Nhà văn Nga Konstantin Paustovsky >>>>
( Qua bản tiếng Nga)
Thực là thú vị và bổ ích khi chúng ta được ngó mắt vào công việc “ bếp núc” của nghề văn lại do chính các nhà văn kể lại. Nhà văn Nga chuyên viết những chuyện lãng đãng, mộng mơ -Konstantin Paystovsky khá quen thuộc với bạn đọc nước ta với những “ Tuyết”, “ Con tàu đi Simferopol”, “ Lãng quả thông”, “ Natchia”…cũng đã bàn về việc nghề trong tập tiểu luận đầy chất thơ “ Bông hồng vàng”.
Xin giới thiệu với bạn đọc đoạn tản văn dưới đây rút từ tập “ Chuyện đời” của ông, khi nhà văn muốn làm sáng tỏ mối liên quan giữa những gì quan sát rồi ghi chép lại với trí nhớ, với óc tưởng tượng sáng tạo….
Nhiều người thường hỏi các nhà văn họ có tìm sự trợ giúp của số ghi chép hay thuần túy dựa vào ký ức?
Số đông các nhà văn đều có sổ ghi chép nhưng họ rất ít khi dùng tới lúc ngồi vào bàn để tạo ra những trang sách của mình. Số ghi chép tồn tại trong văn học chủ yếu lại như một thể loại độc lập. Chúng thường ra đời bên cạnh các cuốn tiểu thuyết, các tập truyện ngắn, truyện vừa của nhà văn này, nhà văn kia.
Ngay từ thời ở bậc trung học, thày giáo môn “ tiếng Nga” của chúng tôi, ông già Sulghin rất thích nhắc nhở để chúng tôi nhớ rằng” Văn hóa đó là ký ức”. Thoạt đầu chúng tôi không thể nào hiểu nổi thày Sulghin ý nói gì..Rồi với năm tháng và tuổi tác chúng tôi hiểu ra điều thày căn dặn.
-Chúng ta – thày Sulghin nói- lưu giữ trong trí nhớ của mình cả một thế kỷ. Toàn bộ lịch sử thế giới, những hình ảnh, những suy ngẫm- tất cả găm vào trong ký ức rồi lý trí của chính chúng ta buộc chúng ta phải làm việc. Nếu không có ký ức, chúng ta đang sống đấy mà như những con chuột chũi mù lòa.
Đối với nhà văn ký ức hầu như là tất cả. Ký ức không chỉ lưu giữ lại những chất liệu đã được gom tụ được. Giống như một cái sàng màu nhiệm, ký ức gạn lọc lấy những gì quý giá nhất.Bụi bẩn và mủn ải bị gió xáo sới lên rồi cuốn đi, còn lại trên mặt đất là những hạt mẩy vàng. Và chí từ những hạt mẩy vàng đó thôi mới có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật.
Không phải tình cờ tôi xin trở về với những cuốn sổ ghi chép.
Mấy năm trước người ta đã nhờ tôi đọc cuốn sổ ghi chép của một nhà văn đã qua đời.Tôi bắt đầu đọc và bị thuyết phục ngay vì đó không phải là những mẩu riêng lẻ, được ghi lại như những gì thường bắt gặp trong những cuốn vở ghi chép, những cuốn số nhật ký. Cuốn ghi chép của nhà văn xấu số này hoàn toàn gắn liền với việc miêu tả một thành phố biển cón ít người biết tới. Sau đây tôi sẽ làm sống lại những dòng ghi chép kia với độ chính xác có thể.
Xin được nói ngay, càng đọc vào sâu cuốn ghi chép này thì những màu sắc, những mùi vị không thể nào quên, những nơi tôi đã từng tới như bật sống cả dậy trong ký ức. Ấy thế nhưng tôi không thể nhớ lại ngay được tôi đã gặp cảnh này, cảnh kia ở nơi nào và bao giờ. Tất cả như bước ra từ màn sương mù hoặc từ một giấc mơ đã lâu mà mình đang cố gắng phục hiện lại từng mảnh, từng mẩu y như hàn dính lại một cái bình sứ bị vỡ.
Vậy điều gì đã có trong những cuốn sổ ghi chép?
Trước tiên, đó là sự miêu tả chính xác những hàng cây, những bông hoa của giống cây keo ở thành phố ven biển...
“ Loài hoa này nhanh chóng chuyển qua màu vàng, phơn phớt hồng có cảm giác như héo khô đi một chút.
Bóng rợp của những chùm lá đổ trên những bức tường trắng chập chờn đung đưa mỗi khi có một làn gió nhẹ thoảng qua. Ngắm nhìn bóng rợp lung linh đó cũng đủ nhận ra anh đang ở phía Nam và ở không xa biển.
Khi những hàng keo thiu ngủ, gió mang những vốc hoa rải đầy các đường phố.Những cánh hoa keo như những lớp sóng lặng lẽ lang thang trên những khúc đường trải nhựa, chạy tới tụ họp dưới chân những hàng rào sắt bao quanh những khu vườn hoặc những bức tường nhà.”
Trong cuốn sổ ghi chép mà tôi đang đọc còn có cả những dòng miêu tả những bậc đá lối xuống các bến cảng. Đó không phải những gì vụn vặt cần cho việc miêu tả văn chương mà trong cơn nhập đồng người viết ghi lại.
“ Những bậc tam cấp trên lối xuống bến cảng sáng ánh lên màu chì bởi những chiếc móng ngựa siết qua. Giữa những khe đá nhú mầm mạ xanh non của những hạt lúa kiều mạch, lúa mì rơi vãi. Một loài cây dại mọc lên dưới chân bức tường bao quanh bến cảng.Những cành nhánh của loại cây dại này cố vươn lên cao hệt như một dòng thác ngưng chảy được tạo nên bởi gió,đám lá xanh, những chiếc gai nhọn và những bông hoa vàng.
Ở đôi chỗ trên cái nền xanh bụi bậm ấy hiện ra những khoảng không gian cuốn hút mắt nhìn. Đó là nơi trú ngụ của các quán cà phê, quán trà. Ngoài cà phê ra, bạn có thể thưởng thức ở những quán này món bánh rán phết mật theo kiểu Thổ nhĩ kỳ.
Các quán cà phê, quán trà này thường lắp cửa kính. Thấp thoáng sau lớp kính là bóng dáng những chàng thủy thủ đang mải mê chơi bài tây.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Cũng ở nơi này còn có những bà già ngồi trên những chiếc ghế thấp bán hạt dẻ rang. Góc sâu hơn như ngập chìm trong cái nóng nực,ở đó có thể nghe thấy tiếng những chiếc thìa gỗ đảo trên chảo gang để rang đám hạt dẻ.
Có một chiếc cổng hình vòm. Nhìn qua cổng xuống phía dưới- giống như trong bức tranh của trẻ con- cảng hiện ra hệt như một món đồ chơi.
Những con đê chắn sóng mảnh mai mọc đầy cỏ dại. Cỏ cũng phủ kín những đoạn đường rày. Điều này thật đáng tiếc. Nếu không thế, chúng ta sẽ nhìn thấy những thanh đường rày đỏ lên vì rỉ sét và những đóa hoa cúc như dán những cánh trắng mỏng mảnh của mình vào những thanh rày kia.
Trong miệng những chiếc ống gang dẫn xuống bờ cảng đều chứa một thứ nước lợ. Hãy ghé mũi vào đấy bạn sẽ ngửi thấy một thứ mùi khiến trái tim bạn như đập rộn ràng hơn. Đó là mùi của biển cả trộn lộn với mùi của cây ngải cứu –thừ mùi vị đó khiến đầu óc bạn tỉnh táo hơn để nhớ lại những chuyến ra khơi vốn vẫn làm giàu có cho con tim và khối óc bạn.
Những ngọn sóng xanh ngắt vẫn hắt bọt tung tóe.
Từ tít trên cao những con hải âu cất tiếng cười ranh mãnh khi nhận ra lũ giẽ giun hiền lành kiếm mồi phía dưới.
Sóng biển vỗ ì oạp vào bờ đập khiến những sợi dây xích dưới chân tháp đèn kêu rít lên. Như phụ họa, ánh sáng của ngọn hải đăng trên phần đất nhô ra của hải cảng cũng nhấp nháy liên hồi.
Những chiếc cột buồm nhấp nhô ngoài bến cảng có treo những quả bóng, những chiếc mũ- những dấu hiệu bí ẩn.
Những quả bóng đen kia cảnh báo điều gì? Có thể là sắp có những lớp sóng bùn. Mà cũng có thể là sóng yên bể lặng hoàn toàn.Khi đó độ trong suốt của không gian như tan hòa vào biển biếc. Và biển cả nhận lấy sự trong trẻo này để mở ra tầm nhìn xuyên thấu tới tận đáy.
Không, có thể có giông bão! Những cánh buồm đen trên những con thuyền đánh cá chẳng đang run rẩy kia thôi. Trong lúc nhập nhoạng bước vào đêm những ngọn đèn trên các con tầu nhấp nháy liên hồi.
Ý định về một chuyến đi xa đã lụi tắt trong lòng bạn.Ấy thế mà bạn vẫn cảm thấy hơi nuối tiếc sẽ phải tạm biệt thành phố đáng mến này, khi những làn gió làm bật mở những cánh cửa sổ trên các bức tường, để bạn được ngó mắt nhìn vào trong những gian phòng sáng rực ánh đèn mà nhận ra những cuốn sách dày cộm, có thể là những tổng tập của tạp chí “ Neva”, tạp chí “ Vòng quanh thế giớ” hay tạp chí “ Tổ quốc”.
Chả lẽ ở bến cảng này không hề có một con tầu đi biển nào sao?. Có đấy, nhưng là một chiếc xà lan. Nó như đang thiu ngủ một cách ngon lành bên bờ kè. Còn có cả một chiếc tầu dắt già nua mang tên « Người công dân Biển cả ». Còn có cả hai chiếc thủy ngư hạm súng đạn đầy mình.
Đã có một thời những chiếc tầu chiến này được đưa tới đây để loại bỏ. Ấy vậy nhưng chừng nào chúng còn hiện diện ở cảng, những chùm xích sắt nặng nề vẫn như những cánh tay thọc thẳng xuống nước. Xuyên qua những giấc mơ, những con tầu này vẫn muốn nhắc lại những chuyến hải hành của mình tới vịnh Maghenlla Và mũi tầu cắt góc quần đảo nước nhờn Arkhipelag. Trong bóng tối, dù phải khó khăn một chút vẫn nhận ra những mũi đất, đài quan sát và ống khói những con tàu.
Ban ngày có thể đi thuyền đến với những thủy ngư hạm kia để trao vào tay đám thủy thủ bao thuốc là “ Nàng Digan Ala” và sau đó ngồi dưới bóng rợp của cột ống khói mà đọc cuốn sách bạn ưa thích, ngồi như vậy đến lúc nào cũng được. Tốt nhất, trong thời khắc ấy hãy đọc thơ hoặc những ghi chép du ký, kiểu như “ Tàu khu trục Pallada” hay nhật ký của thuyền trưởng Cook.
Nhưng nói chung ra, bạn hãy tự lựa lọc lấy sách mà đọc..Chứ cánh buồm bạc phếch vì tuổi tác và mùi vị của những boong tàu bằng thép quấn quit rong rêu ở phía dưới vẫn sẽ cuốn hút bạn hơn.
Đứng trên boong của những thủy ngư hạm vinh quang một thuở này bạn có thể nhìn bao quát biển biếc.
Biển không lấp lánh màu xanh da trời, màu lam ngọc, màu tím ngắt và những vẻ đẹp quen thuộc của vùng biển phương Nam.
Biển xanh màu lá tơ non và bình yên. Vật trang điểm duy nhất cho biển cả là những đám mây. Biển mê say ôm lấy bầu trời khi biển hiểu rằng chỉ có mây trời là làm sống dộng không gian của biển cả.
Những cụm mây chậm rải ùn lên ở phía nam. Nom chúng giống như những thành phố thời Trung cổ với những pháo đài, những ngôi nhà thờ,những vòm cuốn hoành tráng, những lâu đài nguy nga..Chúng giống cả hai dẫy núi tuyết Monblanov và Monteroz.
Một ông họa sỹ ngông cuồng nào đó đã phết màu lên thành phố này. Để những đám mây như bừng sáng lên vào lúc chập choạng chiều –một buổi chiều hòa trộn nhiều sắc màu từ xanh lá cây chuyển qua màu vàng, màu hồng ngọc cho tới màu ánh bạc.”
Tôi đọc cuốn tập ghi chép và điều gì đó rất đỗi thân thuộc như bóp nghẹt trái tim tôi.Tôi gắng lục tìm có thể là tên mới, hoặc tên cũ của cái thành phố hiện ra trong những trang ghi chép kia. Từ sâu thẳm trong lòng tôi thầm đoán xem thành phố ấy là thành phố nào, nhưng tôi không thể đoán ra..
Aha! Đây rồi! Tôi đã tìm được…Trong các tác phẩm của một nhà văn nổi tiếng, cứ cho là ông ta sinh trưởng ở cái thành phố được miêu tả trong tập vở ghi chép kia đi, tuyệt nhiên không có điều gì giống như ông ta đã ghi lại trong tập vở của mình. Không hề có biển cả, không hề có bến cảng, không hề có những hàng cây keo, càng không có một cánh buồm đen nào cả !