễn Quyền, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim... Rồi Phạm Quỳnh, Hoàng Ngọc Phách, Dương Quảng Hàm ... Rồi Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hiển Lê... vân vân và vân vân.

Quả thật tên tuổi nào cũng sáng, đáng để người đọc tìm hiểu, khám phá. Riêng tôi, tôi dừng lại ngẫm nghĩ nhiều về bốn người Thầy thời Tân học đầy biến động: Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim và Vũ Đình Hòe, Võ Nguyên Giáp. Hẳn nhiên bốn vị đều có tài trí hơn người. Điều giống nhau nữa của bốn vị là tên tuổi bốn người không chỉ lưu danh trong làng Giáo mà còn ghi danh vào lịch sử Việt Nam hiện đại theo cách thức khác nhau. Lịch sử run rủi thế nào, mà bốn người chia thành hai cặp, mỗi cặp để lại nỗi lương vương trong lịch sử rất riêng khiến người đương thời và các thế hệ kế tiếp sau này phải suy nghĩ.

Cặp thứ nhất: Vũ Đình Hòe – Võ Nguyên Giáp. Đọc tiểu sử hai người thấy nhiều sự tương đồng lạ lùng. Thời cắp sách, cả hai cùng học giỏi có tiếng. Khi có bằng Tú tài, cả hai cùng thi vào học khoa Luật của Viện đại học Đông Dương, cùng học giỏi để rồi mỗi người đều có bằng Cử nhân Luật trong tay. Hai vị lại cùng chí hướng: ham hoạt động xã hội ngay tuổi học sinh, sinh viên, giỏi nghề báo, lấy báo chí làm phương tiện để thực hiện hoài bão và tinh thần yêu nước. Cùng kính phục, tôn thờ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cả hai cùng được Người yêu quý, trọng dụng. Vậy nên, ngay sau cách mạng tháng 8 thành công, cả hai cùng có mặt trong thành phần Chính phủ đầu tiên, với cương vị Bộ trưởng: Cụ Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau mới làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trên cương vị của mình, hai vị đều tận tâm, tận lực cống hiến tài năng, công sức cho đất nước. Cụ Hòe có công lớn cho ngành Giáo dục và ngành Tư pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt ba mươi năm cầm quân đánh giặc, giải phóng toàn vẹn đất nước, thành vị tướng huyền thoại của lịch sử quân sự thế giới. Nhưng trớ trêu thay, cả hai cùng bị lịch sử chơi trò đùa ác, như để thử thách cái tầm mức vĩ nhân. Thêm sự lạ nữa: cả hai cùng nghe theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh để tự hóa giải vấn nạn. Giáo sư Vũ Đình Hòe nhớ lời khuyên của Cụ Hồ: “Hãy vì đại nghĩa, lấy đại nghĩa mà phân xử, mọi việc sẽ êm ả” để có thể tiếp tục cống hiến, sống ung dung tự tại sáu chục năm cuối đời, trước khi bước lên đài Bách tuế. Còn Võ Đại tướng thì lấy câu “Dĩ công vi thượng” Bác Hồ từng nhắc nhở để vượt qua nỗi ẩn ức dài suốt mấy chục năm cuối đời, trước khi bước lên đài Vinh quang Vĩnh cửu !

Chưa tan nỗi vấn vương về hai người Thầy lớn Vũ Đình Hòe – Võ Nguyên Giáp, tâm trí lại vướng bận về hai người Thầy mà tên tuổi cũng để lại dấu vết trong lịch sử. Đó là Trần Trọng Kim và Phạm Quỳnh. Nhà giáo Trần Trọng Kim từng tốt nghiệp trường Sư phạm Me Lum bên Pháp tháng 7/1911, từng dạy học ở trường Bưởi, rồi trường hậu bổ (Trường dạy phép làm quan). Trường Sư phạm, sau này làm Thanh tra Tiểu học, Giám đốc Hội đồng soạn thảo sách giáo khoa Tiểu học... Ông cũng là người soạn sách có tiếng, để lại hai tác phẩm tầm cỡ là Việt Nam lược sử và Nho giáo, cùng hàng loạt cuốn sách viết về Giáo dục học. Tiếc thay, vì ngây thơ chính trị, ông đã tham gia chính trường, nhận đứng ra thành lập Chính phủ thân Nhật với vai trò làm Thủ tướng, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Việc đó, dù chỉ kéo dài 4 tháng trời, và như ông tự than trước khi nhắm mắt: “Tay không lại hoàn tay không !”, nhưng vẫn để lại dấu vết trong lịch sử và trong cuộc đời ông một sự tiếc nuối về sự nhầm lẫn của một người Thầy. Khép lại thiên truyện về Trần Trọng Kim, tác giả Nguyễn Hải hạ ba câu như một tiếng thở dài:

Một tài năng tầm cỡ

Một tiết tháo hoen mờ !

Một cái tên, liệu rồi mai một, một mai ?...

Trường hợp Thượng thư Bộ học Phạm Quỳnh lại có sự éo le khác. Con người có xuất thân không may mắn. 9 tháng tuổi mồ côi mẹ, 9 năm tuổi mô côi cha, ốm đau quặt quẹo tưởng chết, may được trời phú cho sự thông minh hơn người, 16 tuổi đã có bằng Thành chung, vào làm việc tại trường Viễn Đông bác cổ và tham gia viết báo, 25 tuổi đã làm Chủ bút tờ tạp chí Nam Phong, dùng Nam Phong cổ súy cho Nghiệp học nước nhà. Lại cùng Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập Hội khai trí tiến đức, làm Tổng thư ký Hội đó. Có đến 8 năm làm giảng sư trường Cao đẳng Đông Dương, tiền thân trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày nay (mặc dù chưa từng có tấm bằng tốt nghiệp Đại học nào trong tay). Và là chủ xướng thuyết “Lập hiến” cũng là tác giả của nhiều trước tác có giá trị học thuật về nhiều ngành: Triết học, Văn học, Giáo dục, Lịch sử, Tôn giáo... Con người của những tuyên ngôn lay động lòng người: “Muốn xây dựng Quốc gia phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa...” ; “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn !” Nhận thức chính trị của người đó thế nào ? Ông từng tuyên bố ngay trên diễn đàn của Viện Hàn lâm Pháp ngày 22/7/1922: “Không một cộng đồng dân cư nào chịu được nữa cảnh bảo hộ !”, và chính ông từ chối sự ủy thác của Bảo Đại, không đứng ra lập Chính phủ mới, một Chính phủ thân Nhật, không có thực quyền, nên Bảo Đại mới vời đến Trần Trọng Kim. Người được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Không phải là người xấu !

Nhà giáo Phạm Quỳnh là vậy. Cho nên, kết thúc thiên truyện, tác giả Nguyễn Hải đã nhắc lại cách đánh giá của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi: “Phạm Quỳnh là người theo chủ nghĩa Quốc gia, lấy việc cách tân văn hóa để làm sống lại cái hồn dân tộc”, và Nguyễn Hải mạnh dạn viết thêm: “Phạm Quỳnh là người có tinh thần dân tộc, yêu nước thương nòi !”

***

2

Gấp lại 900 trang truyện ký về 62 Nhà Giáo tiêu biểu của sự nghiệp Giáo dục nước nhà, tôi nhìn mãi vào hai chữ NGUYỄN HẢI.

Nguyễn Hải là ai mà viết nên bộ truyện ký “Những người Thầy” rất đáng đọc này ?

Truyện ký là thể loại văn học không dễ viết. Nói chính xác thì vừa dễ, vừa khó đối với người cầm bút. Dễ. bởi nhân vật và cốt truyện đã có sẵn, nhưng chính cái khuôn mẫu hiện thực đó lại giữ tay người viết. Làm sao vẫn đảm bảo tính hiện thực, lại vừa có sự sáng tạo cần thiết để tạo nên sức hấp dẫn của truyện? Càng khó hơn khi viết đến 62 thiên truyện để in vào một quyển sách. Với cách chọn lối kể chuyện cổ điển kết hợp sự biến hóa trong cách kể, với tốc độ diễn biến nhanh hơn, và đặc biệt là sự mạnh dạn đưa ra chính kiến trong việc bình giải, đánh giá nhân vật, khiến bộ sách “Những người Thầy” có được sức hút đối với cả người đọc ít chữ và người đọc nhiều chữ, khó tính.

Là người may mắn được gặp và làm quen với Nguyễn Hải từ 45 năm trước, tôi xin thưa cùng quý bạn đọc: Ông là người dành trọn đời cho Nghề Báo, Nghiệp Văn.

Đầu tháng 3/1972, một sáng thứ bảy, với bài thơ mới làm về con đường công cụ phục vụ việc khoan thăm dò địa chất để chọn nơi xây con đập chính của nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, tôi tìm đến tòa soạn báo Hòa Bình. Phải leo một dốc dài gọi là “ Dốc Ty Lao Động”, tôi mới lên đến một sân đất trên đỉnh đồi có mấy ngôi nhà lợp gianh tường trát toóc-xi, treo tấm biển hiệu ngay ngắn đề mấy chữ “ Báo Hòa Bình”. Tiếp tôi là người trạc tuổi tôi, sắp “tam thập nhi lập” gì đó, vóc dáng cao ráo, gương mặt sáng sủa, mặc đẹp, nhanh nhẹn, nụ cười rất tươi đón khách. Anh tự giới thiệu là Thư ký Tòa soạn, nhiệt thành nhận bài và hứa sẽ đọc ngay. Một tuần sau, tôi lại vượt “ Dốc Ty Lao Động” để gặp anh cảm ơn và xin tờ báo đã in bài thơ của mình. Anh vẫn thế, nhanh nhẹn, cười tươi bắt tay tôi, giục có bài gửi tiếp cho báo.

Tôi và Nhà báo Nguyễn Hải quen nhau từ đấy. Hỏi, thì được biết, quê gốc của anh ở Thái Bình, nhưng bố mẹ sinh anh ở thị xã Hòa Bình. Tuổi thơ của anh gắn với cái thị xã miền núi nhỏ bé này. Học hết cấp 2, anh về quê Thái Bình theo học cấp 3.

Vốn mê vẽ từ bé, nên sau khi học xong phổ thông, anh đã ghi tên thi vào trường Mỹ thuật Yết Kiêu (Hà Nội). Thi trượt, Nguyễn Hải về xin vào phòng Thông tin tỉnh Hòa Bình. Ít tháng sau, phòng Thông tin tỉnh gửi anh về trường Tuyên huấn Trung ương dự lớp đào tạo cán bộ báo chí dài hạn đầu tiên của cả nước.Trẻ, khỏe, được đào tạo bài bản, chàng phóng viên Nguyễn Hải ham viết, chẳng ngại rừng xa, bản vắng, hăm hở vào nghề. Kết quả là, chỉ sau mấy năm ra trường, Nguyễn Hải thành phóng viên vững, được lãnh đạo báo tin yêu, bạn nghề và bạn đọc quý mến. Năm anh được đề bạt làm Thư ký Tòa soạn báo Hòa Bình cũng chính là năm tôi gặp anh và anh đã có thâm niên chục năm là một Nhà báo rồi.

Thú thực, biết chuyện Nguyễn Hải, tôi mừng cho anh nhưng không khỏi chạnh lòng về mình. Cùng trang lứa về tuổi tác và học hành hết phổ thông, mà anh bước vào đời thanh thoát thế, còn tôi sao mà lận đận. Anh đã là Nhà báo trẻ có uy tín, là Thư ký Tòa soạn tờ báo của một tỉnh Đảng bộ, trong khi tôi vẫn đang bó mình trong trang phục Thanh niên xung phong chống Mỹ, ngày ngày quai búa, nổ mìn phá đá, phơi nắng đào xả ta luy, mở đường bên sông Đà.

Cũng may nhờ mẹ tảo tần, lam lũ cho ăn học, nhờ trời phú cho chút năng khiếu Văn chương, lại gặp được người tốt giúp đỡ, ba năm sau tôi được chuyển về làm cán bộ biên tập của phòng Sáng tác - Xuất bản Ty Văn hóa Hòa Bình. Và, tôi đã gặp lại Nhà báo Nguyễn Hải, nhờ anh chỉ vẽ cho việc “mi” sách. Anh vẫn vậy, tươi cười đón tôi, nghe tôi “sở cậy”. Việc không thành vì anh chỉ biết “mi” báo, nhưng cái đêm đông giá rét anh nhiệt thành mở cửa đón tôi ấy, vẫn đọng mãi trong tâm trí tôi.

Sáu tháng sau, diễn ra sự kiện hợp nhất hai tỉnh Hà Tây - Hòa Bình thành tỉnh to Hà Sơn Bình. Trong cơn xáo trộn lớn của tất thẩy các cơ quan hai tỉnh, Nhà báo Nguyễn Hải không về Hà Đông làm việc tại tòa soạn báo Hà Sơn Bình, anh cùng Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập báo Hóa Bình về giảng dậy tại trường Báo chí Trung ương.

Tôi và Nguyễn Hải xa nhau và bặt tin nhau từ đấy.

Đầu năm 2000, khi lo thủ tục để xuất bản Tạp chí “Văn nghệ Công nhân” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với cương vị Phó Tổng biên tập thường trực, tình cờ tôi gặp lại Nguyễn Hải. Được biết anh đã qua khóa tu nghiệp báo chí trường Đại học Lô mô nô xốp (Liên Xô), thôi chức Phó chủ nhiệm khoa Báo chí trường Đại học Tuyên giáo, về làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa giáo của Ban Khoa giáo Trung ương. Anh cười – vẫn nụ cười tươi làm rạng rỡ khuôn mặt sắp tuổi lục tuần – báo tin: sắp nghỉ hưu ở Tạp chí Khoa giáo và được mời về phụ trách tờ Giáo chức Việt Nam. Tôi xiết chặt tay anh. Vậy là anh trọn đời với Nghề Báo, và theo tôi, trải qua mấy chục năm cầm bút hành nghề, anh đã đạt đến độ viên mãn của nghề này.

Những Nguyễn Hải đâu chỉ làm Báo.

Tôi nhớ mùa lũ năm 1978. Bấy giờ, công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà đã sôi động lắm. Cả công trường đang dồn tâm sức vào việc đắp đập ngăn sông Đà. Tôi, với tư cách biên tập văn xuôi, luôn được giao trọng trách đi viết những bài Ký “đinh” cho tạp chí Núi Tản sông Đà, như con thoi nối Tạp chí với công trường thủy điện để có những bài Ký kịp thời phản ánh nhịp sống công trường. Một sáng đầu tuần, mở tờ báo Văn Nghệ của Hội nhà văn do phòng Hành chính chuyển xuống, mắt tôi dán vào cái tít chữ to in ngay trang một của tờ báo văn chương danh giá: “Đỉnh lũ sông Đà” Tôi đọc, và đọc. Một bút ký dài, ăm ắp tư liệu và hơi thở đời sống, và đáng nói nhất là cái chất Văn của nó. Đúng là một Ký ra Ký, không nhiều người viết Ký có được. Là người được cử “nằm vùng” công trường để viết Ký và tích cóp hiện thực đời sống để viết Tiểu thuyết, cũng đã viết mấy Bút ký đăng báo và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, nhưng quả thật, tôi không dấu lòng mình, thầm ngả mũ trước cái “Đỉnh lũ” của Nguyễn Hải. Và tôi tự hỏi: Có phải Nguyễn Hải – Thư ký tòa soạn báo Hòa Bình năm nào ? Hỏi, mà không có câu trả lời, vì chẳng biết hỏi ai. Bẵng đi mấy năm, tôi bận theo học Khóa II trường Viết Văn Nguyễn Du và in sách, tháng 4/1999, tôi đọc được truyện ngắn “Người ở bến Đà Giang”, sau đó là tập truyện ngắn “Cây rừng gió thổi” của Nguyễn Hải. Và, năm 2005, tiểu thuyết “Mường Động” của Nguyễn Hải đến tay tôi. Dày đến 500 trang in, “Mường Động” là cuốn tiểu thuyết thứ hai viết về dân tộc Mường, sau “Hoa hậu xứ Mường” của Nhà văn Phượng Vũ. Nhưng, những ai có hiểu biết về dân tộc Mường sẽ thấy “Mường Động” xứng đáng ngôi vị thứ nhất viết về người Mường, bởi các yếu tố Dân tộc học, Nhân chủng học, Ngôn ngữ học, Xã hội học, Phong tục, Tập quán, … được biểu hiện khá nhuần nhuyễn trong tiểu thuyết này. “Mường Động” của Nguyễn Hải viết về người Mường có thể xem như “Rừng động” nổi tiếng của Mạc Phi viết về người Thái vậy. Nhà văn Ma Văn Kháng cũng đánh giá cao “Mường Động”. Không nghi ngờ gì nữa, với “Cây rừng gió thổi” (NXB Hội Nhà văn ấn hành) và tiểu thuyết “Mường Động” do NXB Văn học ấn hành, đậm đặc dấu ấn sông Đà và “e” Mường Hòa Bình, tôi chắc chắn Nguyễn Hải là ông bạn Nhà báo điển trai, xởi lởi, Thư ký Tòa soạn báo Hòa Bình tôi quen biết đầu những năm 70 rồi ! Khẳng định, và để ý dò tìm suốt, mà chả thấy tăm hơi ông bạn Nhà báo đang kiên trì, thầm lặng theo đuổi Nghiệp Văn chương đâu.

Cũng may, giữa tôi và ông có mối duyên Văn chương sao đó. Như phần đầu bài viết này đã hé mở, khi tôi lo làm thủ tục để xuất bản tạp chí Văn nghệ Công nhân, trời run rủi cho tôi gặp được ông. Ông nhiệt thành cắp cặp cùng tôi sang gặp Cục báo chí – Bộ Văn hóa đề nghị Cục cấp Giấy phép, và sau đó ông đưa cho tôi giới thiệu các truyện ngắn “Sông Đà một thủơ” và “Mùa chim di trú” của ông trên tạp chí do tôi phụ trách. Thấy các truyện của ông rất khá, tôi gợi ý ông chọn lọc bản thảo để làm tập truyện mới. Và, không mất nhiều thời gian, tập truyện “Mùa chin di trú” của ông do NXB Lao Động ấn hành, tôi biên tập và viết Lời Tựa, Nhà văn Trần Dũng duyệt in, ra mặt bạn đọc. Tôi thấy ông đã có hai giải thưởng Văn chương của báo Văn Nghệ và báo Tiền Phong, lại đã xuất bản hai tập truyện ngắn, một tiểu thuyết được dư luận chú ý và đã chuyển thành bộ phim truyện truyền hình dài 10 tập phát trên Đài truyền hình Việt Nam, tôi giục ông làm Đơn xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ông ngần ngừ mãi mới nghe theo lời bàn của tôi. Đơn xin vào Hội Nhà văn của ông do Nhà văn Ma Văn Kháng và Nhà thơ Trần Ninh Hồ cùng viết giới thiệu, ông nộp cho Ban Tổ chức Hội viên của Hội Nhà văn giữa năm 2000. Với hai tên tuổi của làng Văn như thế giới thiệu, tôi đinh ninh... Vậy mà...

Tôi đã nghĩ ông cũng cao tuổi rồi, cái duyên nợ Văn chương trong ông không chắc có còn dăng níu, và hẳn ông đã buông bút, nghỉ ngơi sau lá đơn thứ nhất không thành.

Vậy nhưng ... bỗng ông gọi điện thoại, báo với tôi đã hoàn tất bản thảo, có ý muốn xuất bản tập Truyện - Ký “Những người Thầy”. Tôi mừng rỡ đón nhận tập bản thảo cả một xấp dày ông trao cho. Mọi việc xuất bản suôn sẻ, nhanh chóng. Để bây giờ, “Những người Thầy” của ông ra mắt bạn đọc, và tôi vui mừng viết lời giới thiệu này. Viết đến dòng cuối bài, tự nhiên trong tôi bồi hồi nhói một câu hỏi: Liệu với bộ sách “Những người Thầy” sáng giá đây có giúp tác giả của nó suốt bấy lâu nặng lòng theo Nghiệp Văn Chương, lần này có toại nguyện ước mơ thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ? !

Khương Đình – Hà Nội, 25/6/2016

P.N.C