Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÙI VIỆT THẮNG VIẾT VỀ TIỂU THUYẾT CỦA TRẦN NHƯƠNG

Bùi Việt Thắng
Thứ năm ngày 2 tháng 6 năm 2016 12:01 PM



Bài in trên Người Hà Nội

XÃ HỘI BA ĐÀO KÝ MỚI


(Tản mạn về Kim cổ kỳ quặc ký, tiểu thuyết của Trần Nhương,

Nxb Hội Nhà văn, 2016)


Trong tình trạng bão hòa của văn hóa đọc hiện nay bởi nhiều lí do (vì thiếu thời gian nhàn rỗi, vì sự cũ kỹ và nhàm chán của sách văn chương, vì sự cạnh tranh quyết liệt của văn hóa nghe nhìn, vì sự bành trướng của công nghiệp giải trí,…), mà vẫn nhiều người vồ vập đọc Kim cổ kỳ quặc ký, thì theo tôi, là một thắng lợi để xua tan cái mặc cảm “văn chương lâm nguy”. Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng văn chương của ta lâu nay nghiêm trang, nghiêm nghị, nghiêm chỉnh, nghiêm túc quá. Có lẽ nó là cái quán tính của một nền văn chương sinh ra trong tranh đấu cách mạng, những vấn đề lợi ích dân tộc và giai cấp luôn bao trùm và chi phối, hướng dẫn sáng tác. Văn chương vắng bóng tiếng cười nên thiếu hẳn cái phóng khoáng, phiêu bồng. Tuy nhiên phải nói lại cho đúng thực tiễn sáng tác văn chương rằng, cũng đã có những cố gắng bù đắp cái khiếm khuyết như đã nói ở trên qua sáng tác của Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban,… Nay thêm lão tướng Trần Nhương. Nhưng có lẽ còn thiểu số quá.

Kim cổ kỳ quặc ký là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Trần Nhương (trong tổng số 18 tác phẩm thuộc các thể loại thơ, tuyện ngắn, tiểu thuyết, trường ca, tản văn). Độc giả lâu nay bị cái ấn tượng Trần Nhương là chủ một trang website -Trannhuong.com - nhiều thông tin đa chiều, nhiều người truy cập nhất, và cũng không ít tai bay vạ gió. Ít ai nghĩ người này chịu trốn vào một góc nào đó tĩnh tâm mà viết tiểu thuyết. Bởi vì thông thường viết tiểu thuyết thì phải bài binh bố trận, thì phải có đề cương, thì phải theo dõi tiến trình, thì phải đầu tư thời gian…Tôi đồ rằng Trần Nhương khác người khi viết tiểu thuyết. Cứ nhẹ tênh tênh. Đọc Kim cổ kỳ quặc ký thấy cái “mùi chữ” Trần Nhương rất rõ: bên ngoài thì cứ như “trăm ghìn đổ một trận cười như không”, nhưng bên trong thì thâm trầm, đau đớn, phẫn nộ, bi ai. Đủ cả mùi vị tham sân si, ái ố hỉ nộ của cõi trần gian. Tác giả tự nhận Kim cổ kỳ quặc ký là một “thiên truyện hoạt kê”. Nhưng đọc xong thì lại thấy nó tổng hợp cả trinh thám, tâm lý, ngôn tình, hài hước, luận đề, du ký. Và cả…sex. Làm thế nào để độc giả cầm đọc Kim cổ kỳ quặc ký? Có lẽ khi bắt tay viết tác giả đã có sự tính toán chi li. Tại sao không? Hậu hiện đại chăng? Trần Nhương, tôi nghĩ, là người xa lạ với các chủ nghĩa (ism). Dòng ý thức chăng? Nghe có vẻ hiện đại tân kỳ nhưng chắc gì đã bằng “nôm na mách qué”. Thôi thì cứ “chương hồi” truyền thống ta làm. Một câu chuyện có tính du ký của nhân vật Mao Tôn Úc như trong sách thì cái cách kể chuyện truyền thống “muốn biết…xem hồi sau sẽ rõ” thiết nghĩ là đắc dụng hơn cả.

Theo chân Mao Tôn Úc độc giả sẽ biết vô khối chuyện khi khóc khi cười, thậm chí đôi khi dở khóc dở cười. Nhân vật này như một thỏi nam châm hút vào trong mình tất cả những gì có thể. Trên trời dưới bể, thượng vàng hạ cám, lành ít dữ nhiều, đúng hơn là một cuộc bể dâu lắm những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Nhưng có lẽ độc giả hiểu hơn cái thế giới được gọi là trí thức văn nghệ sỹ. Đặc biệt là giới phê bình văn chương. Là người viết phê bình nhưng đọc Trần Nhương tôi không tự ái, có lẽ do cách viết của nhà văn – nó trúng quá, nó thành tâm quá, nên đôi khi như bị té tát mà vẫn có thể bình tĩnh. Là vì nhà văn nói về thói xu phụ, cơ hội, tô vẽ hòng kiếm chút “cám bã”. Mà mình không như thế thì cớ gì phải động lòng. Hà cớ gì phải “nóng gáy”?! Cái giỏi của Trần Nhương có lẽ chính là đây - phê phán quyết liệt đấy nhưng thôi, tôi trừ anh ra. Tôi nói những kẻ khác kia. Đúng thế chăng?! Nhưng mà không khuôn vào chuyện chỉ của văn giới. Nó mở rộng ra chuyện nhân tình thế thái. Không chỉ là tiểu cục mà là đại cục. Rộng ra là những khát vọng chính đáng của con người về tự do, bình đẳng, bác ái – khẩu hiệu của những cuộc cách mạng trong quá khứ nhưng xem ra vẫn nóng hổi ý nghĩa thời sự trong hiện tại. Có thể là vô thức, cũng có thể là có ý thức, tôi nghĩ Trần Nhương đã học hỏi được ít nhiều lối viết của các bậc tiền nhân trong “xã hội ba đào ký”, một chuyên mục rất nhiều người thích đọc trên An Nam tạp chí của Tản Đà bởi nhà văn Nguyễn Công Hoan thường xuyên tham gia viết. Rồi phát huy ưu điểm, nâng lên để viết “kim cổ kỳ quặc ký” thời hiện đại. Nên chăng báo chí văn chương hôm nay cần có một mục như thế để giữ chân người đọc và tăng “tia-ra” lên mức lạc quan.

Theo chân nhân vật chính Mao Tôn Úc, độc giả được “thăm quan”, thám hiểm khắp hang cùng ngõ hẻm, từ kinh đô cho tới tận Vũng Âm (một địa danh miền Trung), lên núi xuống biển, ra phố vào chùa, vào nhà kẻ sang đến nhà kẻ hèn. Cứ thế thấy thời sự hôm nay quyện với chuyện xưa, người cổ với người kim. Đâu đâu, ai ai cũng cuống cuồng, nhốn nháo, thị phi. Thôi thì đủ trò lừa đảo, mánh mung, thủ đoạn đê hèn chỉ nhằm kiếm bổng lộc, quyền lợi cho cá nhân mà quên đi lợi ích của cộng đồng. Thôi thì không thiếu cảnh đâm thuê chém mướn của lũ côn đồ nghịch tặc. Lại cũng không hiếm kẻ bẻ bút làm bồi bút, ban đầu có thể chỉ vì miếng cơm manh áo nhưng rồi bán danh dự nhân phẩm lúc nào không biết. Nghĩa là đủ cả những trò đời trên một sân khấu nửa sáng nửa tối, nửa cũ nửa mới, nửa Tây nửa ta. Một tình thế đời sống nước đôi, không hẳn là ánh sáng cũng không hẳn là bóng tối. Nó cứ ở lưng chừng như nước lợ, nửa nạc nửa mỡ, nửa chính chuyên nửa nhố nhăng, như dân gian thường nói. Một hỗn độn của những cái vô nghĩa lí.

Đọc Kim cổ kỳ quặc ký đôi khi độc giả có cảm giác lạc vào mê cung, mê lộ của chuyện đời. Nhưng trong cái hỗn độn đó lại lần lượt hiện ra cái phi lý như một lực lượng, sức mạnh đang ngự trị, chi phối, điều tiết sự vận hành xã hội. Ai đó tin tưởng sái cổ vào “cái hợp lý” thì khi đọc Kim cổ kỳ quặc ký của Trần Nhương sẽ thất vọng. Ai đó tin rằng tất cả chỉ là tương đối, và đặc biệt tin rằng “cái phi lý” đang thống trị thì sẽ điềm tĩnh mà tri nhận cuộc đời, nói như dân chơi “ là vậy mà không phải là vậy”. Các nhà lý luận mỹ học thì nói tiếng cười là vũ khí của kẻ mạnh. Ai đó nói dí dỏm thì gọi tiếng cười là “phép vệ sinh tinh thần”. Kiểu gì nói cũng đúng. Trần Nhương đã lễ mễ khiêng vác tiếng cười vang dội vào văn chương.

Đọc Kim cổ kỳ quặc ký của Trần Nhương lại nghĩ đến cái gọi là liều lượng và thái độ khi viết về cái xấu cũng như cái tốt. Làm gì có liều lượng của cái tốt và cái xấu. Nó tùy thời. Nếu cái ác, cái xấu bành trướng và ngự trị như bây giờ thì phải viết về nó như thế. Nếu cái tử tế (người và việc) trở nên hiếm hoi, khó gặp thì cũng không thể nào viết khác được. Có lẽ vì thế mà trong tiểu thuyết này nhà văn có một đề nghị, chắc được nhiều người biểu đồng tình, nên bổ sung vào “tứ khoái” thêm một “khoái” nữa là được “nghĩ gì nói nấy”. Nên chăng?! Tôi hiểu đó là cái sung sướng, hạnh phúc của nhà văn được viết sự thật như nó vốn có, như “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Chỉ có những kẻ “máu cá” mới không thấy lay động tâm can trước “sự đời nước mắt soi gương” như đời sống xã hội ngày nay.

Tôi nghĩ đây chưa phải là tác phẩm cuối cùng để sau đó nhà văn “rửa tay gác kiếm” như ai đó vẫn nói. Độc giả cả trong và ngoài nước vẫn cứ tin tưởng và kỳ vọng thì hà cớ gì nhà văn lại “về hưu”. Hãy đợi đấy! Nói như một bộ phim hoạt nhình Nga nổi tiếng. Nhưng trước hết hãy đọc ngay Kim cổ kỳ quặc ký, quý vị sẽ thấy thư thái, thích thú, tỉnh trí vì thành thật, trung thành, tha thiết./.

· Tên sách viết KIM KỔ KÌ KUẶC KÍ