Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"THẦN ĐỒNG" TRI ÂN "ÔNG HOÀNG"

Tuyên Hóa
Thứ tư ngày 1 tháng 6 năm 2016 11:22 AM





QĐND -
Nhà thơ Xuân Diệu là một trong những người phát hiện ra “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa từ những bài thơ manh nha của tập “Từ góc sân nhà em”. Xuân Diệu đã đích thân về tận nhà Khoa tại một làng quê hẻo lánh ở huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) để kiểm tra bằng cách “ra đề” cho Trần Đăng Khoa sáng tác. Sau này, ông thường trực tiếp động viên, khích lệ Trần Đăng Khoa về những bài thơ hay và trao đổi về những câu chữ chưa hay của thơ Khoa. Trong rất nhiều bài viết cũng như nhiều cuộc nói chuyện, Trần Đăng Khoa thừa nhận rằng nhà thơ Xuân Diệu là thầy dạy thơ của anh.

 

Đầu năm 2016, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Trần Đăng Khoa tham gia chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (2-2-1916 / 2-2-2016). Trong quá trình chuẩn bị tư liệu, anh rất băn khoăn vì các hình ảnh và hiện vật về Xuân Diệu quá hiếm hoi. Sực nhớ vào khoảng những năm 1967-1968, nhà thơ Xuân Diệu có dẫn một đoàn nghệ sĩ Pháp về nhà Khoa làm một bộ phim về anh; trong đó có mấy lần nhà thơ Xuân Diệu đứng trước ống kính giới thiệu về Trần Đăng Khoa và bình luận về thơ Khoa. Nhưng bộ phim ấy Trần Đăng Khoa chưa được xem và anh cũng không biết có còn không. Sau một thời gian nỗ lực “mò kim đáy bể”, cuối cùng, Trần Đăng Khoa đã có được bộ phim kể về mình, làm từ nửa thế kỷ trước. Một đồng nghiệp Pháp đã tìm được nó trong kho lưu trữ phim của Đài Truyền hình quốc gia Pháp và chuyển qua internet cho anh.


Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu, bộ phim đã được trích giới thiệu trên VTV và chiếu tại các cuộc hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp Xuân Diệu. Nhiều cá nhân và tổ chức cũng được tặng đĩa phim. Đó là bộ phim duy nhất tính đến nay có nhiều đoạn quay trực tiếp về nhà thơ lớn Xuân Diệu. Biết bao người hâm mộ “ông hoàng thơ tình” đã rưng rưng cảm động khi xem phim, nhưng ít ai biết được “xuất xứ” của bộ phim…Khỏi phải nói nhà thơ “thần đồng” vui sướng như thế nào. Nhưng sau khi xem phim, Trần Đăng Khoa lại hết sức băn khoăn vì mình xuất hiện nhiều hơn Xuân Diệu; trong khi theo anh, Xuân Diệu phải xuất hiện nhiều hơn mới đúng. Thế là Trần Đăng Khoa lại phải cậy cục nhờ mấy chú em kỹ thuật bên kênh truyền hình VOV biên tập lại, bỏ bớt hình ảnh “thần đồng thơ”, bổ sung một số tư liệu, hình ảnh về “ông hoàng thơ tình” thành một cuốn phim về Xuân Diệu cũng khá… tươm tất.

TUYÊN HÓA
* Ảnh chế của Trương Tuần